Xã hội hóa hoạt động bảo tồn di sản văn hóa

Di sản văn hoá Việt Nam là kết tinh trí tuệ, tình cảm và truyền thống của bao thế hệ. Nó có ý nghĩa to lớn trong việc hình thành nhân cách con người Việt Nam, đặc biệt là trong xã hội hiện đại. Mặc dù trải qua bao biến cố lịch sử, mất mát, huỷ hoại, tuy nhiên nguồn di sản ấy đến nay vẫn vô cùng phong phú, đa dạng nhờ vào những hoạt động, chính sách bảo tồn di sản văn hoá của Đảng và Nhà nước ta. Một trong số đó chính là công tác xã hội hoá hoạt động bảo tồn di sản văn hoá.

Có thể nói từ khi “Luật Di sản văn hoá” ra đời (6-2001) xu hướng xã hội hoá trong việc bảo tồn di sản văn hoá ngày càng được mở rộng trong nhân dân.

Trước hết nó được thể hiện qua sự phát triển sự nghiệp bảo tàng. Công tác xã hội hoá hoạt động bảo tàng ngày càng thu hút được sự quan tâm của cộng đồng. Bên cạnh sự hoạt động chủ đạo của hệ thống bảo tàng Nhà nước, các nhà sưu tập tư nhân đã có cơ hội góp phần giới thiệu, tuyên truyền các bộ sưu tập di sản văn hoá và nghệ thuật có giá trị thông qua hoạt động của các cuộc trưng bày cổ vật theo chuyên đề ở một số bảo tàng. Giờ đây nhà trưng bày không chỉ dừng lại ở lòng đam mê cổ vật, mà họ đã đưa hoạt động này trở thành một nét đặc trưng văn hoá mới trong xã hội. Đặc biệt, sau khi Quy chế tổ chức và hoạt động của bảo tàng tư nhân được ban hành thì các sưu tập tư nhân cũng đang xúc tiến xây dựng bảo tàng. Đến nay, đã có nhiều bảo tàng tư nhân được thành lập như: Bảo tàng Mỹ thuật (của hoạ sĩ Sĩ Tốt và gia đình), Bảo tàng Mỹ thuật (của hoạ sĩ Phan Thị Ngọc Mỹ), Bảo tàng về Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (tỉnh Hà Tây cũ), Bảo tàng Cổ vật Hoàng Long (tỉnh Thanh Hoá), Bảo tàng Gốm sứ Chămpa (của ông Nguyễn Vĩnh Hảo, tỉnh Bình Định), Bảo tàng Không gian văn hoá Mường (của ông Vũ Đức Hiếu, ở Hoà Bình), Bảo tàng Kỉ vật chiến tranh (của ông Vũ Đình Lưu, ở Nam Định), Bảo tàng Võ Hằng Gia (Ninh Bình), Bảo tàng Cội Nguồn (Phú Quốc, Kiên Giang) của ông Huỳnh Phước Huệ. Các bảo tàng tư nhân tuy mới ra đời nhưng đã có tác dụng tích cực trong việc hạn chế tình trạng thất thoát cổ vật ra nước ngoài, tạo cơ hội cho công chúng tiếp cận với một bộ phận di sản văn hoá của đất nước. Ở một số địa phương, các Câu lạc bộ và Hội sưu tầm cổ vật cũng được thành lập, tạo điều kiện cho các nhà sưu tập tư nhân trao đổi cổ vật và chia sẻ các thông tin liên quan đến việc bảo vệ và phát huy di sản văn hoá. Đồng thời các tổ chức, cá nhân cũng đã phát động phong trào hiến tặng hiện vật cho các bảo tàng, trên 800 hiện vật đó đã được gửi tặng đến các bảo tàng trên cả nước.

Di sản trong Bảo tàng Cổ vật Hoàng Long (tỉnh Thanh Hoá) (Ảnh: TL)

Bên cạnh đó, các Bảo tàng Trung ương và địa phương đã phối hợp với các nhà sưu tập tư nhân tổ chức các cuộc trưng bày chuyên đề như: hoạt động trưng bày cổ vật nhân dịp xuân Đinh Hợi 2007 do Trung tâm Bảo tồn di tích Cổ Loa - Thành cổ Hà Nội kết hợp với các nhà tư nhân thuộc Hội nghiên cứu sưu tầm gốm và cổ vật tổ chức; trưng bày cổ vật Quảng Đông (Trung Quốc) do Bảo tàng Lịch sử Việt Nam phối hợp với các sưu tầm tư nhân và Bảo tàng Quảng Đông tổ chức…

