Tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên và tư tưởng "trăm con một bọc"

Trong ngôn ngữ Việt Nam có một khái niệm vừa mang nội dung lịch sử vừa mang nội dung huyền thoại, đó là khái niệm “đồng bào”.

“Đồng bào” là cùng chung một bọc, khái niệm được ra đời từ huyền thoại thời dựng nước : Mẹ Âu Cơ sinh một bọc trăm trai, trăm người con này là “đồng bào”. Từ truyền thuyết này, “đồng bào” chỉ chung nhân dân ta với ý nghĩa “máu chảy ruột mềm”. “Đồng bào” gắn bó người với người cùng chung nguồn gốc. Chúng ta đoàn kết trong ý niệm cùng bọc sinh ra, cùng một cội nguồn, gắn bó với nhau tình như ruột thịt. Chúng ta là “đồng bào”. Trên lễ đài, đọc Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ngày 2-9-1945, đang đọc, Hồ Chủ Tịch ngừng lời và hỏi : “Tôi nói vậy đồng bào nghe có rõ không ?”. Hàng vạn con người ào lên vẫy cờ, nâng cao ảnh Cụ Hồ và hàng vạn trái tim cất lên thành tiếng : “Rõ ! rõ ! Hồ Chủ tịch muôn năm ! Việt Nam Dân chủ Cộng hoà muôn năm !”.

Lễ hội Đền Hùng (Ảnh: TL)

Hồ Chủ tịch hoà với nhân dân với hai tiếng “đồng bào”.

Trước nạn lụt ở đồng bằng miền Bắc năm Kỷ Tị 1929, Tản Đà có bài thơ khuyên người giúp dân lụt trong đó có câu :

Hai chữ “đồng bào” ân nghĩa nặng

Đùm nhau lành rách hỡi ai ơi !

Trên báo Công an nhân dân (16/01/2011) có bài “Ông giáo sư Hàn Quốc và ngành học Lý giải Việt Nam” có viết : “Giáo sư Ahn Kuong Hwn tự nhận mình rất Việt Nam ở sự chăm chỉ cần cù “. Ông nói : “Tôi cứ suy nghĩ mãi sức mạnh Việt Nam từ đâu đến ? Tôi nhiều lần giải thích cho sinh viên của mình, Việt Nam mạnh vì đoàn kết, vì có sự đùm bọc “đồng bào”... Tôi ngưỡng mộ Việt Nam vì Việt Nam có từ “đồng bào”...”.

Đoàn kết “Một bọc trăm con” là điều kỳ diệu rất Việt Nam, chỉ có ở Việt Nam.

Từ truyện Lạc Long Quân - Âu Cơ sinh một bọc trăm trai mà có các khái niệm “Cha Rồng mẹ Tiên”, “Con Tiên cháu Rồng”....

Hồ Chủ tịch “kêu gọi phụ nữ “.

Đua nhau vào Hội Việt Minh

Làm cho rõ mặt cháu Tiên con Rồng

Nhà thơ Tản Đà cảm xúc trước người Huế, cảnh Huế:

Rồng Tiên cùng họ từ xưa

Ba mươi năm mới bây giờ gặp nhau

Và “Khuyên người giúp dân lụt” :

Con cháu Rồng Tiên khi đã bĩ

Đừng nên rẻ rúng bỏ nhau hoài.

Truyện Lạc Long Quân - Âu Cơ không chỉ mang ý nghĩa “đồng bào” là ý nghĩa về cộng đồng dân cư mà còn mang ý nghĩa tụ cư về lãnh thổ, về giang sơn, đất nước, đó là truyện chia con đi trấn trị các vùng đất nước, 49 con theo bố về đồng bằng và biển, 50 con theo mẹ về các vùng đồi núi. Văn Lang là một đất nước thống nhất với một cộng đồng dân cư chung một cội nguồn.

Đồng chí Lê Duẩn nói về ý tưởng xây dựng tháp Hùng Vương ở Khu Di tích Lịch sử - Văn hoá Đền Hùng : “Cả nước hướng về Đền Hùng và từ Đền Hùng nhìn ra cả nước”.

Câu đối ở  Đền Hùng:

Thác thuỷ khai cơ, tứ cố sơn hà quy bản tịch

Đăng cao vọng viễn, quần phong la liệt tự nhi tôn

(Mở lối đắp nền, bốn mặt non sông về gốc cũ

Lên cao nhìn khắp, trập trùng đồi núi cháu con đông)

Thắp hương nơi đền thờ Tổ, nhà thơ Tản Đà trút bầu tâm sự với non sông:

Có tổ có tông, tông tổ tổ tông tông tổ cũ

Còn non còn nước, nước non non nước nước non nhà

Tư tưởng của nhân dân ta là tư tưởng uống nước nhớ nguồn, hướng về điểm tựa tâm linh “Đền Hùng mộ Tổ”.

Trứng rồng lại nở ra rồng

Sông kia uống nước hỏi nguồn từ đâu

Vẻ vang nòi giống Rồng Tiên

Nhớ ơn đức Tổ lưu truyền tinh anh...

Năm 1962 cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong dịp thăm viếng Đền Hùng thắp hương nơi bàn thờ Tổ ở Đền Thượng có nói : “Đền Hùng là nơi đặt bàn thờ Quốc Tổ, nhân dân Phú Thọ là anh cả thay mặt nhân dân cả nước trông nom hương đèn”.

Ý niệm về Tín ngưỡng thờ cúng Quốc Tổ Hùng Vương được thể hiện, được cụ thể hoá với Đền Hùng - mộ Tổ, với ngày Giỗ Tổ Hùng Vương.

Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba

Dù ai đi gần về xa

Nhớ ngày giỗ Tổ tháng Ba mồng Mười.

Cả nước hướng về Đền Hùng, cả nước tìm về, hành hương về Việt Trì thành phố Ngã ba sông để được thắp hương nơi Đền Tổ, để về với cội nguồn với tấm lòng tri ân “Các Vua Hùng đã có công dựng nước” (Hồ Chủ tịch). Việt Trì là thủ đô nước Văn Lang xưa đã là điểm hội tụ tâm linh Việt, đất thiêng, “đất thánh” của cộng đồng Việt tộc “cùng một bọc sinh ra”. Núi Nghĩa Lĩnh là biểu tượng tinh thần đoàn kết, ý thức cội nguồn.

Từ cây lúa nước dẫn đến định cư họp thành bản làng, tín ngưỡng lúa nước cầu mùa đi tới thờ cúng tổ tiên mỗi gia đình, thờ cúng thành hoàng ở các đình miếu mỗi làng xã từ đó mà có tín ngưỡng thờ cúng tổ nước, Quốc tổ Hùng Vương. Mồng mười tháng Ba Âm lịch, hàng năm là ngày giỗ Tổ. Trong ngày này, người dân Việt thể hiện tinh thần tri ân Tổ nước và cũng biểu hiện tinh thần đoàn kết của cộng đồng dân cư “trăm con một bọc, con cháu Tiên Rồng”.
 

Nguyễn Khắc Xương

Top