Di sản văn hóa gia đình của người Myanmar

Giống như những quốc gia phương Đông khác, các làng xã được hình thành từ rất sớm mà trong đó, gia đình đóng vai trò chủ đạo. Đối với người Miến, “gia đình” không phải là một khái niệm bất biến. Một gia đình không chỉ có bố mẹ và các con mà bao gồm cả anh em họ, con dâu, con rể.

Trong thời gian đầu tạo dựng cuộc sống gia đình, một cặp vợ chồng mới cưới có thể sống với cha mẹ của vợ hoặc chồng (thường là cha mẹ của người vợ). Các gia đình hạt nhân là đơn vị chủ yếu nhưng nó có thể bao gồm các thành viên của đại gia đình như anh chị em chưa lập gia đình, cha mẹ goá bụa, người thân chưa kết hôn hoặc người góa vợ/chồng đã lâu.

Gia đình người Myanmar trong trang phục truyền thống.

Người chồng trên danh nghĩa là người đứng đầu của gia đình nhưng người vợ có quyền đáng kể khi phải chịu trách nhiệm cho hầu hết các công việc trong nhà. Phụ nữ quản lý các vấn đề nội trợ và người đàn ông ra ngoài kiếm sống. Tuy nhiên hiện nay, có một số phụ nữ đã đảm nhiệm cả hai vai trò này.

Những quan niệm sống khác ở xã hội của người Miến chịu sự chi phối bởi sự phong phú và cách nhìn rộng rãi về mối quan hệ gia đình. Điều thú vị là, quốc gia này không giống mẫu thức các quốc gia phương Đông khác trong việc qui định “họ” của con cái. Người dân của đất nước Chùa Vàng không bắt buộc con cái phải lấy họ cha, vợ phải theo họ chồng. Tiếng Myanmar là một thứ tiếng đơn âm tiết, mỗi thành tố của tên thường có ý nghĩa nhất định, thể hiện vị trí, vai trò của mỗi cá nhân trong gia đình:

- Pha khin - Cha; Khin mi - Mẹ.

- Naung - anh trai (của chồng); Ko - anh trai (của vợ).

- Nyi - Em trai (của chồng), Maung - Em trai (của vợ).

- Ma - Chị gái.

- Hna ma - Em gái (của chồng), Nyi ma - Em gái (của vợ).

- Lin - Chồng (Chồng không hợp pháp: yaukkya; Chồng hợp pháp: khinbun).

- Maya - Vợ (Vợ không hợp pháp: meinma; Vợ hợp pháp: Zani).

- Tha – Con trai, Thami - Con gái…

Người Miến thường nhân đôi một âm tiết nào đó của tên lên khi gọi / xưng  trong giao tiếp với những người mình yêu mến hoặc kính trọng… Tuy nhiên, một gia đình Myanmar truyền thống được hiểu ở nghĩa rộng hơn, sẽ có khoảng 40 - 50 người với sự góp mặt của anh chị em, chú bác họ hàng:

- Pho – Ông bà nội; Phwa – Ông bà ngoại.

- Ba gyi – Bác trai (anh của bố); Ba lay – Chú (em trai của bố)

- Ayi gyi – Bác gái (chị của bố); Ayi lay – Cô (em gái của bố)

- U gyi – Bác trai (anh của mẹ); U lay – Chú (em trai của mẹ)

- Daw gyi – Bác gái (chị của mẹ); Daw lay – Cô (em gái của mẹ)

- Maung hnama ta wun gwe – Anh em ruột thịt

Thành viên trong gia đình người Miến mở rộng rất đa dạng. Cũng giống như quan niệm sống người Việt Nam: “Bán anh em xa mua láng giềng gần”, người dân xứ sở chùa Vàng luôn coi những hàng xóm tốt là một phần của gia đình. Mọi hoạt động của gia đình trong các sinh hoạt hằng ngày đều có sự tham gia tích cực của hàng xóm láng giềng. Có lẽ vậy mà từ “họ hàng” trong tiếng Myanmar có cùng nguồn gốc với từ “bạn bè”. 

Nhiều lễ nghi truyền thống được duy trì trong mỗi gia đình Myanmar. Những yếu tố này được đánh giá là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của họ.

