Kênh Nhà Lê ở Nghệ An: Di tích Lịch sử Quốc gia

Chưa đầy 3 năm sau khi lên ngôi Hoàng đế, Lê Đại Hành đã dẹp xong cuộc nổi loạn trong nước, đồng thời thực hiện sự nghiệp vĩ đại phá Tống (năm 981), bình Chiêm (năm 982). Trong công cuộc Nam tiến đánh Chiêm Thành để bảo vệ và mở mang cương thổ, Nhà vua đã cho khơi mở tuyến đường thủy nội địa đầu tiên mà dân gian vẫn quen gọi là Kênh nhà Lê.

Kênh nhà Lê là tuyến đường thủy đầu tiên, được khởi đào từ năm 983, thời Tiền Lê (981-1009). Từ đó, các triều đại về sau liên tục đào thêm nhiều con sông, nối các sông tự nhiên thành một tuyến đường thủy kéo dài từ Ninh Bình vào đến Hà Tĩnh.

Với tầm nhìn chiến lược cả về quân sự và kinh tế, Lê Đại Hành đã cho đào kênh từ sông Mã qua núi Đồng Cổ theo trục Nam - Bắc đến sông Bà Hòa, rồi từ đó khơi dòng vào Nghệ An. Đoạn Kênh nhà Lê tại Nghệ An dài 128km, bao gồm: kênh Mơ (nối liền sông Hoàng Mai và Sông Thơi), kênh Dâu (nối sông Thơi với sông Hàu), kênh Mỹ Giang (nối sông Thơi với sông Bùng), kênh Đạu và kênh Sắt (nối sông Bùng với sông Cấm), kênh Gai, kênh Chính Đích, sông Vĩnh (nối sông Cấm với sông Lam)... chảy qua nhiều huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An như Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, thành phố Vinh, Hưng Nguyên...

Trong lịch sử xây dựng và phát triển Nghệ An, Kênh nhà Lê tại địa phận này đã có nhiều đóng góp về mặt giao thông, thủy lợi, góp phần hình thành nên nhiều làng quê đông đúc trù phú như làng Ngọc Huy, làng Xuân Úc (Thị xã Hoàng Mai), làng Phú Đa (huyện Quỳnh Lưu), làng Đức Thịnh, làng Vạn Phần (huyện Diễn Châu) và góp phần đáng kể vào phát triển nền kinh tế nông nghiệp, thương nghiệp, thủ công nghiệp...

Trong lịch sử xây dựng và phát triển Nghệ An, Kênh nhà Lê tại địa phận này đã có nhiều đóng góp về mặt giao thông, thủy lợi, góp phần hình thành nên nhiều làng quê đông đúc trù phú. Ảnh: internet

Trong kháng chiến chống Mỹ, các lực lượng bộ đội, thanh niên xung phong, cán bộ ngành GTVT đã không quản mưa bom, bão đạn để bảo đảm tuyến chi viện miền Nam luôn thông suốt. Chỉ tính riêng tuyến Kênh nhà Lê tại Nghệ An (từ năm 1965 - 1968) không quân Mỹ đã tiến hành công kích trên 190.000 trận, ném hơn 700.000 tấn bom vào các mục tiêu quân sự, đầu mối giao thông, cơ sở kinh tế và khu dân cư trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Tại địa phận xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, năm 1996, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An dựng Đài tưởng niệm Kênh nhà Lê.

Ngoài những giá trị lịch sử sâu sắc, Kênh nhà Lê còn là nơi lưu giữ và phát triển nền văn hóa đậm đà bản sắc xứ Nghệ, những kỷ niệm bi tráng của đất nước trong suốt chiều dài lịch sử và là nơi vinh dự được đặt Đài tưởng niệm để chúng ta nhớ về một con kênh đã đi vào huyền thoại, tưởng niệm những người con đã ngã xuống vì quê hương, đất nước.

Năm 2016, nhằm tôn vinh giá trị lịch sử của tuyến Kênh nhà Lê - công trình đường thủy tiêu biểu qua các thời kỳ, chào mừng Kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống ngành Đường thủy nội địa (11/8/1956 - 11/8/2016), Cục Đường thủy nội địa Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An lập hồ sơ, đề nghị cơ quan có thầm quyền, xếp hạng tuyến đường thủy Kênh nhà Lê trên đất Nghệ An là Di tích lịch sử quốc gia.

Toàn cảnh Di tích lịch sử Kênh nhà Lê tại Nghệ An (thành phố Vinh, huyện Hưng Nguyên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An). Ảnh:internet

Di tích lịch sử Kênh nhà Lê tại Nghệ An (thành phố Vinh, huyện Hưng Nguyên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký Quyết định số 2405/QĐ-BVHTTDL ngày 07 tháng 7 năm 2016 xếp hạng Di tích quốc gia.

Kênh nhà Lê được xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia sẽ mở ra cơ hội lớn để Nghệ An bảo tồn và phát huy giá trị của một công trình ghi dấu ấn lịch sử, tồn tại qua nhiều thế kỷ và để thế hệ trẻ hiểu rõ truyền thống hào hùng của cha ông. Việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định công nhận Kênh nhà Lê tại Nghệ An là Di tích lịch sử cấp quốc gia cũng mở ra hướng để các tỉnh có Kênh nhà Lê đi qua, từ tỉnh Ninh Bình vào Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh, làm hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia, nhằm phát huy hiệu quả giá trị văn hóa, lịch sử của Kênh nhà Lê; tạo điều kiện để phát triển loại hình du thuyền trên sông, kết hợp du lịch danh thắng với du lịch tâm linh, giới thiệu nét văn hóa đặc sắc đến với du khách. 

P.V

Top