Gia tài di sản văn hóa phi vật thể Quảng Trị

Quảng Trị là một vùng đất có bề dày lịch sử, là nơi hội lưu nhiều dấu ấn của các nền văn hóa. Gia tài di sản văn hóa phi vật thể Quảng Trị được xây dựng bởi các tộc người Chăm, Việt, Tà Ôi, Bru-Vân Kiều trải suốt chiều dài lịch sử hàng ngàn năm.

Bằng cách chuyển tải liên tục trên sự kế thừa các yếu tố nội lực với tất cả sự năng động, sáng tạo, sự hội nhập, giao thoa, kết tinh, lan tỏa với văn hóa các cộng đồng tộc người ở các vùng, miền để hòa nhập vào dòng chảy chung của đất nước.

Từ năm 2011 đến 2015, thực hiện theo Thông tư số 04/2010/TT - BVHTTDL quy định việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể để đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; được sự chỉ đạo của UBND tỉnh và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bảo tàng tỉnh Quảng Trị đã tiến hành tổ chức nhiều đợt tổng điều tra, kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể tại địa bàn các huyện: Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh, thị xã Quảng Trị, Vĩnh Linh, Cam Lộ và 6 xã (A Bung, A Ngo, A Vao, Tà Rụt, Tà Long và Hướng Hiệp) của huyện Đakrông và 3 xã (Thanh, A Xing, A Túc) của huyện Hướng Hóa. Qua bước đầu tiến hành điều tra, nhận diện, kiểm kê tại địa bàn các làng xã thuộc những huyện nêu trên; kết quả bước đầu đã lập phiếu kiểm kê cho 316 di sản văn hóa phi vật thể tập trung theo 7 loại hình chính như sau:

- Những di sản thuộc loại hình tiếng nói, chữ viết của ba dân tộc Việt, Bru- Vân Kiều và Tà Ôi, đã đưa vào danh mục kiểm kê 2 di sản: Ngữ âm dân gian xã Vĩnh Tú, ngữ âm làng Phú Hải.         

 - Những di sản thuộc loại hình ngữ văn dân gian, bao gồm sử thi, dân ca, ca dao tục ngữ, hò, vè, câu đố, truyện cổ tích, truyện trạng, truyện ngụ ngôn, truyện cười, hát ru và các biểu đạt khác được chuyển tải bằng lời nói hoặc chữ viết của người Việt, người Bru - Vân Kiều; người Tà Ôi, đã kiểm kê được 19 di sản như: Truyện trạng Vĩnh Hoàng, Hò Như Lệ, Sự tích Thần Đá làng Phương Sơn, Sự tích các vị thần làng An Lợi, Sự tích Ông Dài Ông Cụt làng Nhan Biều… Các điệu hò dã gạo, Hò Như Lệ,  Hát ru con, Hát Cà lơi cha chấp, Oát xà nớt; hát Sim...

Dân tộc Vân Kiều - Quảng Trị. Ảnh: rfa.org.

- Những di sản thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, âm nhạc, múa, hát, sân khấu... đã đưa vào danh mục kiểm kê 65 di sản như: Hội Trống quân làng Điếu Ngao, Tuồng Chợ Cạn, Múa Đồng Náp, Chèo cạn Tùng Luật, Múa Đăng hèo làng Hà Trung, Hát Bả trạo làng Phú Hải, Đội nhạc cổ làng Điếu Ngao...

