Đền Lưu Ly thờ Công đồng Tứ Bất Tử

Cùng với thờ Phật như một số nước ở Đông Nam Á, người Việt Nam còn có tục thờ Thành Hoàng, thờ danh nhân, danh tướng có công với dân, với nước. Trong tâm thức dân gian có bốn vị được tôn vinh là Thánh của toàn thể cộng đồng dân tộc, đó là Mẫu Liễu Hạnh, Phù Đổng Thiên Vương, Chử Đồng Tử Tiên Ông và Tản Viên Sơn Thánh. Đây là những vị Thánh, Thần đạo cao, đức trọng, công lao to lớn với đất nước từ buổi bình minh của lịch sử dân tộc và được xếp vào hàng bất tử, hay thường vinh xưng là “Tứ Bất Tử”.

Mỗi Thánh một công trạng hiển tích, Thánh Mẫu Liễu Hạnh được các thế hệ ví như người mẹ “Mẫu nghi thiên hạ” (mẹ của thiên hạ); Phù Đổng Thiên Vương một biểu tượng hào hùng về sức mạnh đánh giặc ngoại xâm; Tản Viên Sơn Thánh là biểu tượng sức mạnh chống thiên tai bão lụt, bảo vệ mùa màng; Chử Đồng Tử, thế hệ người từ những ngày đầu dựng nước mà đã có tư tưởng đấu tranh phá bỏ bức tường truyền thống ngăn cách đẳng cấp, biết giành chiến thắng trước sự bất công, không bình đẳng: giành bằng được sự tự do trong quan hệ yêu đương và hạnh phúc đôi lứa.

Tứ Bất Tử là Thánh của cộng đồng dân tộc Việt, đã được nhiều làng quê vinh xưng là Thành hoàng riêng. Dù chung hay riêng thì nhân dân ta đều tôn thờ và bảo vệ di tích rất chu đáo, nghiêm cẩn, luôn luôn coi đấng thần linh đó như yếu tố không thể thiếu trong lĩnh vực tinh thần. Rải rác ở nhiều vùng miền đều có đền thờ các Thánh. Việc thiết lập các miếu đền ấy, trước hết là để tỏ lòng tôn kính, thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn, giáo dục cho những thế hệ nối tiếp phát huy và gìn giữ bản sắc của cha ông, muôn đời phụng thờ các bậc vĩ nhân có công với nước, giúp dân khai sáng xóm làng, mở mang bờ cõi, dạy nghề, dạy chữ, đánh giặc ngoại xâm, chống thiên tai để cho mưa thuận gió hòa, xã tắc ấm no.

Thực tế, việc thờ phụng “Tứ Bất Tử” hiện đang tồn tại trong dân gian theo phương thức mỗi Thánh một miếu đền riêng, ở từng một vùng miền riêng biệt. Gần đây mới xuất hiện một phương thức thờ phụng Công Đồng Tứ Bất Tử tập trung tại một đền ở đền Lưu Ly.

Đền Lưu Ly được tọa lạc tại làng Cát Bàng (nay là thôn Quyết Tiến), xã Vân Côn, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội. Đền do một tư gia tạo dựng và quản lý. Theo nhân dân làng Quyết Tiến cho biết, khu đất của đền hiện nay chính là Từ đường cũ của một dòng họ vào loại khá giả xưa ở làng Cát Bàng cổ. Sau đó, vì rất nhiều lý do mà ngôi Từ đường không tồn tại từ mấy chục năm nay. Năm 2004, bà Đắc Thị Ất nguyên là một công chức công tác tại Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình. Vì đặc điểm của nhiệm vụ mà đêm ngày, bà thường xuyên có nhiều dịp ra vào Nhà sàn, nơi Bác Hồ làm việc lúc sinh thời, nhà thờ Bác, nơi Người trút hơi thở cuối cùng. Bà Ất bảo, có nhiều đêm thức trắng cứ vẩn vơ đi lại ở đó rồi nghe thấy rất rõ tiếng thì thầm của ai đó nói vào tai, nhắc nhở bà hãy suy nghĩ đến việc phụng thờ các bậc vĩ nhân của tổ tiên dân tộc chúng ta. Rồi một hôm bà quyết định đi tìm đất để làm nơi dựng đền thờ. Từ Ba Đình, bà đi về hướng Tây nhằm phía núi Ba Vì, quê hương của Tản Viên Sơn Thánh và ngọn núi Đá Chông, đến làng Cát Bàng thì bà dừng lại nghỉ chân, bà vào nhà dân hỏi tìm mua đất, nói là mua đất để làm nhà ở thế mà sao người ta lại chỉ vào khu đất vốn là nơi thờ tự cũ. Việc mua bán xong, truy tìm lai lịch của mảnh đất, bà mới vỡ lẽ ra rằng: Mảnh đất ấy chính là mảnh đất linh như vậy. Ngay cả việc chọn hình thức phối thờ các bậc Thánh - Thần lịch sử dân gian như hiện tại trong đền, cũng là một sự tự nhiên, cứ như là ngẫu hứng. Làm đến đâu nghĩ tiếp theo đến đó, tuyệt nhiên không hề có sự bài trí, hoạch định ban đầu. Cũng có lẽ vì thế mà việc bày biện các ban thờ, phương thức định vị từng Thần cũng có đôi điều cần phải xem xét lại cho đúng với trình tự và lệ tục truyền thống.

