Đền Diên Cờ - Một Di tích vừa được hồi sinh
Đền Diên Cờ được lập nên để thờ thần Cao Sơn Cao Các và các vị hậu thần. Theo sự tích thì thần Cao Sơn vốn người Trung Quốc, họ Cao, tên Hiển, đậu Tiến sĩ Triều Minh, được cử sang nước ta làm quan Sát sứ. Ngài là người chính trực, tiễu bình được giặc Mán, giữ được hòa hiếu hai nước, giúp đỡ nhân dân làm ăn, phát triển sản xuất nên sau khi mất, được lập đền thờ. Khi có thiên tai như hạn hán, làm lễ cầu đảo xin Ngài đều rất có hiệu nghiệm. Vì vậy các triều đều có sắc phong thần và liệt vào quốc tế.
Thần Cao Các người làng Cao Xá, huyện Thọ Xuân, phủ Thanh Đô, sinh ngày 6 tháng Giêng năm 938. Từ nhỏ đã là người thông minh và có sức khỏe phi thường. Thần sinh ra gặp thời loạn lạc bởi 12 sứ quân. Ngài đã theo Đinh Bộ Lĩnh và có công sáng lập Nhà Đinh. Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh kéo quân về Hoa Lư xây dựng Kinh đô và lên ngôi Hoàng đế, lập ra Vương triều Đinh, lấy tên nước là Đại Cồ Việt. Vua Đinh đã ban thực ấp cho Ngài vùng đất huyện An Ninh. Ngài thấy đây là nơi phong cảnh hữu tình, dân cư ôn hòa, bèn lập quân cơ, cùng quân sĩ luyện tập võ nghệ. Ngài là người nhân hậu, thường hướng dẫn dân trồng trọt, chăn nuôi và giúp dân chữa bệnh… Sau đó gặp lúc Vua Chiêm Thành là Sạ Đẩu đem quân uy hiếp nước ta, Ngài được Vua Đinh trao ấn kiếm cùng 5 vạn binh kéo đi đánh dẹp. Với tài thao lược, Ngài chỉ huy dũng mãnh, giết được nhiều giặc, lập được công đánh bại quân Chiêm ở Nghệ An, Thanh Hóa, đuổi giặc ra khỏi bờ cõi. Vua Đinh muốn lưu giữ Ngài ở lại lo việc triều chính, nhưng Ngài một mực xin lui về vùng An Ninh để sống cùng dân chúng quê hương. Sau khi Ngài qua đời, Triều Đinh đã cho lập miếu thờ. Nhân dân nhiều nơi lập miếu thờ tôn là thần. Những khi lụt lội to, ruộng đồng bị ngâm nước lâu ngày sinh sâu keo, mùa màng thất bát. Dân làng dâng lễ cầu thần xin phù hộ, quả nhiên linh ứng, sâu keo chết hết, từ đó nhân dân càng tin vào sự âm phù của thần.
Đến nay chưa tìm thấy tài liệu nào ghi cụ thể niên đại xây dựng đền Diên Cờ, nhưng theo niên đại các sắc phong đang lưu tại đây và theo các cụ cao niên trong vùng kể lại thì đền được xây dựng từ trước thế kỷ thứ XVIII, gồm có 3 toà: thượng điện, trung điện và hạ điện. Đền nổi tiếng linh thiêng; từng được các triều vua ban sắc phong. Trải qua bao biến cố, thăng trầm của lịch sử, ngôi đền bị phá dỡ để thực hiện chức năng khác, chỉ còn lại dấu tích của nền đền và một số đạo sắc (sắc đời Vua Cảnh Hưng thứ 44 (1783), sắc phong đời Vua Khải Định năm thứ 9 (1924)).
Với ý thức hướng về cội nguồn, để đáp ứng nhu cầu tâm linh và góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, thể theo nguyện vọng của nhân dân, thực hiện Nghị quyết số 07 ngày 30 tháng 10 năm 2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Nghi Lộc về việc “Tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử- văn hóa trên địa bàn”, được sự đồng ý của các ngành các cấp, năm 2011, UBND xã Nghi Trường đã tổ chức phục dựng, tôn tạo lại đền Diên Cờ trên nền đền cũ bằng nguồn kinh phí xã hội hóa với tổng kinh phí gần 20 tỷ đồng, chủ yếu do nguồn công đức của gia đình cụ Nguyễn Đăng Cẩn - Nguyễn Thị Sinh cùng 8 người con trai và các nhà hảo tâm.
