Bắc Giang đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch

Cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, đến hẹn lại lên, nhiều làng quê lại tưng bừng mở hội, Bắc Giang tự hào có bề dày truyền thống lịch sử- văn hóa mà trong dòng chảy hôm nay vẫn được các cấp, các ngành và cộng đồng làng xã quan tâm bảo tồn, phát huy gắn với phát triển du lịch bền vững.

Bề dày truyền thống lịch sử- văn hoá Bắc Giang

Bắc Giang được biết đến là vùng đất cổ với bề dày truyền thống lịch sử văn hoá với trên hơn 2.237 di tích, với 711 di tích được xếp hạng (3 di tích và cụm di tích quốc gia đặc biệt, 98 di tích cấp quốc gia, 586 di tích cấp tỉnh). Nổi bật trong những di tích đó là các di tích quốc gia đặc biệt: Chùa Vĩnh Nghiêm (huyện Yên Dũng) - một trung tâm Phật giáo thời Trần, một chốn Tổ quan trọng trong hệ thống chùa tháp của Thiền phái Trúc Lâm; nơi đây còn lưu giữ kho Mộc bản với 3.050 ván khắc in đã được UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu trong Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương; Chùa Bổ Đà, nơi tu hành của các tăng ni và đào tạo các tăng đồ theo Thiền phái Lâm Tế trong hơn 300 năm, còn bảo lưu 1.935 Mộc bản kinh Phật được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác nhận Bộ Mộc bản kinh Phật tại chùa Bổ Đà của Thiền phái Lâm Tế khắc trên gỗ thị cổ nhất Việt Nam. Bên cạnh đó, Di tích Địa điểm cuộc khởi nghĩa Yên Thế đã được xếp hạng là Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt; Bắc Giang còn lưu giữ được những ngôi đình, chùa cổ nổi tiếng như: Đình Lỗ Hạnh (Hiệp Hoà) được mệnh danh là “Đệ nhất Kinh Bắc” xây dựng từ thế kỷ XVI; đình, chùa Thổ Hà, chùa Bổ Đà (Việt Yên); đình, chùa Tiên Lục và cây dã hương nghìn năm tuổi (Lạng Giang) đã được Vua Lê Cảnh Hưng sắc phong là “Quốc chúa Đô mộc Dã Đại Vương”....

Chùa Vĩnh Nghiêm. Ảnh: Internet

Hơn nữa, Bắc Giang tự hào là một trong những địa phương có Dân ca Quan họ và Ca trù đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Ngoài 5 làng Quan họ cổ đươc công nhận năm 1971 là: Sen Hồ, Mai Vũ, Giá Sơn, Hữu Nghi, Nội Ninh; Bắc Giang còn được Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam xác nhận có thêm 13 làng hội đủ các yếu tố của một làng Quan họ cổ gồm: Đông Long, Khả Lý Thượng, Núi Hiểu, Tam Tầng, Thần Chúc, Thượng Lát, Hạ Lát, Vân Cốc, Đình Cả, Quang Biểu, Thổ Hà, Trung Đồng, Yên Ninh (thuộc huyện Việt Yên). Bắc Giang có 500 lễ hội truyền thống đư­ợc tổ chức hàng năm; 12 di sản được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia (gồm Dân ca Quan họ; Ca trù; Dân ca Cao Lan, xã Đèo Gia, huyện Lục Ngạn; Dân ca Sán Chí, xã Kiên Lao, huyện Lục Ngạn; Nghi lễ Then của người Tày, người Nùng tỉnh Bắc Giang; Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm, Lễ hội chùa Bổ Đà; Lễ hội Thổ Hà; Lễ hội Yên Thế; Lễ hội Y Sơn; Lễ hội Đình Vồng; Lễ Hội Đền Suối Mỡ)... Đây là những lợi thế, nguồn tài nguyên vô giá để Bắc Giang có thể phát triển nhiều loại hình du lịch, nhất là du lịch văn hóa-tâm linh.

