Dệt chiếu An Xá

Làng An Xá (xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) từ lâu nổi tiếng với nghề sản xuất chiếu cói truyền thống. Mùa thu hoạch cói ở An Xá hằng năm thường vào tháng 3 và tháng 6 Âm lịch. Đó cũng là lúc mùa vụ vừa xong. Từ những manh chiếu thơm nức mùi cói khô đã góp phần mang lại sức sống cho An Xá. Quan trọng hơn đó là sự tồn tại của làng nghề đã giữ được nét hồn quê từ ngàn đời nay.

Nghề 600 tuổi

Những người già trong làng kể lại rằng, nghề làm chiếu cói có từ lâu lắm, khoảng trên 600 năm về trước. Lúc này, An Xá là vùng hạ lưu sông Bình Giang (sông Kiến Giang ngày nay), phía hữu ngạn là một doi đất phù sa bồi tích. Hàng năm, doi đất ấy cứ dài ra và cao thêm, tôm cá nhiều, chim muông lắm. Hình thế doi đất đẹp tựa Vĩ Long, người dân An Xá Hạ đến đây đánh bắt chim, cá, trú ngụ qua đêm rồi dần dà dựng lên lều trại sinh sống. Khi đã đủ mặt 12 dòng họ, ngoài hai nghề chính là nông và ngư, người dân nơi đây đã phát triển nghề dệt chiếu cói được mang theo từ miền Bắc vào.

Cụ Ngô Khai, người lấp sông khai đất An Xá ngày nay khuyến khích người dân ở đây làm thêm nghề dệt chiếu cói vào những lúc nông nhàn. Từ đó, nghề dệt chiếu cói dần trở thành nghề thủ công truyền thống. Cùng với thời gian, đến nay người dân An Xá đã mở rộng diện tích trồng cói ra thành 10ha với 70 hộ gia đình, mỗi hộ dệt được 200 đôi chiếu/năm với thu nhập bình quân đạt từ 80 đến 100 triệu đồng/ năm. Những lúc vào mùa, để đảm bảo trả hàng cho khách hàng, mỗi nhà phải thuê 3 đến 5 lao động. Nhiều người dân làng nghề từ những ngày ấu thơ đã được chứng kiến, từng sợi cói đã trở nên gắn bó với người dân như bạn tri kỷ. Qua bàn tay chai sần nhưng khéo léo của bao thế hệ nối tiếp nhau ở làng quê này, những tấm chiếu mộc mạc nhưng cũng không kém phần tinh xảo đã ra đời.

Để dệt được một chiếc chiếu cần có hai người, một người dệt chiếu và người còn lại đưa cói vào khung dệt. Tùy từng họa tiết mà người dệt chiếu điều khiển cách đan để hoa văn và hình dáng khớp với nhau. Công đoạn chọn sợi cói và nhuộm màu yêu cầu phải thật cẩn thận và tỉ mỉ, bởi màu sắc đậm nhạt và hoa văn sản phẩm quyết định ít nhiều đến độ phai màu theo thời gian của chiếu. 

Trước đây, người dân An Xá chỉ biết sản xuất một loại chiếu trắng duy nhất từ nguyên liệu cói nguyên chất, hiện nay bà con đã nhanh chóng chuyển đổi sản xuất 3 mẫu mã: chiếu trắng, chiếu hoa và chiếu kẻ. Để họa tiết, màu sắc chiếu cói sắc nét, khó phai, người thợ phải mất rất nhiều công đoạn, trước tiên là chọn sợi cói về nhuộm phẩm với đủ loại màu tươi tắn, tiếp đến công đoạn nhuộm màu cũng cần phải có kinh nghiệm và kỹ năng chính xác.

