Đổi mới trưng bày Bảo tàng Tôn Đức Thắng - Một trong những giải pháp để thu hút công chúng
Việc thành lập bảo tàng mang tên Tôn Đức Thắng - một danh nhân hoạt động chính trị gắn với một giai đoạn lịch sử giải phóng dân tộc vĩ đại của Việt Nam ở thế kỷ XX - và đặt tại thành phố Hồ Chí Minh - một đô thị lớn, một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa lớn của Việt Nam - không chỉ nói lên tầm vóc của Bác Tôn mà còn để bảo tàng có điều kiện, trách nhiệm góp phần vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của thành phố và cả nước. Bên cạnh đó, từ hoạt động của Bảo tàng Tôn Đức Thắng sẽ góp phần bổ sung, làm phong phú thêm lý luận và thực tiễn về loại hình bảo tàng lưu niệm danh nhân ở nước ta.
1. Đổi mới trưng bày Bảo tàng Tôn Đức Thắng - nhu cầu bức thiết hiện nay
Trước hết cần khẳng định, quá trình tồn tại, phát triển - trong điều kiện còn nhiều khó khăn, đặc biệt về cơ sở vật chất - Bảo tàng Tôn Đức Thắng đã nỗ lực hoạt động với đội ngũ viên chức có trách nhiệm, tâm huyết và ham học hỏi. 25 năm qua, có trên 13 ngàn đầu hiện vật, tài liệu được sưu tầm, lưu giữ, bảo quản và biên mục khoa học, cùng với hệ thống trưng bày thường trực và được bổ sung bởi các trưng bày chuyên đề hàng năm, với lượng khách phục vụ trung bình trong 3 năm gần nhất là 180.000 lượt/năm (bao gồm khách đến bảo tàng và triển lãm lưu động), trong đó chủ yếu là học sinh, sinh viên, công nhân lao động trên địa bàn thành phố. Đó là những thành quả đáng ghi nhận cũng như những đóng góp của Bảo tàng trong sự phát triển chung của thành phố Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên sau 1/4 thế kỷ hoạt động với những kết quả đáng khích lệ, hiện nay Bảo tàng Tôn Đức Thắng đang đứng trước nhiều vấn đề cần phải quan tâm, trăn trở trên bước đường phát triển. Trên Tạp chí Vietnam Heritage, số tháng 11-2012, Pip De Rouvray - người đã có 2 lần tham quan Bảo tàng - trong bài viết tựa đề “Bảo tàng ít người tham quan nhất” có mô tả và khẳng định: “Trước tiên, bảo tàng miễn phí vé,… tất cả những chú thích có cả tiếng Anh và tiếng Việt”. Những chủ đề thực tế của bảo tàng có lẽ được phối cảnh về đời sống của một cá nhân nhưng chúng giống như một số bảo tàng nổi tiếng khác... Đây là một bảo tàng có kế hoạch trưng bày tốt với những phần trưng bày và mô hình. Nơi đây hơn là một ngôi đền dành cho một người phi thường, đầy quyết tâm và dũng cảm. Nó xứng đáng được mọi người biết đến. Tôi đề nghị mọi người nên tham quan nơi này - nơi ít có người đến nhất, để có thể tạo ra sự khác biệt trong hiểu biết của bạn về đất nước này và tăng thêm một điều gì đó đối với việc bạn đã đến tham quan nơi đây”. Dù mang quan điểm cá nhân nhưng bài viết cũng phản ánh phần nào những lợi ích mà trưng bày Bảo tàng Tôn Đức Thắng đem lại cho công chúng nhưng đồng thời cũng nêu lên được thực trạng rằng đây là bảo tàng có ít khách tham quan nhất.