Vốn ưa chuộng đạo Phật nên trẻ em người Myanmar được ký thác đến phục vụ Đức Phật vẫn là phong tục truyền thống quan trọng nhất đối với các bậc làm cha mẹ.

Khi mới chào đời, mỗi thành viên trong gia đình Miến đều được bố mẹ và họ hàng chào đón bằng nghi thức đặt tên. Khi đứa trẻ tròn một tháng tuổi, gia đình mời hàng xóm và họ hàng đến dự (Về điểm này, chúng ta thấy rất giống với lễ đầy tháng ở Việt Nam dành cho trẻ sơ sinh). Gia đình đưa em bé lên chùa và bé được sư thầy cắt tóc, sau đó được tắm nước thơm. Nước tắm cho trẻ được đựng trong một cái bát bạc và mọi người đến dự sẽ thả vào đó những đồng xu bằng bạc mừng tuổi.

Người dân Miến ưa chuộng đạo Phật. Trong các làng Myanmar truyền thống, chùa chiền là trung tâm của đời sống văn hóa cộng đồng. Việc ký thác con trai đến phục vụ Đức Phật vẫn là phong tục truyền thống quan trọng nhất đối với các bậc làm cha mẹ. Người Miến quan niệm, các bé trai cần thiết đến chùa sống một thời gian để được cứu vớt linh hồn (Mặc dù vậy, ở một vài nơi điều này chỉ diễn ra khi cháu bé đến tuổi trưởng thành). Tại chùa, họ được tiến hành Nghi lễ trưởng thành (Shinbyu) để trở thành “con trai của Đức Phật” (“a son of Buddha”). Đây là một trong những sự kiện quan trọng nhất trong đời sống của Phật giáo.

Trở thành một tu sĩ mới của Phật giáo, bất cứ cậu bé nào cũng phải trải qua ba bước: thứ nhất - Cạo tóc; thứ 2 - Mặc áo choàng; thứ 3 - Tin theo Đức Phật. Trước khi vào chùa, các bé phải tắm rửa sạch sẽ. Ngày đưa trẻ lên chùa được coi là ngày hội của gia đình. Họ mời nhạc công và bày nhiều cỗ bàn. Trong không khí trang nghiêm, âm nhạc rộng ràng cùng  niềm hân hoan của cả gia đình, cậu bé khoác tấm áo choàng trắng, đội vương miện mạ vàng được bố dẫn đến chùa. Tạo hình của các cậu bé giống như những hoàng tử. Trên đường đến chùa, bé cưỡi ngựa, được người khác cầm ô che và mang một gói quà đến biếu nhà chùa. Cậu rất hồ hởi và lấy làm hãnh diện vì trở thành nhân vật trung tâm của sự mọi chú ý.

Khi mọi nghi lễ kết thúc, tóc trên đầu bé trai được nhà sư cạo sạch. Buổi lễ này kéo dài trong vài giờ. Cha mẹ lấy miếng vải trắng quấn lấy lọn tóc được cạo, đem chôn gần một địa điểm thiêng liêng. Sau đó, những đứa trẻ trở về nhà để thưởng thức “bữa ăn cuối cùng”. Bữa tiệc này có khoảng trên - dưới 700 vị khách tham dự, bao gồm món súp đậu đắng và thịt lợn cà-ri.

Vào buổi chiều, tất cả các cậu bé tham gia buổi lễ sẽ đến một tu viện - nơi chúng được nhà sư trao cho chiếc áo cà sa màu da cam và chiếc bát tộ đựng của bố thí - biểu hiện cho sự không vụ lợi. Sau tất cả các nghi lễ, cậu bé đã được đứng vào hàng ngũ Tăng đoàn của Đức Phật với vai trò của một tu sĩ mới. Những thành viên mới này của nhà chùa phải ở trong tu viện, thực hiện một khóa tu ít nhất bảy ngày với sự chăm sóc của các sư thầy. Họ cần phải nắm bắt được các giáo lý, nghiên cứu kinh điển Phật giáo và nghỉ ngơi ở đó.

