Đầu tư xây dựng và tôn tạo Di tích Đền Hùng xứng tầm là trung tâm Tín ngưỡng Hùng VƯơng

Cùng với thời gian và sự phát triển của đất nước, Di tích Lịch sử Đền Hùng ngày càng được quan tâm một cách toàn diện, đánh dấu những thay đổi và sự tôn vinh Di tích Đền Hùng và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta ở thế kỷ XXI qua hàng loạt quy định về quản lý, bảo vệ, đầu tư tôn tạo xây dựng và tổ chức Lễ hội Đền Hùng. Trong đó, đáng chú ý là Quyết định số 48/2004/QĐ-TTg ngày 30 tháng 4 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Dự án quy hoạch phát triển Khu Di tích Lịch sử Đền Hùng đến năm 2015. Có thể nói, đây là cơ sở vô cùng quan trọng trong việc định hướng đầu tư để bảo tồn, tôn tạo và xây dựng các công trình văn hóa, tín ngưỡng tại Đền Hùng xứng tầm là nơi cội nguồn tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.

Phạm vi quy hoạch của Dự án có tổng diện tích tự nhiên khoảng trên 1.000ha, gồm khu vực Di tích Lịch sử Đền Hùng và vùng đệm thuộc các xã Hy Cương, Chu Hoá, Thanh Đình, Vân Phú, Kim Đức (thành phố Việt Trì); Tiên Kiên (huyện Lâm Thao) và xã Phù Ninh (huyện Phù Ninh) 

Thực hiện Quyết định này, Khu Di tích lịch sử Đền Hùng được UBND tỉnh giao làm chủ đầu tư trong việc tu bổ, tôn tạo và xây dựng các công trình văn hóa trong di tích. Dự án gồm 7 nhóm thành phần với tổng mức đầu tư  theo dự toán năm 2009 là 4.666,3 tỷ đồng. Trong đó, vốn từ ngân sách Nhà nước là 3.187.4 tỷ đồng (chiếm 68,3%); vốn công đức của các đơn vị, doanh nghiệp và của nhân dân khoảng 348 tỷ đồng (chiếm 7,5%); Huy động các nguồn vốn khác 1.130,8 tỷ đồng (chiếm 24,2%).

Từ khi có Quyết định phê duyệt quy hoạch Đền Hùng đến nay, được sự đầu tư của Nhà nước và tấm lòng hảo tâm công đức của các doanh nghiệp, của đông đảo đồng bào trong và ngoài nước, công tác tu bổ, tôn tạo và xây dựng các công trình trong di tích ngày càng được mở rộng và phát huy hiệu quả. Trong đó, đầu tư nguồn vốn ứng trước của ngân sách Nhà nước với tổng kinh phí đầu tư của nhà nước và công đức của các cá nhân khoảng 1.000 tỷ đồng.

Toàn bộ khu I: Diện tích 32 ha, gồm có các công trình kiến trúc cổ trên núi Hùng, đó là: đền Thượng, đền Trung, đền Hạ, lăng Hùng Vương, chùa Thiên Quang, Gác chuông, Bảo tháp, Cột đá thề, Lăng Hùng Vương và đền Giếng rừng nguyên sinh được bảo vệ nghiêm ngặt và được tu bổ đồng bộ khang trang bằng các vật liệu bền vững nhưng vẫn giữ được kiểu dáng kiến trúc cổ kính xưa. Các đồ thờ tự, các hoành phi câu đối được khôi phục bổ xung và sơn son thếp vàng lộng lẫy. Khu sân vườn các đền được cải tạo, hệ thống đường hành hương trên di tích  sửa chữa nâng cấp, trồng bổ xung các loại cây bản địa và các lớp thảm thực vật tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch đẹp và trang nghiêm hơn.

Khác với việc xây dựng, sửa chữa các công trình dân dụng, công việc tu bổ di tích là một lĩnh vực khoa học đặc thù. Để thực tốt, cần phải có kiến thức và sự phối hợp của nhiều ngành khoa học vì trong nội dung của dự án còn mang tính bảo tồn lịch sử, văn hóa. Vì vậy, chất lượng văn hóa, khoa học của công trình phụ thuộc vào trình độ chuyên ngành của người thiết kế và thi công. Một yếu tố quan trọng nữa chi phối chất lượng công trình tu bổ di tích là vật liệu kiến trúc. Các công trình tu bổ, xây dựng các đền, chùa tại Di tích Lịch sử Đền Hùng đều là những vật liệu có chất lượng cao, được sản xuất bằng công nghệ truyền thống. Vì vậy, đó tạo nên những cụng trình kiến trúc đẹp, bền vững. 

