Công tích vị Tổ khai cơ Nguyễn Trọng Khang chi họ Nguyễn Trọng Nghi Thạch

Theo gia phả họ Nguyễn Trọng ở thôn Lan Đình, xã Nghi Thạch, họ Nguyễn Trọng có gốc từ làng Trung Cần (nay là xã Nam Trung, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) phát tích nên một chi họ ở đây.

Vị thủy tổ là Nguyễn Trọng Khang làm quan Triều nhà Lê, thời Lê Trung hưng được cử đi trấn giữ vùng đất sát biển Cửa Hội, Cửa Lò để chống nhau với quân Chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Ông lấy vợ người ở làng Đông Chữ (nay là xã Nghi Trường, huyện Nghi Lộc) và quyết định chọn vùng đất Lan Đình, Nghi Thạch làm nơi định cư cho con cháu, họ tộc.

Cụ Trọng Khang vốn tiếp thu được truyền thống nho, y, lý, số của tổ tiên, rất giỏi về địa lý, khi thấy cảnh Thạch Động nên thơ, đất tốt, là đất Long mạch nổi lên, với Thu Lũng (lưng Rồng, nay là đất phường Nghi Thu, Cửa Lò) làm nền; Long Trảo (móng vuốt Rồng, nay thuộc đất thôn Khánh Duệ, xã Nghi Khánh) làm vây cánh hộ vệ; trước mặt có Biển Hồ, Tiên Tọa, Tháp Bút dâng cao; xa xa là biển Đông dạt dào sóng vỗ, nổi giữa biển xanh Hòn Mắt trông vào; Song Ngư cá lội; Lan Châu (Ngọc quý); bên tả có núi Cờ, núi Kiếm, Tượng Sơn (núi Voi) chầu, Long Thủ vênh râu phun lộc nước; bên hữu có 99 ngọn núi Hồng (Hồng Lĩnh), có Thanh Long (sông Lam), từ ngàn nguồn sông suối hội về... Đất này rõ ràng là “Địa linh nhân kiệt”, là đất phát nhân tài văn võ. Người xưa từng ca ngợi:

Hồng Lĩnh non cao

Song Ngư hải khoát

Nhược ngộ minh thời

Nhân tài tú phát.

Nghĩa là:

Núi Hồng Lĩnh cao

Biển Song Ngư rộng

Gặp thời khai sáng

Phát nhiều nhân tài.

Tượng ba Tiến sỹ dòng họ Nguyễn Trọng ở làng Trung Cần, xã Nam Trung, huyện Nam Đàn, Nghệ An. Ảnh: TruyenhinhNgheAn.

Đất linh khí này đã sản sinh ra nhiều nhân tài cho quê hương, đất nước, như: Nguyễn Nghiễm, lưỡng triều danh Tể tướng, thân sinh Đại thi hào, Danh nhân Văn hóa Thế giới Nguyễn Du; thầy Địa lý Tả Ao; thầy Chiêm tinh dịch học, Đại vương Đặng Thái Bàng (đều ở huyện Nghi Xuân, hữu ngạn sông Lam)… Còn tả ngạn sông Lam (huyện Nghi Lộc) có Cương Quốc công, khai quốc công thần Triều Lê - Nguyễn Xí; Bằng Quận công Nguyễn Hữu Chỉnh; Đại danh sư Nguyễn Thức Tự; Ngư Hải Đặng Thái Thân,  Đầu xứ Hoàng Phan Thái, v.v… Riêng ngay trên đất Thạch Động (Nghi Thạch, Nghi Xuân) đã sinh ra Hoàng giáp Phạm Nguyễn Du, cùng thời là võ tướng Nguyễn Trọng Khang…

Từ Thủy tổ, chi họ Nguyễn Trọng ở lại đây, làng Lan Đình, sau đổi Xuân Đình, thuộc tổng Đặng Xá, huyện Chân Phúc, rồi gọi Chân Lộc, nay thuộc huyện Nghi Lộc, kế thế, nối dõi tổ tiên, đinh phát, trỗi lên có trai tài, gái sắc, nhiều người có tướng văn, tướng võ, lãnh trách nhiệm cao ở mọi cương vị, đều đóng góp hết công sức mình dựng xây quê hương, nước nhà giàu đẹp. Hệ thống đại tự, câu đối ở nhà thờ chi họ Nguyễn Trọng ở đây đã cho ta thấy cái tài của thầy địa lý Trọng Khang trong chọn đất đứng chân, làm nên sự nghiệp cho dòng họ, con cháu. Đó là vùng đất đã được định hình là: Đinh, tài lộc, thể.

Đại tự trước nhà thờ:

Đường cảnh quang (Từ đường ở nơi cảnh đẹp, có khí phát sáng). 

Đôi câu đối cột sảnh:

Chính khí càn khôn tại;

Linh thanh nhật nguyệt trường.