- Những di sản thuộc loại hình tập quán xã hội, luật tục, hương ước, chuẩn mực đạo đức, nghi lễ và các phong tục, luật tục... có 87 di sản: Lễ kỳ phước của các làng cổ Quảng Trị, Lễ giổ Tổ Khai sơn Tổ đình Sắc Tứ Tịnh Quang, Hội rước thành hoàng làng, lễ cúng tổ nghề truyền thống, Luật tục trong tang ma, cưới xin của người Việt và người Bru vân kiều và Tà Ôi…

- Những di sản thuộc loại hình lễ hội truyền thống và lễ hội cách mạng có 27 di sản như: Đua thuyền, bơi chải, Hội cù làng Cổ Lũy, Hội đu Lan Đình, Lễ hội chợ đình Bích La, Lễ hội Cầu ngư làng Phú Hội, Hội bài chòi làng Ngô Xá Tây, Hội cờ chòi xã Hải Hòa, Hội vật làng Xuân Viên, Lễ hội đâm trâu, Lễ hội A Riêu Ping của người Pa Kô, Lễ hội thả hoa trên sông Thạch Hãn, Lễ hội thống nhất non sông tại đôi bờ Hiền Lương …

-  Những di sản thuộc loại hình nghề thủ công truyền thống đã kiểm kê 86 di sản như: Nghề dệt chiếu làng Lâm Xuân, Nghề làm giấy Phổ Lại, Nghề làm bún Thượng Trạch, Nghề làm muối Tường Vân, Nghề dệt lưới Thâm Khê, Nghề đan lát Lan Đình, Nghề cào hến làng Mai Xá, Nghề làm bánh ướt làng Phương Lang, Nghề làm hàng mã làng Phú Hải, Nghề chằm nón làng Trà Lộc, làng Phú Liêu, Nghề nấu rượu làng Kim Long, Nghề làm nước mắm Mỹ Thủy...

- Những di sản thuộc loại hình tri thức dân gian, bao gồm tri thức về thiên nhiên, đời sống con người, lao động sản xuất, y, dược học cổ truyền, ẩm thực, trang phục và tri thức dân gian của người Việt và đồng bào thiểu số Quảng Trị có 30 di sản: Canh ám làng Lam Thủy, Cháo bột làng Diên Sanh, Bánh dầy làng Đạo Đầu, Bài thuốc gia truyền chữa bệnh chó dại cắn, Bài thuốc chữa rắn cắn, Bài thuốc chữa đau răng, các loại lá cây chữa bệnh, thuật thổi chữa gãy tay, bong gân  ...

Người dân đi mua lộc ở đình Bích La. Ảnh: Kienthuc.net.vn

Các loại hình di sản phi vật thể truyền thống được lưu giữ khá nhiều trên vùng đất Quảng Trị: Từ tiếng nói, ngữ âm dân gian, nếp sống, phong tục tập quán, lễ hội truyền thống và lễ hội cách mạng, nghề thủ công truyền thống đến các tri thức dân gian về đời sống lao động, về ẩm thực..., nó chính là phần hồn, là sự sống, là dòng chảy tâm linh tồn tại vững chãi và bền bỉ trong đời sống cộng đồng các làng bản của người dân Quảng Trị.

Tiếng nói, chữ viết, ngữ văn dân gian là các loại hình di sản văn hóa phi vật thể quý giá của con người, nhờ có nó mà con người mới trao đổi, chuyện trò tâm sự cùng nhau. Tùy mỗi vùng miền, mỗi địa bàn mà phương ngữ có sự khác biệt, người Quảng Trị đa số có chất giọng nặng, đặc trưng, trong giao tiếp chủ yếu sử dụng tiếng địa phương, chính các yếu tố đó đã tạo nên các bản sắc riêng biệt mà không thể lẫn vào một địa phương nào khác. Ngữ văn dân gian ở đây khá phong phú và đa dạng, nó bao gồm các loại tự sự dân gian là các câu chuyện Trạng Vĩnh Hoàng, huyền thoại về các vị thần mà người dân thờ cúng; các loại trữ tình dân gian là các làn điệu hò, hát ru con, hát cà lơi cha chấp, Oát xà nớt; hát Sim... Tất cả đã tạo nên được bản sắc riêng biệt của vùng đất mà bất cứ ở đâu cũng không có được.  

