Di tích lịch sử Đình Như Bá

Đình Như Bá là công trình kiến trúc thời Nguyễn, được xây dựng cuối thế kỷ XIX. Ban đầu, Đình xây dựng 1 tòa, 3 gian, 2 vị gỗ, mái lợp tranh, xung quanh thưng phên nứa, phía trước để trống. Nguyên sơ ban đầu vùng đất di tích có tên là Đồng Bạch phường, đến năm 1786 được đổi tên thành làng Như Bá.

Hiện nay, Di tích Đình Như Bá tọa lạc ở trung tâm xã, bốn phía được bao bọc bởi khu dân cư đông đúc, trù phú thuộc thôn 2 (thôn Cao Hợp), xã Quỳnh Bá, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Đình là nơi tôn thờ và tưởng niệm Thành hoàng Hồ Sỹ Dương, phối thờ 1 vị Hậu thần, 1 vị Phúc thần và các vị tiên hiền có công bảo quốc, hộ dân, che chở cho dân làng; nơi tổ chức hội họp, sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân địa phương và nhân dân vùng phụ cận.

Hồ Sỹ Dương (còn có tên là Hồ Ả Ngọc, Hồ Khả Tri), sinh năm 1621 đời Vua Lê Thần Tông, niên hiệu Vĩnh Tộ năm thứ 4. Ông quê ở làng Quỳnh Đôi, xã Hoàn Hậu, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Ông là con cụ Giám sinh  Thái Bảo, Tả thị lang Diễn Thịnh hầu Hồ Hoàng và bà Hoàng Thị Tâm. Ông là Hậu duệ Thái Thủy tổ Hồ Kha. Từ nhỏ, ông rất thông minh, học giỏi. Vào năm Kỹ Mão (1639), đời Vua Lê Thần Tông năm thứ 21, niên hiệu Dương Hòa năm thứ 5, ông thi đỗ Sinh đồ.

Năm Ất Dậu (1645), đời Vua Lê Chân Tông năm thứ 3, niên hiệu Phúc Thái thứ 3, ông dự kỳ thi Hương đậu giải Nguyên trường Nghệ. Năm Bính Tuất (1646), đời Vua Lê Chân Tông năm thứ 4 thi Hội trúng Tam trường. Năm Nhâm Thân (1652), Hồ Sỹ Dương dự kỳ thi Hội, đỗ thứ 9, vào thi Đình, đỗ Đề Tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân, được bổ giữ chức Lại khoa Cấp sự trung. Năm Kỷ Hợi (1659), đời Vua Lê Thần Tông năm thứ 11, niên hiệu Vĩnh Thọ thứ 2, Triều đình mở khoa thi Đông Các đầu tiên Vua đích thân ra bài thi. Hồ Sỹ Dương dự thi được xếp bậc 2, được mang mũ áo, về vinh quy bái tổ, giữ chức Đông các học sỹ, chức Học sỹ. Do lập được nhiều công lao nên ông được Triều đình ban cho lộc điền (nay thuộc 4 xã Quỳnh Bá, Quỳnh Hoa, Quỳnh Diễn, Quỳnh Thọ - huyện Quỳnh Lưu). Sau khi nhận lộc điền, ông đã ban cho vùng đất này (sau này là làng Như Bá) là 44 mẫu đất, 2 sào, 6 thước để làm đất canh tác và đất ở, cũng trong năm 1662, ông đã thành lập phường Đồng Bạch - tiền thân của làng Như Bá. Một số người  giúp việc cho Hồ Sỹ Dương khi ở Triều đình đến lúc tuổi cao, được ông giúp đỡ về đây lập nghiệp, thành các vị tiên hiền của làng Như  Bá.

Đại diện sở VH-TTDL trao bằng Di tích Đình Như Bá

Đầu năm Kỷ Dậu (1669), đời Vua Lê Huyền Tông năm thứ 8, niên hiệu Cảnh Trị thứ 7, tháng 8 lấy Hồ Sỹ Dương làm Hữu thị lang Lại bộ. Đến tháng 12 ông được phong tước Hầu (Duệ Nhuận Hầu) vì có công trong việc đón tiếp sứ thần phương Bắc. Năm Canh Tuất (1670), ở vùng Tuyên Quang, con của Ma Thúc Trường là Huệ Đĩnh Ma Phúc Lan và em là Sân Thắng Ma Phúc Điện tụ họp bè lũ đi cướp bóc, dân địa phương rối động. Tháng 6 năm đó, Tây Đô Vương sai Thiếu uý Hào quận công Lê Thì Hiến làm Thống suất, Hữu thị lang Lại bộ Nhuận Duệ hầu Hồ Sỹ Dương làm Đốc thị, đem quân đi dẹp giặc tại miền Tuyên Quang. Hai vị chỉ huy chia đường tiến đánh, thu được thắng lợi lớn.

