Vị thế chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Bổ Đà trong lịch sử Phật giáo Việt Nam
1. Chùa Vĩnh Nghiêm
Theo sử sách ghi lại, chùa Vĩnh Nghiêm (xã Trí Yên, huyện Yên Dũng) được xây dựng thời Lý (thế kỷ XI) ban đầu có tên gọi là Chúc Thánh. Đến thời Trần (thế kỷ XIII-XIV), chùa được Trần Nhân Tông mở mang, tôn tạo và đổi tên là chùa Vĩnh Nghiêm. Chùa Vĩnh Nghiêm đã được nhìn nhận và tôn vinh là một trong những Trung tâm truyền bá Phật giáo của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử thời Trần trong suốt thời gian trên 700 năm, là nơi tổ chức và thành lập mô hình Phật giáo Nhất tông trên cơ sở hợp nhất các thiền phái đã có trước đó và cũng là mô hình Giáo hội Phật giáo cho các tổ chức Giáo hội sau này.
Sau khi từ bỏ ngai vàng đi tu, Trần Nhân Tông: “… đã biến ngôi chùa Vĩnh Nghiêm thành Trụ sở Trung ương của Giáo hội Trúc Lâm, chứa đủ hồ sơ của tăng, ni cả nước. Ông đã tổ chức nhiều lần độ tăng ni, mỗi lần không dưới một nghìn người”(1). Trần Nhân Tông với tư cách là một vị vua anh minh, một Phật hoàng, một nhà tư tưởng có ý thức độc lập tự chủ và tự cường dân tộc cao.
Chùa Vĩnh Nghiêm. Ảnh: Internet
Ông sớm có tư tưởng xây dựng ý thức hệ độc lập, không phụ thuộc vào bên ngoài. Trần Nhân Tông đã sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, tư tưởng Thiền học của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử lấy “Tâm” làm tông chỉ tu hành, giác ngộ và giải thoát. Với tư tưởng “Lấy tâm làm tông”, người bất kể xuất gia hay tại gia đều có cơ hội học đạo và trải nghiệm Phật pháp ngay trong cuộc sống hàng ngày. Tinh thần “nhập thế tùy duyên”, “hòa hợp dân tộc” của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là cơ sở củng cố và nâng cao ý thức liên kết cộng đồng, tinh thần độc lập tự chủ của Đại Việt trước mọi thử thách cam go của lịch sử. Tinh thần nhập thế, tích cực tham gia xây dựng xã hội phồn vinh, an ninh và hòa bình của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử không chỉ cần thiết cho đạo Phật Việt Nam mà còn thích hợp cho nhu cầu phát triển xã hội toàn cầu của nhân loại ngày nay.
Điều đáng nói là cả ba vị Tổ: Trần Nhân Tông (1258-1308), Pháp Loa (1284-1330) và Huyền Quang (1254-1334) đều lấy chùa Vĩnh Nghiêm làm Trung tâm truyền bá Phật pháp của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử:
Tháng 4-1308, Trần Nhân Tông đích thân tới chùa Vĩnh Nghiêm chủ trì giảng Truyền Ðăng Lục, sai Quốc sư Ðạo Nhất giảng kinh Pháp Hoa cho chư tăng kiết hạ tại đây và thống nhất Giáo hội Phật giáo thời Trần: “Ngày mồng Một tháng Giêng năm Mậu Thân (1308) Điều Ngự sai Pháp Loa nhận chức trụ trì để nối dòng pháp tại chùa Báo Ân, huyện Siêu Loại. Tháng tư, Điều Ngự đến kiết hạ tại chùa Vĩnh Nghiêm ở Lạng Giang, giảng truyền đăng lục, lại sai Pháp Loa giữ chức trụ trì, bảo Quốc sư Đạo Nhất giảng kinh pháp cho đại chúng” (2).
