Đúc đồng Trà Đông

Làng Trà Đông, xã Thiện Trung, huyện Thiệu Hoá, tỉnh Thanh Hoá xưa kia gọi là Sơn Trang, tên nôm là Kẻ Chè, một vùng đất cổ cách tỉnh lỵ Thanh Hóa 12km về phía Tây Bắc, nằm trong địa vực của nền văn hóa Đông Sơn nổi tiếng. Chủ nhân của cơ sở sản xuất đồ đồng Đông Sơn đã làm ra nhiều báu vật vô giá: Trống đồng, thạp đồng và các đồ cúng tế gia công khác… Từ bao đời nay, làng Trà Đông là nơi lưu giữ và phát huy nghề đúc đồng truyền thống.

Theo truyền thuyết từ thời nhà Lý, dòng họ Vũ đưa nghề đúc đồng về cho làng trà Đông nên ở làng còn có câu ca “Đất họ Lê - nghề họ Vũ”, cũng có thuyết cho rằng, nghề đúc đồng ở làng trà Đông là do ông Khổng Minh Không truyền nghề (Khổng Minh Không là một nhân vật huyền thoại). Đến thời Tự Đức (1848 - 1883) dân phường đúc đồng Trà Đông lập đền thờ thánh Khổng Minh Không, vị Tổ sư nghề đúc đồng ở nước ta. Từ đó, hai ông họ Vũ cũng được thờ chung ở đền. Đối với dân phường đúc đồng Trà Đông, đền thánh “Khổng Minh Không” và hai vị thần họ Vũ tối linh thiêng. Ngay cả các phường buôn bán đồng ở làng xung quanh và đại bái, bái giao (xã Thiệu Giao) cũng rất tôn kính.

Hằng năm vào kỳ tế “Thánh” ngày 8 tháng Giêng -3/6 - 13/9 Âm lịch, dân vùng Trà Đông tổ chức lễ hội với nghi thức long trọng, thể hiện đặc trưng văn hóa của phường đúc đồng. Ngoài ra, vào các ngày mùng 1 và ngày rằm hàng tháng, các gia đình làm nghề đúc đồng đều dâng hương cầu mong ‘‘Đức Thánh’’ phù hộ cho công việc làm ăn sinh sống được tốt lành.

Ngoài việc tôn thờ vị tổ nghề đúc đồng, dân làng đúc đồng Trà Đông còn có một số lễ tín ngưỡng rất cổ đó là tục tông thờ “Màu đỏ”, cho màu đỏ là “Khước” trong khi đúc đồng. Người ta còn kiêng kỵ việc người ngoài đến “xin lửa” trong khi đúc đồng nhất là khi bắt đầu “Chập lò”. Ban đầu, nghề đúc đồng mới chỉ có ở một số gia đình trong làng, về sau do nhu cầu sử dụng rộng rãi nghề mới phát triển lan ra khắp làng. Mỗi gia đình là một cơ sở sản xuất, là một lò riêng, chủ gia đình cũng là chủ lò đúc. Ngoài công việc chính là đúc ra sản phẩm, các khâu khác quan trọng như tìm kiếm nguyên vật liệu, tiêu thụ sản phẩm đều do các gia đình đảm nhận. Việc đúc đồng là một công việc nặng nhọc, vất vả, chủ yếu do người đàn ông trong gia đình đảm nhiệm. Người phụ nữ ở Trà Đông làm các công việc phụ gia đình và tiêu thụ sản phẩm.

Quy trình đúc trống đồng ở làng đúc đồng Trà Đông. Ảnh: Internet

Thành phẩm đồng đúc có thể gồm nhiều loại: Đồ mỹ nghệ, đồ tế khí hay đồ phụ tùng máy móc công nghiệp. Sản phẩm đồng của làng Trà Đông tiêu thụ khá mạnh, ngoài các vật dụng bằng đồng, các nghệ nhân còn “chế biến” cầu kì thành những thứ trang trí mỹ nghệ đẹp mắt trong nhà. 

Đúc đồng là cả một quy trình kỹ thuật phức tạp bao gồm nhiều khâu, mỗi khâu có các bước, các thao tác kỹ thuật khác nhau. Các khâu đó là làm khuôn, pha chế hợp chất, nấu đồng, đúc sản phẩm... đều có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sản phẩm. Kinh nghiệm trong nghề đúc thường được truyền trong gia đình, không được truyền sang làng khác. Dưới bàn tay khéo léo và tài hoa, các nghệ nhân đã khôi phục những sản phẩm truyền thống như đúc chiêng, đúc trống đồng, đúc tượng đồng, đồ thờ, lư hương, con giống…và đỉnh cao nhất là nghệ thuật đúc trống đồng Đông Sơn với những chi tiết tinh xảo theo đúng hoa văn kiểu dáng xưa.