Sau khi nấu phẩm màu xong, tùy theo độ đậm, nhạt mà có thể nhúng từng chùm nhỏ vào từ 2-3 lần trở lên. Cói nhuộm phẩm xong phải phơi cho đủ nắng nhưng không quá gắt vì cói dễ giòn, gãy và không để dịu bởi dễ ẩm mốc. Nguyên liệu cói dùng để dệt chiếu phải ửng màu xanh, dệt xong đem phơi sẽ cho ra màu trắng sáng. Sợi cói phải dài, nhỏ, đều cả hai đầu và không chắp nối thì sẽ dệt nên những chiếc chiếu mịn màng và bền bỉ, giá bán ra thị trường cũng cao hơn rất nhiều. Sau khi dệt xong sẽ tiếp tục công đoạn may viền chiếu với các loại vải phù hợp, tạo mẫu mã đẹp và độ bền cho sản phẩm.

Đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất

Xác định nghề sản xuất chiếu cói là khâu đột phá trong hướng giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, những năm qua, lãnh đạo địa phương luôn quan tâm đến việc giữ gìn, phát triển nghề của làng. HTX làng nghề chiếu cói An Xá được thành lập vào tháng 11-2010 cũng với mục đích đó. Với diện tích khuôn viên 2.000m2, gồm 7 phòng dùng làm xưởng sản xuất, HTX đã mạnh dạn đầu tư mua máy dệt chiếu công nghiệp bán tự động để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Với việc áp dụng công nghệ mới, HTX đã góp phần rút ngắn thời gian sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như thay đổi đáng kể về chất lượng, sợi cói trở nên mịn, dày và bền đẹp hơn.

Sản phẩm của làng nghề vì thế cũng dễ dàng tiêu thụ hơn. Không dừng lại ở các sản phẩm truyền thống và một số mẫu mã mới vừa đưa vào sản xuất, từ đầu năm 2011, HTX tiếp tục đầu tư máy móc hiện đại để sản xuất chiếu có kích cỡ lớn (1,8m) nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường trong giai đoạn mới. Hiện tại, các sản phẩm chiếu từ 1-1,6m đã có sự phát triển vượt bậc so với chiếu cói truyền thống từ quá trình nhuộm cói, in hoa văn và may viền chiếu, bước đầu được người tiêu dùng đón nhận nhiệt tình. Địa phương cũng đã mở rộng diện tích trồng cói từ 4ha lên 10ha, đáp ứng cơ bản nhu cầu nguyên liệu cho HTX làng nghề chiếu cói An Xá.

Trăn trở cho hướng đi của làng nghề

Dù chỉ với những bước đi chập chững ban đầu, những sản phẩm chiếu cói được làm ra từ máy móc có mẫu mã đa dạng, chất lượng cao, bắt đầu đáp ứng nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên, để cho ra một manh chiếu hoàn thiện thì phải trải qua rất nhiều công đoạn và không ít nhọc nhằn. Công lênh nhọc nhằn nhưng lời lãi chẳng được là bao đã khiến không ít người làng tìm kiếm công việc khác.

Cây cói có đặc điểm chỉ có thể phát triển ở những vùng nước lợ, nếu thiếu điều kiện này, cây không thể phát triển. Mặc dù người dân An Xá đã chủ động mở rộng diện tích trồng chiếu cói để phục vụ làng nghề nhưng cung không đủ cầu.

Trải qua nhiều thăng trầm, nghề dệt chiếu cói truyền thống của người dân thôn An Xá đã và đang tìm hướng đi mới, phù hợp với quá trình phát triển và nhu cầu của xã hội. Những xã viên HTX làng nghề chiếu cói An Xá đã góp phần quan trọng quá trình thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Và để những nghề truyền thống như chiếu cói An Xá phát triển, rất cần sự quan tâm hơn nữa của các cấp, ngành chức năng.

Hy vọng rằng trong tương lai, cùng với lòng yêu nghề, quyết tâm gắn bó, phát triển nghề truyền thống của mỗi người dân, HTX TTCN Chiếu cói An Xá nói riêng và làng nghề chiếu cói An Xá nói chung sẽ khởi sắc.

Trung Hiếu

Top