Đồ gốm Hoàng cung thời Lê sơ qua khai quật Di tích Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội

Gốm cung đình - gốm Lò quan ở Việt Nam, cho đến nay, sớm nhất được biết tới là gốm “Thiên Trường phủ chế” được chế tác tại Phủ Thiên Trường (Nam Định ngày nay). Đến thời Lê sơ, Mạc, Lê Trung Hưng và Nguyễn, gốm Lò quan vẫn phát triển để phục vụ cho Cung đình và Hoàng tộc, bên cạnh những sản phẩm nhập ngoại từ Trung Hoa mà các triều Lê - Trịnh và Nguyễn vẫn thường hay sử dụng.

Các nhà nghiên cứu, thông qua một tập hợp lớn các tàn tích gốm phát hiện được ở Hoàng Thành Thăng Long trong thời đại Lê sơ đã phân ra đồ gốm dành cho Nhà vua, đồ gốm dành cho Vương hậu và đồ gốm dùng trong cung đình.

Gốm dùng cho Nhà vua là gốm men trắng vẽ lam trang trí rồng năm móng, những chiếc bát men trắng văn in trang trí hoa cúc, rồng, mây với xương gốm mỏng, thấu quang. Đó còn là những chiếc bình (ấm) rượu đi liền với tước (chén) men trắng như màu hoa bưởi, đắp nổi, hoặc ám họa những họa tiết hoa văn sang trọng, biểu trưng cho quyền lực Nhà vua. Ngoài men trắng vẽ lam và men trắng văn in, men trắng đắp nổi đồ gốm dùng cho Nhà vua còn có loại men trắng vẽ nhiều màu. Điểm khác biệt giữa men trắng vẽ nhiều màu dùng cho xuất khẩu mà chúng ta đã chứng kiến một khối lượng tương đối phong phú trên con tàu cổ Cù Lao Chàm (Hội An - Quảng Nam) vốn cùng loại gốm này, nhưng được dùng cho Nhà vua, đó là họa tiết trang trí. Những chiếc đĩa nhỏ và bình rượu vẽ rồng năm móng màu lam dưới men nung lần thứ nhất nặng lửa, sau đó, người thợ gốm dùng màu đỏ, màu xanh lá cây, vàng mười chạy những họa tiết li ti trên men viền và dát quanh con rồng, biểu tượng quyền uy, nung nhẹ lửa lần thứ hai, để tạo nên những sản phẩm vô cùng tinh mỹ, có bố cục chặt chẽ, phản ảnh quyền lực của các bậc đế vương. Sự tham gia của vàng mười trong sản xuất đồ gốm dùng cho Nhà vua và xuất khẩu, có thể chỉ vẻn vẹn trong thế kỷ 15. Trước và sau đó không hề thấy. Đó là một đặc trưng vô cùng nổi trội, được nhà nghiên cứu gốm sứ người Anh nổi tiếng Joh Guy coi là “sản phẩm có giá trị riêng biệt Việt Nam”. Người Nhật thời Minh Trị hay người Trung Hoa, thời cuối Thanh, đến thế kỷ 19 mới dùng vàng vẽ trên men.

Đĩa gốm

Gốm dành cho Vương hậu cũng là những đồ cao cấp, trang trí hình chim phượng, thiên nga, hoa lá… mà phẩm cấp của nó vượt trội hơn rất nhiều so với những đồ gốm dành cho Cung phi. Những bát, đĩa vẽ lam hay kết hợp vẽ nhiều màu và dát vàng được vẽ hình chim phượng là bằng chứng sinh động cho giá trị đương thời của chúng trong Cung đình.

Ngoài những tín hiệu và hoa văn, men và kỹ thuật tạo tác, phản ánh đồ dùng Vương hậu của đồ gốm, còn có những ký tự vô cùng xác tín chứng minh đồ gốm ấy đã được dùng trong các cung tại Hoàng gia. Trên thân hay trong lòng của những chiếc đĩa, bát có ghi những chữ Hán sau đây: “Trường Lạc cung”, “Trường Lạc”, “Trường Lạc khố”. Rõ ràng đây là những đồ dùng trong Cung Trường Lạc, một hậu cung dành cho các vương hậu thời Lê Sơ, trong Hoàng thành Đông Kinh thời ấy. Thậm chí, những đồ dùng trên còn sản xuất để lưu giữ trong kho (Trường Lạc khố) để việc cung cấp không bị gián đoạn, cắt quãng, chứng tỏ mức độ chuyên nghiệp của gốm Lò quan thời bấy giờ, mà bấy lâu nay ta cứ tưởng như, định chế gốm lò quan Đại Việt còn lỏng lẻo so với một số quốc gia Đông Á: Nhật Bản, Triều Tiên và Trung Hoa.

