Dân ca Nghệ Tĩnh từ góc nhìn văn học

Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là lối hát phổ thông được hình thành và phát triển gắn liền với đời sống lao động của người dân xứ Nghệ xưa.

Bởi vậy mà đến với Ví, Giặm, người nghe không chỉ cảm nhận cái hay của câu hát, giọng hát mà còn thấy được trong đó cả một trầm tích văn hóa được lưu giữ, bảo tồn trong lời ca. Do sự thay đổi của cuộc sống nên hiện nay rất nhiều không gian và môi trường diễn xướng không còn nữa, nhiều hình thức sinh hoạt dân ca đã chìm vào dĩ vãng và có nguy cơ bị lãng quên. Tuy nhiên, đây được xem là những sinh hoạt lành mạnh và giàu tính nhân văn nhất, nó không chỉ ảnh hưởng tích cực tới đời sống nhân dân xứ Nghệ mà còn có giá trị đối với nền văn học Việt Nam nói chung, Nghệ Tĩnh nói riêng. Mối quan hệ giữa dân ca Ví Giặm đối với thơ văn xứ Nghệ từ xưa đến nay là một mối quan hệ biện chứng, bổ sung, tác động lẫn nhau cùng phát triển. Dân ca là nền tảng để văn học viết tiếp thu và ngược lại văn học viết làm cho những câu hát dân ca trở nên phong phú, đa dạng.

Dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ như đã nói trên là phương tiện sinh hoạt văn nghệ tự túc của nhân dân lao động xứ Nghệ, nhưng biết bao danh sĩ, danh nhân văn chương, bao nhà khoa bảng có tên tuổi, bao trí thức bình dân trên đất Hồng Lam này đã từng thức thâu đêm suốt sáng tham gia hát Ví, hát Giặm với quần chúng lao động. Bởi vậy mà Ví, Giặm vừa mang sự bình dị, hồn nhiên, trong trẻo của thể loại dân ca, đồng thời ca từ trong các làn điệu Ví, Giặm khá chải chuốt, khá điêu luyện, nhiều câu hay đến mức kinh điển và đạt đến độ hoàn chỉnh của nghệ thuật văn chương. Các thi sĩ dân gian đã sử dụng ngôn từ, điển tích, điển cố của văn chương bác học để đưa vào dân ca Ví Giặm, đồng thời cũng thể hiện sự nhạy bén, thông minh, dí dỏm qua hiện tượng chơi chữ, ẩn ý: “Anh say em như bướm say hoa, Như Lưu Linh say rượu, như Bá Nha say cầm”; rồi vận dụng những câu Kiều gọi là vịnh Kiều, lẩy Kiều để sáng tác những câu hát đối đáp mượt mà sâu lắng gây hứng thú cho người nghe: “Truyện Kiều anh thuộc đã làu, Đố anh kể được một câu năm người? Câu năm người đó không xa, Này chồng, này mẹ, này cha, Này là em ruột, này là em dâu” (Kho tàng ca dao xứ Nghệ).

Sự tham gia của các nhà nho khiến cho ca từ dân ca Ví, Giặm có tính bác học, sang trọng hơn và nâng cao chất lượng của các cuộc hát. Điều này không chỉ làm phong phú, sâu sắc hơn văn hóa dân gian Nghệ Tĩnh mà còn làm tươi mới, sống động hơn cho văn chương bác học khi tác giả của nó là những nhà nho đã thực sự uống nước từ mạch nguồn dân gian và tắm mình trong nguồn mạch ấy, hấp thu hương phấn của hai loại dân ca này. Nhờ đó mà sáng tác của họ phóng túng, tự do hơn, giúp họ trau dồi ngôn ngữ nghệ thuật, thầm lặng giúp đỡ họ sáng tạo nên những tác phẩm bất hủ, làm sáng rực lâu đài văn học dân tộc. Nguyễn Du sáng tác ra những tác phẩm để đời như Truyện Kiều chính là nhờ một phần tư tưởng và sinh hoạt gần gũi với nhân dân lao động, hiểu và vận dụng một cách tài tình ngôn ngữ mang tính bình dân. Đặc biệt bài “Thác lời trai phường nón” và bài “Văn tế Trường Lưu nhị nữ” là hai bài thơ được lấy cảm hứng từ không gian diễn xướng của Ví, Giặm trong khoảng thời gian Nguyễn Du về sống ở làng Tiên Điền huyện Nghi Xuân, ông đã cùng trai làng phường nón sang hát giao lưu với các cô gái phường vải ở làng Trường Lưu huyện Can Lộc và đã có một số mối tình với những cô gái nơi đây.

