Đánh thức linh địa cổ Mẫu Sơn

Khu linh địa cổ Mẫu Sơn thuộc thị trấn Lộc Bình (tỉnh Lạng Sơn) nằm ở độ cao 1190m so với mặt nước biển, trên dải đất trống kéo dài hơn 400m, rộng khoảng 100m, có độ dốc đồng đều thuộc sườn núi Mẹ, (có độ cao nhất là 1520m).

Giữa mây núi giao nhau 

Đến khu linh địa cổ không mất quá nhiều thời gian, nhưng du khách phải chuẩn bị tinh thần kỹ lưỡng cho chuyến đi khám phá vì đèo dốc đứng, vực núi cao, đất đá trơn trượt. Từ thị trấn Lộc Bình (tỉnh Lạng Sơn) theo đường cửa khẩu Chi Ma, đến km số 7 gặp đường đất rẽ trái.  Đi tiếp 2km, đến Trường Tiểu học xã Mẫu Sơn (thuộc thôn Lặp Pịa), du khách có thể gửi phương tiện hành lý tại đây để chuẩn bị cho một hành trình mới. Qua những con đường đất và đường mòn, băng rừng vượt qua 3 ngọn núi với độ dài chừng 4km, sau gần 3 giờ, là đến khu linh địa cổ.

Khu linh địa cổ nằm ở độ cao 1190m so với mặt nước biển, trên dải đất trống kéo dài hơn 400m, rộng khoảng 100m, có độ dốc đồng đều thuộc sườn núi Mẹ, (có độ cao nhất là 1520m). Hai bên là các khe nước nhỏ, mặt tiền hướng về phía Nam bồn địa Na Dương - Lộc Bình. Bốn phía tiếp giáp với rừng nguyên sinh thuộc Tiểu khu 81 A. Điểm chính nơi sườn núi trống khu linh địa cổ được coi là vị trí đắc địa theo thuật phong thủy : lưng tựa vào núi Mẹ phía Bắc hùng vĩ, mặt hướng ra vùng bồn địa Na Dương- Lộc Bình, bên phải phía Tây là núi Cha sừng sững quanh năm mây phủ, bên trái phía Đông là cánh rừng nguyên sinh ngút mắt. Những cánh rừng ở đây khá phong phú với nhiều thảm thực vật, những loại cây gỗ quý như trầm hương, tùng La Hán; các loài hoa: đỗ quyên, trúc rừng...Theo các nhà khoa học, số loài thực vật ở đấy lên tới 1500 loài. Các loài động vật hoang dã như: hươu, nai, cầy hương, dúi, lợn rừng... sinh sống khá đông đúc. Tại đây có hai khe suối chảy dọc từ đỉnh núi xuống với làn nước trong vắt, tạo nên cảnh đẹp nên thơ.

                                       

Tiếng vọng của người xưa

Theo nhận xét của ông Bế Cao Chuyển- Phó Trưởng Ban Quản lý Khu Du lịch Mẫu Sơn, sau đợt khai quật năm 2003-2004, cho đến nay về cơ bản, di tích trong linh địa cổ vẫn giữ nguyên hiện trạng, gồm: 3 nền móng đắp bằng đá xây dựng đền thờ, các chân cột đá, tường đá, tường gạch, bậc thềm và cánh cửa đá...

Theo tài liệu Hán Nôm do Cửu Phẩm Bách Bộ Lê Nguyên Hương (1881-1955) có ghi chép thì ngôi đền thờ vị thần trấn giữ núi Mẫu Sơn tên là Lê Hùng Trấn. Kết hợp với các tài liệu khảo sát dân tộc học thì Đền được xây vào khoảng thế kỷ thế X và được trùng tu vào cuối thế kỷ XIX. Chủ nhân khu linh địa cổ trước đây là người Tày, về sau người Dao tiếp nhận và kế thừa nhưng không duy trì được nên khu linh địa đã bị bỏ hoang cho đến ngày nay.

Cách dấu tích ngôi đền chính lên cao khoảng 30m có hai hầm mộ khá lớn nằm chếch về phía bên trái và phải ngôi đền. Hầm mộ thứ nhất  có cấu trúc và quy mô lớn, có vòm che, mà theo nhận định có khả năng được xây theo kiểu trong quan ngoài quách. Mộ được dựng bằng những khối đá lớn khai thác tại chỗ. Hầm mộ thứ hai có quy mô nhỏ hơn, được dựng theo kiểu trác thạch, bằng cách lợi dụng hai tảng đá tự nhiên ở hai bên và ở trên đậy bằng một phiến đá. Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy ở đây những nét tương đồng với mộ đá ở Vũ Xá (Lục Nam- Bắc Giang), Tiên Sơn (Bắc Ninh), Đồng Đổ, Đức Phổ (Quảng Ngãi)... Tuy nhiên, kỹ thuật chế tác đá Mẫu Sơn có những yếu tố muộn hơn, vì những đường đục đẽo tinh xảo, mộng khít hơn, các góc vuông thành sắc cạnh hơn. Niên đại mộ đá Mẫu Sơn có khoảng từ thế kỷ X-XII.