Người Miến cho rằng, phải trải nghiệm sự khổ hạnh ở chùa, con người mới nhận thức cần tránh xa những trò nhố nhăng trên đời và nắm được giá trị chân lý của cuộc sống. Đây là lý do để giải thích vì sao Shinbyu được coi là nghi lễ cao quý nhất đối với Phật tử ở Myanmar. Theo truyền thống, nó được tổ chức tại tháng Waso – tức là tháng tư Phật lịch (trùng với tháng Bảy - tháng Tám dương lịch và mùa mưa ở Myanmar). Trước đây, thời hạn ở chùa thay đổi theo mùa, còn hiện nay thì theo tuần.

Lễ Natduin được tiến hành dành cho thiếu nữ mới lớn. Trong nghi lễ này, cô gái sẽ đeo đôi khuyên vàng đầu tiên. Trong tâm trạng xao xuyến, cô gái thẹn thùng trang điểm, mặc váy áo như một thị nữ dưới các triều vua Mandalay thời xưa.

Một gia đình người Myanmar ngày nay.

Khi nam nữ yêu nhau và khi mối quan hệ đủ độ chín để đi đến hôn nhân, họ được hai bên gia đình tổ chức cho lễ cưới. Đôi trẻ được gia đình đưa đi xem tử vi để chọn ngày lành tháng tốt cho ngày cưới, đồng thời mời cặp vợ chồng hạnh phúc nhất trong số bạn bè của mình làm chủ hôn. Trong lễ cưới, người ta lấy một dải lụa buộc tay cô dâu và chú rể lại. Rồi họ cùng ăn chung một bát và cúi đầu lạy nhau. Khách khứa đến dự lễ cưới sẽ tặng tiền hoặc những đồ gia dụng để giúp đôi vợ chồng trẻ đỡ vất vả khi mới bắt đầu cuộc sống gia đình. Cô dâu - chú rể và cha mẹ hai bên đi tới từng bàn tiệc bắt tay, tươi cười chào đón và cảm ơn khách tới chúc mừng. 

Người Myanmar sống bộc trực, chung thủy, có trước – có sau. Người dân xứ sở chùa Vàng cũng có quan niệm như người Việt Nam khi luôn sống trọn nghĩa với người quá cố với tâm niệm: “Nghĩa tử là nghĩa tận.  Trong phút giây thiêng liêng, vĩnh biệt người đã khuất, luôn có đầy đủ anh em, họ hàng và cả những hàng xóm láng giềng thân thiết. Để người chết bước sang thế giới bên kia vững vàng và không có cảm giác đơn côi, người Miến đã tắm rửa cho họ, khâm liệm, sắm quan tài. Người Myanmar quan niệm họ sẽ gặp may mắn nếu được ngủ tại nhà người đã khuất một tuần sau lễ tang. Mọi người thường túc trực hai ngày trước khi tiễn đưa người quá cố đến nơi an nghỉ.

Gia đình có tang sẽ mở cửa ngôi nhà mình trong suốt 7 ngày với niềm tin rằng linh hồn người chết sẽ ra - vào nhà trong những ngày này. Người trong gia đình và hàng xóm sẽ bảo vệ ngôi nhà trong một tuần bằng cách chơi thẻ vào ban đêm (để không rơi vào giấc ngủ). Những ngày cuối cùng của một tuần gọi là Yet Le, và các nhà sư được mời đến làm Lễ nước siêu thoát. Nghi lễ này là để cho người quá cố biết rằng họ đã chết và giờ phút này linh hồn họ có thể tự do đi đến những nơi tốt nhất (thiên đường hay một nơi nào đó như thế). Theo tín ngưỡng của người Miến, trong 6 ngày đầu tiên, linh hồn người mới qua đời không biết điều gì đã xảy ra với họ; nhưng sau buổi lễ Yet Le, họ biết được điều đó và sẽ bước ra khỏi căn nhà.

Người dân xứ sở chùa Vàng đương đại vẫn giữ được nếp văn hóa gia đình mang phong cách của cư dân nông nghiệp trồng lúa và in đậm màu sắc Phật giáo. Cách ứng xử cùng các nghi lễ trong mỗi gia đình người Miến chính là vốn di sản văn hóa vô giá của họ mà các thế hệ sau này luôn có ý thức bảo tồn và phát huy.

Bùi Thị Ánh Vân - Nguyễn Thị Kim Chi

Có thể bạn quan tâm

Top