Năm Quý Sửu (1673) đời Vua Lê Gia Tông năm thứ 3, niên hiệu Dương Đức thứ 2, ông được cử làm Chánh sứ đi sứ Trung Quốc nhân dịp nhà Thanh mở khoa thi Đông các, với tư cách Đông các Việt Nam ông xin ứng thi và đã đỗ Đông các. Hồ Sỹ Dương đã đem tài thao lược giúp nước Tàu đánh tan được giặc. Nhờ công lao của ông mà mối bang giao giữa Việt Nam và nhà Thanh trở nên hòa hảo.

Hồ Sỹ Dương là sứ thần nổi tiếng và lập nhiều công trạng, 6 lần có tài đối ứng, mỗi lần người Thanh thử tài đều tiên liệu biết trước như thần. Do đức rộng tài cao và có nhiều công trạng nên Hồ Sỹ Dương được Vua nhà Thanh Khang Hy phong cho ông là Tể tướng hai nước. Tháng 3 năm Ất Mão (1675), đời Vua Lê Hy Tông năm thứ 1, niên hiệu Đức Nguyên thứ 2, các sứ thần về nước, xét công lao đi sứ, Hồ Sỹ Dương được cử làm Công bộ Thượng thư, tước Duệ quận công. Làm quan to với tước cao Duệ quận công, ông vẫn sống rất bình dị, hết lòng vì nước thương dân. Ông chú ý đến đời sống của nhân dân, nhiều lần được cử đi xem xét dân tình “đối với quê hương ông lo việc đắp đập xây cống, cải tạo đồng ruộng”, ruộng đất nhà nước phong cấp ông giành phần lớn vào việc khai cơ lập ấp, ông chiêu mộ dân nghèo lập ra 5 làng (làng Như Ba, nay thuộc xã Quỳnh Bá, làng Tiên Đội, nay thuộc xã Quỳnh Hoa, làng Nhân Huống nay thuộc xã Quỳnh Diễn, làng Thọ Vực nay thuộc xã Quỳnh Thọ và Làng Bảo Yên nay là xã Quỳnh Trang, thị xã Hoàng Mai).

Rước bằng di tích về nhà thờ Đình Như Bá

Ngoài cống hiến trên các lĩnh vực chính trị, quân sự, ngoại giao, Hồ Sỹ Dương còn là một tác giả để lại cho đời khá nhiều tác phẩm với nội dung và thể loại đa dạng và có giá trị như: Hoan Châu phong thổ ký (Sử địa), Trùng san Lam sơn thực lục- Hồ tộc phổ ký (Sử), “Hồ Thượng thư gia lễ”, Đại Việt Lê triều đế vương Trung Hưng công nghiệp thực lục, Hùng Vương Sự tích ngọc phả cổ truyền…Năm Tân Dậu (1681) đời Vua Lê Hy Tông năm thứ 07, niên hiệu Chính Hoà thứ 2, ông được Triều đình cho về quê trí sỹ. Năm 1681, sau một thời gian lâm bệnh nặng, ông đã tạ thế, hưởng thọ 60 tuổi. Sau khi mất, ông được truy phong chức Thượng thư bộ Hộ hàm Thiếu bảo, phong làm Trung đẳng phúc thần, cấp ruộng đất cho nhân dân địa phương xây đền Trên để thờ Hồ Sỹ Dương. Ngôi đền này nằm cách đình Như Bá khoảng 200m về phía Tây Bắc. Ngoài ra, đình còn phối thờ 2 vị Hậu thần và Phúc thần là thái y Ngô Văn Ngạo, danh y Lê Quốc Giám là 2 danh y nổi tiếng, có tấm lòng bao dung, độ lượng đóng góp nhiều công lao to lớn trong việc bốc thuốc chữa bệnh cho nhân dân, nhất là cho dân nghèo. Sau khi mất, các ông vẫn hiển linh cứu giúp dân lành. Các ông được nhân dân lập đền thờ ở nhiều nơi. Làng Như Bá cũng đã lập đền thờ ông tại đền Hạ  để cầu mong các ông phù hộ cho dân yên, vật thịnh, khi trong làng có dịch bệnh, ốm đau, đến cầu xin đều linh ứng. Năm 1954, đền phế bỏ, dân địa phương đã rước đồ tế khí của đền này về bảo quản và hợp tế tại đình Như Bá. Đình Như Bá, xã Quỳnh Bá được UBND tỉnh công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh là sự kiện quan trọng, là địa chỉ để tuyên truyền, giáo dục nhân dân nhất là thế hệ trẻ về quá khứ hào hùng về mảnh đất con người, nơi có bề dày lịch sử văn hoá và truyền thống cách mạng. Đồng thời, đó cũng là tâm huyết, công sức của Đảng bộ, nhân dân trong quá trình bảo tồn, tôn tạo và phát huy di sản văn hóa vật thể và phi vật thể.
 

Hồ Thanh Khương

Top