Sau hơn một năm khẩn trương triển khai thi công, 3 tòa thượng điện, trung điện và hạ điện, nghi môn của đền Diên Cờ đã được tôn tạo, phục dựng với qui mô to đẹp, khang trang hơn xưa, các cung được bài trí đồ thờ trang nghiêm, sơn son thếp vàng lộng lẫy. Vào sáng ngày 31 tháng 8 năm 2012, UBND xã Nghi Trường đã long trọng tổ chức lễ khánh thành ngôi đền trong niềm vui hân hoan của các tầng lớp nhân dân.
Cùng với việc phục dựng lại các công trình kiến trúc, Lễ hội đền Diên Cờ cũng được phục hồi để tưởng nhớ và tôn vinh công lao của các vị thần. Theo phong tục cổ truyền, cứ 2 năm một lần, nhân dân địa phương lại tưng bừng tổ chức lễ hội vào các ngày 20 và 21 tháng Giêng Âm lịch. Vào những ngày đó, dân các làng trong vùng làm mâm cỗ đội đến cúng tại Đền. Trong mâm cỗ không thể thiếu 2 thứ bánh truyền thống là bánh dày và bánh dì. Lễ hội đền Diên Cờ mang giá trị văn hóa, giá trị tâm linh trong tâm thức của cư dân Nghi Trường, thu hút sự tham gia của đông đảo nhân dân địa phương và dân chúng trong vùng. Lễ hội bắt đầu từ chiều ngày 20 và kết thúc vào tối ngày 21 tháng Giêng (Âm lịch), bao gồm 2 phần: Phần lễ và phần hội.
Phần lễ bao gồm: lễ yết cáo, lễ tế, lễ rước và lễ tạ.
Lễ yết cáo: Vào tối ngày 20 tháng Giêng. Nội dung của lễ này, nhằm báo cáo với các vị thần về công việc chuẩn bị và xin được tiến hành vào ngày hôm sau được thuận lợi, mưa thuận gió hòa.
Lễ tế : Diễn ra vào ngày 21 tháng Giêng Âm lịch. Sau 3 hồi chiêng, trống, vị chủ tế sẽ đọc bài văn tế thần. Các nghi thức tế lễ truyền thống được tiến hành rất trang nghiêm, thành kính.
Lễ rước: sau khi tế xong, cuộc rước bắt đầu theo thứ tự: Đội múa lân, Đội trống chiêng; Đội bát bửu; Đội nhạc; rồi đến Kiệu rước bài vị các vị thần; Đội tế; Cuối cùng là Đại biểu và các tầng lớp nhân dân về dự lễ. Đoàn rước đi vòng quanh làng rồi trở về đền.
Phần hội với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao sôi động, thi đánh cờ người, các trò chơi dân gian như: thi chọi gà, kéo co, đánh đáo, đánh đu, đánh cù, múa lân, tổ chức hát tuồng (vở Trưng Trắc Trưng Nhị)....
Năm nay, sau hơn 60 năm vắng bóng, Lễ hội Diên Cờ đã được phục hồi trở lại. Tuy chưa đầy đủ các trình thức theo tục lệ cũ, các trò chơi dân gian nhưng lễ hội thực sự đã mang lại một sức sống mới cho di tích, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh và làm giàu thêm đời sống văn hóa của người dân địa phương.
Để các giá trị văn hóa của đền Diên Cờ được bảo tồn, phát huy và có sức lan tỏa mạnh mẽ, thời gian tới cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa công tác quản lý nhà nước của các cấp, các ngành và chính quyền địa phương trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của di tích. Cần quan tâm từng bước nâng cấp các nội dung hoạt động lễ hội; tập trung phục hồi những hoạt động mang tính truyền thống, nâng chất lượng các chương trình nghi lễ và khôi phục các trò chơi dân gian; Tăng cường quảng bá, tuyên truyền về nội dung giá trị của di tích để làm cho nơi đây trở thành một trong những điểm nhấn thu hút du khách, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Anh Tú