Sử cũ ghi lại rằng, Trường Lạc là một cung điện lớn, quan trọng của Thái hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Hằng (1441-1505), vợ Vua Lê Thánh Tông, mẹ Vua Lê Hiển Tông, bà được tuyển vào Cung năm 1460, đến năm 1497, được phong làm Trường Lạc thánh từ Hoàng thái hậu. Bà mất năm 1505 cũng tại cung này.

Gốm dùng cho Vương hậu cũng có gốm trắng văn in, nhưng hoa văn trang trí chỉ là hoa cúc, hoa mẫu đơn, văn sóng nước giống như vẩy cá và phẩm cấp của chúng, xem ra thấp hơn nhiều so với đồ của Vua dùng. Đây là hiện tượng vô cùng phù hợp, khi tôi nghiên cứu gốm men trắng văn in Hoàng cung của Triều Tiên, được phân ra làm 4 loại. Ngoài Vua và Vương hậu còn có đồ dùng của hoàng gia và quan lại. Chính vì điều này, đã có nhà nghiên cứu Việt Nam nhận ra rằng, những đồ gốm men trắng văn in thấy ở Nhật Bản, thấy ở trong các ngôi mộ ở vùng Mường (Hà Tây cũ), mộ của người Tày (Tuyên Quang), hay một vài tiêu bản trong con tàu cổ Cù Lao Chàm (Hội An - Quảng Nam) chở gốm đi xuất khẩu. Chúng hoàn toàn là đồ dùng trong Cung đình. Tuy nhiên, phẩm cấp của chúng chỉ nằm ở loại ba hoặc bốn, theo đó, loại sản phẩm ấy nhiều trường hợp được sử dụng làm quà tặng cho các Hoàng gia lâm bang và ban phát cho các quý tộc vùng biên viễn, khi mà chính sách “ràng buộc” của chính quyền Trung ương tập quyền thời Lê sơ với các tù trưởng địa phương là vô cùng chặt chẽ.

Ang hình cầu, gốm hoa lam vẽ rồng

Đồ gốm dùng trong Cung đình, thuộc loại phẩm cấp thấp hơn nhiều so với hai loại trên. Đó là những đồ dùng dành cho Hoàng tộc, quan lại, thị vệ. Chúng là những đồ gốm được sản xuất tại các lò, ở xa Kinh thành, chủ yếu ở vùng xứ Đông (một phần Hải Dương ngày nay). Tuy nhiên, đây mới chỉ là một giả thiết. Rất có thể, gốm Lò quan vùng Thăng Long sản xuất đồ dùng trong Cung đình cũng là một phân công trong hệ thống các lò gốm này?

Thế nhưng, phẩm cấp thấp kém rất xa so với hai loại trên, khiến chúng ta khó nhận ra sự khác biệt giữa chúng với gốm dân dụng cùng thời. Tuy nhiên, theo tôi, gốm dân dụng vào thế kỷ 15, 16 xem ra chỉ là những đồ gốm đất nung, đồ sành, đồ đàn của những Xóm Hống (Hải Dương), Thổ Hà (Bắc Giang) hay Hương Canh (Vĩnh Phúc) và Phù Lãng (Bắc Ninh) mà thôi.

Chẳng nói đâu xa, thời bao cấp vài chục năm trước, cán bộ trung cao cấp mới được phân bát, đĩa, cốc, chén sản xuất tại lò gốm sứ Hải Dương, mà nhiều người vẫn không dám dùng, đặt trong tủ trưng bày, thì người dân thường lấy đâu ra, nói chi tới sáu trăm năm về trước?

Tôi cho rằng, cái được gọi là gốm Cung đình, chính là loại gốm thông thường, theo đó, ở Đông Kinh, Lam Kinh, chúng ta phát hiện được khá nhiều gốm sứ xuất khẩu đến từ Trung Hoa, Nhật Bản. Chúng là đồ gốm thương mại, được sản xuất ở những lò gốm bình dân.

Vài ý kiến bước đầu về gốm được sử dụng trong Hoàng cung, người viết muốn một lần nữa nói tới dòng gốm Lò quan, điều mà bấy lâu nay tôi vẫn hằng quan tâm - thông qua một trường hợp cụ thể là đồ gốm khai quật được ở Hoàng thành Thăng Long, đã được các đồng nghiệp cung cấp, thiết nghĩ sẽ có ít nhiều bổ ích đối với những ai quan tâm tới vấn đề này. Mong nhận được sự chỉ dậy thêm từ các nhà nghiên cứu gần xa để định hướng của tôi thêm phần tự tin bước tiếp.

TS Phạm Quốc Quân

Top