Xét về mặt vị trí: Bảo tàng Tôn Đức Thắng tọa lạc tại địa điểm “đắc địa”: trung tâm thành phố, trên con đường lớn bên sông Sài Gòn, cách Nhà hát thành phố, các cao ốc văn phòng và nhiều khách sạn năm sao chỉ vài phút đi bộ... Tóm lại, đây là địa điểm vô cùng thuận lợi để công chúng đến tham quan nhưng lại là nơi có ít người tham quan nhất. Theo thống kê, lượng công chúng trong nước đến Bảo tàng trong 5 năm (từ 2008 - 2012) trung bình 61.826 lượt/năm, tương tự với khách nước ngoài là 1.912 lượt/năm. Trong một thành phố có dân số xếp vào loại đứng đầu cả nước (kết quả điều tra dân số năm 2009 là 7.162.864 người (chiếm 8,34% dân số Việt Nam); số liệu điều tra của Tổng cục Thống kê ngày 1-4-2011 là 7.549.341 người. Tuy nhiên nếu tính những người cư trú không đăng ký thì dân số thực tế của thành phố vượt trên 10 triệu người) cộng với hơn 2 triệu khách du lịch nước ngoài/năm thì con số khách tham quan Bảo tàng nêu trên quả là rất khiêm tốn nếu như không muốn nói là quá ít ỏi trong một thành phố đầy tiềm năng. Nếu đặt trong bối cảnh chung của 7 bảo tàng công lập trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Hồ Chí Minh quản lý thì Bảo tàng Tôn Đức Thắng cũng là nơi có lượng công chúng tham quan ít nhất. Vì sao Bảo tàng Tôn Đức Thắng ít khách tham quan và thiếu sức hút đối với công chúng không chỉ là câu hỏi đặt ra mà còn bức thiết cần có một phương án giải quyết vấn đề này.
Để phân tích, lý giải tình trạng trên, năm 2012 Bảo tàng tiến hành đánh giá một cách toàn diện về thực trạng trưng bày của bảo tàng. Từ kết quả đánh giá đã cho thấy có rất nhiều nguyên nhân nhưng hệ thống trưng bày cũ kỹ, lạc hậu là một nguyên nhân cơ bản làm cho bảo tàng thiếu sức hút đối với công chúng. Bên cạnh những tiềm năng và ưu điểm trong trưng bày như: Hiện vật và hình ảnh đa dạng, phong phú và rất sống động, gần gũi, dễ hình dung với người xem; có rất nhiều câu chuyện hay để kể về Bác Tôn; một vài trưng bày chuyên đề tạo được cảm xúc với khách tham quan - thì đồng thời cũng bộc lộ những hạn chế cơ bản để gợi mở cho công chúng tìm hiểu và tự trả lời câu hỏi Tôn Đức Thắng là ai (thiếu thông điệp muốn chuyển tải; thiếu hình ảnh động, thiếu các ghi âm những lời kể của nhân chứng; thiếu giọng nói của những chủ thể, thông tin đưa ra mang tính một chiều, áp đặt; thiếu thông tin, chú thích, câu chuyện kể về hiện vật; nội dung trưng bày còn manh mún, trùng lặp; cách thể hiện trưng bày chưa mang tính hiện đại, chưa sử dụng kỹ thuật công nghệ để tạo sự thích thú, gợi mở cho người tham quan; chưa có chương trình giáo dục gắn với trải nghiệm cho công chúng tương tác với trưng bày; hướng xem trưng bày chưa phù hợp, … Cùng với hệ thống trưng bày là việc bảo tàng chưa có các chương trình quảng bá một cách rộng rãi và hiệu quả đến công chúng, chưa có sự tham gia của cộng đồng vào hoạt động bảo tàng … là những nguyên nhân làm nên sự kém hấp dẫn của Bảo tàng Tôn Đức Thắng.
