Diều Huế - "Nghệ thuật múa rối trên không"

Ngồi trên thảm cỏ xanh mướt bên dòng sông Hương thơ mộng buổi chiều mùa Hè nhìn lên bầu trời trong xanh với vài áng mây bay nhè nhẹ. Những cánh Diều Huế đa sắc màu với nhiều hình dáng bắt mắt ngộ nghĩnh. Tâm hồn của ta dường như nhẹ hẳn, ta sẽ cảm thấy cuộc đời và tương lai trải dài đến chân trời.

Cho đến bây giờ chưa thấy tài liệu nào xác định rõ những cánh Diều Huế ra đời từ bao giờ. Tuy nhiên những câu chuyện truyền khẩu trong dân gian thì ít nhất cánh Diều Huế cũng đã bay trên bầu trời đất Cố đô hàng mấy trăm năm. Xuất phát bởi những trẻ mục đồng thông minh nghịch ngợm, từ đồng quê mênh mông, cảm hứng từ nắng và gió của những buổi trưa hè hay buổi chiều êm dịu; những cánh Diều được ra đời, lần lượt cải biên theo chiều dài năm tháng. Thú vui dân gian giản dị, rẻ tiền nhưng vô cùng hấp dẫn đã thu hút người lớn tuổi nhập cuộc để rồi những cánh Diều được thêm màu sắc, hình tượng, dáng vẻ phức tạp. Thời gian cứ thế mà trôi qua, cánh Diều cứ thế mà phát triển, Diều như một “loại hình nghệ thuật múa rối trên không.” và nó đã thuyết phục được mọi người, đến với họ như một quy luật tự nhiên ngay cả Triều đình Nhà Nguyễn cũng truyền cho trăm họ tổ chức thả Diều trong các ngày lễ tết…

Gần đây nhất, tại Festival Huế - 2010 đã tổ chức chương trình thả Diều nghệ thuật trong “Đêm Hoàng cung”. Từ đó mặc nhiên Diều trở thành một nghề, thậm chí một nghề nghệ thuật, một bộ môn thể thao tiêu khiển, một sản phẩm văn hóa để trang trí, làm quà lưu niệm đặc thù; thực sự đã làm say đắm mê hoặc lòng người...

Đến năm 1983, Câu lạc bộ Diều Huế chính thức ra đời đi vào hoạt động (trực thuộc Nhà Văn hóa Huế) và kể từ đó đến nay nó đã thực sự thăng hoa và phát triển một cách rộng khắp, những cánh Diều Huế đã đi theo du khách không những trong nước mà còn khắp năm châu bốn biển.    

Anh Nguyễn Duy Mùi (một Nghệ nhân trẻ - Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Diều Huế) anh cho biết: Những nghệ nhân có tâm huyết yêu nghề đã hoạt động, sáng tác, chế tác không mệt mỏi, đời này kế thừa đời trước để giữ gìn, phục dựng và phát triển để cho những cánh Diều mãi được bay lượn trên không trung. Diều được làm từ giản đơn (Cá, Mực, Ó, Bướm...) đến những cánh Diều phức tạp (Long, Lân, Quy, Phụng, Công, Rắn, Rít, Đại Bàng, Bồ Câu, Tấm Cám, Thạch Sanh, Bạch Tuyết, máy bay...). Tuy nhiên, dù cho giản đơn hay phức tạp thì công đoạn để làm ra một cánh Diều nghệ nhân đều hao tổn mồ hôi công sức và tâm huyết như nhau. Để làm một cánh Diều trước hết là xây dựng ý tưởng, chọn vật liệu, tính toán đối trọng, trọng lực và điều chỉnh sự cân bằng. Làm ra Diều đã khó nhưng điều khiển Diều lại càng khó hơn; Từ một sợi dây lèo người thả đã truyền tâm lực và sự sống với mong muốn gửi gắm cho Diều để khi lên đến bầu trời cao nó sẽ thay ta nói lên bao điều ước mơ khát vọng với trời xanh.

Ước mơ thì nhiều, khát vọng cũng lớn. Nhưng đối với những cánh Diều thì chỉ mong điều giản dị: một ngày không xa Diều chính thức được trở thành một người bạn đường của mọi sự kiện văn hóa để Diều được đi khắp bốn phương và thay con người mang bao điều cầu nguyện tốt lành lên bầu trời cao xanh lồng lộng.

Lê Tân

Top