Di tích khảo cổ Gò Thành - Những giá trị cần bảo tồn và phát huy
Năm 1979, một số cán bộ Bảo tàng đã đến đây khảo sát. Tám năm sau, tháng 7 năm 1987, một cuộc điều tra khảo cổ học được tiến hành. Từ năm 1988 đến năm 1990, sau 3 đợt khai quật do Trung tâm Khảo cổ học, Viện Khoa học xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh và Bảo tàng tỉnh Tiền Giang thực hiện, một phần của di tích khảo cổ quan trọng này đã được xuất lộ.
Ở phía ruộng thấp (Tây Nam của gò cao), khi đào tới độ sâu 1,50m, các nhà khoa học đã phát hiện nhiều mảnh gốm vỡ, vòi bình, di cốt trâu bò, xương cá, tro than, vỏ trái cây, lá dừa nước, các cọc gỗ có dấu vết gia công. Có thể khẳng định đây là di chỉ cư trú.
Ở trung tâm gò cao, khi đào ở độ sâu từ 1 đến 3m phát hiện nhiều kiến trúc gạch được xây dựng cạnh nhau, ở giữa là những hố thờ (hoặc mộ) dạng giếng vuông, mỗi cạnh phía miệng rộng từ 1,4 đến 3m, nhỏ về phía đáy. Phần đáy thường có các mảnh vàng mỏng, hình vuông, cạnh từ 7-9cm, hoặc hình tròn, có khắc hình voi ở những tư thế khác nhau, hoặc hình hoa sen; một ít tro, các thanh gỗ có chiều dài khoảng 0,4m, xếp chồng lên nhau theo hình vuông. Trong hố thường có các lớp cát vàng, đá cuội xen kẽ. Phần ngoài hố là nền gạch được xây dựng kiên cố với những lớp gạch có kích thước khác nhau. Hầu hết các kiến trúc đều xây theo hướng Đông - Tây, Nam - Bắc. Tại di tích, trong các đợt khai quật đã phát hiện 12 hố dạng giếng vuông nằm rải rác trên mặt gò.
Năm 1941, L.Malleret, nhà khảo cổ học người Pháp đã phát hiện ra di chỉ Gò Thành (Ảnh: internet)
Về phía Nam của gò cao, hiện nay là phía bên kia đường và dòng kinh, qua khảo sát, phát hiện nhiều mảnh gốm, vòi bình bị vỡ, ngói hình ống, xương răng động vật… trên một vùng rộng khoảng 5000m2, có thể khẳng định là khu vực cư trú.
Qua 3 đợt khai quật, các nhà khoa học cũng đã thu thập được nhiều hiện vật. Đáng chú ý là có hơn 100 hiện vật bằng vàng (vừa nguyên, vừa bị vỡ thành những mảnh nhỏ), trong đó có vòng đeo gắn hình lá cây, hạt chuỗi hình trái xoan, một số hiện vật vàng hình bông mai 6 cánh, hoặc hình tứ giác trong đó khắc hình voi ở các tư thế khác nhau; có 6 hiện vật bằng đồng, trong đó có 2 nhẫn, 1 xập xõa, 1 ống đồng nhỏ và hai miếng đồng hình than; 22 hiện vật bằng đá, trong đó có 1 tượng thần Visnu còn nguyên vẹn, thuộc loại tượng thần Phù Nam đẹp được phát hiện tại Việt Nam, 1 tượng Nam thần chỉ còn phần thân, 1 mảnh đá nhỏ có minh văn Phạn ngữ (chữ Phạn cổ) còn rất ít nét, 1 Yoni, 2 hạt đá quý màu tím xanh và trắng trong. Trong số hiện vật bằng đất nung có nhiều mảnh bình, nhiều gốm thô, mịn màu đỏ hoặc màu nâu, có hoa văn trang trí, một số lá dề (diềm ngói) bằng gốm. Qua phân tích C14, một số mẫu vật trong khu cư trú và mộ táng có niên đại từ thế kỷ IV - VIII sau Công nguyên.
Năm 1994, Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng Di tích khảo cổ Gò Thành là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia.
Năm 1994, Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng Di tích khảo cổ Gò Thành là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia. (Ảnh: internet)
Di tích Gò Thành còn được tiếp tục khai quật để làm rõ quy mô, tính chất văn hóa và tầm quan trọng. Có thể nói, nội hàm văn hóa vật chất của Di tích Gò Thành có nhiều biểu hiện tương đồng, hoặc gần gũi với nhiều di tích lớn thuộc văn hóa Óc Eo được phát hiện tại đồng bằng sông Cửu Long. Điều khác biệt được ghi nhận là các hoạt động của cư dân tại một địa điểm và lối sống thường nhật của họ. Cư dân Gò Thành với hoạt động chính là nông nghiệp ruộng rẫy và nghề thủ công, sống trên mặt gò gần sông rạch cổ, có mối giao lưu mật thiết với các cư dân trong vùng (hiện nay, qua bước đầu khảo sát, vùng Bắc sông Tiền có một số di tích như chùa Bà Kết - xã Bình Phan, huyện Chợ Gạo; Di tích Giồng Bà Phúc - xã Song Bình, huyện Chợ Gạo; Di tích Trường Sơn A - xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo; Di tích Thân Hòa - xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành; Di tích Gò Tân Hiệp - thị trấn Tân Hiệp, huyện Châu Thành; Di tích Gò Gạch - xã Tân Lý Tây, huyện Châu Thành…) mà Gò Thành là một trong những trung tâm tôn giáo của một vùng rộng lớn phía Bắc sông Tiền.
Hoài Giang