Phan Bội Châu cũng từng là sĩ tử đi hát phường vải nổi tiếng một thời được xem là tứ trụ ở huyện Nam Đàn: “Nam Đàn tứ hổ là đây/ Song, San(Phan Bội Châu), Lương, Quý một bầy bốn anh” và đã để lại nhiều giai thoại còn lưu truyền trong dân gian xứ Nghệ. Sĩ tử quê Nghệ An nhưng nghe đồn đất Kỳ Anh (Hà Tình) có cô đào Nguyễn Thị Nhẫn nổi tiếng hát hay đối giỏi cũng tìm gặp để thi thố tài năng cho bằng được. Vốn tư chất thông minh, có lần bị bên nữ hỏi: “Sách rằng Nghiêu hữu cửu nam, Biết Đan Chu là một hỏi tám chàng tên chi”?  Phan Bội Châu trả lời một cách tinh nghịch: “Các em là phận nữ nhi, Một Đan Chu cũng đủ hỏi làm chi tám người”? Tuy nhiên, Phan Bội Châu là người có chí lớn, nhiều hoài bão, lúc nào cũng canh cánh trong lòng chuyện cứu nước. Vận dụng những câu hát dân ca Ví, Giặm, ông đã sáng tác những bài văn tế, Giặm vè để khích lệ lòng yêu nước của nhân dân. Có lần đi hát Ví bị chó cắn hụt, ông muốn nhân đó mà thức tỉnh, giác ngộ quần chúng: “Thù này ắt hẳn còn lâu/ trồng tre nên gậy gặp đâu đánh què”.

Ngoài những tác giả và tác phẩm kể trên thì cũng còn rất nhiều danh sỹ nổi tiếng từng tham gia hát Ví và lấy cảm hứng từ không gian diễn xướng của Ví, Giặm như Nguyễn Huy Hổ, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Huy Quýnh, Nguyễn Công Trứ… Phải nói Ví, Giặm có giá trị như thế nào mới hấp dẫn, mới lôi cuốn các danh sĩ, chí sĩ, nho sĩ tham gia để sáng tạo nên các tác phẩm nói trên.

Dân ca Ví Giặm là di sản được hình thành và phát triển từ xa xưa nhưng nó không chỉ có giá trị đối với văn học Việt Nam thời Trung đại, cận đại mà nó còn có ảnh hưởng rất lớn đối với những sáng tác văn học sau này, đặc biệt là đối với những tác giả có nguồn gốc từ Nghệ Tĩnh. Trước hết nó là kho tư liệu vô giá về phương ngữ, là địa chỉ tin cậy để những ai quan tâm đến chất Nghệ. Ví Giặm là những sáng tác tức thì, mang hơi thở nóng hổi của người dân lao động, nó được hình thành bởi một hệ thống các yếu tố như: làn điệu, ngữ điệu, tiết tấu và ca từ. Trong đó ca từ là chất liệu đầu tiên hình thành nên dân ca. Ca từ dân ca xứ Nghệ gồm ngôn ngữ toàn dân và ngôn ngữ Nghệ Tĩnh góp phần tạo ra cách nói dân giã, mộc mạc mà gần gũi, thông dụng của địa phương: Chuyện bà bà để trong oi, Khi mô muốn hát bà xoi dần dần; “Bốn bề lai láng, thấy những sọt với sồng, thấy những gánh với gồng, đàn bà cho chí đàn ông, kể hằng hà sa số”;