Từ thực tiễn trên, Bảo tàng Tôn Đức Thắng nhận thức sâu sắc rằng cần phải thay đổi trưng bày theo một cách mới, thổi vào trưng bày một làn gió mới để hấp dẫn hơn, thu hút hơn, làm cho công chúng đến bảo tàng cảm thấy thỏa mãn và tương tác, tham gia vào các hoạt động của bảo tàng. Hay nói khác đi, thay đổi/đổi mới trưng bày được đặt ra như một nhu cầu bức thiết xuất phát từ nội tại của bảo tàng và xem việc thay đổi/đổi mới trưng bày là một giải pháp căn cơ để thu hút công chúng bởi lẽ trưng bày là bộ mặt của bảo tàng, công chúng đến bảo tàng để được nhìn/ngắm và cảm thụ hiện vật qua các câu chuyện về chúng mà không ở đâu có được ngoài bảo tàng.
2. Đổi mới trưng bày tại Bảo tàng Tôn Đức Thắng - một trong những giải pháp thu hút khách tham quan
Để giải quyết bài toán làm gì để thu hút khách đến bảo tàng, phương án đổi mới toàn bộ hệ thống trưng bày được lựa chọn. Tuy nhiên, đổi mới trưng bày như thế nào, những người làm bảo tàng cần phải xây dựng quan niệm, định hướng và có bước đi hết sức thận trọng và phải được sự đồng thuận cao của cơ quan chủ quản cũng như mời gọi sự đồng hành, tư vấn có tâm huyết, trách nhiệm của các nhà tư vấn có chuyên môn cao ở trong và ngoài nước.
Từ thực tiễn hoạt động, để có thể thu hút khách tham quan trong thời gian tới, xin nêu một vài suy nghĩ cho đổi mới trưng bày Bảo tàng Tôn Đức Thắng:
- Tư duy trong đổi mới trưng bày: nên xác định hiện vật là tiêu chuẩn đầu tiên để thực hiện đổi mới trưng bày. Cần phải bám sát vào hiện vật, nhóm hiện vật để xây dựng thiết kế định hướng trong trưng bày tránh tình trạng dựa vào kiến thức lịch sử để thực hiện trưng bày hoặc trưng bày chỗ thì quá nhiều hiện vật còn có chỗ thì chỉ có các bảng số liệu, câu trích, tranh vẽ, phù điêu minh họa. Xuất phát từ tư duy lấy kiến thức lịch sử để thực hiện trưng bày, không lấy hiện vật/nhóm hiện vật là trung tâm nên dẫn đến thực trạng của Bảo tàng Tôn Đức Thắng là có nhiều hiện vật vẫn ở kho chưa được đem ra trưng bày nhưng trên trưng bày vẫn thiếu hiện vật, nội dung trưng bày vẫn không chuyển tải được nhiều thông điệp, thông tin cho công chúng. Để làm được điều trên, trước hết bảo tàng cần phải có bước kiểm kê, đánh giá từng hiện vật hiện đang có và định hướng sưu tầm bổ sung, trong đó lưu ý bổ sung các hiện vật với những câu chuyện liên quan đến Bác Tôn và có thể gắn kết với cuộc sống hiện tại. Nếu không đổi mới về tư duy sẽ không có đổi mới về trưng bày mà chỉ là sự làm lại, chắp vá cho trưng bày hiện tại.
