Đúc đồng làng Rồng
Nhắc đến nghề đúc đồng, người ta thường nhắc đến làng Ngũ Xã (Hà Nội), Ý Yên (Nam Định) và Đại Bái (Bắc Ninh), ít ai biết rằng Hưng Yên là nơi có nhiều làng chuyên nghề đúc đồng từ xưa. Một số phường thợ giỏi ở đây đã lên Kinh thành Thăng Long cùng một số phường nghề khác lập nên làng nghề Ngũ Xã danh tiếng. Cách Thủ đô Hà Nội khoảng hơn 30 km, làng đúc đồng Lộng Thượng (hay còn gọi làng Rồng thuộc Đại Đồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) là một làng nghề từng nổi tiếng với những sản phẩm được đúc từ đồng như: Đỉnh đồng, lư hương, lọ hoa,... Từ bàn tay của những người thợ tài hoa trong làng, những sản phẩm ấy đã góp phần vào nét đẹp làng nghề chốn Kinh thành Thăng Long xưa.
Trước đây xã Đại Đồng, Văn Lâm, Hưng Yên có 4 làng làm nghề đúc đồng gồm: Văn Ổ, Xuân Phao, Lộng Thượng, Bùng Đông, trong đó thợ làng Lộng Thượng có tay nghề cao nhất và vẫn tồn tại đến ngày nay. Sản phẩm của làng nổi tiếng nhất là lư hương, đỉnh, hạc, nến, chuông, tượng... được tạo nên bởi kỹ thuật đúc tinh xảo đúc rút qua nhiều thế kỷ.
Đối với những bậc lão nhân trong làng, chứng kiến sự thay đổi của làng quê ngày một đi lên, các cụ càng ghi nhớ công ơn của những người đi trước và không quên truyền tai cho con cháu nghe câu chuyện niềm tự hào về vị Sư Tổ làng nghề luyện kim đúc đồng đa tài – đa nghệ đầy nhân đức. Ngài là Thiền sư Nguyễn Minh Không (1066 – 1141). Cuộc đời của ngài không chỉ được lưu truyền lại trong Ngọc phả tại làng Đàm Xá (Xã Điềm Xã), huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình - quê hương của Ngài mà còn được chính sử thời Lý ghi chép đầy đủ không ngớt lời ca tụng. Vốn là người trí tuệ minh mẫn, chuyến du hành sang Tây trúc học đạo đã khiến ngài học hỏi tinh thông các nghiệp, đặc biệt là nghề luyện kinh đúc đồng. Về nước, trong một chuyến du viễn, đến vùng đất Cổ Mai trang, thấy đất nơi đây thuận cho việc làm khuôn phát triển nghề luyện đồng, ngài đã truyền cho người dân nơi đây những bí quyết hành nghề sẵn dựa vào đất vùng. Bao đời con cháu đã sống no ấm vì có nghề đúc đồng, các sản phẩm từ nghề luyện kim đồng cũng từ đó mà ngày một tinh xảo. Cho đến nay người dân nơi đây đã phát triển và giữ nghề đúc đồng như tôn trọng công đức của chính tổ tiên mình. Chính vì thế, khi nhắc đến nghệ thuật luyện kim đúc đồng là ta biết ngay đến khu vực thuộc xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm nức tiếng với các sản phẩm đồng đúc bậc nhất xứ Bắc nước ta. Người dân vùng đất Cổ Mai xa xưa (nay là Thôn Đông Mai, xã Chỉ Đạo, Huyện Văn Lâm, Hưng Yên) cũng đã từng được Thiền sư Nguyễn Minh Không truyền dạy nghề luyện kim đúc đồng và một thời phát triển thịnh vượng. Dân Cổ Mai đời đời cha truyền con nối giữ nghề tổ đã gần 9 thế kỉ, phát huy tinh hoa của nghề để xây dựng cuộc sống ấm no.
Tuy rằng ngày nay, nghề luyện đồng không còn phổ biến nơi đây nhưng người dân trong làng cũng đã từ đó mở rộng, phát triển với một nghề luyện kim mới - luyện chì. Bởi vậy, người dân nơi đây vô cùng biết ơn và suy tôn ngài là ôngTổ của làng nghề. Thể theo nguyện vọng của nhân dân, sau một thời gian tích cực chuẩn bị các điều kiện phục vụ, với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, công trình đúc tượng đồng Vị Sư Tổ Làng nghề luyện kim đúc đồng Nguyễn Minh Không đã được khởi công tại chính chùa thôn Đông Mai, xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm, Hưng Yên. Tượng được đúc theo dáng ngồi thiền cao 1m57; tổng trọng lượng sau khi đúc bằng đồng đỏ khoảng 6 tạ. Tổng nguồn vốn hoàn toàn do nhân dân và Làng nghề thôn Đông Mai công đức khoảng 400 triệu đồng. Mọi công đoạn từ nấu đồng đỏ, đổ khuôn đều được thực hiện trước sự chứng kiến của hàng trăm người dân trong vùng.
