Một bảo tàng thú vị và độc đáo nhất hiện nay ở nước ta

Đó là tôi muốn nói đến trưng bày về di tích và hiện vật được phát hiện ở dưới tầng hầm Nhà Quốc hội và nay đang được trưng bày ở 2 tầng hầm của chính toà nhà này.

Tên của trưng bày được gọi đơn giản và khiêm tốn là “Những phát hiện Khảo cổ học dưới lòng đất Nhà Quốc hội”, nhưng tôi nghĩ đây thực sự là một bảo tàng. Trên tổng diện tích gần 3.700m2 cuộc trưng bày do Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thực hiện rất chuyên nghiệp, mang tính diễn giải cao với các thủ pháp hiện đại nhất của bảo tàng. Cuộc trưng bày rất công phu, đầu tư lớn và chắc chắn mang tính ổn định lâu dài. Ở các nước Âu Mỹ, chắc chắn người ta coi những không gian trưng bày như thế là một bảo tàng. Tôi xin được gọi nôm na là Bảo tàng Khảo cổ học dưới tầng hầm Nhà Quốc hội.

Bảo tàng này thú vị và độc đáo ở mấy điểm sau:

Thứ nhất, Bảo tàng nằm ở 2 tầng hầm sâu của tòa Nhà Quốc hội. Lần đầu tiên một toà nhà công vụ, lại là toà nhà của cơ quan quyền lực cao nhất nước ta, có một bảo tàng ở bên trong để lưu giữ lại những vật chứng lịch sử hàng ngàn năm nằm dưới nền nhà của mình và mở cửa cho công chúng xem. Đây là lần đầu tiên chúng ta thực hiện bảo tồn di tích dưới một toà nhà quan trọng như Nhà Quốc hội. Nó thể hiện một tầm nhìn mới và ý thức trách nhiệm rất cao của lãnh đạo Đảng, Quốc hội và Chính phủ với quá khứ lịch sử, với những di sản tuyệt vời của đất nước, của dân tộc. Thật lý thú với ý tưởng kết nối nhuần nhuyễn quá khứ, lịch sử với cuộc sống đương đại khi trên hội trường các vị đại biểu của nhân dân đang thảo luận những vấn đề nóng hổi phát triển kinh tế và xã hội, những vấn đề môi trường hay chủ quyền quốc gia đang là mối quan tâm, bức xúc của triệu triệu người thì ngay dưới tầng hầm lại là nơi lưu giữ và giới thiệu những di sản lịch sử và văn hoá của gần 1.300 năm liên tục. Đó là biểu tượng tuyệt vời của một sự kế thừa và kết nối thú vị truyền thống và hiện đại.

Hệ thống chân tảng và hoa văn được tái hiện bằng đèn LED. (Ảnh: internet)

Thứ hai, những người làm bảo tàng đã tổ chức một lộ trình tham quan hợp lý giữa 2 tầng hầm, tầng hầm cuối cùng và tầng trên, cũng như lộ trình ở mỗi tầng. Tầng cuối cùng, sát mặt đất, là nơi giới thiệu về các di tích và hiện vật thời Tiền Thăng Long, tức là những hiện vật có niên đại từ thế kỷ 7 đến thế kỷ 10. Tầng trên là nơi giới thiệu kiến trúc và đời sống của Hoàng cung Kinh thành Thăng Long trải qua các triều đại Lý, Trần, Lê, từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 18. Về mặt thời gian, đi từ xa cho đến gần, đi từ xưa cho đến gần thời nay hơn, là cách dẫn dắt người xem hợp lý. Ở mỗi tầng người xem được dẫn dắt theo những chủ đề, những câu chuyện khác nhau như mặt bằng nền móng kiến trúc, vật liệu kiến trúc, giếng cổ và các hiện vật được phân nhóm theo chất liệu gốm, sành, kim loại; di cốt động vật, đồ chơi trẻ em… (tầng thời kỳ Tiền Thăng Long). Từ đồ gốm sinh hoạt, ăn trầu, hút thuốc lào, đồ sành, ngói uyên ương và chim phượng đến đời sống hàng ngày và tôn giáo ở tầng trên, tầng thời kỳ Thăng Long.

Thứ ba, khi sử dụng những thủ pháp trưng bày bảo tàng hiện đại nhất, tiên tiến nhất với kỹ thuật mới nhất, cuộc trưng bày đã thực sự làm những hiện vật vốn câm lặng, vô tri trở nên biết nói, biết kể chuyện, những hiện vật vốn khô khan trở nên sinh động, hấp dẫn. Cách kết hợp nhiều thủ pháp trong một không gian tạo hiệu quả cao về thị giác và tâm lý. Chẳng hạn như trưng bày hiện vật trong tủ kính kết hợp với hiện vật hay khối hiện vật âm dưới nền sàn mà người xem có thể đi trên mặt sàn kính với không gian lớn, tạo cảm giác như đi trên những hố khai quật thực sự, cùng với những hiện vật lớn đặt ngay trên sàn, không tủ kính... tạo ra những cảm xúc bất ngờ, choáng ngập.

Một video clip 3D kể một đoạn đời của Trần Nhân Tông xuất cung lên núi tu hành dựa trên bức họa "Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ" (vẽ năm 1363) đã làm cho những hiện vật liên quan đến Phật giáo trở nên sống động hơn. Một đoạn phim 3D khác cho thấy chim nhảy trong lồng và tiếng hót lanh lảnh trong phòng trưng bày làm cho người xem cảm thụ thật sâu sắc về chiếc "cóng" nhỏ bé nhưng vô cùng quý của Hoàng cung, một đồ đựng thức ăn cho chim của những người chơi chim, vừa cao sang vừa bình dị.

