Di tích Lịch sử - Văn hóa Nhà thờ họ Lê Tiến
Cụ Lê Sao, tự Hữu Trạch sinh năm 1371 trong một gia đình có dòng dõi “đời đời làm quân chủ một phương” ở hương Lam Sơn, huyện Lương Giang (nay là thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá). Cụ tổ của ông là Lê Hối. Ông nội là Lê Khoáng, bố đẻ của Vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi). Lê Sao là con trai thứ 2 của Hoàng Dũ Lê Trừ (anh trai Lê Lợi) và là cháu gọi Vua Lê Thái Tổ bằng chú ruột. Ngay từ nhỏ, Lê Sao đã tỏ ra là một cậu bé khôi ngô, tuấn tú. Lớn lên, chứng kiến cảnh quê hương, đất nước bị giặc Minh giày xéo. Lê Sao ngày đêm miệt mài với binh thư pháp trận, rèn luyện võ nghệ, nung nấu ý chí diệt thù, cứu nước.
Năm 1407, cuộc kháng chiến chống quân Minh của nhà Hồ lãnh đạo bị thất bại. Đất nước ta rơi vào ách đô hộ và chịu sự thống trị tàn bạo của phong kiến nhà Minh. Lê Lợi đã quyết tâm đánh đuổi giặc Minh ra khỏi bờ cõi nước ta. Biết được “ý tưởng lớn” của chú mình (Lê Lợi), Lê Sao là người đầu tiên hưởng ứng. Ông đã cùng anh trai Lê Khôi, em trai Lê Khang tham gia Hội thề Lũng Nhai, gia nhập nghĩa quân Lam Sơn và đã được Lê Lợi giao cho việc chuẩn bị binh lương, chiêu mộ các anh hùng hào kiệt bốn phương về đất Lam Sơn tụ nghĩa.
Tháng Giêng năm Mậu Tuất (tức ngày 7-2-1418), Lê Lợi cùng toàn thể nghĩa quân dựng cờ khởi nghĩa, phong 50 người làm tướng văn, tướng võ cùng nhau đối địch với giặc. Là một trong số 50 tướng văn, tướng võ, Lê Sao luôn ý thức được trách nhiệm của mình, ông đã luôn sát cánh bên Lê Lợi chăm lo mọi việc. Ngoài việc giúp Bình Định Vương Lê Lợi chuẩn bị lương thảo cho nghĩa quân, Lê Sao còn tham gia nhiều trận đánh lớn, nhỏ và thu được nhiều thắng lợi. Trong trận Phục binh tiêu diệt giặc Minh ngày 13 tháng 4 năm 1418 ở Lạc Thủy, Lê Sao đã góp phần không nhỏ vào thắng lợi của nghĩa quân, ông đã được cử làm tướng chỉ huy quân Thiết Đột, cùng với Lê Khang, Lê Thạch, ... chém được hơn 3.000 tên địch, thu được hàng ngàn quân tư, khí giới ...
Năm Giáp Thìn (1424), theo kế hoạch của Nguyễn Chích, Lê Lợi đã hạ lệnh cho quân tiến vào Nghệ An, rồi đánh Tân Bình, Thuận Hóa. Đến cuối năm 1425, cả vùng rộng lớn từ Tân Bình, Thuận Hóa đến Thanh Hóa đã thuộc về nghĩa quân Lam Sơn. Tháng 6 năm 1426, nghĩa quân Lam Sơn chia làm ba đạo quân tiến ra Bắc, tiến tới giải phóng hoàn toàn đất nước. Lê Sao cùng với các dũng tướng Lam Sơn tham gia trong nhiều chiến dịch, đặc biệt là trong trận quyết chiến ở Đông Đô (Đông Quan), Lê Sao đã được Bình Định Vương Lê Lợi cử cùng với các tướng Bùi Bị, Trần Nguyên Hãn chỉ huy 100 thuyền chiến kéo thủy binh theo Sông Hát tiến xuống Đông Bộ Đầu, phối hợp với cánh quân của Đinh Lễ từ cầu Tây Dương tiến vào tập trung đánh thành Đông Quan. Sách Lam Sơn thực lục chép: “Tháng mười một năm Bính Ngọ, Vua sai Lê Bị, Lê Sao đem thủy quân theo sông con thẳng lên thượng lưu. Vua thì đốc suất đại quân cùng hội với Lê Lễ vây thành Đông Đô, thủy bộ giáp đánh, ban đêm phá được lũy ngoài của giặc, bắt được hết những người nước ta bị giặc hiếp đi theo, cùng rất nhiều thuyền và khí giới” .
