Đền Trần

Đền Trần rộng khoảng tám héc ta nằm trên một khu đất cao, cách trung tâm thành phố Nam Ðịnh 4km về phía Tây Bắc.

Dòng Vĩnh Giang nước chảy vòng quanh di tích, tạo thành thế tay ngai ôm lấy khu vực này. Trước khi vào đền, phải qua hệ thống cổng ngũ môn. Qua cổng là một hồ nước hình chữ nhật. Đền Trần bao gồm 3 công trình kiến trúc chính là đền Thiên Trường (hay đền Thượng), đền Cố Trạch (hay đền Hạ) và đền Trùng Hoa. Cả 3 đền đều có kiến trúc chung, và quy mô ngang nhau. Mỗi đền gồm tòa tiền đường 5 gian, tòa trung đường 5 gian và tòa chính tẩm 3 gian. Nối tiền đường và trung đường là kinh đàn (thiêu hương) và 2 gian tả hữu vu.

Đền Thiên Trường được xây trên nền Thái miếu và cung Trùng Quang của nhà Trần mà trước nữa là nhà thờ họ của họ Trần. Cung Trùng Quang là nơi các thái thượng hoàng nhà Trần sống và làm việc. Đền Thiên Trường vốn lúc đầu là nhà thờ đại Tôn được dân làng dựng lên thờ phụng vua cha. Đến năm Chính Hoà thứ 15 (1695) thời Hậu Lê nhà thờ được dựng lại bằng gỗ lim. Năm 1705 thì nơi đây chính thức được gọi là Trần Miếu và hàng năm triều Lê có ban quốc lễ. Năm Tự Đức thứ 5 (1852) đền Thượng được sửa chữa lớn. Nhà đại bái chỉ còn giữ lại bộ cánh cửa rộng 2m x 1m50 chạm khắc từ thế kỷ 17 còn tất cả đều được mở rộng nâng cao lên. Năm Khải Định lại tu bổ và gần đây càng có nhiều thay đổi lạ mắt. Đền Thiên Trường hiện tại gồm có tiền đường, trung đường, chính tẩm, siêu hương, 2 dãy tả hữu vu, 2 dãy tả hữu ống muống, 2 dãy giải vũ Đông Tây. Tổng cộng có 9 tòa, 31 gian. Khung đền bằng gỗ lim, mái lợp ngói, nền lát gạch. Tiền đường của đền Thiên Trường gồm 5 gian, dài 13 mét. Có 12 cột cái cùng 12 cột quân, tất cả đều được đặt trên chân tảng bằng đá hình cánh sen có từ thời Trần là chân cột cung Trùng Quang cũ. Tại đây có đặt ban thờ và bài vị của các quan có công lớn phù tá nhà Trần.

Đền Trần rộng khoảng tám héc ta nằm trên một khu đất cao. (Ảnh: TL)

Đền Thiên Trường thờ bài vị trước đây không có tượng. 175 năm trị vì đất nước với ba lần chiến thắng đế quốc Nguyên Mông đã đưa vương triều Trần lên đỉnh cao vinh quang. Trần Nhân Tông đã trực tiếp hai lần cầm quân ra trận, bài vị vua thứ ba này được đặt bên cạnh bài vị vua sáng lập là Trần Thái Tông. Bài vị của cháu đặt bên cạnh ông nếu theo dòng tộc thì không phải phép nhưng đánh giá theo công lao, nhân dân đã vượt qua khuôn khổ gia đình để tỏ lòng ngưỡng mộ và biết ơn.

Đền Cố Trạch được xây vào năm 1894, nằm phía Đông của đền Thiên Trường. Nhìn từ sân, là bên phải đền Thiên Trường. Theo bia Trùng kiến Hưng Đạo thân vương cố trạch bi kí, thì lúc tu sửa đền Thiên Trường năm 21 đời Tự Đức (năm 1868), người ta đào thấy ở phía Đông đền Thiên Trường một mảnh bia vỡ có ghi chữ Hưng Đạo thân vương cố trạch (nhà cũ của Hưng Đạo thân vương). Do đó khi xây đền này vào năm 1894 khánh thành vào năm 1895, đền được đặt tên là Cố Trạch Từ (đền nhà cũ). Đền Hạ là tên thường gọi.

(Ảnh: TL)

Đền này bao gồm nhà Đại Bái, Thiêu Hương, cung Đệ Nhị, cung Đệ Nhất, có nhiều nét giống như đền Thiên Trường. Đền Cố Trạch đặt bài vị của Trần Hưng Đạo, gia đình và gia tướng. Tiền đường của đền Cố Trạch là nơi đặt bài vị của 3 gia tướng thân tín của Trần Hưng Đạo, đó là Phạm Ngộ, Phạm Ngũ Lão và Nguyễn Chế Nghĩa.

Đền Trùng Hoa mới được chính quyền tỉnh Nam Định với sự hỗ trợ về kinh phí của chính quyền Hà Nội xây dựng từ năm 2000. Đền được xây trên nền cung Trùng Hoa xưa - nơi các đương kim Hoàng đế nhà Trần về tham vấn các vị Thái Thượng hoàng. Trong đền Trùng Hoa có 14 pho tượng bằng đồng của 14 Hoàng đế nhà Trần đặt tại tòa trung đường và tòa chính tẩm. Tòa thiêu hương là nơi đặt ngai và bài vị thờ hội đồng các quan. Gian tả vu thờ các quan văn. Gian hữu vu thờ các quan võ.

Trước ngày hội Đền Trần ((Ảnh: TL)

Lễ hội đền Trần diễn ra vào ngày 15 tháng Giêng. (Ảnh: TL)

Lễ hội đền Trần diễn ra vào ngày 15 tháng Giêng. Lễ hội mở đầu bằng lễ khai ấn bắt đầu từ giờ Tý (giữa đêm). Buổi lễ trọng thể này được diễn ra vào ban đêm, điểm chót của ngày 14 và mở đầu cho ngày 15 tháng Giêng. Theo tập tục cổ, sau những ngày nghỉ ăn Tết, bắt đầu từ ngày Rằm, Triều đình trở lại làm việc bình thường. Lễ khai ấn là mở đầu cho ngày làm việc của một năm mới. Tại đền Cố Trạch các lão ông lão bà áo dài khăn xếp cùng dân làng tề tựu đông đủ trước lễ thánh, sau tham dự buổi lễ khai ấn trọng thể. Hòm ấn được đặt trang trọng trên bàn thờ. Trong hòm có hai con dấu bằng đồng. Quả nhỏ trên mặt có hai chữ: “Trần miếu” còn quả lớn có chữ: “Trần triều tự điển tứ phúc vô cương” đều khắc theo kiểu chữ triện. Đúng giờ Tý (12 giờ đêm) buổi lễ bắt đầu. Một cụ già cao niên đứng ra thay mặt dân làng làm lễ. Tiếp đó đoàn người rước hòm dấu đi theo nhịp trống nhịp chiêng dưới ánh sáng lung linh của đèn của nến tiến sang đền Thiên Trường tiếp tục làm lễ. Cuối cùng làng tổ chức đóng dấu bằng son đỏ trên các tờ giấy vàng, chia phát cho những người có mặt trong buổi lễ, đưa về treo tại các gia đình để lấy may và xua đuổi mọi rủi ro.

                                                                   Hồng Chinh (Tổng hợp)

Top