- Cần tiếp cận một cách đầy đủ, toàn diện hơn về Danh nhân Tôn Đức Thắng trong đổi mới trưng bày: Chúng ta vẫn luôn khẳng định: Tôn Đức Thắng là một người công nhân tiêu biểu, là người cộng sản kiên cường, mẫu mực, suốt đời phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Điều này hoàn toàn chính xác và Bảo tàng Tôn Đức Thắng đã và đang nỗ lực chứng minh điều trên bằng tài liệu, hiện vật thông qua hệ thống trưng bày với cách thể hiện theo từng mốc thời gian quan trọng hoặc qua những sự kiện trọng đại trong cuộc đời của Người. Đâu đó trong trưng bày tại Bảo tàng cũng thấp thoáng hình ảnh Tôn Đức Thắng trong cuộc sống đời thường là người giản dị, liêm khiết. Nhưng rõ ràng trưng bày chưa gợi cho công chúng tìm được lời giải một cách thấu đáo: vậy thì từ nguồn gốc nào, từ giá trị của phẩm chất nào mà hình thành nên một Tôn Đức Thắng được nhân dân cả nước kính trọng, quý mến gọi là “Bác Tôn” và có bảo tàng về Người? Trong đổi mới trưng bày, ngoài việc nhìn nhận Tôn Đức Thắng trước hết là một con người Việt Nam sinh ra trong hoàn cảnh lịch sử nhất định chịu ảnh hưởng nét văn hóa của vùng miền Nam Bộ, truyền thống gia đình, làng xã với những phẩm chất tự có (thí dụ như: lòng thương người, sự khoan dung, nhân hậu, thủy chung, sự sáng tạo, óc tổ chức) cùng những phẩm chất khác (lòng yêu nước thương dân, nhân đạo, trung thành, kiên cường, tính tiên phong, năng lực lãnh đạo…) được hình thành, được tôi luyện qua thực tiễn của cả cuộc đời với những biến cố quan trọng để trở thành một vị chủ tịch nước trong suốt 11 năm. Cần nhìn nhận Tôn Đức Thắng ở vai trò, hoàn cảnh của một người con, người anh, người chồng, người cha, người ông trong gia đình giống như bao người khác để công chúng có cái nhìn đầy đủ hơn, tòan diện hơn như thực chất vốn có nhằm tránh thần tượng hóa về Người. Chúng ta ca ngợi đức chí công, vô tư quên mình, sự khiêm tốn, giản dị, trong sáng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng vậy cần phải phân tích rồi thể hiện trong trưng bày giá trị chuẩn mực của đạo đức ấy là gì, ảnh hưởng đến thời đại Tôn Đức Thắng đang sống ra sao và nó tác động đến xã hội ngày nay như thế nào? Nếu thực hiện được điều trên thì đây có thể được xem là đặc trưng riêng của Bảo tàng Tôn Đức Thắng.
- Đổi mới trưng bày cần có nhiều thông tin, nhiều câu chuyện của cộng đồng mang tính gợi mở cho công chúng: Một trong những nguyên nhân khiến trưng bày của Bảo tàng Tôn Đức Thắng kém thu hút là trưng bày giống như một bài giảng về lịch sử viết theo từng chương, tầm câu, trích cú những lời phát biểu của các đồng chí lãnh đạo một cách cứng nhắc, thông tin bảo tàng đưa ra một chiều và mang tính áp đặt. Bảo tàng đã sử dụng những đánh giá về Bác Tôn theo đúng chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước để đưa vào trưng bày trên cơ sở tiến trình lịch sử của dân tộc. Điều này là đúng nhưng chưa đủ và cách thể hiện trên cũng đã lỗi thời. Trong đổi mới trưng bày, thông qua hiện vật/ nhóm hiện vật, chủ đề và các tiểu chủ đề, bảo tàng lý giải tại sao và như thế nào cho công chúng bằng quan điểm, bằng tiếng nói của chính chủ thể, tiếng nói của gia đình Bác Tôn, tiếng nói của người dân quê hương Bác Tôn và tiếng nói của các đồng chí của Người, những người sống đồng thời với Bác (vì sao Bác Tôn chọn con đường làm thợ, tại sao Bác làm lính thợ tại Pháp, Bác tham gia sự kiện ở Biển Đen năm 1919 như thế nào, cái gì đã giúp Bác vượt qua mọi khó khăn thử thách trong suốt 15 năm ở “địa ngục trần gian” Côn Đảo, cái gì đã tạo nên niềm tin mãnh liệt của Tôn Đức Thắng vào sự thắng lợi của cách mạng Việt Nam, cái gì tạo nên một nhân cách Tôn Đức Thắng…). Từ nhiều thông tin, nhiều câu chuyện của nhiều cộng đồng, công chúng tham quan sẽ tự lý giải và tự đặt câu hỏi cho chính bản thân nếu như họ ở vào hoàn cảnh như Bác Tôn. Đương nhiên, Bảo tàng cần phải xử lý thật nhuần nhuyễn, hợp lý về tỷ lệ giữa tiếng nói của cộng đồng với chủ trương, đường lối của Đảng trong cả hệ thống trưng bày, trong từng chủ đề, tiểu chủ đề để không chệch với quan điểm chủ đạo mà đạt hiệu quả xã hội.