Sau 10 năm chiến đấu hy sinh gian khổ, với sự chỉ huy thiên tài của Lê Lợi và Bộ Chỉ huy nghĩa quân Lam Sơn, đất nước đã sạch bóng quân thù. Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, đặt niên hiệu Thuận Thiên và lấy tên nước là Đại Việt. Mùa xuân năm Thuận Thiên thứ nhất (1428), Lê Lợi xét công phong thưởng, chức tước cho các công thần. Lê Sao được ban thưởng Cờ trắng búa vàng và phong tước: “Đại vương Bình ngô khai quốc, Suy trung diệp mưu, Bảo chính tá lý, Phụ quốc đồng đức công thần, Đặc tiến Kim tử vinh lộc đại phu, Thượng trụ quốc tặng đại tư đồ, Thái úy quốc công, thụy Tĩnh Giản công”.
“Ngày 3 tháng 5 năm Kỷ Dậu (1429), ban biển ngạch công thần cho 93 người, Lê Sao được ban tước Đình thượng Hầu và phong là: Phù tộ dực vận, Quả địch cương nghị, Hùng đoán linh cảm, Hồng ân phổ hóa, vô cùng kiệt xuất, anh trữ tam ngũ, sánh ngang hàng với Nguyễn Chích, Đinh Liệt, Nguyễn Như Lãm, Lê Khôi, ... là những danh tướng lập được nhiều chiến công lẫy lừng trong khởi nghĩa Lam Sơn”. Đồng thời, cử ông giữ chức Đại tri phủ Hóa Châu, trấn khấu tướng quân ở cửa biển Tư Dung.
Một thời gian sau, Lê Sao lâm bệnh và mất. Ông mất đi, nhưng những cống hiến to lớn của ông đối với quê hương, đất nước trong sự nghiệp Bình ngô mở nước được sử sách ghi nhớ, người đời ngợi ca, các triều đình phong kiến sau ban sắc gia phong “Thượng đẳng phúc thần”, lệnh cho con cháu dòng tộc nếu cư trú ở đâu thì phải thờ phụng ông chỗ ấy.
Lê Thọ Vực là con trai cả của Thái úy vinh quốc công Lê Sao. Thuở nhỏ, Lê Thọ Vực là một cậu bé khôi ngô, tuấn tú. Lớn lên, thông minh, chăm học, lại được cha mẹ tận tụy giáo dưỡng nên Lê Thọ Vực đã sớm bộc lộ là “người văn võ song toàn, dũng trí vượt trội”. Tháng 2 năm Mậu Thìn (1448), Lê Thọ Vực được cử làm Cận thị tam cực chánh trưởng. Bằng trí thông minh, dũng lược của mình, Lê Thọ Vực đã góp phần làm bình ổn chính trị trong Triều đình nhà Lê bằng việc dẹp loạn Nghi Dân, nghênh lập Gia Vương Tư Thành lên ngôi Hoàng đế (tức Vua Lê Thánh Tông)”.
Năm Hồng Đức thứ nhất (1470), Vua Chiêm Thành là Trà Toàn cho quân ra đánh phá đất Hóa Châu (vùng đất Quảng Bình ngày nay). Lúc đó biên giới nước nhà thường xuyên bị giặc quấy phá, dân vùng biên hoang mang lo sợ, kinh tế sa sút, nạn cướp bóc hoành hành. Để giữ yên biên cảnh phía Nam và triệt phá mối nguy hiểm, Vua Lê Thánh Tông thân chinh đem quân đi đánh Chiêm Thành. Trải qua gần 2 năm cam go, ác liệt, toàn quân của Vua Lê Thánh Tông đã thu được nhiều thắng lợi. Ngày 29 tháng 2 năm 1471, toàn quân của Vua Lê Thánh Tông tiến hành vây thành Chà Bàn (Thủ đô nước Chiếm Thành). Với tinh thần quả cảm, nghị lực phi thường, “Lê Thọ Vực là người đầu tiên xông vào phá thành, bắt sống được vua nước Chiêm là Trà Toàn”.
Năm 1479, nhân có Tù tưởng - người đứng đầu xứ Bồn Man là Cầm Công xúi dục người Lão Qua quấy nhiễu ở miền Tây nước Đại Việt ta. Vua Lê Thánh Tông liền phái đại quân từ Nghệ An, Thanh Hóa, Hưng Hóa đi đánh đuổi. Lê Thọ Vực được đeo ấn tướng quân, đem 20 vạn quân đi đánh Ai Lao và Bồn Man. Với bản tính gan dạ, lại có tài thao lược, Lê Thọ Vực một lần nữa lại lập được công lớn, ông đã cho quân truy đuổi quân giặc đến tận sông Kim Sa giáp giới phía Nam Diến Điện, khiến kẻ thù không dám xâm phạm bờ cõi. Thắng lợi trở về, Lê Thọ Vực được phong chức Bình chương quân quốc trọng sự.
