Dân ca Ví, Giặm trong đời sống nhân dân thành phố Vinh

Người xứ Nghệ nói chung người Thành Vinh nói riêng gắn bó với câu dân ca từ trong bụng mẹ. Ngay từ thuở lọt lòng con người nơi đây đã được nghe khúc hát ru ầu ơ dịu ngọt, cùng với củ sắn củ khoai, với tương cà mắm muối... biết bao thế hệ con người cứ thế lớn lên, trưởng thành, rồi đi xa. Câu Ví, Giặm mộc mạc chân tình, giản dị mà sâu lắng mang bao nỗi niềm cực nhọc cùng giọt mồ hôi và cả nước mắt của ông bà, cha mẹ ăn sâu vào tâm thức họ, để đến lúc đi xa họ không thể nào quên được.

Theo người dân Thành phố, dân ca Ví, Giặm đi vào đời sống đã từ lâu. Tiền thân là các đội văn nghệ quần chúng, hạt nhân chủ yếu là những diễn viên đã nghỉ hưu, những người cao tuổi, những người yêu thích dân ca, họ tự sáng tác, cải biên đặt lời mới để sinh hoạt và duy trì phong trào hoạt động văn nghệ. Hàng năm, trong các cuộc thi văn nghệ từ cấp cơ sở đến thành phố, và cả trong trường học đều có hát dân ca, những tiết mục dự thi rất dân dã như: Thập ân phụ mẫu, Phụ tử tình thâm, Mời trầu... thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.

Đến nay, dân ca đi vào đời sống nhân dân với nhiều hình thức, phổ biến là hình thức sinh hoạt Câu lạc bộ dân ca. Từ các đội văn nghệ quần chúng và phong trào văn nghệ cơ sở, dưới sự chỉ đạo của chính quyền thành phố, các Câu lạc bộ được thành lập nhằm lưu giữ bảo tồn và phát huy dân ca xứ Nghệ. Hiện nay, trên địa bàn thành phố đã có những Câu lạc bộ như: Nghi Liên, Vinh Tân, Trường Thi, Đội Cung, Lê Lợi. Hầu hết các câu lạc bộ đều đi vào hoạt động và sinh hoạt đều đặn. Cô Thống - một thành viên của Câu lạc bộ phường Lê Lợi, là người sống ở thành phố này đã lâu, tham gia dàn dựng nhiều chương trình văn nghệ của thành phố, cô cho biết: phong trào hát dân ca trong thành phố đã có từ lâu lắm rồi, từ lúc cô sinh ra, lớn lên đã thấy các cô chú, anh chị đi hát dân ca, bất cứ một phong trào văn nghệ nào trong thành phố cũng đều có hát dân ca và có giải thưởng cho những người biết hát dân ca. Trước đây cô từng tham gia hát dân ca, dàn dựng chương trình trong các đội văn nghệ quần chúng. Cô còn nhớ mãi, hồi đó, những lần Thành phố tổ chức thi hát dân ca thì khắp nơi từ các khối đến các phường đều rầm rộ sôi nổi í ới gọi nhau đi tập luyện, vui lắm. Giờ đây, tham gia sinh hoạt Câu lạc bộ của Phường, cô tâm sự: Câu lạc bộ phường Lê lợi là một Câu lạc bộ mới, chưa có nhiều kinh nghiệm, thành viên hầu hết là các cụ đã cao tuổi, đều đã nghỉ hưu, lớp trẻ không có, chị trẻ nhất cũng đến 40 tuổi rồi nhưng được cái tinh thần các cụ lúc nào cũng hăng say nhiệt huyết đặc biệt là các cụ cao tuổi. Mặc dù Câu lạc bộ còn non trẻ nhưng nhờ có cô Thống, người có kinh nghiệm lâu năm trong  phong trào văn nghệ quần chúng, từng là diễn viên múa của Đoàn Ca múa tỉnh nhà nên cô vực được phong trào hoạt động của Câu lạc bộ. Liên hoan Câu lạc bộ dân ca thành phố vừa qua Câu lạc bộ phường Lê Lợi đã có tiết mục đạt giải Nhì. Được biết mỗi tối chủ nhật Câu lạc bộ tổ chức tập hát các làn điệu Ví, Giặm cho các thành viên và dự định mỗi quý sẽ dàn dựng được một chương trình dân ca, trong quá trình sinh hoạt sẽ tìm thêm nhân tố mới từ lớp trẻ, đây cũng là sinh hoạt thường kỳ của Câu lạc bộ. Tinh thần hoạt động hăng say là vậy, nhưng không được chính quyền hỗ trợ kinh phí, tất cả đều tự nguyện, do yêu thích say mê mà làm. Các cụ đã không tham gia thì thôi còn tham gia là đầy nhiệt huyết, có cụ không được tham gia Liên hoan thì buồn lắm, buồn mãi. Sắp tới (ngày 29-9 này), tại Thành phố có Hội thi Võ Nhất Nam của Câu lạc bộ Hội Người cao tuổi của tỉnh, trong chương trình văn nghệ 30 phút có tiết mục dân ca 10 phút của Câu lạc bộ dân ca phường Lê Lợi: “Dâng Người câu Ví, Giặm quê hương“, tiết mục đạt giải Nhì trong Liên hoan Dân ca Thành phố vừa qua.