Di tích mả ngựa được bảo tồn trong hộp kính âm dưới sàn. (Ảnh: internet)

Nói về thành công của thủ pháp trưng bày và kỹ thuật ở đây không thể không nhắc đến sự sử dụng ánh sáng (đèn LED) rất thành công. Các video clip 3D được chiếu trên những mảng tường không phải trắng như thường thấy mà tường nền đen đã tạo hiệu ứng bất ngờ. Điều gây ấn tượng lớn khác là cách giới thiệu kỹ thuật xây dựng cột âm qua hệ thống hình ảnh, bản vẽ giúp người xem hiểu rõ hơn về trình độ kỹ thuật xây dựng. Những người làm trưng bày đã rất mạnh dạn và táo bạo khi tạo cho không gian trưng bày một thứ ánh sáng kỳ ảo luôn thay đổi, từ mầu này sang mầu khác phù hợp với không gian hoàng cung. Những màn hình lớn giải thích về hiện vật khiến người xem phải tìm đến hiện vật để trải nghiệm.

Thứ tư, trưng bày của Bảo tàng Khảo cổ học dưới tầng hầm Nhà Quốc hội là một trưng bày đã đạt được một tiêu chuẩn quốc tế mà ít bảo tàng ở nước ta thực hiện được, đó là cách diễn giải trưng bày tinh tế, khoa học, tạo ra những cấp độ thông tin khác nhau và tuân thủ nghiêm ngặt việc thỏa mãn thông tin với các du khách có những nhu cầu khác nhau. Thông tin cấp 1 là những thông điệp chung nhất cho tất cả mọi người. Thông tin cấp 2, dành cho những người quan tâm hơn một chút. Thông tin cấp 3, dành cho những người muốn hiểu sâu hơn về hiện vật. Nội dung các bài viết dù ở cấp độ nào cũng tỏ rõ tính khoa học, thông điệp rõ ràng nhưng cách viết đơn giản, dễ hiểu. Chẳng hạn, từ chiếc bình vôi, ổng nhổ, tục ăn trầu được giới thiệu như sau: "Ăn trầu là tập tục có từ lâu đời và là nghi thức xã giao, nghi thức tôn giáo ở Nam và Đông Nam Á. Bộ đồ ăn trầu gồm có bình đựng vôi, dao bổ cau, ống nhổ... Nhiều loại bình vôi và ống nhổ quí làm từ đồ gốm có niên đại từ thời Trần và thời Lê tìm được tại khu Di tích cho thấy tục ăn trầu cũng rất phổ biến trong Hoàng cung Thăng Long". Hay tục hút thuốc Lào gắn với hiện vật là chiếc điếu bát: "Từ thế kỷ 17, tục hút thuốc lào bắt đầy xuất hiện ở Việt Nam. Trong Khu Di tích Hoàng thành Thăng Long đào được nhiều loại điếu bát. Nguồn gốc của những chiếc điếu này chủ yếu được sản xuất ở các lò gốm vùng Hải Dương, cách Kinh thành khoảng 60 km về phía Đông".

Những hiện vật sành (Ảnh: internet)

Thứ năm, Bảo tàng Khảo cổ học dưới tầng hầm toà Nhà Quốc hội sở dĩ có được thành công lớn một phần quan trọng là nhờ sự đầu tư thích đáng. Kinh phí lớn đáp ứng nhu cầu thỏa đáng của trưng bày đã đưa lại hiệu quả cao cho công trình này. Người ta thường nói "tiền nào của ấy" quả là đúng với trường hợp này. Ở bảo tàng này cái gì cũng có giá, không có gì là rẻ cả. Đó là mặt sàn kính trong suốt chịu lực với diện tích lớn để khách tham quan vừa đi lên trên vừa ngắm hiện vật ở dưới chân mình. Đó là những projector giá hàng trăm triệu đồng có chất lượng hình ảnh rất cao. Đó là những tủ kính có hệ thống đèn chiếu đặc biệt không ảnh hưởng đến hiện vật và hệ thống bảo vệ an toàn chống trộm tốt nhất... Tất cả những điều nói trên làm cho bảo tàng trở nên sang trọng, ấn tượng cao, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ công chúng của bảo tàng. Chính sự đầu tư mạnh dạn, “ra tấm ra miếng” này cùng với cách làm việc khoa học, quyết tâm, say mê, sáng tạo của đội ngũ những người làm bảo tàng ở đây đã đưa Bảo tàng dưới tầng hầm Nhà Quốc hội Việt Nam sánh vai với các bảo tàng tiên tiến nhất trên thế giới.

Bảo tàng này thực sự là một niềm tự hào không chỉ của giới khoa học, văn hóa mà của đất nước ta. Bảo tàng là một minh chứng với toàn thế giới về trách nhiệm cao của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đối với một di sản thế giới mà UNSCO đã công nhận.

Bảo tàng này không chỉ mang lại hình ảnh mới cho Nhà Quốc hội, khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong việc bảo tồn và phát huy Di sản Hoàng thành Thăng Long mà còn là điểm nhấn quan trọng trong việc tiếp đón và quảng bá giá trị di sản văn hóa dân tộc Việt Nam đến các đoàn nguyên thủ quốc gia, quần chúng nhân dân và du khách quốc tế trong thời gian tới.

PGS.TS Nguyễn Văn Huy

Top