Đền Thái Vi

Nằm ở Ninh Hải, Hoa Lư, Ninh Bình, đền Thái Vi thờ các vua đầu nhà Trần như Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông, các tướng Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải và Hoàng hậu Thuận Thiên, là những người đã lập ra hành cung Vũ Lâm, một cứ địa trong kháng chiến chống Nguyên Mông.

Ngôi đền đầu tiên nơi này đã được xây dựng ngay sau khi kháng chiến chống quân Nguyên Mông thắng lợi năm 1258, khi Vua Trần Thái Tông quyết định nhường ngôi cho con rồi lui về vùng núi non này, lập am Thái Vi để xuất gia. Sau này các vị vua Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông cũng xuất gia tại đây.

Đền có kiến trúc theo kiểu “Nội công ngoại quốc”, tất cả các cột đều làm bằng đá xanh nguyên khối, chạm khắc rất tỉ mỉ, công phu, đường nét hoa văn tinh xảo, tao nhã, uyển chuyển như chạm khắc trên gỗ. Đền được xây dựng ngay trên nền đất mà xưa kia Vua Trần Thái Tông đã chọn để xây dựng Cung điện Thái Vi. Phía trước đền có giếng ngọc xây bằng đá xanh; sau đền là dãy núi đá Cấm Sơn. Phía ngoài cửa Nghi môn, hai bên có đặt hai con ngựa bằng đá xanh nguyên khối. Qua Nghi môn có gác chuông làm bằng gỗ lim, các mái lợp ngói mũi hài. Ở đây treo một quả chuông đúc từ năm Chính Hoà thứ 19. Đối diện với gác chuông theo đường chính đạo là tháp bia và ba tấm bia dựng hai bên. Tháp bia bốn mặt ghi công đức những người có công cúng tiến xây dựng đền.

Con đường vào Đền Thái Vi

Đường chính đạo và sân rồng đều lát đá xanh. Sân rồng rộng khoảng 40m2. Hai bên sân rồng là hai dãy nhà Vọng - nơi xưa kia các cụ bàn việc tế lễ. Từ sân rồng bước theo các bậc đá có độ cao 1,2m là đến Ngũ đại môn (5 cửa lớn) có 6 hàng cột đá tròn song song đều được chạm khắc nổi long vương chầu vào chính diện. Mặt ngoài các cột đá đều chạm khắc các câu đối bằng chữ Hán. Các xà hiên cũng làm bằng đá, chạm khắc lưỡng long chầu nguyệt.

Qua 5 cửa lớn là đến 5 gian Bái Đường uy nghi, cũng có 6 cột đá vuông chạm khắc các câu đối ở mặt ngoài, các mặt khác chạm khắc nổi: long, ly, quy, phượng, cá chép hoá long. Tiếp theo là ba gian Trung Đường với hai hàng cột đá tròn, mỗi hàng 4 cột, đều được chạm khắc nổi long vân. Ở đây đặt nhang án đá. Hai bên có đôi hạc gỗ cao hơn 2 mét và hai bộ chấp kích thờ sơn son thiếp vàng. Qua Trung đường vào năm gian Chính tẩm cũng có 8 cột đá tròn được chạm khắc nổi: cầm, kỳ, thi, hoạ.

Các xà hiên cũng làm bằng đá, chạm khắc lưỡng long chầu nguyệt. Gian giữa của Bái đường, trên cao treo bức hoành phi sơn son thiếp vàng có bốn chữ Hán lớn “Long đức chính trung” (Đức lớn chính giữa), bái đường thờ công đồng trên bệ đá. Tiếp theo là ba gian Trung đường với hai hàng cột đá tròn, mỗi hàng bốn cột, đều được chạm khắc nổi long vân. 

 Những người thợ đá ở đây đã làm cho các cột có hồn mang tính nghệ thuật cao. Trong cung khám của Chính tẩm, ở giữa là tượng Trần Thánh Tông, bên trái tượng Trần Thánh Tông là tượng Trần Thái Tông, bên tượng Trần Thái Tông là tượng Hiển Từ Hoàng Thái Hậu (Là Hoàng hậu Thuận Thiên của Vua Trần Thái Tông từ năm 1237).