Cùng với việc phát triển sự nghiệp bảo tàng thì việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích cũng đang được chú trọng, từng bước thiết lập những cơ chế, chính sách cho hoạt động này. Trong những năm qua, việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá chống xuống cấp di tích đã đạt được những kết quả to lớn, nhiều di tích được tu bổ đã góp phần nâng cao đời sống văn hoá của nhân dân. Công tác xã hội hoá hoạt động bảo tồn di tích đã huy động được nhiều nguồn lực xã hội cho công tác bảo vệ và tu bổ di tích. Hàng trăm di tích được tu bổ, tôn tạo đã trở thành những sản phẩm văn hoá hoàn chỉnh có sức hấp dẫn khách tham quan cả trong và ngoài nước, tạo ra nguồn thu nhập đáng kể cho ngân sách nhà nước, đồng thời tạo thêm việc làm cho nhân dân địa phương như: Vịnh Hạ Long, Phố cổ Hội An, Khu Di tích Phong Nha - Kẻ Bàng… Tuy nhiên, việc quản lý nguồn thu và xử lý hài hoà các lợi ích ở khu di tích vẫn là một bài toán vô cùng khó khăn được đặt ra cần phải giải quyết.

Một góc Bảo tàng cổ vật tư nhân Võ Hằng Gia (Ảnh: TL)

Bên cạnh việc bảo tồn các di sản văn hoá vật thể thì xã hội hoá trong hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá phi vật thể cũng được chúng ta quan tâm đặc biệt. Nhiều chương trình hành động, dự án liên quan đến di sản văn hoá phi vật thể đã và đang được triển khai nhằm hướng đến mục đích tư liệu hoá và thiết lập một ngân hàng dữ liệu về di sản văn hoá phi vật thể. Việc gia nhập Công ước UNESCO 2003 về bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể từ năm 2005 đã đánh dấu một bước chuyển biến mới trong công tác bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể ở Việt Nam. Những năm gần đây, số dự án hướng tới mục tiêu phục hồi, làm sống lại văn hoá phi vật thể trước nguy cơ mai một của quá trình đô thị hoá, hiện đại hoá và toàn cầu hoá ngày càng tăng. Nhờ đó, công tác xã hội hoá trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể ngày càng được quan tâm và phát triển hơn.

Hiện nay chúng ta có 3 di sản văn hoá phi vật thể được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại đó là: Nhã nhạc Cung đình Huế, Văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên và Dân ca quan họ Bắc Ninh. Ca trù cũng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Thông tư “Quy định việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể để đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” được ban hành, là văn bản pháp lý nhằm xác định hiện trạng, nhận diện giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Từ đó tạo cơ sở để có kế hoạch bảo tồn và phát huy những giá trị vô giá này.

Văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên (Ảnh: TL)

Tuy nhiên, công tác xã hội hoá trong bảo tồn di sản cũng đang gặp nhiều vướng mắc. Nhận thức của toàn xã hội về di sản văn hoá chưa thật sâu sắc và toàn diện, ý thức pháp luật chưa cao nên vẫn còn xảy ra hiện tượng vi phạm di tích và thắng cảnh; chưa có cơ chế hỗ trợ về tài chính cho những tổ chức và cá nhân có đóng góp đối với việc bảo tồn và phát huy di sản văn hoá; thiếu đội ngũ cán bộ chuyên môn tại cơ sở, đặc biệt ở miền núi, vùng sâu, vùng xa; công tác tôn vinh nghệ nhân còn vướng mắc cơ chế...

Bởi vậy, chúng ta cần có những giải pháp để đẩy mạnh hơn nữa công tác xã hội hoá bảo tồn di sản. Cần phải tăng cường hiệu lực của Luật Di sản văn hoá; xây dựng cơ chế, chính sách cho việc đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động bảo tồn di sản, khuyến khích huy động cá nhân và các tổ chức đóng góp kinh phí để tu bổ di tích, hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng Nhà nước; xây dựng chính sách tôn vinh các nghệ nhân, nghệ sĩ có đóng góp cho việc giữ gìn và truyền dạy bí quyết các di sản văn hoá phi vật thể; thực hiện thường xuyên công tác tuyên truyền về xã hội hoá đến tận người dân ở mọi địa bàn trên cả nước và xây dựng chính sách dài hạn cho công tác đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ cơ sở và nghệ nhân.

Phố cổ Hội An (Ảnh: TL)

Do những ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường, mở cửa, chúng ta muốn hoà nhập mà không bị hoà tan thì bản sắc văn hoá dân tộc cần phải được nhận diện và tôn trọng, giữ gìn và phát huy để chúng ta vừa tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại vừa bảo tồn truyền thống văn hoá dân tộc. Điều đó phụ thuộc rất lớn vào công tác xã hội hoá hoạt động bảo tồn di sản văn hoá và đặc biệt là ý thức của từng cá nhân chúng ta.

Phương Thảo (tổng hợp)

Top