Di tích lịch sử Nhà thợ họ Hồ Đức

Nhà thờ họ Hồ Đức là công trình kiến trúc cổ có niên đại trên 200 năm, xây dựng từ thời Hậu Lê, nơi tôn thờ Thỉ tổ Hồ Đức Đỏ cùng các vị tiên tổ trong dòng họ có công với dân, với nước như Hồ Đăng Cẩm, Hồ Đức Khoan...

Theo thần phả và sắc phong dòng họ Hồ Đức, Thỉ tổ tên là Hồ Đức Đỏ, thuỵ Phúc Chính Phủ Quân, sinh năm Giáp Thìn (1664). Lúc bấy giờ, tại mảnh đất làng Phú Đa, dân cư còn thưa thớt, đồng ruộng mênh mông lại bị nhiễm phèn chua, hoa màu cằn cỗi, gia súc gầy yếu, đời sống của người dân hết sức khó khăn. Nhìn cảnh sống cơ cực của người dân, ông không khỏi băn khoăn, lo lắng. Vốn là người có sức khỏe, lại thông minh, cần cù, ông đã bàn bạc với vợ con ở lại mảnh đất này cùng bà con cải tạo đất đai để canh nông, xây dựng làng Phú Đa. Cụ mất vào ngày 23 tháng 2 năm Thìn, mộ cụ được đặt ở lùm Giành, bãi Đông. Nhớ công ơn của cụ, con cháu sau này đã xây dựng nhà thờ trên chính mảnh đất cụ an cư lập nghiệp để tưởng nhớ, tri ân vị tiên tổ đầu tiên của dòng họ Hồ Đức.

Ngũ Thế tổ Hồ Đăng Cẩm là hậu duệ đời thứ 5 của Thỉ tổ Hồ Đức Đỏ, sinh vào giờ Dần, ngày 13 tháng 8 năm Đinh Sửu (1757). Sinh ra và lớn lên trong một gia đình gia giáo, thuở nhỏ có tiếng là thông minh, lanh lợi, lại thêm chút năng khiếu về võ nghệ nên sớm thăng tới chức Thị hầu tả thuyền. Khi vừa tròn 25 tuổi, bất bình và căm phẫn trước những việc làm dưới thời Trịnh Sâm, Trịnh Cán nên đã đồng sức cùng lính Ưu binh treo khẩu hiệu “Tam quân phò chính” phế Trịnh Cán đưa Trịnh Khải lên ngôi chúa và năm sau 1783, ông Hồ Đăng Cẩm đã vinh dự được Vua Lê Hiển Tông phong 2 sắc trong cùng một ngày, ghi nhận công tôn phù và tôn phù Tự vương.

Sắc thứ nhất ghi nhận công lao của ông “Nhâm dần niên đồng dữ nội ngoại chư quân dực đới hữu công” (Tạm dịch: Năm Nhâm Dần cùng với các quân trong ngoài có công tôn phù) nên được thăng lên Bách bộ, “Phấn lực tướng quân hiệu lệnh ti tráng sĩ, bách bộ” hàm chánh lục phẩm, tước 8 tư. Sắc phong chưa ráo mực, ông lại được Vua phong sắc lần 2. Sắc cũng nêu rõ ông là người “Nhâm dần niên đồng dữ nội ngoại chư quân dực đới tự vương hữu công” (Tạm dịch: Năm Nhâm Dần cùng với các quân trong ngoài có công tôn phù Tự vương) vì vậy xứng đáng được thăng “Phó thiên hộ, Tráng tiết tướng quân hiệu lệnh ti xuy kim tráng sĩ, thiết kỵ úy”, hàm tòng ngũ phẩm, tước 9 tư. Đến thời Vua Minh Mệnh, biết Hồ Đăng Cẩm là người có công với dân, với nước, Vua hạ sắc truy phong ông là “Trung đẳng thần”.