- Đổi mới trưng bày ở Bảo tàng Tôn Đức Thắng còn là sự kết nối giữa câu chuyện của quá khứ với câu chuyện của xã hội đương đại: Trưng bày bảo tàng đang kể câu chuyện về Bác Tôn - câu chuyện đã xảy ra trong thế kỷ trước: năm 18 tuổi (năm 1906), Tôn Đức Thắng đã chọn con đường làm thợ, tự nguyện đứng vào hàng ngũ giai cấp công nhân (một giai cấp đang trong quá trình hình thành tại Việt Nam và tương lai sẽ lãnh đạo cách mạng nước ta) và suốt đời mang trong mình bản chất của giai cấp công nhân dù có đảm nhiệm nhiều vị trí, trọng trách mà cao hơn hết là nguyên thủ quốc gia. 31 tuổi (năm 1919) tự nguyện đứng vào hàng ngũ của giai cấp cần lao quốc tế bằng hành động kéo lá cờ đỏ phản chiến ở Biển Đen. Một năm sau (năm 1920) ở tuổi 32, thành lập Công hội bí mật - một tổ chức chưa từng có ở Việt Nam đến thời điểm đó - để bảo vệ quyền lợi của cả một giai cấp rồi đem chính tổ chức đó gia nhập vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, tự nguyện đứng vào hàng ngũ của những người cộng sản tiên phong bảo vệ quyền lợi dân tộc, quyền lợi giai cấp. Ở tuổi trung niên (từ năm 1930 - 1945), bằng phẩm chất trung thành, kiên định với lý tưởng, bằng chất nhân đạo của con người, Tôn Đức Thắng đã sáng ngời như viên ngọc tại “địa ngục trần gian” Côn Đảo. Bước sang tuổi “xưa nay hiếm” cho đến hết đời, Tôn Đức Thắng vẫn tiên phong, tận tụy để đạt kết quả cao nhất trong từng trọng trách được giao phó. Từ câu chuyện của Bác Tôn, trưng bày của Bảo tàng sẽ kết nối với câu chuyện của hôm nay: Đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời, thanh niên sẽ tự thân lập nghiệp ra sao trong một xã hội có rất nhiều cơ hội nhưng cũng đầy thách thức, cách chọn con đường lập nghiệp của thanh niên hiện nay có phù hợp với năng lực bản thân, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại, phù hợp với lợi ích của quốc gia, dân tộc và dám đương đầu với mọi khó khăn, thử thách để đến đích cuối cùng như Bác Tôn đã làm cách nay một thế kỷ. Tinh thần trách nhiệm của mỗi thanh niên với xã hội, với cộng đồng hiện nay có như Bác Tôn đã cống hiến cho đất nước, dân tộc ở một trăm năm trước? Trong thế giới hội nhập, toàn cầu hóa hiện nay, thanh niên Việt Nam tự xây dựng phẩm chất cần có và rèn luyện bản lĩnh gì để giữ gìn được độc lập, chủ quyền và bản sắc riêng của dân tộc mình như Bác Tôn đã suốt đời phấn đấu? Hay trưng bày sẽ gắn kết câu chuyện giáo dục của gia đình Bác Tôn (về tình yêu thương, sự chia sẻ, sự tự lập, trách nhiệm công dân) với câu chuyện giáo dục trong các gia đình của Việt Nam hiện nay như sự quan tâm của cha mẹ đến con cái, sự sẻ chia giữa các thế hệ trong một gia đình, tính tự lập, kỹ năng sống, trách nhiệm với xã hội của thế hệ trẻ. Nghĩa là, trưng bày bảo tàng không chỉ kể câu chuyện của ngày hôm qua mà còn phải kể cả câu chuyện của ngày hôm nay.
