Dương Tự Minh - Danh tướng thời Lý - Tấm gương sáng của tỉnh Thái Nguyên

Dương Tự Minh người dân tộc Tày, quê làng Quan Triều, phủ Phú Lương, nay thuộc thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái nguyên. Là một thủ lĩnh có uy tín được vua Lý giao phó cai quản phủ Phú Lương - một vùng đất rộng lớn tương đương với vùng đất thuộc tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Tuyên Quang, một phần Hà Giang, Vĩnh Phúc và Lạng Sơn ngày nay.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư và các cuốn sử sách khác đều ghi chép về hoạt động và công lao của Dương Tự Minh như: “Tháng 12 (1127) gả công chúa Diên Bình cho thủ lĩnh phủ Phú Lương là Dương Tự Minh”, “Mùa đông tháng 10 (1142), sai thủ lĩnh phủ Phú Lương là Dương Tự Minh đến châu Quảng Nguyên để chiêu tập người châu ấy”, “Mùa thu tháng 8 (1143), xuống chiếu cho Dương Tự Minh cai quản việc công các khe động dọc theo biên giới về đường bộ”, “Ất Sửu (1145), tháng 8, mùa thu. Người Thổ nhà Tống là Đàm Hữư Lượng vào cướp châu Quản Nguyên. Nhà vua sai bọn Dương Tự Minh đi đánh bại được giặc”, “Năm 1144 đem công chúa Thiều Dung gả cho thủ lĩnh Dương Tự Minh” (Đại Việt sử ký toàn thư tập 1, Ngô Sỹ Liên, NXBKHXH, H 1967, trang 280, 281, 295, 314, 315).

Dương Tự Minh là một con người yêu nước, thương dân được thể hiện qua các sự kiện sử sách đã chép như việc dẹp giặc Tống ở phía bắc và thực hiện chính sách khoan thư sức dân ở địa phương. Dưới sự cai quản của Dương Tự Minh ở vùng phủ Phú Lương, nhân dân được ổn định, liên tục các năm được mùa to. Dương Tự Minh còn là một con người khảng khái luôn đứng về phía chính nghĩa đấu tranh với ngang trái, lộng quyền của quan lại gian thần đương thời được thể hiện qua việc ông tham gia bắt Thái uý Đỗ Anh Vũ dâm thần... Tuy cuối đời ông đã bị Đỗ Anh Vũ trả thù một cách hèn mạt nhưng con người ông vẫn mãi là tấm gương trung liệt được các sử gia ca ngợi, ghi danh. Sách Thiên Nam minh giám, Đại Nam nhất thống chí, Việt sử diễn âm ... đều dành những vần thơ hay, những dòng văn đáng nhớ để ca ngợi ông.

Đền Đuổm thờ Dương Tự Minh, thân Mẫu và 2 người vợ yêu của ông (Ảnh: TL)

Ở tỉnh Thái Nguyên nhân dân tôn vinh ông đã lập 125 đền, đình, miếu phân bố ở 9 huyện, thị thành để thờ phụng ông. Ngoài ra ở tỉnh Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng cũng có di tích lịch sử văn hoá thờ ông. Ngôi đền Đuổm ở huyện Phú Lương tương truyền cuối đời Dương Tự Minh đã về ở và thác tại đây. Đền Đuổm thờ Dương Tự Minh, thân Mẫu và 2 người vợ yêu của ông, đình Phương Độ, Xuân La, Hộ Lệnh, Úc Kỳ, đình Đông, Đoài, huyện Phú Bình, miếu Cầu Thông, đền Bãi Chè, đình Cù Vân, huyện Đại Từ, đền Mẫu, đình làng Sui, đền Lục Giáp, đình Thù Lâm, huyện Phổ Yên, đình Nghinh Tường, Thần Sa, Lâu Thượng, huyện Võ Nhai, đền Túc Duyên, Xương Rồng, Mỏ Bạch, thành phố Thái Nguyên ... cũng thờ Dương Tự Minh, thân Mẫu và 2 người vợ của ông.

Hình tượng Dương Tự Minh đã đi vào thơ ca của tác gia văn chương bác học và dân gian như: sách Thoát Hiên vịnh sử thi tập của Đặng Minh Khiêm, thế kỷ XVI có 4 câu thơ ca ngợi ông, Việt sử diễn âm (khuyết danh) thế kỷ XVI, có 78 câu thơ ca ngợi Dương Tự Minh, sách Thiên Nam minh giám (khuyết danh) thế kỷ XVII có 10 câu thơ ca ngợi ông và sách Liệt tỉnh phong vật phú của Trần Danh Lâm, thế kỷ XVIII chép sự tích công đức của Dương Tự Minh. Một loạt các giai thoại, thần tích, sự tích như: Chiếc áo tàng hình, Thủ lĩnh Dương Tự Minh, Bản thôn thần thành hoàng sự tích, sự tích ao chuông lăn, Thánh Đuổm trị tà thần ... mỗi câu chuyện một vẻ nhưng đều có nội dung ca ngợi đức tính tốt đẹp, tấm gương sáng như tên của Dương Tự Minh.

(Ảnh: TL)

Cuộc Hội thảo Danh nhân Dương Tự Minh do Viện sử học Việt Nam và Sở Văn hoá Thông tin Thái Nguyên tổ chức năm 2003 đã làm sáng tỏ hơn cuộc đời và sự nghiệp những cống hiến lớn lao của anh hùng dân tộc Dương Tự Minh với triều Lý nước Đại Việt ở thế kỷ XII. Ngày 25/5/2010, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên đã cùng với Đài truyền hình Việt Nam phối hợp với các cơ quan chức năng quay phim về Di sản của Danh nhân lịch sử Dương Tự Minh trên địa bàn Thái Nguyên phát hiện 2 bản Sắc phong tại di tích lịch sử văn hoá đình An Châu, xã Nga My, huyện Phú Bình do vua Nguyễn Khải Định sắc phong cho Dương Tự Minh vào năm 1917 và 1924. Các bản sắc phong này góp phần làm cơ sở khẳng định danh nhân Dương Tự Minh đã có công lao quan trọng, công đức của ông đã ăn sâu vào niềm tin của nhân dân được thể hiện qua việc Nhà nước phong kiến phong sắc công nhận là một trong vị Thượng đẳng thần nhân dân thờ cúng phổ biến ở niều nơi.

Lễ hội Đền Đuổm (Ảnh: TL)

Nguyễn Đình Hưng

Top