Trong khu vực linh địa cổ, các nhà nghiên cứu còn phát hiện các dấu vết của bãi chế tác nguyên liệu đá, mỏm đất trống phía cao bên phải ngôi đền dùng làm nơi tế lễ trời đất...

Các nhà nghiên cứu tin rằng, cư dân vùng đồi núi này phân bố rải rác hình thành các làng bản ở sát chân núi và hạ lưu con suối chảy từ các khe núi xuống vùng đồng bằng Lộc Bình và Cao Lộc. Trong nhận thức của họ, những nơi thờ tự phải được chọn ở những điểm có cảnh quan, không gian đẹp, môi trường tự nhiên trong sạch để con người thanh thoát khi đến đây. Các vị thần thánh linh thiêng ngự trị có sức mạnh gắn với thiên nhiên là cầu nối tâm linh giữa trời và đất. Từ những sinh hoạt văn hóa dân gian truyền thống và tín ngưỡng tôn giáo hình thành các tâm điểm tín ngưỡng phục vụ nhu cầu tâm linh của đồng bào dân tộc quanh vùng, mà tiêu biểu là đền cổ Mẫu Sơn.

Tiềm năng phát triển du lịch

Sau chuyến khảo sát mới đây tại khu linh địa cổ Mẫu Sơn, Trung tâm Xúc tiến Du lịch tỉnh Lạng Sơn cho rằng: Khu linh địa cổ Mẫu Sơn có đầy đủ yếu tố tạo thành tuyến điểm du lịch sinh thái, mạo hiểm và tâm linh, gắn với điểm du lịch nghỉ dưỡng hiện tại của Khu Du lịch Mẫu Sơn. Đứng từ khu linh địa cổ, du khách có thể quan sát khắp vùng núi Mẫu Sơn hùng vĩ. Cách khu Mẫu Sơn khoảng 1km có thác Long Đầu- một danh thắng được xếp hạng cấp tỉnh, cùng với khu linh địa, sẽ tạo ra một tuyến du lịch kỳ thú. Nếu được đầu tư cơ sở hạ tầng thích đáng, điểm du lịch sinh thái này sẽ đáp ứng yêu cầu của một khu du lịch quốc gia, sánh với Sa Pa ( Lào Cai) và Tam Đảo (Vĩnh Phúc).

Trung tâm Xúc tiến Du lịch Lạng Sơn đã đề nghị các cấp có thẩm quyền quy hoạch khu linh địa cổ Mẫu Sơn thành phân khu du lịch với nhiều dự án đầu tư. Trước tiên là xây dựng hệ thống đường đi đến các điểm du lịch; phục hồi, tôn tạo đền cổ Mẫu Sơn để nơi đây trở thành điểm du lịch tâm linh. Những di tích tại khu linh địa cổ không chỉ cho thấy những nét văn hoa truyền thống đặc sắc của người Tày cổ khu vực này mà nó còn thể hiện sự khẳng định chủ quyền quốc gia, hướng về cuộc sống no ấm, hạnh phúc của người bản địa. Ngoài di tích đền cổ, gần trung tâm thôn Lặp Pịa còn có một khu mộ cổ người Dao trên diện tích 100m2. Và, dưới chân núi Mẫu Sơn thuộc xã Yên Khoái, có ngôi đền Yên Khoái mà người ta cho rằng, người dân trong vùng đã chuyển hệ thống thờ tự từ ngôi đền cổ trên đỉnh Mẫu Sơn đến lập đền nơi này vào cuối thế kỷ XIX. Chính vì vậy, nếu được đầu tư, quy hoạch, tất cả sẽ hình thành nên một tuyến du lịch tâm linh độc đáo, không thể bỏ qua với du khách trong và ngoài nước.

Ngoài ra, ngành Du lịch Lạng Sơn cũng đã kiến nghị  quy hoạch khu nghỉ dưỡng thác Long Đầu; bảo tồn cảnh quan môi trường rừng nguyên sinh, với hệ thống động, thực vật quý hiếm: ếch hương, cua đá... đặc biệt là loài hoa đỗ quyên.

Thanh Hoa

Top