Di sản văn hóa ngày càng được quan tâm bảo tồn và phát huy

Trong những năm qua, các cấp, các ngành tỉnh Bắc Giang rất quan tâm công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trên địa bàn. UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2011-2020”; chỉ đạo xây dựng quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích đối với các di tích quốc gia đặc biệt (Di tích: Những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế; Di tích chùa Vĩnh Nghiêm và Di tích chùa Bổ Đà); Quy hoạch và tổ chức tu bổ, tôn tạo đối với Di tích quốc gia Địa điểm Chiến thắng Xương Giang, thành phố Bắc Giang (xây dựng đền Xương Giang, các công trình phụ trợ), các di tích quốc gia khác như đình Lỗ Hạnh, huyện Hiệp Hòa; đình Cao Thượng, huyện Tân Yên; đình Thổ Hà, huyện Việt Yên; đình Phù Lão, chùa Quang Phúc, huyện Lạng Giang; đình Phương Lạn, huyện Lục Nam và hàng trăm di tích cấp tỉnh khác với nguồn kinh phí lên đến hàng trăm tỷ đồng, trong đó nhiều di tích huy động, sử dụng nguồn vốn chủ yếu từ xã hội hóa, sự đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức, cộng đồng dân cư, cá nhân nơi có di tích. Nhờ vậy, nhiều di tích đã khắc phục được tình trạng xuống cấp và trở nên khang trang, tố hảo, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa tinh thần ngày càng cao của các tầng lớp nhân dân và du khách thập phương.

Ca trù Bắc Giang. Ảnh: Báo Bắc Giang.

Bắc Giang còn tăng cường chỉ đạo tổ chức các lễ hội truyền thống thu hút sự quan tâm của đông đảo quần chúng nhân dân. Ở nhiều địa phương, Ban Tổ chức lễ hội đã quan tâm khôi phục, bảo tồn các di sản văn hóa đặc sắc có trong lễ hội, tiêu biểu như: Lễ hội Yên Thế đã quan tâm bảo tồn bản sắc văn hóa, dân ca các dân tộc thiểu số trên địa bàn, tổ chức tái hiện nghi lễ tế cờ của nghĩa quân Yên Thế do Anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám lãnh đạo, khôi phục các nghi lễ cổ như: phóng ngư, thả điểu...; Lễ hội chùa Bổ Đà kết hợp với tổ chức Liên hoan hát Quan họ định kỳ hàng năm của huyện Việt Yên và 02 năm một lần của tỉnh Bắc Giang; Lễ hội Thổ Hà chú trọng nghi lễ đám rước - đây là đám rước có qui định chuẩn mực tiêu biểu nhất của tỉnh Bắc Giang; Lễ hội Đình Vồng chú trọng tới lễ tế ngựa - một nghi lễ biểu dương tinh thần thượng võ. Lễ hội ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số cũng quan tâm bảo tồn bản sắc văn hóa như Hội hát dân ca các dân tộc ở nhiều địa phương, Lễ hội trám rụng của người Dao ở xã Đồng Vương (huyện Yên Thế); Lễ hội ngồi đồng của người Cao Lan bản Khe Nghè, xã Lục Sơn (huyện Lục Nam); Lễ hội cầu mùa của người Dao ở bản Nà Hin, xã Vân Sơn (huyện Sơn Động); Lễ hội Lồng Tồng của người Tày ở nhiều xã thuộc huyện Lục Ngạn và Sơn Động.... Kinh phí tổ chức lễ hội ở nhiều địa phương, cơ sở chủ yếu là từ nguồn xã hội hoá, việc dùng ngân sách nhà nước đã được hạn chế tối đa, nhất là lễ hội truyền thống ở các làng quê.

Từ khi UNESCO công nhận Dân ca Quan họ là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại, phong trào ca hát Quan họ ở tỉnh Bắc Giang rất phát triển. Những người học hát Quan họ ngày càng nhiều. Ở huyện Việt Yên, quê hương của Quan họ vùng bờ Bắc sông Cầu đã hình thành 4, 5 thế hệ biết hát Quan họ, đã xuất hiện nhiều người hát hay, nhiều câu lạc bộ, nhiều làng Quan họ mới. Năm 2017, Liên hoan hát Quan họ huyện Việt Yên lần thứ XVII có 53 làng Quan họ trong huyện tham gia với hơn 2.000 người. Các đơn vị của ngành như Nhà hát Chèo; Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh; Trường Trung cấp Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang và các huyện, thành phố đã tổ chức nhiều lớp truyền dạy hát Quan họ, Ca trù, Chèo, Dân ca các dân tộc thiểu số để lưu giữ, bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể tại cộng đồng.

