Khu Di tích lịch sử Phong trào nông dân Tây Sơn

Quần thể di tích lịch sử về Phong trào nông dân Tây Sơn được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia năm 1991.

Quần thể di tích lịch sử về Phong trào nông dân Tây Sơn nằm chủ yếu trên địa bàn thị xã An Khê, huyện Đăk Pơ, huyện Kông Chro và huyện Kbang, đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia vào ngày 14-6-1991 gồm 6 cụm Di tích: Lũy An Khê, An Khê Trường và Gò Chợ; Hòn Bình, Hòn Nhược, Hòn Tào, Gò Kho, Xóm Ké; Hòn đá ông Nhạc; Nền nhà, hồ nước và kho tiền ông Nhạc; Miếu xà, cây ké phất cờ, cây cầy nổi trống; Vườn mít và cánh đồng Cô Hầu.

Quần thể Di tích Tây Sơn tại An Khê - Gia Lai ngày nay.

Anh em nhà Tây Sơn mà tiêu biểu là Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ đã lập được mối quan hệ anh em giữa người Kinh và các dân tộc ít người ở Tây Nguyên, tập hợp được các dân tộc Tây Nguyên ở vùng Tây Sơn thượng đạo như người Ba Na, Gia Rai vào cuộc đấu tranh thống nhất đất nước. Đặc biệt, Nguyễn Nhạc còn có một thứ thiếp là Yă Đố, người Bahnar; tương truyền, bà là con một vị Tù trưởng, bà có công lớn giúp Tây Sơn Tam Kiệt ngay từ buổi đầu dựng nghiệp.

Cánh đồng Cô Hầu là một trong những chứng tích còn lại của bà trong việc vận động đồng bào địa phương khai khẩn để tích lũy lương thảo cho nghĩa quân Tây Sơn. Do vậy, quần thể Di tích Tây Sơn ở hai tỉnh: Bình Định và Gia Lai là một thể thống nhất trong lịch sử; sau này việc phân chia ranh giới quần thể di tích thuộc hai địa phương quản lý.

Quần thể di tích liên quan đến cuộc khởi nghĩa của nghĩa quân Tây Sơn. Bình Định là quê hương sinh ra Tây Sơn Tam Kiệt nhưng vùng đất An Khê-Gia Lai mới là nơi đất dựng nghiệp, là đầu nguồn của cuộc khởi nghĩa nông dân thành công nhất trong lịch sử chống lại phương Bắc.Đối với Gia Lai, các di tích văn hóa, lịch sử thời Tây Sơn là một tài sản vô giá, đến nay tỉnh Gia Lai đã qui hoạch tổng thể nhằm bảo vệ lâu dài để tôn tạo và khai thác các di sản của cha ông nhằm đem lại những lợi ích vật chất và tinh thần cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Đình Tân Lai hình thành cách đây gần 200 năm vẫn còn giữ nguyên vẹn kiến trúc cổng đình. Ảnh: Hoàng Ngọc - Báo Gia Lai.

Quần thể di tích về Phong trào nông dân Tây Sơn có vai trò rất lớn trong việc thu hút du khách đến với tỉnh Gia Lai, nhất là đối với những du khách quan tâm đến lịch sử - văn hóa – tâm linh. Tuy nhiên, trong quần thể di tích, hiện có một số di tích (An Khê Trường, An Khê Đình, Nền nhà - Hồ nước Ông Nhạc) đã được khoanh vùng, tu bổ chống xuống cấp, một số di tích khác hiện đã xuống cấp hoặc không còn nguyên vẹn và nhiều địa điểm di tích có nguy cơ chỉ là phế tích.

Hiện trạng các di tích trong quần thể Di tích Tây Sơn thượng đạo như sau:

Quần thể Di tích Tây Sơn Thượng đạo được chia làm 6 cụm phân bổ tại huyện Kbang, Đak Pơ, Kông Chro và thị xã An Khê.

- Khu vực trung tâm thị xã An Khê: Gồm Di tích An Khê Đình, An Khê Trường và công trình Bảo tàng Tây Sơn thượng đạo.

+ An Khê Đình: Thờ Thiên Y Ana, Tây Sơn Tam Kiệt chỉ là phối thờ  các công trình đã được tu bổ chống xuống cấp, đồ thờ phục chế tuy nhiên rất sơ sài và khiêm tốn.

+ An Khê Trường (Đình An Lũy): Theo lịch sử là nơi luyện quân của nghĩa quân Tây Sơn trước đây thờ phúc thần Trần Văn Thiều, một nhân vật nhà Nguyễn sau này có công mở đất được tôn lên thành hoàng mặc dù hiện nay có đặt ảnh thờ Quang Trung và tượng Quang Trung trong khuôn viên An Khê Trường

+ Công trình Bảo tàng: Xây dựng năm 2009 nội dung trưng bày chủ yếu là ảnh, ít hiện vật và hầu như không có hiện vật gốc. Vị trí xây dựng không phù hợp nằm  giữa An Khê Đình và An Khê Trường.

+ Lũy An Khê là khu vực đồn trại và là chỉ huy sở của nghĩa quân Tây Sơn trên căn cứ địa Thượng Đạo. Hiên tại không còn rõ hình hài do bị phá hủy theo thời gian.

+ Gò Chợ là nơi trước kia Nguyễn Nhạc đã tiếp xúc, giao thương với người Bahnar trong vùng và vận động đồng bào đi theo phong trào Tây Sơn.