Ngoài ra trong Chính tẩm còn phối thờ (bài vị) Trần Nhân Tông (là con đầu của Trần Thánh Tông, và Trần Anh Tông (bài vị thờ là con trưởng của Trần Nhân Tông). Như vậy đền Thái Vi thờ 4 đời vua nhà Trần. Hai bên tả hữu là hai tượng Kim đồng ngọc nữ đứng hầu Nhà vua. Phía sau đền Thái Vi nguy nga, trầm mặc là hai mắt rồng ở hai bên. Tương truyền, đây là hai hố sâu đổ đất đá vào cho đầy, một thời gian sau đất lại trũng xuống không bao giờ bằng mặt đất.

Đền dựa lưng vào núi

Đền Thái Vi là một di tích lịch sử văn hóa đồng thời điểm du lịch trong tuyến du lịch văn hóa sinh thái Tam Cốc - Bích Động. Ngoài ra, một số chùa ở Ninh Bình còn được Nhà vua Trần Thái Tông trực tiếp cho xây dựng như chùa Sở ở thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải, chùa A Nậu thuộc thành phố Ninh Bình, cấp cho chùa 160 sào ruộng... giống nhiều chùa ở Ninh Bình gắn liền với tên tuổi các vua, chúa qua các triều đại phong kiến.

Cứ 3 năm một lần vào các năm Tí, Ngọ, Mão, Dậu, đền Thái Vi tổ chức lễ hội trong 3 ngày 14, 15, 16 tháng 3 (Âm lịch). Nhân dân địa phương quan niệm rằng, sau khi chiến thắng giặc Nguyên Mông, ngày 15 tháng 3 (Âm lịch) là ngày vua tôi nhà Trần về Thiên Trường (Nam Định) bái yết tổ tiên, ăn mừng chiến thắng. Hội đền Thái Vi là hội làng tổng, ngày xưa cả tổng Vũ Lâm cũng mở hội. Bởi vì các làng này đều thờ các vua Trần và các vị tướng nhà Trần. Ngay từ chiều ngày 14-3 (Âm lịch), dân làng Văn Lâm đã lễ mở của đền, rước bát hương thánh ra đình Các, nơi tương truyền xưa kia đây là nơi các quan vào trình báo trước khi vào hành cung Vũ Lâm, tế cáo yết các vua Trần ở đây. Sáng ngày 15-3 (Âm lịch), các làng của tổng Vũ Lâm xưa đều rước kiệu thánh của làng mình về đình Các để tế.

Đầu tiên làng Khê Đầu (thượng, hạ) làng anh cả rước kiệu thánh qua các làng: Xuân Áng, Khả Lương, Hành Cung, Hạ Trạo, Tuân Cáo đến làng nào kiệu làng ấy lại nối tiếp vào. Cả làng Dầu (Khánh Hòa, Yên Khánh) thờ Hoàng tử Ngự Câu Vương và Công chúa Huyền Trân nhà Trần cũng rước về đây. Khi tế xong ở đình Các, làng Văn Lâm, hàng chủ tế rước kiệu đi đầu vào đền Thái Vi  để tế các vua Trần. Sau khi tế xong có hát Ca Công. Hát Ca Công gồm có một người đánh đàn chanh, một bà hát mặc áo dài xăng xược một vạt đỏ, một vạt xanh, hát ca ngợi công đức của các vua Trần.

Lễ hội Đền Thái Vi

Sau đó các làng còn kéo chữ Thiên hạ thái bình, Trúc Lâm đạo sĩ. Đội kéo chữ gồm có khoảng 120 em 14 - 15 tuổi, chia làm hai hàng, một bên nam, một bên nữ, chạy theo hàng kép ở giữa rồi tỏa ra hai bên theo sự điều khiển của anh cờ tiền chạy sau nắn các nét chữ. Khi chạy hết nét, các em ngồi xuống chữ nổi lên. Chạy hết chữ này mới sang chữ khác. Phần hội có các trò chơi dân gian như múa lân, múa rồng, đánh cờ người, đấu vật, bơi thuyền...

Đến với Ninh Bình, thưởng ngoạn thắng cảnh Tam Cốc - Bích Động, du khách hãy đến tham quan đền Thái Vi!

Thu Huệ

Top