Dân tộc Hrê

Theo tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người Hrê có 127.420 người, cư trú ở 51 tỉnh, thành ở Việt Nam. Tuy nhiên, địa bàn Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum, Đắc Lắk, Gia Lai là tập trung nhất. Đồng bào Hrê nói ngôn ngữ Môn - Khmer, thuộc ngữ hệ Nam Á.

Kinh tế của người Hrê chủ yếu là nông nghiệp trồng lúa nước. Họ làm ruộng nước chẳng khác nào người Kinh ở vùng đồng bằng và duyên hải Nam Trung Bộ. Chăn nuôi của họ như là một sự hỗ trợ với những tiểu gia súc nhỏ lẻ, mục đích chính là phục vụ lễ cúng bái. Trâu cũng là vật nuôi để kéo, cầy, bừa và là thành phần chủ yếu của lễ hội – một lễ hội đặc trưng của Trường Sơn – Tây Nguyên, xin được nói tới ở phần sau. Ngoài nông nghiệp trồng lúa nước, nghề đan lát, dệt cũng khá phát triển, nhưng chủ yếu là tự cung, tự cấp, do đó, trước sự bùng nổ của kinh tế thị trường, do sự lấn át của vải công nghiệp, theo đó, nó đã bị mai một trong mấy chục năm trở lại đây.

Tổ chức cộng đồng của người Hrê truyền thống cũng khá giống với một số dân tộc Tây Nguyên, lấy đơn vị làng, bản làm trọng tâm với danh xưng “Già làng” là người đứng đầu. Ðó là người có uy tín cao, đóng vai trò hết sức quan trọng trong cộng đồng bản, làng. Dòng họ của người Hrê không nhiều. Trước Cách mạng, tất cả đều mang họ Ðinh. Gần đây có thêm họ Nguyễn, họ Hà và họ Phạm. Một số ý kiến cho rằng, đó là những dòng họ người Hrê tự đặt, nhưng tôi lại nghĩ khác, những dòng họ ấy là quá trình tiếp biến văn hóa, khi có sự kết hôn giữa nội tộc (Kinh) với ngoại tộc Hrê. Tổ chức gia đình của dân tộc này phổ biến là gia đình nhỏ với những ngôi nhà sàn khiêm tốn. Nóc nhà có hai mái chính lợp cỏ tranh, hai mái phụ ở hai đầu hồi thụt sâu vào trong hai mái chính. Chỏm đầu đốc có bộ sừng trang trí với nhiều kiểu khác nhau. Người Hrê vô cùng coi trọng cộng đồng mình đang sống và mối liên kết của họ được thể hiện rất rõ trong cuộc sống hàng ngày, nhưng nổi bật là trong các buổi cúng tế, lễ hội với tất cả các gia đình đều có cử người tham gia.

Tổ chức cộng đồng của người Hrê truyền thống cũng khá giống với một số dân tộc Tây Nguyên. Ảnh: internet

Cũng như nhiều dân tộc vùng Trường Sơn -  Tây Nguyên, người Hrê có tổ chức lễ hội đâm trâu. Ðó là một lễ hội liên quan tới tín ngưỡng phồn thực của cư dân nông nghiệp Ðông Nam Á, nhưng giờ đây nó đang bị dư luận xã hội phê phán về sự bạo lực, cần được điều chỉnh. Thế nhưng, cái gọi là “bạo lực”, “dã man”, là hành động đâm trâu, máu chảy, lại là cốt lõi của lễ hiến sinh, phồn thực, theo đó, điều chỉnh sao đây để không mất cái hồn cốt của một tín ngưỡng xa xăm, hẳn là một công việc khó. Loại trừ lễ hội đâm trâu ra khỏi đời sống tâm linh của một số dân tộc Trường Sơn – Tây Nguyên là một việc không nên làm chút nào.

Ngoài lễ hội đâm trâu, người Hrê thích sáng tác thơ ca, ham mê ca hát và chơi các loại nhạc cụ Ka -choi và Ka - lêu, là làn điệu dân ca quen thuộc của dân tộc này. Truyện cổ đề cập đến tình yêu chung thủy, cuộc đọ tài chí giữa thiện và ác, giàu và nghèo đều là những đề tài thu hút mọi thế hệ người Hrê. Nhạc cụ người Hrê gồm có đàn Brook, chiêng Kala, sáo Ling – la, ống tiêu Ta - lia, đàn Ông – bút của nữ giới, khèn Ra – vai, Ra – ngói, Pơ – Pen, trống. Tuy nhiên, chiêng là loại nhạc cụ được người Hrê yêu quý nhất với những bộ ba hoặc năm chiếc, được tấu lên với những nhịp điệu mê hồn, đa sắc màu.

Trang phục của người Hrê có nhiều nét giống với người Kinh. Ảnh: internet

Văn hóa của người Hrê đa dạng và phong phú như vậy, nhưng họ không theo một tôn giáo nào. Tín ngưỡng chủ yếu là thuyết “Linh vật” -người Phương Tây thường gọi là Animist. Thuyết này cho rằng, mọi vật, từ hòn đá đến cây cỏ, dòng suối, núi rừng đều có linh hồn giống như con người. Chính vì lẽ đó, người Hrê đối xử với mọi tạo vật một cách biến hóa và tôn sùng.

Trang phục của người Hrê có nhiều nét giống với người Kinh. Dù đâu đó, trang phục của người Hrê có đặc trưng tộc người, nhưng không mấy rõ nét. Trước kia, đàn ông Hrê đóng khố, mặc áo cánh ngắn đến thắt lưng hoặc ở trần, quấn khăn. Ðàn bà Hrê mặc váy hai tầng, áo năm thân, chùm khăn. Nam nữ đều búi tóc, cài trâm hoặc lông chim. Ngày nay, người Hrê mặc trang phục như người Kinh, nhưng trùm khăn và quấn khăn vẫn được bảo lưu. Phần lớn nữ giới thường mặc váy, nhưng không phải là vải do họ tự làm mà mua từ hàng dệt may công nghiệp. Người Hrê thích đeo trang sức bằng đồng, bạc, hạt cườm. Nam nữ đều đeo ở cổ, ở tay, nhưng nữ giới có thêm vòng chân và hoa tai. Người Hrê cũng có tục “Cà răng” nhưng đó là những hủ tục từ xa xưa, nay không còn nữa.

Tết truyền thống của người Hrê. Ảnh: internet

Ðiểm qua đôi nét về người Hrê, hẳn là chưa xứng tầm với sự phong phú và đa dạng của dân tộc này trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Bạn đọc muốn tìm hiểu sâu hơn, hãy vào với miền Tây Quảng Ngãi và Bình Ðịnh, chắc chắn sẽ có nhiều trải nghiệm thú vị, hấp dẫn trong đời sống sinh hoạt của họ hàng ngày. Thế nhưng, trước khi đến miền Tây, hãy ghé qua Bảo tàng Quảng Ngãi, sẽ có nhiều thông tin bổ ích về mọi mặt của người Hrê, được giới thiệu trong hệ thống trưng bầy chính ở bảo tàng này.

Ngọc Trân

Top