Đồng thời Ví, Giặm cũng là cơ sở để hình thành các thể thơ của dân tộc như lục bát, song thất lục bát, ngũ ngôn. Kho tàng vè xứ Nghệ phong phú và phát triển nhất cả nước. Vè chủ yếu được diễn xướng theo làn điệu hát Giặm, mà đã hát Giặm thì chủ yếu là dưới hình thức văn vần hoặc thơ năm chữ (thơ ngũ ngôn). Vì thế có người nhận định rằng xứ Nghệ là vùng sở trường của sáng tạo thể thơ ngũ ngôn. Có thể nói không ngoa rằng mỗi người xứ Nghệ đi ra, trong hành trang tinh thần của họ, thể thơ năm chữ theo kiểu Giặm trở thành một nếp nói, nếp nghĩ, nếp sáng tạo. Hay nói cách khác, cái chất Giặm là từ trong thâm căn cố đế, nó tồn tại từ trong bản ngã như một sản phẩm văn hóa đã tích tụ nên. Và trong sáng tạo thơ ca của họ, những làn điệu Ví Giặm đi vào thơ ca một cách tự nhiên, tất yếu. Trong hát Giặm người ta chia bài hát thành các trổ, mỗi trổ thường là 5 câu, câu cuối trổ thường láy lại câu thứ 4 và nếu có biến thể thì các khung của trổ hát Giặm cũng được bảo lưu với nguyên tắc vần chân và hiện tượng điệp câu. Hai nhà thơ đàn anh của thơ ca Nghệ An là Trần Hữu Thung và Minh Huệ là những dẫn chứng tiêu biểu trong việc sáng tác thể thơ năm chữ theo kiểu Giặm: Xoè bàn tay bấm đốt , Tính cũng bốn năm ròng , Ai cũng bảo đừng mong , Riêng em thì vẫn nhớ. Chuối đầu vườn đã lổ, Cam đầu ngõ đã vàng, Em nhớ ruộng nhớ vườn, Không nhớ anh răng được (Thăm lúa); Rồi Bác đi dém chăn, Từng người từng người một, Sợ cháu mình giật thột, Bác nhón chân nhẹ nhàng. (Đêm nay Bác không ngủ - Minh Huệ).

Ngoài ra một số nhà thơ mà trong sáng tác của họ cũng mang đậm phong cách văn hóa xứ Nghệ như Lê Thái Sơn, Hoàng Trung Thông, Nguyễn Bùi Vợi, Vương Trọng…Úi chao! bạn cùng làng, Ra Thanh mần cấp ủy, Thì ra dân Nghệ mình, Đi đến mô cũng gặp (Gặp bạn trên đất Thanh – Nguyễn Bùi Vợi); Mít cơn ni cơn tê, Bở dai chi cũng ngọt (Nỗi nhớ không mùa - Nguyễn Bùi Vợi).

Như vậy, dân ca Ví, Giặm là sáng tác của dân gian, mang tính bình dân. Ngoài những giá trị khác về âm nhạc, nghệ thuật, giá trị văn hóa, lịch sử thì nó cũng ảnh hưởng và có tác động qua lại đối với nền văn học dân tộc nói chung, Nghệ Tĩnh nói riêng. Bởi vậy trong vấn đề bảo tồn và phát triển dân ca Ví, Giặm, chúng ta cần giữ gìn những giá trị đó một cách trọn vẹn và đầy đủ nhất. Bởi những gì còn lại hôm nay chính là những giá trị đích thực, những gì tinh túy nhất đọng lại qua sự sàng lọc khắt khe của thời gian. Đó cũng chính là bản sắc, cốt cách và bản lĩnh của vùng văn hóa xứ Nghệ.

Lương Vân

Có thể bạn quan tâm

Top