Đền Lưu Ly có ba tầng thờ: Tầng thượng (tầng 3) thờ Phật và thờ Công Đồng Tứ Phủ. Cung Tứ Phủ có đầy đủ tượng thờ từ Vua cha Ngọc Hoàng, Vua cha Động Đình Bắc Hải, Vua cha Diêm Vương đến Tam Tòa Thánh Mẫu. Đặc biệt trong cung còn có ban thờ Đức Trần Triều, cung nhà Trần và cả Hồ Chí Minh. Tất cả tượng các ngài ở cung này đều được tạc bằng gỗ mít và sơn son thếp bằng vàng ba số 9. Đồ tự khí đều thuộc loại quý cả về chất liệu vật liệu lẫn kỹ thuật tạo tác. Với kết quả bài trí và nghệ thuật điêu khắc của tổng thể cung thờ, đã tạo nên cho cung một vẻ uy linh, lộng lẫy mà không u thiền như một số chính điện khác. Điều rất khác biệt ở đây chính là sự tĩnh tâm, hỉ xả, thoáng đạt cõi lòng, tuyệt nhiên như không còn vương vấn chút bụi trần ở phía bên ngoài kia chính điện.

Sinh hoạt văn hoá Chầu Văn được tổ chức thường xuyên tại Đền.

Tầng trung (tầng 2) thờ Công Đồng Địa Tạng bách gia trăm họ. Cung Công Đồng Địa Tạng bài trí thoáng đạt, đồ tự khí đơn giản, dụng ý của chủ đền là tạo cho khách tâm thế tĩnh tâm, an thái trước khi lên tầng trên chiêm bái Công Đồng Tứ Phủ.

Tầng hạ (tầng 1) thờ Công Đồng Tứ Bất Tử, đây là cung chính thất của đền. Bức hoành phi ghi 4 chữ “Thiên Cổ Vĩ Nhân” treo ngay chính diện ban thờ, dưới đó là hệ thống tượng của các bậc vĩ nhân thiên cổ tính từ Quốc Tổ Lạc Long Quân, Mẫu Âu Cơ, các đời Vua Hùng (đời thứ 1, đời thứ 6, đời thứ 8), tam vị Đức Thánh Tản Viên, Mẫu Cao Sơn, Thần Thái Bạch Kim Tinh, Mẫu Liễu Hạnh. Hai bên tả hữu là tượng Thánh Gióng cùng hai viên quan hậu cận (bên tả), Chử Đồng Tử cùng với Tiên Dung Công chúa và Công chúa Tây Sa (bên hữu). Bậc trên cùng là bức khám đặt bài vị Thủy Tổ người Việt. Trong bát hương lớn ở trên ban thờ có cả chân hương được xin và rước từ lăng Kinh Dương Vương (thủy Tổ người Việt) ở Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh về để nối truyền linh khí. Tất cả các pho tượng ở đây đều được tạc bằng đá sa thạch màu trắng, đây là một loại đá quý hiếm và có độ cứng rất cao. Lọai đá này đang được dùng để tạc tượng Bạch Y cho các nơi thờ Phật là chủ yếu. Cả cung thờ sáng trắng nguyên khôi, bức nào cũng đẹp, thần thái uy nghi nhưng cũng rất nhân từ. Mỗi ngài là một biểu tượng nhân sinh của kiếp cõi trần gian đang từ thiên cổ xa xưa hiện về ngay trong thực tại để hòa đồng, hướng thiện, trợ giúp nhân duyên, ban phước lộc hanh thông và hạnh phúc cho muôn nhà, cho đất nước, cho cả cõi nhân gian.

Có lẽ vì sự tri ân công đức các bậc tiền nhân mà cận kề gần gũi nhất là hình ảnh Bác Hồ kính yêu, một vĩ nhân cận đại đã giúp bà Ất đủ tâm trí, đủ sức lực, đủ cơ duyên tạo dựng được một ngôi đền và mô thức thờ Công Đồng Tứ Bất Tử rất độc đáo này. Lưu Ly là ngôi đền đầu tiên và cũng là duy nhất ở nước ta dựng thờ như thế.

Với đặc điểm của Lưu Ly về mô thức thờ rất độc đáo, vậy có nên chăng, các nhà nghiên cứu văn hóa nói chung và chuyên ngành dân gian nói riêng cũng cần có những đánh giá và xem đây là một điển hình để rút kinh nghiệm, nhằm đi đến thống nhất một mô thức thờ Tứ Bất Tử.

Mọi sự để trở thành tập tục, bao giờ cũng chả bắt đầu bằng từ những sáng tạo cá nhân. Vậy thì sáng tạo độc đáo của Lưu Ly nếu được trợ giúp của các nhà văn hóa và khoa học xã hội để hoàn thiện hơn cả về lý luận lẫn kiến trúc, bài trí … thì cộng đồng dân gian sẽ lại có nhiều nơi dựng thờ “Công Đồng Tứ Bất Tử” giống như ở Lưu Ly.

Nguyễn Nguyên Hoài

Top