Một trong những loại hình di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu ở Quảng Trị chính là lễ hội dân gian và lễ hội cách mạng của các dân tộc anh em cùng chung sống trên địa bàn. Lễ hội của các cộng đồng tộc người Quảng Trị luôn mang đậm tính lịch sử và nhân văn cao cả, đó là hình thức tôn vinh thành kính đến các vị thần làng, người có công khai sơn phá thạch hình thành xã tắc, đến những người có công với nước trong sự nghiệp chống giặc ngoại xâm, xây dựng quê hương, các vị tổ sư các ngành nghề... Qua các lễ hội càng đề cao tinh thần thượng võ, ham tranh đấu lạc quan, yêu đời động viên mọi người rèn luyện tài năng ca ngợi thành quả lao động, sức sáng tạo của con người trong quá trình sống, lao động.

Bên cạnh những cư dân làm nông nghiệp, ngư nghiệp thì những nghề thủ công truyền thống là nét văn hoá đặc sắc, là di sản văn hoá phi vật thể quý giá của người dân Quảng Trị. Các nghề truyền thống ở đây xuất hiện khá sớm và gắn liền với các vùng nông nghiệp và người nông dân làm nghề thủ công để giải quyết hợp lý sức lao động dư thừa được cơ cấu theo đặc trưng nông nghiệp là mùa vụ. Mặt khác, từ sản phẩm, chúng ta cũng nhận thấy gốc tích nông nghiệp như nguyên vật liệu, công cụ chế tác, giá trị sử dụng và đặc biệt là nó phản ánh được tính chuyên dụng và sinh hoạt cộng đồng của cư dân nông nghiệp trên các sản phẩm đó. Nhìn vào những nghề thủ công nổi tiếng: nghề đan lát Lan Đình, nghề làm bún Cẩm Thạch, bánh ướt Phương Lang, nghề nấu rượu Kim Long, nghề làm giấy Phổ Lại, nghề kim hoàn An Xuân, chằm nón Bố Liêu, dệt vải Lập Thạch, nghề làm quạt giấy Phương Ngạn ...

Những di sản loại hình tri thức dân gian là các tri thức về thiên nhiên được thể hiện rõ trong đời sống con người, trong lao động sản xuất. Y dược học cổ truyền là các bài thuốc dân gian bằng lá cây, chữa bệnh đau răng, chữa chó dại cắn, phép thổi liền xương... Các món ăn dân dã được chế biến chính từ những sản phẩm do mình làm ra như: Bánh lọc Mỹ Chánh, canh ám làng Lam Thủy, bánh đúc rau câu Cửa Tùng, mắm đam Trà Trì...

Bánh lọc Mỹ Chánh. Ảnh: Internet.

Sự phối hợp giữa hoa văn và màu sắc trong trang phục truyền thống của các tộc người thiểu số miền Tây Quảng Trị... Ở đó nó chứa đựng những kinh nghiệm sống đối với thiên nhiên và con người, những đúc kết quý giá trong đời sống thường nhật đã được tích lũy qua hàng ngàn năm mà cha ông đã để lại cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị cho hậu thế...         

Là người con của quê hương Quảng Trị, hẳn ai cũng đã từng ít nhất một lần hào hứng tham gia một trong những hoạt động lễ hội ở các làng quê; cũng đã từng bâng khuâng trước những làn điệu dân ca đằm thắm, trữ tình, da diết của các câu hò, hát ru; từng ngỡ ngàng thảng thốt bên một nét hoa văn, nét chạm khắc dịu dàng, tinh tế của những sản phẩm thủ công mỹ nghệ, hoặc hương vị đậm đà của những món ăn dân dã từ một làng nghề thủ công truyền thống mộc mạc, chân chất vương vấn mùi bùn non và lúa rạ. Tất cả những cảm xúc đó cứ tự nhiên dâng trào, thấm dần vào tâm hồn mỗi chúng ta từ lúc nào không rõ. Bảo tồn, giữ gìn các di sản văn hóa phi vật thể là giữ “phần hồn” cho mai sau đúng là vậy đó.

Cái Thị Vượng

Top