Khí tốt đất trời đọng lại;

Tiếng linh ngày tháng phát tồn.

Từ một vùng đất cát pha sát biển, hoang vu, nhiều cây dại, bụi ngấy đã được cụ Nguyễn Trọng Khang cùng các con cháu khai phá, làm cho xanh tươi trù phú, phát đạt. Các dòng họ khác như Nguyễn Bá, Nguyễn Bằng, Nguyễn Văn, Nguyễn Đình, Hoàng, Đặng, Phạm… cùng quy tụ về đây góp công xây dựng thành một vùng đất có tiếng ở Nghi Lộc, Cửa Lò, Nghệ An.

Khi đi làm quan Triều đình, cụ Nguyễn Trọng Khang cũng nổi tiếng là một tướng tài, có công trong việc chống giặc bảo vệ Vua Lê. Sách Đại Nam nhất thống chí có ghi về cụ Nguyễn Trọng Khang như sau:

Nguyễn Trọng Khang: Người huyện Nghi Lộc. Cuối năm Cảnh Hưng đời Lê, làm Đội trưởng, dưới quyền Nguyễn Chỉnh. Khi Nguyễn Chỉnh lánh nạn theo Tây Sơn, Trọng Khang cũng theo đi, sau lại trở về. Đầu năm Chiêu Thống, Nguyễn Chỉnh đem quân về bảo vệ Nhà vua, Trọng Khang cũng đi theo. Khi ấy giặc bể hay quấy nhiễu Hải Dương và Quảng Yên. Vua cho Trọng Khang ra trấn thủ Quảng Yên, đánh tan được đám giặc bể. Đến khi Tây Sơn lại đánh cướp Thăng Long, Vua phải chạy sang Kinh Bắc. Trọng Khang nghe tin Thống lĩnh Hoàng Viết Tuyển còn ở Sơn Nam, liền đem thủy quân đến hội sư, tôn Viết Tuyển lên làm Thống soái, để hợp quân đánh địch. Lúc đó Viết Tuyển vốn có ý hàng giặc, dùng dằng tránh né. Trọng Khang bèn tuốt gươm ra, vừa khóc vừa nói: “Nay thành Thăng Long đã mất, vua cha phải chạy ra ngoài, ấy là lỗi của ai? Anh có giết tôi để hàng giặc thì giết, nếu không thì tôi cũng trói anh để ở đầu mũi thuyền, rồi đánh thẳng vào trận giặc”. Quân Tây Sơn tan vỡ, ta thu được thuyền bè khí giới rất nhiều. Sau đó, Tây Sơn kéo thêm quân đến đánh, Trọng Khang phải lui về giữ sông Vị Hoàng. Ít lâu sau gặp gió bão, quân bị tan vỡ, còn Trọng Khang không biết kết cục thế nào1. (Tr. 846).

Gia phả Chi họ Nguyễn Trọng cũng không thấy ghi sự kiện ngày mất cụ thể của cụ Trọng Khang như thế nảo? chỉ thấy ghi: Mộ phần ông Nguyễn Trọng Khang táng tại chùa Chi Huyền, mộ phần bà Trần Thị Đê táng tại chùa Phúc Lạc - Ngày 16 tháng Giêng Âm lịch hàng năm là ngày giỗ Tổ. Có thể do hoàn cảnh đương thời nhiễu nhương, để tránh sự trả thù của các thế lực phong kiến lúc đó mà dòng họ còn phải lo thu giấu tung tích, không dám tôn vinh tiên tổ để bảo vệ cho sự sinh tồn, phát triển của con cháu về sau. Hơn nữa, sách sử Nhà nước lúc đó cũng chưa thể ghi hết, ghi rõ về các sự kiện liên quan đến vị tiên tổ Nguyễn Trọng Khang.

Do có công lao với đất nước và là triệu tổ khai cơ ở Lan Đình, nên sau khi mất, cụ Nguyễn Trọng Khang đã được dân làng tôn thờ làm Thành hoàng. Các biển thờ, thần chủ, tài liệu ở nhà thờ chi họ Nguyễn Trọng là chứng cứ còn lưu đến ngày nay. Con cháu cụ Trọng Khang cũng được thừa hưởng ân đức, ân điển của cụ và đều làm nên sự nghiệp.

Nhà thờ Nguyễn Trọng - Trung Cần ở Nam Đàn. Ảnh: TruyenhinhNgheAn.