Năm 1484, Lê Thọ Vực lâm bệnh và mất. Xét công lao phò Vua giúp nước, một lòng tận trung, tận hiếu với Triều đình, Nhà vua đã truy phong ông là: Thái úy Sùng quốc công, lệnh cho dân lập đền thờ phụng tại quê nhà.
Cụ Lê Tòng Định - là con trai thứ hai của Thái úy Sùng Quốc công Lê Thọ Vực, bà Nguyễn Thị Ngọc Thời và là cháu nội của ông Lê Sao.
Dưới thời Vua Lê Thánh Tông, thực hiện chính sách khai hoang lập ấp của Triều đình, Lê Tòng Định di cư vào vùng đất Vân Tụ sinh cơ lập nghiệp. Đến đây, ông thấy cuộc sống của bà con đang gặp nhiều khó khăn - Cơm không đủ no, áo không đủ ấm, ruộng không đủ cày, ... nhưng lại có rất nhiều vùng đất hoang sơ, đầm lầy và rừng rậm chưa được ai khai phá.
Vốn giàu lòng thương dân, lại có tầm nhìn xa trông rộng, Lê Tòng Định đã quyết tâm khai khẩn đất đai ở vùng đất này. Những ngày đầu vô cùng khó khăn, thiếu thốn đủ thứ. Việc khai khẩn một thửa đất ở đây cũng không phải là dễ dàng. Muốn thành ruộng, thành nhà phải biết bao công sức, tiền của và thời gian. Song, với ý chí và nghị lực cao, Lê Tòng Định đã tập hợp, động viên, khích lệ những người dân phiêu tán cùng đồng tâm, hợp lực khai hoang phục hóa được 54 mẫu điền đặt tên là: Đồng Vàng, Nghè Ròi, Đồng Trẹt, Đồng Treo, .... Những vùng đầm lầy, lau sậy, ông hô hào mọi người phát chặt phơi khô đốt thành tro, san ủi làm đất nương rẫy trồng màu. Những vùng cao ráo, ông quy hoạch thành xóm làng, đặt tên là: Làng Môn, Làng Nội, Làng Đồng, Làng Trong.
Từ một vùng đất hoang sơ hẻo lánh, Lê Tòng Định đã biết tận dụng điều kiện thuận lợi của tự nhiên, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, biến vùng đất hoang vu, rậm rạp thành vùng đất màu mỡ, nhân dân hội tụ về ngày càng đông. Xóm làng trù mật, Lê Tòng Định khai hội ra một phường bầu, đặt tên là Vân Tụ phường, ông được nhân dân bầu làm Phường trưởng; đồng thời khai thị mở chợ trao đổi hàng hóa, đặt tên là chợ Vân.
Tiếp tục sự nghiệp của ông, các hậu duệ - tiêu biểu như Lê Tiến Vinh, Lê Tiến Tước, v.v.. đã đắp đập ngăn mặn tạo thêm được cánh đồng “Vàng”, cánh đồng “Trạch”; gieo trồng thành công loại thông quý lấy giống từ Trung Quốc.
Đến với Di tích Nhà thờ họ Lê Tiến, chúng ta ai cũng cảm nhận được nét riêng cổ kính, linh thiêng. Tuy đã trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, Nhà thờ họ Lê vẫn được con cháu bảo tồn, tôn tạo khá nguyên vẹn các hạng mục công trình gốc, tôn nghiêm và hiện còn lưu giữ được nhiều hiện vật quý có giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học, góp phần phục vụ tốt công tác nghiên cứu, giáo dục truyền thống cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Hàng năm, vào ngày 16 tháng Giêng Âm lịch, con cháu ở khắp mọi miền đất nước đều hội tụ về nhà thờ họ dâng nén hương tâm thành để tỏ lòng thành kính, tri ân tưởng nhớ các bậc tiên tổ, thể hiện tình cảm, sự ngưỡng vọng, biết ơn sâu sắc công lao của tổ tiên ông bà và các bậc tiền nhân. Góp phần vào việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của người Việt, đạo thờ tổ tiên, truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.
Với những nội dung giá trị về lịch sử, về các nhân vật tiêu biểu nêu trên, Nhà thờ họ Lê Tiến xứng đáng được công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh.
Hồ Thị Khương