Gạch cổ chữ Hán phát hiện được ở Hoàng Thành Thăng Long Hà Nội

Trong các di tích khảo cổ học được khai quật tại Hoàng thành Thăng Long, vật liệu kiến trúc của các thời đại, từ Đại La thời Tiền Thăng Long đến Lý - Trần - Lê và Nguyễn, chiếm tỷ trọng đáng kể, cùng với gốm sứ. Tuy nhiên, trong số vật liệu kiến trúc ấy, hiện tượng gây ấn tượng với tôi nhất, đó là những viên gạch vồ/gạch hòm sớ có minh văn chữ Hán, đã đem lại nhiều thông tin bổ ích và lý thú của một triều đại lịch sử đã qua, đó là triều đại thời Lê Sơ.

Như chúng ta đã biết, sang đến thời Lê sơ, một sự kiện vô cùng quan trọng của lịch sử dân tộc, đó là việc chỉnh đốn và hoàn thiện thiết chế quân đội của ông Vua anh minh, tài hoa, lỗi lạc Lê Thánh Tông. Tháng 4 năm Bính Tuất (1466) vua Lê Thánh Tông sắp đặt lại quân của 5 phủ: Thanh Hoá, Nghệ An, thuộc Trung Quân Phủ, Nam Sách và An Bang thuộc Đông Quân Phủ, Thiên Trường và Thuận Hoá thuộc Nam quân phủ, Quốc Oai và Hưng Hoá thuộc Tây quân phủ, Bắc Giang và Lạng Sơn thuộc Bắc quân phủ. Mỗi phủ có 6 vệ quân, mỗi vệ quân có 5 sở hoặc 6 sở, mỗi sở có 400 người. Phủ quân đặt các chức Tả - Hữu đô đốc, Đô đốc đồng tri và Đô đốc thiêm sự. Vệ quân đặt các chức Tổng Tri, Đồng Tổng Tri và Thiêm Tổng Tri. Sở quân đặt các chức Quản Lãnh, Phó Quản lãnh, Chánh Võ uý và Phó Võ uý. Mỗi ngũ quân đặt chức Tổng kỳ.

Cổng Hoàng Thành Thăng Long ngày nay.

Sự lý thú và ấn tượng trong trường hợp này đó là, những ghi chép trên đây của sử thành văn đều được minh định từ những viên gạch vồ có minh văn.

Gạch “Thiên uy quân” chính là sản phẩm của một sở trong năm sở của Vệ Phủng Thánh trong Trung quân phủ Thanh Hoá - Nghệ An. Vệ Phủng Thánh có Thiên Uy, Thiên Định, Thiên Hoàng, Thiên Khôi, Thiên Tiết. Như thế, Thiên Uy là quân hiệu trong năm quân hiệu của phủ quân này.

Gạch “Hổ Uy quân” cũng là sản phẩm của Trung quân phủ, thuộc Vệ Phủng Thần. Phủng Thần của Trung quân có 5 sở, Hám Hổ, Hổ Uy, Thần Hổ, Mãnh Hổ và Hùng Hổ. Hổ Uy quân cũng là một trong năm sở của Phủ Trung quân. Điều cực kỳ may mắn và lý thú ở Phủ trung quân, đó là việc tìm thấy 3 loại gạch trong 5 sở đã từng tồn tại trong lịch sử triều Lê Thánh Tông, đó là gạch “Hùng Hổ” của sở Hùng Hổ, gạch “Thần Hổ” của sở Thần Hổ và gạch Hổ uy quân của sở Hổ Uy.

Gạch “Trung uy quân” chính là sản phẩm của sở quân Trung Uy, bao gồm 5 sở là Kiêu Kỵ, Huyền Ngạch, Khai Sơn, Trung Uy và Định Uy, thuộc Đông Quân phủ, có 6 vệ quân.

Gạch “Tam Phụ quân” là sản phẩm của quân hiệu sở Tam Phụ, thuộc Vệ Quảng Vũ, bao gồm 5 sở là Tam Phụ, Giải Phân, Uy Dũng, Vân Kỵ, Hiệu Thắng.

Có thể thống kê, qua những viên gạch phát hiện ở Hoàng thành Thăng Long mang quân hiệu, đó là “Huyền qua quân”, của Vệ quân Anh Đức; “Thần Dực” của Vệ Bảo Trung, trong Nam quân phủ; “Tráng Phong quân” của Nam quân phủ, trong Vệ quân Kiến Huân; “Vũ kị quân” trong Vệ quân Kiến Huân. Còn “Chiêu Thắng quân”, rất có thể là của sở quân mang tên “Chiêu Thắng Tiền sở” - một cách định tên hơi khác các vệ quân trong cùng thời đại này.

Một buổi khai quật tại Hoàng Thành Thăng Long.