Hai con trai cụ Trọng Khang là Nguyễn Trọng Hợp và Nguyễn Trọng Trinh. Trọng Hợp là thầy địa lý giỏi. Nguyễn Trọng Trinh nối tiếp được những tố chất của cha, nổi lên cũng là một võ tướng, cùng làm quan đồng triều với cha. Ông có công với Triều đình nên được Vua Lê Cảnh Hưng sắc phong các chức quan, tiêu biểu như sắc phong vào năm Cảnh Hưng thứ 2 (1741) theo bản dịch của Ths. Vũ Xuân Hiển ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm:

Sắc ban cho Đội trưởng Nguyễn Văn Trinh ở thôn Lan Đình, xã Hảo Hợp, huyện Chân Phúc, tỉnh Nghệ An từng giữ chức Nội tiền, sung Quốc ưu binh thị hầu Đội trưởng, là người có nhiều cống hiến và có võ công, lại từng được chuẩn cho thăng chức hai lần, nên đáng được sung làm Phấn lực tướng quân Hiệu lệnh Ty Tráng sĩ, Phó Thiên hộ, Hạ trật. Vậy nên ban sắc!

Ngày 22 tháng 2 năm Cảnh Hưng thứ 2 (1741).

Đến đời thứ 4, cao tổ chi 4, ông Nguyễn Trọng Thư vốn là người thông minh, lại khéo tay, tinh xảo, nên được Triều đình nhà Nguyễn cho giữ chức Cai quan, quản lý hàng trăm thợ ở Ty Cứ tượng. Dòng họ đến nay vẫn còn giữ được những bản tấu, những văn bằng do quan Triều đình cấp ban cho ông. Tiêu biểu như văn bằng giao cho ông cai quản các thợ làm việc:

Toà sảnh Bộ Công. Kê:

Thứ nhất, giao phó cho các vị: Cai quan Nguyễn Trọng Thư, ty quan Hoàng Nhật Liên, Thủ hợp…. cùng ở Ty Cứ Tượng thuộc trấn Nghệ An thừa hành công vụ và cai quản 171 người thợ. Nay công việc ở Kinh thành không nhiều, thể theo nguyện vọng của tỉnh cần giảm bớt nhân lực trong đội chuyển về quê.

Vậy nên, hãy tập hợp, căn cứ kê khai vào sổ rồi đệ lên toà sảnh Bộ Hộ để quan trên viết cho bút tích mà đem về trình với quan trấn của bản trấn để lĩnh lương cùng tiền đi lại, Phàm người nào mà ở xa quá thì được nghỉ tạm ở những nơi đồn lũy và ……….

Ngày …. tháng 12 năm Gia Long 17 (1818).

 Hoặc một văn bằng khác có nội dung như sau:

Sai phái Thự bích2 Nguyễn Trọng Thư ở Ty Cứ trọng vốn quê xã Hảo Hợp là người thừa hành công vụ đã nhiều năm …………. từng cai quản các thợ trong Ty Cục tượng lại có tài năng tỏ rõ. Vậy, nay thể theo đơn của các thợ thanh lọc tiến bầu, nên hợp sai cho giữ chức ………………….. của ty Cứ tượng …………………… suất trong xã thuộc vào hàng bậc số bạ để phụ cùng với chánh bằng Cai quan và Chánh phó để cai quản đốc thúc các viên thợ làm nhiệm vụ …………………………… Nếu lười nhác không chăm chỉ sẽ có phép công trừng trị. Nay sai.

Ngày mùng 1 tháng 8 năm …….

Người dịch: Vũ Xuân Hiển.

Trên đây là những nghiên cứu bước đầu sơ lược về công tích của vị triệu tổ Nguyễn Trọng Khang và các vị Trọng Trinh, Trọng Thư đối với quê hương, đất nước. Hy vọng qua Hội thảo khoa học: Truyền thống Văn hóa – Khoa bảng dòng họ Nguyễn Trọng, Trung Cần, Nghệ An tổ chức tại Thành phố Vinh (tháng 5-2015) sẽ giúp dòng họ làm sáng tỏ thêm về thân thế, sự nghiệp của cụ Nguyễn Trọng Khang. Rất mong các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hoá, cùng dòng họ tiếp tục sưu tầm, nghiên cứu tư liệu để tôn vinh xứng đáng thêm về vị triệu tổ Nguyễn Trọng Khang.

Con cháu chi họ Nguyễn Trọng ở Nghi Thạch đã noi gương tổ tiên tiếp thu được những tố chất thông minh, học giỏi, kiên cường, bất khuất, văn võ vẹn toàn của các vị tổ, nhất là vị triệu tổ Nguyễn Trọng Khang, các đời đều có người thành danh, đều góp công sức cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước. Ngày nay, nhiều con cháu dòng họ đã phát huy truyền thống hiếu học, khoa bảng, phấn đấu trở thành các nhà giáo, bác sĩ, sĩ quan quân đội, các doanh nhân… tiêu biểu như PGS.TSKH Nguyễn Quốc Tế, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, có con trai là Nguyễn Trọng Hà cũng bảo vệ thành công Tiến sĩ khoa học tại Hoa Kỳ…

Trọng Nghĩa

Có thể bạn quan tâm

Top