+ Hòn Bình, Hòn Nhược, Hòn Tào, Gò Kho, Xóm Ké: Tại thôn Thượng An, xã Song An, thị xã An Khê. Gò Kho, Xóm Ké: Di tích hiện nay là rừng núi và gò bãi. Kho Tiền Ông Nhạc là một hốc đá kín đáo bên bờ suối. Đây là cụm di tích đền lũy và căn cứ hậu cần tại chỗ mang tính liên hoàn. Hòn Bình, hòn Nhược, hòn Tào là những ngọn núi cao nhất trong dãy đèo Mang. Từ đây khống chế được toàn bộ phía Đông, bảo vệ an toàn cho khu vực căn cứ địa ở trung tâm lòng chảo An Khê. Gò Kho xóm Ké là nơi trú quân và cất giấu lương thực của nghĩa quân. Đây chính là kho lương của nghĩa quân Tây Sơn trong những năm 1771 - 1773.

- Hòn đá ông Nhạc: Tại làng Đê Chơ Gang, xã Phú An, huyện Đăk Pơ. Hòn đá này là nơi ông Nhạc thường ngồi nghỉ chân trước khi vào làng Đê Chơ Gang và là điểm hẹn của Nguyễn Nhạc với những người lãnh đạo phong trào trong làng Đê Chơ Gang và các làng xung quanh. Trải qua hơn 200 năm hòn đá này vẫn là vật thiêng của làng, điều này chứng minh cho tấm lòng của đồng bào dân tộc Ba Na trong vùng đối với phong trào Tây Sơn, đặc biệt là Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc.

- Nền nhà, hồ nước và kho tiền ông Nhạc: Tại làng Đê Hlang, xã Yang Nam, huyện Kông Chro, thuộc quần thể Di tích Tây Sơn thượng đạo, căn cứ địa buổi đầu của phong trào nông dân Tây Sơn (1771 - 1773). Là dấu tích căn nhà Nguyễn Nhạc làm để giao tiếp, buôn bán với đồng bào Bahnar, tập hợp lực lượng khởi nghĩa.

- Miếu xà, cây ké phất cờ, cây cầy nổi trống: Tại thôn Thượng An, xã Song An, thị xã An Khê. Đây là nơi Nguyễn Nhạc chém rắn tế cờ khi xuất binh và xây miếu thờ rắn sau khi thắng trận trở về.

- Vườn mít và cánh đồng Cô Hầu: Tại xã Nghĩa An, huyện Kbang, rộng khoảng 20 ha, do Cô Hầu (tức vợ bé của Nguyễn Nhạc) vận động đồng bào trong vùng khai phá trồng lương thực để nuôi quân Tây Sơn.

Di tích Lịch sử quốc gia - An Khê đình. Ảnh: Hoàng Ngọc - Báo Gia Lai.

Nơi đây Nguyễn Nhạc cùng vợ là bà Yă Đố vận động đồng bào Bahnar trong vùng khai phá đất trồng lương thực để nuôi nghĩa quân Tây Sơn chuẩn bị khởi nghĩa. Tuy nhiên, do chưa được quy hoạch cắm mốc nên cụm di tích này đã bị người dân xâm lấn, thu hẹp. Hiện nay còn  hơn 10 cây mít cổ thụ vừa qua đã được treo biển để bảo vệ.

Thời gian chính thức để chuẩn bị quân lương trên vùng đất khởi nghiệp này không dài (theo lịch sử ghi là 1771-1773). Tuy nhiên, căn cứ địa trên đất An Khê vẫn là nơi có những hoạt động liên tục quan trọng làm hậu phương vững chắc, là điểm tựa tin cậy của những đoàn quân vào Nam ra Bắc. Ngay sau khi Nguyễn Nhạc lên ngôi lấy hiệu là Thái Đức dựng Kinh thành tại Bình Định thì mối liên hệ giữa Kinh đô với vùng căn cứ địa phía Tây vẫn diễn ra bình thường kể cả việc giao thương và chính trị, quân sự.

Hiện trạng di tích trong khu vực trung tâm thị xã An Khê trong một khuôn viên riêng biệt và mặt bằng đẹp nhưng không gian kiến trúc độc lập để thờ cúng, tôn vinh tưởng nhớ riêng biệt cho Tây Sơn Tam Kiệt  đặc biệt là Hoàng đế Quang Trung vẫn chưa có. Hơn lúc nào hết, để ghi công và tôn vinh ba anh em nhà Tây Sơn  nên bổ sung  Đền thờ và quảng trường tại khu vực này để tri ân  cho xứng tầm khu di tích và phục vụ phát triển du lịch tại địa phương.

Dâng hương tưởng niệm vua Quang Trung tại Khu Di tích Tây Sơn Thượng đạo.

Quần thể di tích lịch sử về Phong trào nông dân Tây Sơn là một quần thể gồm nhiều cụm di tích liên quan đến cuộc khởi nghĩa của nghĩa quân Tây Sơn. Cuộc khởi nghĩa nông dân vĩ đại do anh em họ Nguyễn lãnh đạo bùng nổ năm 1771. Vùng núi rừng An Khê của Gia Lai trở thành căn cứ đầu tiên của cuộc khởi nghĩa. Chính từ căn cứ Tây Sơn thượng đạo ở An Khê, đại quân của cuộc khởi nghĩa đã tiến xuống đồng bằng cùng nhân dân cả nước làm nên chiến thắng Ngọc Hồi, Đống Đa lẫy lừng, giành lại độc lập cho Tổ quốc. Đây là một trong những mốc son chói lọi nhất trong lịch sử truyền thống đấu tranh yêu nước của dân tộc. Đến nay, di tích còn quá hoang sơ trong khi di tích vùng Hạ đạo được quan tâm thì quần thể di tích vùng Thượng đạo dường như bị lãng quên.

ThS Trần Văn Khanh

Top