Sự hiện diện của những viên gạch mang phiên hiệu các sở quân ở Hoàng thành Thăng Long thời Lê Sơ đã phản ánh một số vấn đề của lịch sử quân đội thời bấy giờ, đó là việc dùng quân đội vào thời bình để xây dựng đất nước, trong đó có việc xây dựng cố đô Thăng Long nguy nga và tráng lệ. Thời loạn dùng quân đánh giặc, thời bình thì dùng quân làm kinh tế, dường như là một hằng số của quân đội dân tộc ta. Đường lối và chính sách tài tình ấy đã giúp cho nhà nước Trung ương tập quyền đủ sức nuôi một đội quân thường trực hàng chục vạn quân hùng mạnh như Ngũ phủ quân thời Lê Thánh Tông. Việc huy động quân đội từ khắp mọi nơi trên đất nước để xây dựng Kinh đô đủ thấy nhu cầu mở rộng Đông Kinh thời đại này và cũng đủ thấy tầm mức quan trọng của một chiến lược xây dựng quân đội đủ chính quy để phòng vệ đất nước của vị vua tài ba, thao lược Lê Thánh Tông. Việc in phiên hiệu trên gạch, ngày nay, cho chúng ta biết được nhiều thông tin lịch sử, nhưng vào thời ấy, chính là để kiểm tra, kiểm soát chất lượng và số lượng của những viên gạch được các vệ quân sản xuất và đóng góp cho việc xây dựng Kinh thành.

Sau đợt đặt quân 5 phủ và định quân hiệu vào tháng 4 năm Bính Tuất (1466) thì hơn 1 năm sau, tháng 8 năm Đinh Hợi (1467) niên hiệu Quang Thuận thứ 8, vua Lê Thánh Tông lại một lần nữa chính quy hoá quân đội, đặt thêm quân trong kinh và ngoài các đạo. Quân trong kinh có 6 ty, 51 vệ, quân các đạo có 26 vệ. Trong số 10 ty Lực sĩ, 20 ty Dũng sĩ, 18 ty Tráng sĩ, có 4 vệ Tuần tượng Cẩm Y (đội quân bảo vệ Hoàng thành Thăng Long), trong đó có 5 sở gọi là Tiền vệ, Tả vệ, Hữu vệ, Hậu vệ. Vệ Mã Nhân 5 sở và 4 vệ Thần Vũ thuộc Kim Ngô vệ gọi là Tiền vệ, Tả vệ, Hữu vệ, Hậu vệ. Mỗi vệ có 5 sở Trung, Tiền, Hậu, Tả, Hữu, không có quân hiệu.

Những thông tin của sử thành văn được giới thiệu tóm lược nêu trên cũng được minh định qua những viên gạch phát hiện được ở Hoàng thành. Ở đây, các nhà khảo cổ học đều thấy gạch “Tiền”, gạch “Hậu”, gạch “Tả”, gạch “Trung”, gạch “Hữu”. Gạch in chữ “Tiền” chính là sản phẩm của Tiền sở vệ Hiệu lực và gạch in chữ “Hậu” là Hậu sở vệ Hiệu lực. Gạch in chữ “Tả”, “Trung”, “Hữu” cũng có ý nghĩa tương tự nêu trên.

Hoàng Thành Thăng Long đẹp huyền ảo khi đêm buông xuống.

Trong giai đoạn này, quân hiệu ở các sở quân cũng thấy xuất hiện ở Hoàng Thành, đó là gạch “Sùng Uy quân” là sản phẩm của Sở Sùng Uy, vệ Lưu Thủ, thuộc Đô Ty Thanh Hoá; gạch “Dương Võ quân” là sản phẩm của Sở Dương Võ, Vệ Bình Sơn, thuộc Đô ty Tuyên Quang; gạch “Hùng Tiệp” là sản phẩm của Sở Hùng Tiệp thuộc Vệ Vĩnh Tây, Đô Ty Tuyên Quang; gạch “Thiết cương ngũ ngũ” là sản phẩm của Ngũ quân (đơn vị quân đội 5 người). Chữ in trên gạch là ngữ thứ 5, tên là Thiết Cương. Chữ “Ngũ” còn có hàm ý là một tổ chức quân đội chính quy cộng với dân binh. Ngũ là một đơn vị quân đội nhỏ nhất của bộ binh có từ rất sớm ở Trung Hoa. Thời Xuân Thu - Chiến quốc “Ngũ gia tương bảo, thập gia tương liên”. Ngoài ra, ở Hoàng thành còn phát hiện được gạch “Đệ nhị hỏa” - cũng là một đơn vị quân đội. Thời Đường (Trung Hoa), đặt 10 người làm 1 hỏa. Thời Lý (Đại Việt) gọi người đứng đầu hỏa là Hoả thủ/Chánh thủ/Hoả đầu. Gạch “…Đắc Đô”, “Ma Lạc Đô”… rất có thể là phiên hiệu của các Đô quân - phiên chế quân đội thời Lê Thánh Tông năm 1467.

Những ký tự chữ Hán trên các viên gạch vồ thời Lê phát hiện ở Hoàng thành còn rất nhiều ẩn số và để giải mã, chú giải cho chúng, không thể một bài viết ngắn có thể giải quyết. Tôi mượn thông tin từ các đồng nghiệp để giới thiệu chúng một cách có hệ thống hơn để độc giả tham khảo và nếu có say mê xin được tiếp xúc với chúng qua tư liệu hiện vật hiện đang lưu trữ tại Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội, chắc chắn sẽ có nhiều điều ấn tượng hơn.

TS Phạm Quốc Quân

Top