Di tích Chùa Ông nổi tiếng đất Ninh Kiều

Chùa Ông tọa lạc trên đường Hai Bà Trưng, nhìn ra bến Ninh Kiều. Đây là ngôi chùa do người Hoa thuộc hai Phủ Quảng Châu, Triệu Khánh (Quảng Đông - Trung Quốc) góp công xây dựng từ những năm 1894 - 1896.

Chùa Ông, tên gốc tiếng Hán là Quảng Triệu Hội Quán. Xưa kia, chùa Ông vốn là hội quán của những người Hoa di dân sang miền Nam nước ta ở đất Trấn Giang (tên gọi lúc bấy giờ của Cần Thơ) vào thế kỷ thứ 17 – 18. 

Ngôi chùa có bố cục kiến trúc hình chữ Quốc, mái lợp ngói âm dương. Các đầu kèo, xuyên trính được chạm khắc họa tiết, hoa văn mang phong cách cổ điển, sơn son thiếp vàng theo truyền thống nghệ thuật miếu vũ. Các gờ bó mái bằng gốm tráng men lưu ly xanh biếc lẫn với sắc rêu phủ, tạo nên một vẻ cổ kính. Chùa Ông tiêu biểu cho lối kiến trúc đền miếu của người Hoa, với đôi lân chầu hai bên cửa chính gợi ý nghĩa thái bình, thịnh vượng. Bên cạnh các biểu tượng long phụng, còn có tượng Ông Nhật Bà Nguyệt là điềm báo cát tường, tượng trưng cho âm dương trong văn hóa Á Đông.


Di tích Chùa Ông tọa lạc trên đường Hai Bà Trưng, nhìn ra bến Ninh Kiều. Ảnh: intetnet 

Trên nóc chùa trang trí lưỡng long tranh châu, hai bên là hình tượng cá hóa long sắp xếp đăng đối. Đây là kiểu thức trang trí khá phổ biến tại các chùa Hoa ở Nam Bộ vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Ngay bên dưới là các quần thể tiểu tượng bằng sành sứ nhiều màu sắc, diễn tả cảnh tiên giới xen lẫn trần thế, thủ pháp tạo hình cũng nửa thực nửa hư. Theo lời kể của các vị cao tuổi, những mảng trang trí này được đưa từ Quảng Đông sang, thể hiện rõ nghệ thuật gốm thủ công của nghệ nhân người Hoa đời nhà Thanh.

Chùa Hoa thường không có vườn cây bao quanh như chùa của người Việt, Khmer, thay vào đó là sân kiểng được vây quanh bởi tường gạch, hai bên trang trí các mảng phù điêu đắp nổi bằng đất nung đối xứng nhau. Trong sân đặt hai hàng bát bửu, cách điệu hóa bửu bối của Bát Tiên, từ chiếc giỏ lam của Lam Thái Hòa, thanh gươm của Lã Đồng Tân cho đến cái lẵng hoa của Hà Tiên Cô. Từ sân thiên tĩnh vào chính điện, có một dãy ba bàn hương án bằng đá mài, nơi khách hành hương chuẩn bị lễ vật và thắp nhang trước khi vào chiêm bái.

Theo quan niệm của người Hoa, được sở hữu chiếc đèn lồng từ lễ hội 10 năm mới có một lần này tượng trưng cho sự may mắn, thành đạt, vinh hoa. Ảnh: internet

Trên 2 cánh cửa chính của chùa có vẽ hình 2 vị thần trấn môn là Tần Thúc Bảo và Uất Trì Cung oai dũng trong truyện "Thuyết Đường". Bước vào, trên có tấm nghi môn "Hiệp Thiên Cung", đưa khách vào chốn thiêng liêng đối với tín ngưỡng dân gian của người Hoa, nơi thờ các vị thần, các nhân vật hiển thánh được cộng đồng sùng bái. Bên phải là bàn thờ Phúc Đức Chính Thần, mà người Hoa quen gọi là "Ông Bổn", tức là Bổn đầu công Trịnh Hòa – người có công phát triển cộng đồng người Hoa ở hải ngoại, được người Hoa cúng vào ngày 15 tháng 3 Âm lịch. Bên trái là bàn thờ Mã tiền tướng quân cùng ngựa Xích Thố của Quan Công.
 
Gian giữa thờ Quan Vân Trường hay còn gọi là Quan Công, nhân vật lịch sử đời Tam Quốc, được người Hoa kính ngưỡng về lòng trung nghĩa và chí khí anh hùng. Tượng Quan Công tạc bằng gỗ, mặt đỏ, râu năm chòm, mặc áo bào xanh ngồi trong hổ trướng, hai bên có hai tướng hầu cận là Châu Xương và Quan Bình, đã trở thành hình tượng bất hủ trong lòng mến mộ không chỉ của người Hoa. 

Lễ hội tiêu biểu nhất của chùa Ông là Lễ đấu đèn được tổ chức 10 năm một lần, nhằm tạo thêm một sinh hoạt văn hóa đặc sắc tại địa phương, vừa quyên góp tiền giúp các cơ sở từ thiện, xây nghĩa trang, trường học, giúp đỡ trẻ mồ côi trong thành phố. Lễ đấu đèn gần đây nhất được tổ chức năm 2007, thu về trên 200 triệu đồng từ việc đấu giá những chiếc lồng đèn có 6 mặt, mỗi mặt mang hình phong cảnh và những câu chúc phúc; có hình rồng thếp vàng được chạm trổ ở 6 góc đèn, đầu chầu vào nhau, đuôi dang ra tạo thành chân đèn. Khi bóng đèn phía trong được đốt nóng, thì đèn lồng cũng tự động xoay từ từ, tạo nên hình ảnh vô cùng đẹp mắt.

Lễ đấu đèn diễn ra ngay trong chánh điện của chùa Ông, mọi người đều có thể tham gia để được sở hữu chiếc đèn mình yêu thích. Theo quan niệm của người Hoa, được sở hữu chiếc đèn lồng từ lễ hội 10 năm mới có một lần này tượng trưng cho sự may mắn, thành đạt, vinh hoa.

Tổng hợp

Top