Sở VHTTDL đã tổ chức tổng điều tra văn hóa dân tộc Dao, Tày, Nùng, Sán Chí, Cao Lan tỉnh Bắc Giang, tập trung nghiên cứu về phong tục tập quán, tín ngưỡng, truyện kể, hát dân ca…Tổ chức lớp truyền dạy chữ Hán cổ và chữ Nôm dân tộc Sán Dìu tại xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn; lớp học chữ Hán - Nôm Dao tại xã Tuấn Mậu, huyện Sơn Động… Huyện Lục Ngạn hiện có 28 CLB hát dân ca các dân tộc, trong đó có 11 CLB hát dân ca dân tộc Sán Dìu, 8 CLB hát dân ca dân tộc Nùng, 2 CLB hát dân ca dân tộc Sán Chí, 6 CLB hát dân ca dân tộc Tày, 1 CLB hát dân ca dân tộc Cao Lan. Hàng năm, huyện đều chỉ đạo tổ chức hội hát dân ca ở một số xã và tổ chức Ngày hội Văn hóa-Thể thao của huyện để giới thiệu, trình diễn, tôn vinh dân ca các dân tộc. Đó là các việc làm thiết thực trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc trên địa bàn.

Chùa Bổ Đà. Ảnh: Internet.

Phát triển du lịch Bắc Giang nhờ khai thác tiềm năng từ di sản văn hóa 

Khai thác di sản văn hóa để phát triển du lịch trở thành chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Giang. Để thực hiện chủ trương này, trong những năm qua, Bắc Giang đã rất quan tâm quy hoạch, thực hiện công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích như: Chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Bổ Đà, di tích: Những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế, Di tích Địa điểm chiến thắng Xương Giang, Khu Di tích đền Dành (huyện Tân Yên), chùa Am Vãi (Lục Ngạn); An toàn khu II, hệ thống lăng đá huyện Hiệp Hòa, đền Suối Mỡ (Lục Nam); xây dựng Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng (huyện Yên Dũng); xây dựng chùa Hạ, chùa Thượng thuộc Dự án Khu Du lịch tâm linh-sinh thái Tây Yên Tử tại thôn Đồng Thông, xã Tuấn Mậu, huyện Sơn Động; tổ chức các lễ hội truyền thống, bảo tồn Dân ca Quan họ, Ca trù, Dân ca các dân tộc thiểu số…gắn với phát triển du lịch để giới thiệu, tôn vinh, quảng bá các di sản, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn, nâng cao đời sống mọi mặt của người dân.

Cho đến nay đã hình thành nhiều tuyến du lịch tham quan các di tích lịch sử - văn hóa, tham dự các lễ hội truyền thống của nhiều du khách, trong đó Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt chùa Vĩnh Nghiêm (năm 2016), chùa Bổ Đà (năm 2017) trở thành các sự kiện văn hóa, góp phần quảng bá, tôn vinh, thu hút khách du lịch đến các di tích này ngày càng nhiều. Bên cạnh đó, du khách đến tham quan Khu Di tích Khởi nghĩa Yên Thế, đền Xương Giang (thành phố Bắc Giang), Khu thắng tích Suối Mỡ (huyện Lục Nam), đình chùa Tiên Lục và cây dã hương ngàn năm tuổi Tiên Lục (huyện Lạng Giang), làng cổ Thổ Hà… ngày càng tăng. Điều đó cho thấy, loại hình du lịch văn hóa- tâm linh của Bắc Giang ngày càng được quan tâm khai thác, phát huy có hiệu quả. Năm 2016, khách du lịch đến Bắc Giang là 525.000 lượt người, trong đó khách nội địa là 517.000 lượt người, tăng 29,5% so với năm 2015, khách quốc tế là 8.000 lượt người; doanh thu đạt 495 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2017, khách du lịch là 815.000 lượt người (trong đó khách quốc tế đạt 5.790 lượt), doanh thu đạt 720 tỷ đồng. Đây là tín hiệu tốt đối với du lịch Bắc Giang, nhất là du lịch văn hóa - tâm linh, khai thác các tiềm năng, lợi thế về di sản văn hóa, mở ra triển vọng mới đối với du lịch Bắc Giang trên đường hội nhập và phát triển, đưa du lịch Bắc Giang trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh trong tương lai...

Nguyễn Sĩ Cầm

Top