Ông Hồ Đức Khoan, sinh vào giờ Hợi, ngày mồng 6 tháng 2 năm Thiệu trị thứ 2 (1842), mới lên 9 tuổi, nhưng thông minh, hoạt bát, ham học và đậu Tú tài lần thứ nhất vào kỳ thi năm Mậu Thìn (1868). Vừa lo khai khẩn, gây dựng vùng đất mới nhưng ông vẫn không quên dùi mài kinh sử, những mong đỗ đạt cao để làm rạng danh quê hương, dòng họ. Khoa thi năm Quý Dậu (1873), một lần nữa ông lại đỗ Tú tài nên dân làng gọi là ông Tú Kép và là người khai khoa của làng. Đình làng lúc đó được dân làng đặt tên là “Đình Mừng Khoa”.

Ông là người có công lớn lập làng Tân Mỹ vào năm 1876, được Nhà vua ban chiếu chỉ ngợi khen, là người có công gieo mầm tri thức, truyền thống hiếu học của quê hương Đồng Xuân (làng Tân Mỹ trước đây), nay là thôn Tân Xuân, xã Quỳnh Bảng. Ông mất vào giờ Hợi, ngày 19 tháng 10, năm Quý Sửu (1913), thọ 72 tuổi. Để tưởng nhớ công ơn của ông, năm 1916, dân làng Đồng Xuân đã tôn ông là Thành hoàng và rước bài vị của cụ ông với vị hiệu “Mậu Thìn, Quý Dậu, nhị khoa Tú tài, bản thôn mộ trưởng thọ lão, tự Kính Phu, thụy vân nghị Hồ phủ quân”.

   Tiếp nối truyền thống hiếu học và cách mạng của cha ông, các thế hệ con cháu trong dòng họ tích cực thi đua học tập thành danh, tham gia nhiều cuộc cách mạng, nhiều người đã trở thành nhà quản lý, lãnh đạo giỏi trên các lĩnh vực của xã hội. Dòng họ Hồ Đức luôn đi đầu trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, an ninh - an toàn thôn xóm đã nhiều năm liền được Ủy ban nhân dân huyện tặng Giấy khen và công nhận là Dòng họ tiêu biểu.

Đến với Di tích Nhà thờ họ Hồ Đức, chúng ta ai cũng cảm nhận được nét riêng, cổ kính, linh thiêng. Trải qua bao biến cố, thăng trầm của lịch sử, Nhà thờ vẫn được con cháu bảo tồn, tôn tạo, các hạng mục công trình gốc vẫn lưu giữ khá nguyên vẹn, quy mô lớn, kiến trúc cổ kính, tôn nghiêm và lưu giữ nhiều hiện vật quý có giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học như: hai đạo sắc cổ của thời Cảnh Hưng năm thứ 44 (1873) cùng cuốn gia phả chữ Hán, Long ngai cổ, Khám thờ cổ, Lư hương bằng sứ cổ... phục vụ cho việc nghiên cứu, giáo dục truyền thống lịch sử và cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Đế quốc Mỹ, nhà thờ là kho cất giữ vũ khí, đạn dược, lương thực của bộ đội đóng quân trên địa bàn. Hàng năm, vào ngày 19 tháng 10 Âm lịch (giỗ cụ Hồ Đức Khoan), con cháu hội tụ về nhà thờ dâng nén hương tâm thành, tỏ lòng thành kính, tri ân tưởng nhớ các bậc tiên tổ, thể hiện tình cảm, sự ngưỡng vọng, biết ơn sâu sắc công lao của tổ tiên ông bà và các bậc tiền nhân đã có nhiều công sức xây dựng quê hương, đất nước và sự tồn thịnh của dòng họ.

Nhà thờ họ Hồ Đức được Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An cấp Bằng công nhận Di tích lịch sử, là cơ sở pháp lý tạo điều kiện cho việc bảo vệ và phát huy giá trị của di tích. Đây không chỉ là niềm vinh dự của dòng họ, của nhân dân xã Quỳnh Bảng mà còn là niềm tự hào của nhân dân huyện Quỳnh Lưu và toàn tỉnh Nghệ An.

Hồ Thanh Khương

Top