(Ảnh: TL)

Đáp ứng nguyện vọng và nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của đông đảo đồng bào trong và ngoài nước, Nhà nước đó cho phép xây dựng trong quần thể Di tích Lịch sử Đền Hùng hai ngôi đền cha Rồng và mẹ Tiên nhằm quy tụ tín ngưỡng thờ Tổ tiên theo truyền thống của người Việt về nơi đất thiêng Đền Hùng. Năm 2005, đền Tổ mẫu Âu Cơ được khánh thành trên đỉnh núi Vặn. Năm 2009, đền thờ cha Lạc Long Quân được khánh thành trên núi Sim. Đồng bộ với các hạng mục công trình kiến trúc thờ tự là những công trình phụ trợ để cải tạo cảnh quan, như: kè hồ nước, xây cầu đá, làm các tiểu cảnh trong khuôn viên di tích để tạo sự hài hòa giữa kiến trúc với thiên nhiên cây xanh, hồ nước tạo nên không gian thâm tịch và linh thiêng cho các ngôi đền thờ tự.

Để đón đông đảo đồng bào cả nước về thăm viếng Tổ tiên, tại Đền Hùng đã được đầu tư xây dựng thêm nhiều các công trình văn hóa như: Quảng trường Trung tâm lễ hội với diện tích khoảng 70ha. Đây là nơi để tổ chức các hoạt động lễ hội hàng năm và trình diễn những hoạt động văn hóa dân gian truyền thống như: rước kiệu, cắm trại, thi hát xướng dân gian, thi nấu cơm, thi làm bánh chưng, bánh dầy, các hoạt động triển lãm, thể thao... Tại đây, bên khán đài B xây dựng bức tranh “Ngày hội non sông trên Đất Tổ” bằng chất liệu gốm màu ghép đặc sắc; bảng điện tử trình màn hình rộng liên tục phát chiếu các chương trình lễ hội hàng năm và các hình ảnh về Đền Hùng; Khu vực trung tâm lễ hội còn có trục hành lễ, điện chiếu sáng, nhà đấu vật, đường Lạc Long Quân, trạm biến áp, các ky ốt bán hàng lưu niệm vv...

Nhằm cải tạo cảnh quan cho Đền Hùng, từ năm 2009 Nhà nước tiếp tục đầu tư tập trung bằng nguồn vốn ứng trước, nên một loạt công trình được mở rộng như  đoạn đường từ Ngã 5 lên cổng đền, xung quanh khu vực Hồ Gò Cong trước đây là vạt rừng bạch đàn nay trồng lại cây xanh bản địa, xây dựng thêm nhà trưng bày phong lan, các ki ốt bán hàng để phục vụ lễ hội hàng năm. Để bảo đảm nguồn điện phục vụ lễ hội, năm 2010 Nhà nước đầu tư xây dựng thêm lưới điện 22KVA kéo từ Quân Khu 2 vào Đền Hùng, hệ thống điện chiếu sáng khu vực cổng đền và trên núi Nghĩa Lĩnh được nâng cấp. Từ năm 2010 đến nay tiếp tục triển khai xây dựng các hạng mục thuộc giai đoạn 2 gồm: Bãi đỗ xe số 2, nhà làm việc của Khu di tích, cải tạo Quốc lộ 32 C đoạn tiếp giáp với trục hành lễ.  Một số công trình hạ tầng kỹ thuật cũng được triển khai đồng bộ như: hệ thống điện, nước, biển bảng chỉ dẫn giao thông, dự án cải thiện chống ô nhiễm môi trường và cải tạo, xây dựng thêm các hồ sinh thái.

Tại khu vực Ngã 5 đền Giếng đã có một diện mạo mới. Công trình Trạm vệ tinh của ngân hàng dữ liệu được xây dựng hiện đại để lưu giữ các tư liệu về Đền Hùng và thời đại Hùng Vương, về những giá trị văn hóa truyền thống của vùng đất Phú Thọ và các di sản văn hóa trong toàn quốc. Các ki ốt bán hàng được xây dựng theo quy hoạch để phục vụ hoạt động dịch vụ du lịch; Hồ cảnh quan được cải tạo, nạo vét và kè đá trồng cây bản địa xung quanh tạo cảnh quan hấp dẫn cho du khách tham quan. Ngoài ra nơi đây còn xây dựng nhà chụp ảnh lưu niệm, nhà trưng bày các tác phẩm nghệ thuật theo kiến trúc kiểu nhà sàn truyền thống được cách điệu để trưng bày, triển lãm các tác phẩm nghệ thật trong dịp lễ hội hàng năm.