Sự kết nối giữa quá khứ với hiện tại còn là sự tham gia của cộng đồng trong trưng bày bảo tàng. Người dân cù lao Ông Hổ (quê hương Bác Tôn), công nhân trong các khu công nghiệp, người lính hải quân… sẽ kể câu chuyện về việc làm, gia đình, đời sống và ước mơ của chính bản thân họ. Các em thiếu nhi sẽ kể về gia đình, bạn bè, thầy cô, trường học và mong muốn của chính các em thông qua ngôn ngữ trẻ thơ trong trưng bày. Bảo tàng có thể mời gọi các cựu tù chính trị Côn Đảo để họ kể câu chuyện chân thật, sinh động và đầy bi tráng về cuộc đấu tranh chống lại chế độ lao tù khắc nghiệt mà họ và Bác Tôn đã trải qua không chỉ để sống sót mà còn là để giữ gìn nhân cách và phẩm giá con người. Câu chuyện cộng đồng tham gia và hưởng ứng tích cực vào hoạt động của bảo tàng, trở thành chủ thể của trưng bày thật ra không mới ở nước ta (Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã từng làm và rất thành công) và càng không mới so với thế giới nhưng nếu Bảo tàng Tôn Đức Thắng mời gọi và để cộng đồng trở thành chủ thể của trưng bày có thể xem là bước thử nghiệm cho loại hình bảo tàng lưu niệm danh nhân ở thành phố Hồ Chí Minh.
- Cần có phần tương tác và trải nghiệm cho công chúng trong đổi mới trưng bày: Khách tham quan suy nghĩ, đặt mình vào hoàn cảnh như Bác Tôn và có thể chia sẻ sau khi xem trưng bày về những sự kiện: Bác Tôn kéo lá cờ đỏ ở Biển Đen, sự kiện Bác Tôn bị tù đày 15 năm tại Côn Đảo, Bác Tôn là người đứng đầu quốc gia, Quốc hội, Mặt trận Dân tộc thống nhất… Bảo tàng có thể là nơi các em thiếu nhi học sửa chữa xe đạp, sửa chữa máy móc đơn giản thông qua phim ảnh Bác Tôn đang sửa xe đạp hoặc đang hướng dẫn các em thiếu nhi sử dụng dụng cụ cơ khí hoặc được trải nghiệm là cháu ngoại của Bác Tôn. Bảo tàng có thể là nơi công chúng tự họa chân dung họ bằng các chất liệu phong phú mà các nghệ nhân đã tạo nên những bức tranh về Bác Tôn đang trưng bày tại bảo tàng. Công chúng có thể được trải nghiệm làm người lính thủy kéo cờ đỏ, làm đại sứ trình quốc thư cho Chủ tịch Tôn Đức Thắng …
Để hấp dẫn du khách, không thể không tiếp cận mới về thiết kế mỹ thuật và ứng dụng khoa học công nghệ một cách hợp lý để tăng thêm phần hấp dẫn cho nội dung trưng bày.
Thu hút công chúng đến bảo tàng là câu chuyện muôn thuở cho tất cả các bảo tàng, trong đó có Bảo tàng Tôn Đức Thắng. Nếu xem đổi mới trưng bày là một trong những giải pháp có tính căn cơ thì Bảo tàng Tôn Đức Thắng phải tiến hành nhiều giải pháp khác như điều tra, nghiên cứu đánh giá nhu cầu khách tham quan, xây dựng các chương trình giáo dục liên kết với các trường học và cộng đồng… song song đó là giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ làm bảo tàng.
Mạnh dạn nhìn nhận hạn chế, có quyết tâm đổi mới hoạt động bảo tàng nói chung, có nâng cao chất lượng đội ngũ kết hợp tranh thủ các chuyên gia đầu ngành thì Bảo tàng Tôn Đức Thắng mới đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển trong tương lai.
TS Trần Xuân Thao
Nguyễn Thị Khánh Hằng