Trước đây và bây giờ cũng vậy, dân ca đi vào đời sống nhân dân thành phố hết sức tự nhiên và có mặt ở khắp mọi nơi, mọi lứa tuổi, mọi thành phần, tầng lớp, ngành nghề trong xã hội. Khắp các ngõ ngách phố phường từ người già đến trẻ nhỏ nhà nhà đều biết hát dân ca. Người nghỉ hưu, người lao động tự do, người cao tuổi thì sinh hoạt dân ca ở câu lạc bộ, ở phong trào thể dục thể thao (như phong trào Thái cực quyền, các cụ tự đặt lời, tự hát những bài như Giận thương, Mời trầu...), học sinh, sinh viên thì học hát dân ca ở nhà trường, cán bộ công chức cơ quan thì hát dân ca trong các cuộc thi văn nghệ - thường có màn chào hỏi bằng dân ca - đây cũng là bản sắc văn hóa của quê hương xứ Nghệ.     

Vẫn biết cái nôi cái gốc của dân ca là ở các vùng làng quê, thế nhưng ngày nay dân ca vẫn được phát triển mạnh và chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống nhân dân thành phố. Vì người thành phố phần nhiều là người dân từ các vùng quê về đây làm việc và sinh sống, dân ca đã ăn sâu vào máu thịt họ, vì thế dù có ở đâu đi nữa thì dân ca vẫn tồn tại trong con người họ, trong đời sống hàng ngày.

Ngày nay, trong xã hội hiện đại, cuộc sống con người ngày càng phát triển đi lên, kéo theo đời sống văn hóa cũng có nhiều thay đổi, đặc biệt là giới trẻ. Nhưng không vì thế mà vị trí của dân ca bị mất đi trong đời sống nhân dân, ngược lại nó càng được duy trì phát triển sâu rộng, đồng hành cùng với sinh hoạt hàng ngày của người dân nơi đây. Dân ca tồn tại trong lời ru của bà của mẹ; trong trò chơi dân gian của các em thiếu niên; trong lối hát ghẹo, hát đối đáp của nam thanh nữ tú (mặc dù không còn nhiều và phổ biến như xưa nhưng vẫn còn tồn tại); trong sinh hoạt cộng đồng như tục hát mời rượu, mời trầu trong đám cưới, hát trong các lễ hội (lễ hội đền Hoàng đế Quang Trung ở núi Quyết, lễ hội đền Hồng Sơn ở phường Hồng Sơn), hát đối đáp giao duyên trên sông Lam trong lễ hội sông nước đầu năm, hát chúc thọ trong lễ mừng thọ đầu năm mới; trong sinh hoạt tập thể như họp khối, họp phường, họp đoàn thể đều có các tiết mục văn nghệ hát dân ca.

Những năm gần đây, nhằm hướng tới mục tiêu đưa dân ca Ví, Giặm trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, các cấp chính quyền thành phố cũng như toàn tỉnh đã có nhiều hoạt động nhằm bảo tồn phát huy dân ca, tạo điều kiện cho dân ca được sống trong dân gian với những hình thức như xây dựng Câu lạc bộ dân ca, tổ chức Liên hoan dân ca hàng năm, đưa dân ca vào trường học, dạy hát dân ca trên sóng Phát thanh và Truyền hình, tổ chức thi hát dân ca các cấp trong nhà trường...

Tin rằng, những hoạt động này ngày càng lớn mạnh và được phát huy sâu rộng trong nhân dân, không chỉ vì đạt mục tiêu đề ra mà lớn lao hơn là vì một di sản văn hóa của dân tộc cần được bảo tồn phát và huy trong tương lai. Mong rằng trong mọi hoạt động của dân ca Ví, Giặm luôn có sự đồng hành của chính quyền các cấp để trong tương lai không xa Ví, Giặm của quê hương sẽ được sánh vai với các Di sản văn hóa của nhân loại.

ThS Nguyễn Hồng Hà

Top