Đền Giếng trong Di tích Đền Hùng (Ảnh: TL)

 Thực hiện lời căn dặn của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn khi lên thăm Đền Hùng năm 1977 là cần xây dựng Tháp tưởng niệm Các Vua Hùng để  từ đền Hùng nhìn ra cả nước và  cả nước hướng về đất Tổ Hùng Vương, UBND tỉnh Phú Thọ đã quyết định thành lập Ban Tổ chức cuộc thi “Thiết kế Tháp Hùng Vương”. Cuộc thi đã tổ chức được 2 lần để chấm giải và lựa chọn mẫu thiết kế có ý tưởng sáng tạo, độc đáo và sâu sắc để trưng cầu ý kiến đóng góp đông đảo tầng lớp nhân dân trong dịp Lễ hội Đền Hùng năm 2010. Trên cơ đó sẽ lựa chọn phương án tối ưu cú tớnh khả thi để xây dựng Tháp Hùng Vương tại khu đồi Mom Gà trong tương lai không xa.  

Cùng với việc thực hiện các dự án xây dựng các công trình kiến trúc, văn hóa, Dự án trồng rừng và bảo vệ rừng quốc gia Đền Hùng cũng đã được đầu tư triển khai để tạo môi trường xanh cho di tích như: Dự án hỗ trợ rừng sinh thái; trồng bổ sung các loại cây bản địa trong rừng Quốc gia Đền Hùng, trồng hàng rào mây xung quanh núi Nghĩa Lĩnh; bảo tồn các cây quý hiếm; Xây dựng khu vườn ươm rộng 7 ha để cung cấp cây trồng cho rừng Đền Hùng và cho các đoàn đại biểu của Đảng, Nhà nước và các tỉnh thành về thăm viếng Đền Hùng và trồng cây lưu niệm tại di tích.

Trong năm 2012 và thời gian tiếp theo, Khu Di tích Lịch sử Đền Hùng sẽ tiếp tục tập trung vào việc  thực hiện một số dự án, cấp thiết trước mắt đó là hoàn thành Dự án trung tâm lễ hội gồm: Cổng vào Khu Di tích, trục hành lễ, nhà đón tiếp khách trong nước và quốc tế; tôn tạo cảnh quan hồ nước, cây xanh, mô hình chợ quê; tiếp tục tôn tạo Chùa Thiền Quang, gác chuông và cảnh quan xung quanh Đền Hạ; Tôn tạo Giếng Rồng , Bãi đỗ xe số 2, cải tạo vườn trồng cây lưu niệm số 2; Cải tạo Bảo tàng Hùng Vương và toàn bộ cảnh quan đồi Công Quán; xây dựng hạ tầng cảnh quan khu vực Cổng biểu tượng Đền Hùng; đánh giá tác động môi trường tổng thể đối với Đền Hùng để xây dựng phương án thu gom, xử lý chất thải - nước thải tại di tích; dự án chống sói mòn Núi Nghĩa Lĩnh; cải tạo hệ thống đường  bậc trên núi Hùng; xây dựng cảnh quan Hồ Mẫu; Thực hiện di chuyển các hộ dân ra khỏi khu vực quy hoạch. Tiếp tục thực hiện dự án hệ thống cấp nước cải tạo cảnh quan và phòng chống cháy rừng; cung cấp nước cho các cánh đồng của các xã vùng ven khi có hạn hán. Việc có thêm công trình cấp nước sẽ giúp cho các hồ không bị khô hạn, nhằm tạo cảnh quan thiên nhiên và nét phong thủy cho di tích.

Nhìn lại mốc thời gian từ khi có Quyết định phê duyệt Quy hoạch xây dựng Đền Hùng của Thủ tướng Chính phủ đến nay vừa tròn 8 năm (tháng 4/2004 - 4/2012), với sự chung tay, hợp sức của Đảng, Nhà nước, và mọi tầng lớp nhân dân, công tác tu bổ tôn tạo Di tích lịch sử Đền Hùng đã được triển khai thực hiện một cách tích cực và hiệu quả. Đền Hùng vẫn bảo tồn được những nét cổ kính và không gian lễ hội đặc sắc, cùng với đó đó có thêm nhiều hạng mục công trình văn hóa mới, các cơ sở hạ tầng và cảnh quan môi trường được đầu tư khang trang để phục vụ và thu hút đông đảo du khách về thăm viếng.

Kế thừa thành quả và tiếp tục trong việc thực hiện các dự án quy hoạch phát triển Đền Hùng, chúng ta sẽ xây dựng Đền Hùng xứng tầm với vị thế là Di tích Quốc gia đặc biệt - là trung tâm văn hóa tín ngưỡng tâm linh thờ cúng Tổ tiên của dân tộc, thực sự trở thành điểm đến của du lịch Việt Nam thế kỷ XXI, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Phú Thọ. Với mục tiêu trên, Khu Di tích Lịch sử Đền Hùng sẽ tiếp tục triển khai các dự án, công trình nhằm từng bước hoàn thành quy hoạch phát triển Khu Di tích Lịch sử Đền Hùng đến năm 2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

ThS Phạm Hoàng Oanh

Top