Cung điện Golestan

Tọa lạc tại thủ đô của xứ sở nghìn lẻ một đêm, tổ hợp cung điện Golestan (còn được gọi với tên Gulistan) là di tích lịch sử lâu đời nhất tại Tehran, Iran. Cung điện được xây dựng dưới triều đại Safavid (1502-1736), bao gồm 17 lâu đài, bảo tàng và tòa nhà cùng với nhiều bức tường tranh bùn tuyệt đẹp gắn liền với lịch sử của Tehran.

Toàn bộ cung điện được xây dựng trong suốt 200 năm, được sử dụng trong nhiều dịp khác nhau như lễ đăng quang của các nhà vua và là nơi tổ chức nhiều sự kiện trọng đại của đất nước. Cung điện Golestan hiện nay là kết quả của 400 năm xây dựng và nâng cấp. Các tòa nhà tại địa điểm hiện tại đều có lịch sử độc đáo. Golestan là minh chứng cho sự kết hợp hoàn hảo giữa nghệ thuật thủ công truyền thống và kiến trúc Ba Tư cổ kính, huyền thoại cùng với những ảnh hưởng từ phương Tây. Cung điện có tường bao quanh là một trong những tòa nhà cổ nhất ở Tehran, đồng thời, đây cũng là nơi ở của hoàng gia Qajar và là di tích chứng kiến Tehran trở thành thủ đô của đất nước. Ngày nay, Cung điện là nguồn cảm hứng sáng tạo cho các nghệ sĩ và kiến trúc sư Iran.

Tổ hợp cung điện được xây dựng dưới thời Tahmasp I (1524-1576), triều đại Safavid (1502-1736), và sau đó được vua Karim Khan Zand (1750-1779) cải tạo, nâng cấp. Quốc vương Agha Khan Mohamd Qajar (1742-1797) đã chọn Tehran là thủ đô của vuơng quốc và Golestan trở thành cung điện hoàng gia của Qajar (1794-1925). Trong thời kỳ Pahlavi (1925-1979), cung điện Golestan được sử dụng làm nơi tiếp khách chính thức của hoàng gia. Các nghi lễ quan trọng nhất được tổ chức tại Cung điện trong thời đại Pahlavi là lễ đăng quang của Reza Khan (1925-1941) ở Takht-e Marmar và lễ đăng quang của Mohammad Reza Pahlavi.

Golestan có thiết kế tinh xảo, cầu kỳ là một ví dụ điển hình cho sự kết hợp của nghệ thuật Ba Tư truyền thống và kiến trúc theo phong cách châu Âu với các họa tiết và sự thích ứng của công nghệ xây dựng châu Âu, chẳng hạn như việc sử dụng gang để chịu tải. Bởi thế, cung điện Golestan có thể được coi là một ví dụ đặc biệt của một tổng thể Đông-Tây hoàn chỉnh trong nghệ thuật hoành tráng, bố cục kiến trúc và công nghệ xây dựng. Golestan là  đại diện tiêu biểu nhất của thời đại Qajari, là công trình nghệ thuật và kiến trúc của trung tâm quyền lực thời điểm đó. Do đó, Golestan được công nhận là một bằng chứng đặc biệt của kỷ nguyên Qajari.

Là minh chứng điển hình của nghệ thuật và kiến trúc trong khoảng thời gian dài tại Ba Tư, trong suốt thế kỷ XIX khi xã hội trải qua quá trình hiện đại hóa, Golestan có ảnh hưởng lớn đến các công trình nghệ thuật và kiến trúc của Ba Tư cổ đại. Đồng thời, chịu những tác động hiện đại của phương Tây về nghệ thuật và kiến trúc, được tích hợp vào một loại hình mới của nghệ thuật và kiến trúc trong một giai đoạn chuyển tiếp quan trọng.

Tổ hợp cung điện Golestan bảo tồn được các công trình kiến trúc đặc trưng của thời đại Qajari, giữ lại tính xác thực trong thiết kế và bố cục, đặc biệt là nội thất và ngoại thất trang trí mặt tiền được giữ nguyên vẹn. Ngoài ra, cung điện phần nào giữ lại chức năng sử dụng của nó, đồng thời vẫn được sử dụng như một địa điểm cho các hoạt động nhà nước hiện đại.

Trong khoảng thời gian từ năm 1925 đến năm 1945, phần lớn các tòa nhà của cung điện đã bị phá hủy theo lệnh của Reza Shah - người cho rằng cung điện được xây dựng trong quá khứ không nên là rào cản cho sự phát triển của một thành phố hiện đại như Tehran. Vị trí của các tòa nhà thương mại hiện đại trong những năm 1950 và 1960 được dựng lên khiến cung điện Golestan không còn nguyên vẹn như trước. Hiện nay, tầng thượng của cung điện và ngai vàng vẫn còn giữ được nguyên gốc, du khách vẫn có thể đến để chiêm ngưỡng.

Tầng thượng của cung điện, được gọi là Takht-e Marmar, xây dựng vào năm 1806 theo lệnh của vua Fath Ali Shah Qajar (1797-1834), được trang trí bởi những bức tranh, đá cẩm thạch chạm khắc tinh xảo, ngói, vữa, các tấm gương, gạch men, khắc gỗ, và cửa sổ lưới theo phong cách kiến trúc Iran. Đây là một trong những hạng mục lâu đời nhất của cung điện. Lễ đăng quang của các vua Qajar, và nhiều nghi lễ chính thức đã được tổ chức trên tầng thượng này. Lễ đăng quang cuối cùng được tổ chức tại Takht-e-Marmar là lễ đăng quang của nhà vua tự xưng, Reza Khan Pahlavi vào năm 1925.

Ngai vàng nằm ở giữa tầng thượng, được làm bằng 65 miếng đá cẩm thạch màu vàng nổi tiếng của tỉnh Yazd, do Mirza Baba Naghash Bashi - họa sĩ hàng đầu của Qajar thiết kế. Mohammad Ebrahim, Royal Mason giám sát việc xây dựng và một số bậc thầy nổi tiếng thời đó cũng tham gia để hoàn thành kiệt tác này.

Tổ chức Di sản văn hóa của Iran đã đệ trình UNESCO công nhận Golestan là Di sản Thế giới vào năm 2007. Đến ngày 23 tháng 6 năm 2013, Golestan mới chính thức được công bố là Di sản Thế giới trong kỳ họp của UNESCO tại Phnom Penh, Campuchia. Công trình kiến trúc kỳ vĩ này  đáp ứng được những tiêu chí cụ thể để có thể được là Di sản Thế giới. Golestan hiện đang được Tổ chức Di sản văn hóa của Iran quản lý và bảo vệ.

Thu Hà

Top