Đền Mẫu

Đền Mẫu nằm trên địa bàn phường Quang Trung, Phố Hiến, Hưng Yên, tọa lạc trên một vùng đất rộng gần 3000m2, quay về hướng Tây Nam, phía trước là Hồ Bán Nguyệt, xa xa là đê sông Hồng tạo cho di tích một vẻ đẹp linh thiêng và cổ kính. Đền thu hút rất đông khách đến lễ, dịp lễ hội cũng như vào các ngày sóc vọng và ngày thường.

Đền thờ Dương Quý Phi (nhà Tống - Trung Quốc), được người đời tán xưng là Dương Thiên Hậu, Mẫu Nghi Thiên Hạ. Theo truyền thuyết, vào thế kỷ XIII khi quân Nguyên xâm lược nhà Tống, Vua và Hoàng tộc xuống thuyền chạy về phương Nam. Vì không chịu khuất phục trước sự truy bức của quân Nguyên, Vua Tống và một số người trong Hoàng cung nhảy xuống biển tự vẫn. Thi thể của Dương Quý Phi trôi dạt về vùng cửa sông Phố Hiến, được nhân dân chôn cất chu đáo. Người nội thị của Triều đình Bắc quốc là quan thái giám họ Du trong cơn loạn lạc tới Phố Hiến, được nhân dân địa phương giúp đỡ đã tập hợp những người Hoa lánh nạn hưng công xây dựng đền thờ, lập làng Hoa Dương. Khi Thái giám mất, dân làng tôn làm Thành Hoàng làng, ngôi mộ được giữ gìn trong khuôn viên của đình Hiến.

Theo sách Đại Nam nhất thống chí: Đền được xây dựng dưới triều Vua Trần Nhân Tông, niên hiệu Thiệu  Bảo thứ nhất (1279). Qua thời gian ngôi đền không ngừng được trùng tu và xây dựng thêm. Vào năm Thành Thái thứ 8 (1896) đền Mẫu được trùng tu lớn và có quy mô như ngày nay. Đền  được xây dựng  theo bố  cục tiền Nhất  hậu Đinh gồm các hạng mục chính như: Nghi môn, đại  bái, trung từ , hậu cung. Ngoài ra còn có phủ Đông, phủ Tây, nhà Oản (nhà sắp lễ). Toàn bộ công trình được bài trí hài hòa và được xây dựng bằng nguyên liệu bền vững như: gỗ lim, vôi mật, xi măng tạo nên một khu di tích khang trang thoáng đãng. Nghi môn đền được xây dựng rất bề thế với chiều  dài là 16,9m, kiến trúc chồng diêm 2 tầng 8 mái. Cửa đền được xây dựng theo kiểu vòm cuốn  gồm 1 cửa chính và hai cửa phụ, cửa chính cao 7m đắp hình ngói ống, tầng trên cửa Nghi môn đắp bức đại tự “Thiên hạ mẫu nghi” và được nghép bằng các mảnh gốm  lam.

Cổng tam quan đền Mẫu, Quang Trung, Hưng Yên

Khu nội tự của đền được xây kiểu chữ Quốc gồm: Đại bái, trung từ, hậu cung và hai dãy giải vũ. Toà đại bái với 3 gian, kiến trúc kiểu chồng diêm 2 tầng 8 mái; các đao mái uốn cong mềm mại kiểu rồng chầu, phượng mớm, lợp ngói vẩy rồng, chính diện đắp lưỡng long chầu nguyệt. Kiến trúc đại bái thượng giá chiêng chồng rường con nhị, hạ kẻ bảy; các con rường, đấu sen, trụ trốn chạm bong kênh hình lá hoá rồng, các bẩy chạm hình đầu rồng. Hai bên đại bái là điện Lưu Ly và cung Quảng Hàn.

Trung từ gồm 3 gian, kiến trúc kiểu chồng rường đấu sen, lộng lẫy với hệ thống câu đối, hoành phi, đồ tế tự, kiệu long đình, kiệu bát cống … sơn son thếp vàng rực rỡ.

Nối với trung từ là 5 gian hậu cung, kiến trúc kiểu chồng rường con nhị, các bức cốn chạm bong kênh hoa lá mềm mại. Dưới ánh sáng mờ ảo của đèn nến, khói hương nhè nhẹ lan toả không gian tĩnh lặng nơi cung cấm như thấy được sự linh thiêng huyền bí chốn thâm cung.

Giữa sân đền có cây cổ thụ. Theo truyền thuyết, cây có tuổi gần bảy trăm năm. Cây này được kết hợp bởi ba cây Đa, Bàng, và Sanh quấn quýt lấy nhau: cây Đa chính giữa, cây Bàng mé Nam, và cây Sanh mé Tây. Cây Đa có 2 rễ phụ chân kiềng bao trùm cả sân đền. Thân chính cây Đa đã mục ruỗng, và đã từng bị cháy, vẫn còn dấu tích than đen trên gỗ. Người có thể chui trong lòng thân cây Đa mà ra cành Đa cao 2m bên trên. Đây là một trong những cây cổ thụ độc đáo nhất Bắc Bộ.

Ngoài cảnh quan đẹp và kiến trúc cổ kính ra trong đền còn lưu giữ nhiều di vật quý như: Kiệu võng, long đình, long sàng, long đại có niên đại thế kỷ 18- 19 và 15 đạo sắc phong từ triều Lê đến triều Nguyễn, cùng nhiều bức hoành phi câu đối, đại tự ca ngợi sự trinh tiết và trung thành của Quý Phi.

Đền Mẫu thực sự là một tác phẩm kiến trúc đẹp, một di tích lịch sử - văn hóa vừa uy nghi vừa cổ kính và gần gũi với nhân dân. Lễ hội đền Mẫu được tổ chức rất long trọng từ ngày 10 đến 15 tháng 3 Âm lịch hàng năm, được nhân dân trong và ngoài vùng nô nức tham dự. Lễ hội xưa được tổ chức rất linh đình, từ ngày 6-3 Âm lịch đã làm lễ chồng kiệu, ngày mồng 10 tổ chức rước kiệu quan thái giám họ Du từ Đình Hiến lên Đền Mẫu, ngày 11 lễ thỉnh kinh sau đó tổ chức rước nước, ngày 12 rước liềm (rước kiệu vòng quanh các phố rồi lại quay về Đền Mẫu), ngày 13 rước kiệu đi du vòng quanh các phố, đến Đình Hiến lại về Đền Mẫu, ngày 15 lễ rước kiệu thánh trả về Đình Hiến và làm lễ rỡ kiệu kết thúc lễ hội. Ngày nay, lễ hội được tổ chức đơn giản hơn. Ngày 10 tháng 3 Âm lịch ruớc kiệu thánh từ Đình Hiến lên Đền Mẫu, ngày 12 tổ chức rước du vòng quanh thị xã và ngày 15 rước kiệu thánh trở về Đình Hiến. Trong hội thường diễn ra các hoạt động văn hoá dân gian như; rước kiệu, múa lân, múa rồng, rước nước... rất long trọng và được diễu qua nhiều đường phố tạo nên một không khí tưng bừng mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc.

Đền Mẫu đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia ngày 30-3-1990.

Thanh Huyền

Top