Thợ đúc đồng Trà Đông được mời đi đúc ở nhiều nơi. Một số nơi khác đã tìm đến làng đúc đồng Trà Đông học tập kỹ thuật đúc. Năm 1971, các nghệ nhân làng Trà Đông đã đúc thành công pho tượng Bác Hồ (cao 1,50m, nặng 600kg đồng) đạt yêu cầu thẩm mỹ. Ngoài ra, thợ đúc đồng ở đây còn tham gia đúc thành công trống đồng Đông Sơn đúng theo kiểu dáng, hoa văn xưa.

Đúc đồng là cả một quy trình kỹ thuật phức tạp bao gồm nhiều khâu, mỗi khâu có các bước, các thao tác kỹ thuật khác nhau. Ảnh: internet

Nghề đúc đồng ở Trà Đông không khai thác nguyên liệu từ các mỏ quặng đồng mà chủ yếu là tận dụng các nguồn đồng thứ phẩm (đồng nát) từ các nơi mua về. Số người cung cấp nguyên vật liệu cho các lò đúc này tập trung chủ yếu ở các làng xung quanh Trà Đúc. Các làng này đi tận các nơi xa mua nguyên liệu về bán cho lò đúc hoặc đổi cho các lò để lấy sản phẩm.

Về nguyên liệu và kỹ thuật, các nghệ nhân của làng nghề đúc đồng đều thực hiện các công đoạn chủ yếu là thủ công truyền thống: Công đoạn làm khuôn, nấu nguyên liệu, công đoạn đúc, công đoạn nguội, công đoạn đánh bóng và nhuộn sản phẩm… đều được làm theo lối “cha truyền, con nối” qua nhiều thế hệ.

Để đúc được sản phẩm theo kiểu dáng mà khách hàng đã đặt, người thợ phải tìm loại đất sét có đủ độ rắn nhằm tạo ra khuôn mẫu. Việc tạo ra khuôn mẫu này đòi hỏi người thợ phải lành nghề, ví như việc trang trí họa tiết hoa văn đàn chim Lạc trên trống đồng cổ phải tuân theo đúng mẫu hoa văn cổ vậy… Trong quá trình tạo khuôn, người thợ phải chú ý, không để cong vênh, sửa sang khuôn sao cho chuẩn. Kế đến là công đoạn chọn, thu mua sao cho được nguyên liệu đồng nguyên chất với đủ số lượng thành phẩm đun đồng và đổ vào khuôn. Sau khi sản phẩm đã hình thành, người thợ phải thao tác “làm tinh” - tức là đánh bóng, khắc họa tiết theo mẫu khách hàng đặt. Đáng chú ý, nhằm hạn chế quá trình ôxi hóa trên các sản phẩm, người thợ sẽ sơn, mạ một lớp dầu bóng để bảo quản.

Hiện nay, làng có hàng trăm lò đúc đồng với hàng nghìn thợ thủ công lao động ngày đêm tất bật. Mỗi năm cho xuất xưởng rất nhiều mặt hàng, đồ vật gia dụng làm từ đồng, tiêu thụ trong cả nước và xuất khẩu đi nước ngoài.

Sản phẩm của làng đúc đồng Trà Đông. Ảnh: internet

Hàng trăm năm nay, làng Trà Đông, là nơi lưu giữ và phát huy nghề đúc đồng truyền thống. Các sản phẩm mang đậm hồn dân tộc khiến ai xem qua cũng đều trầm trồ ngợi khen trước việc nghệ nhân đã “thổi hồn” vào đó. Tuy đạt được nhiều thành tựu nhưng những năm gần đây, các bếp lò của làng Trà Đông không còn nổi lửa mạnh mẽ như trước và đang đứng trước nguy cơ mai một. Nhiều nghệ nhân cao tay của làng do tuổi cao nên không còn gắn bó được với nghề đúc đồng, những thế hệ nghệ nhân mới còn non tay và thiếu bản lĩnh với nghề. Đó là nguy cơ thất truyền lớn đối với làng nghề truyền thống Trà Đông, gây nhiều trăn trở cho các cụ cao niên làng nghề.

Trong xu hướng về nguồn, việc bảo lưu, phát triển một số nghề thủ công truyền thống là một việc làm tốt, góp phần thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII của Đảng Cộng sản Việt Nam về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Hy vọng, nghề đúc đồng làng Chè sẽ được quan tâm hơn và có bước phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.

Thanh Huyền

Top