Dù kinh qua những giai đoạn thăng trầm, chiến tranh, hay suy thoái, nghề đúc đồng vẫn được duy trì bởi quyết tâm của người làng Rồng. Khác với Làng đúc đồng Vạn Điển, Tống Xá huyện Ý Yên tỉnh Nam Định chuyên đúc tượng, chuông và các phù điêu, đỉnh cỡ đại; làng đúc đồng Lộng Thượng lại chuyên về các đồ thờ cúng như đỉnh, hạc, chân nến, đèn, mâm bồng, bát hương, những thứ mà trên bàn thờ của mọi gia đình đều không thể thiếu. Trong đó, đáng kể nhất là đỉnh đồng - loại sản phẩm đòi hỏi kỹ thuật cao, tay nghề vững vàng, bởi nó kết tinh cả giá trị hội họa và điêu khắc. Đây có thể coi là hàng khó làm nhất trong các mặt hàng đúc làng Rồng.
Ở mỗi công đoạn, người thợ đúc rút ra kinh nghiệm, bí quyết riêng, ngay từ khâu đầu tiên là làm đất, làm khuôn. Đất làm khuôn không chỉ là loại đất trộn trấu, mà còn cả loại đất có màu đen để trát các khe, đường viền. Loại đất đặc biệt này gồm: Bùn, sét, trấu đốt giã nhỏ, trộn với giấy bản, giấy dó... mới tạo thành mồi thật mịn để chống nứt và làm cho mặt sản phẩm nhẵn bóng hơn. Công đoạn làm khuôn tưởng chừng đơn giản, nhưng để làm được, người thợ có khi phải học đến vài năm, còn thợ vụng, có khi làm lâu năm vẫn hỏng. Đặc biệt như thao tác “lấy thịt”, thịt là độ dày mỏng của lớp đồng khi được rót vào giữa 2 lớp thao trong, bìa ngoài. Người thợ phải chỉnh sửa khuôn sao cho bên trong đồng đều, để khi rót đồng không bị chỗ dày, chỗ mỏng. Việc gọt khuôn bên trong chỉ có thể áng chừng và lấy bằng cảm tính, kinh nghiệm.
Kỹ thuật sản xuất chủ yếu vẫn là thủ công từ khâu làm khuôn, sấy khuôn, đúc, rót. Một số khâu đã sử dụng thiết bị cơ khí như khoan, tiện, đánh bóng. Hình thức tổ chức sản xuất chủ yếu của làng nghề hiện nay chủ yếu là hộ gia đình. Mỗi hộ là một đơn vị sản xuất độc lập chịu trách nhiệm sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, cứ 2 đến 4 hộ chung nhau xây 1 lò nấu đồng để sử dụng luân phiên. Khách tiêu thụ chủ yếu của làng nghề là các đại lý ở Hà Nội, sản phẩm phục vụ nhiều nơi trong cả nước, trong đó 80% số sản phẩm là hàng thuộc loại “bình dân“ cả về hình thức mẫu mã và giá cả. Hiện số hộ tại làng nghề tham gia sản xuất chiếm từ 70 đến 80% trong tổng số hơn 300 hộ của thôn, tạo việc làm cho nhiều lao động trong làng và các địa phương lân cận. Để đoàn kết, thống nhất tổ chức sản xuất kinh doanh sản phẩm của làng nghề, Hội làng nghề truyền thống kinh doanh tái chế kim loại màu Văn Ổ đã được thành lập, góp phần thúc đẩy đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau giữa các hộ sản xuất trong thôn và cùng nhau giải quyết các vấn đề đặt ra trong quá trình phát triển tại làng nghề.
Với nỗ lực tự thân của những người thợ làng nghề, từ những kinh nghiệm được đúc rút từ nhiều đời, những đổi mới về tư duy và công nghệ, bên cạnh đó là chính sách miễn thuế khuyến khích của Nhà nước và hỗ trợ của địa phương, hy vọng trong tương lai không xa, sản phẩm đồ đồng của Lộng Thượng sẽ trở lại thương hiệu nổi tiếng một thời nó đã có.
Bàn Thị Trung