Tháng 9-1313, Pháp Loa phụng chiếu đến cư trú tại chùa Vĩnh Nghiêm, giữ vai trò đứng ra thành lập Trụ sở của Trung ương Giáo hội Phật giáo Đại Việt để phát triển nền đạo nước nhà. Ông đã tiến hành tuyển chọn tăng tài, phân định chức vụ tăng sĩ, bổ nhiệm cho hàng trăm chùa trong cả nước qui định mọi chức vụ tăng, ni trong Giáo hội, kiểm tra tự viện và lập sổ bộ tăng tịch để quản lý số lượng hàng ngũ xuất gia, tiếp tăng độ chúng ba năm một lần. Tất cả những Phật sự này đều do Pháp Loa trực tiếp chỉ đạo. Trong lịch sử Phật giáo Việt Nam lần đầu tiên tăng, ni có hồ sơ tại Giáo hội Trung ương: “Tháng 9 [năm Quý Sửu] (1313), Sư phụng chiếu đến chùa Vĩnh Nghiêm ở Lạng Giang, qui định các chức vụ của tăng sĩ trong nước và bổ nhiệm đến hơn trăm ngôi già lam. Chư tăng trong nước từ đó mới có sổ bộ và đều do Sư trông coi. Bấy giờ, Sư độ hơn mười người. Về sau cứ ba năm độ tăng một lần, mỗi lần khoảng dưới nghìn người…”(3). Nếu Trần Nhân Tông là một nhà khai sáng, một nhà thao lược, chiến lược trong việc thiết kế đường lối chủ trương, hoạt động của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử thì Pháp Loa là vị Tổ thứ hai, kiến tạo cơ sở vật chất, biên soạn kinh sách, thuyết pháp đào tạo tăng ni, thực thi xây dựng hệ thống tổ chức điều hành Giáo hội Trúc Lâm Yên Tử.
Năm 1305, nhân chuyến theo Vua Trần Anh Tông đến chùa Vĩnh Nghiêm nghe Thiền sư Pháp Loa thuyết pháp, Huyền Quang đã ngộ đạo và xin xuất gia tại đây, ông đã: “dâng biểu đến ba lần xin từ chức để xuất gia học đạo tu hành. Thuở ấy, Vua đang tôn sùng Phật giáo nên Người chấp nhận. Ngài thọ giáo với Thiền sư Pháp Loa, được pháp hiệu là Huyền Quang”(4).
Với vai trò là Trường Đại học Phật giáo đầu tiên trong cả nước, chùa Vĩnh Nghiêm hiện lưu giữ 3.050 Mộc bản có giá trị trên nhiều lĩnh vực: Tôn giáo, y học, văn học, triết học, lịch sử, ngôn ngữ, văn tự, in ấn, mỹ thuật. Đây là bộ mộc bản gốc, duy nhất của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử hiện còn lưu giữ được tại chùa Vĩnh Nghiêm để truyền bá tư tưởng cốt lõi của đạo Phật cho hàng trăm ngôi chùa với hàng triệu tăng, ni, Phật tử từ xưa tới nay. Đặc biệt, mẫu chữ Nôm trong tác phẩm Thiền tông bản hạnh (một trong các đầu sách trong Kho Mộc bản ở chùa Vĩnh Nghiêm), được Hội Bảo tồn di sản chữ Nôm (The Vietnamese Nom Preservation Foundation, USA) lấy làm mẫu cho font chữ Nôm trên mã Unicode (kí hiệu NomNaTongLight,ttf) và được cài đặt vào máy tính trên toàn thế giới.
Hơn 700 năm qua, Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã trải qua nhiều biến cố, gắn liền với diễn tiến thăng trầm của lịch sử Việt Nam nhưng vẫn được duy trì và phát triển. Ngày nay, tinh thần, tư tưởng Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử thời Trần vẫn được tăng, ni, phật tử ở Việt Nam tu học. Từ Trung tâm Phật giáo Vĩnh Nghiêm, tư tưởng của dòng thiền này lan rộng khắp các miền trong cả nước và lan tỏa ra khu vực và thế giới, riêng hệ phái Thiền Tông chủ trương khôi phục Phật giáo thời Trần đã có tới hàng chục vạn người đang tu học tại hơn 60 thiền viện, thiền tự trong và ngoài nước. Chính vì vậy, Vĩnh Nghiêm đã trở thành đất Phật mà bao thế hệ phật tử ao ước được tới tham quan, chiêm bái: “Ai qua Yên Tử, Quỳnh Lâm-Vĩnh Nghiêm chưa tới, thiền tâm chưa đành”.
Với các giá trị tiêu biểu trên nhiều phương diện, năm 2012, Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm đã được Tổ chức UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Năm 2015, chùa Vĩnh Nghiêm được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt.
Có thể nói, chùa Vĩnh Nghiêm là thánh tích quan trọng bậc nhất của Phật giáo Việt Nam nói chung, Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử nói riêng. Những tư liệu về chùa Vĩnh Nghiêm cũng như những thông tin chứa đựng trong Kho Mộc bản đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng Hồ sơ khoa học Quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử trình UNESCO công nhận là Di sản Thế giới trong thời gian tới.
2. Chùa Bổ Đà
Theo truyền tích, chùa Bổ Đà (xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên) có từ thời Lý (thế kỷ XI), được mở mang xây dựng lớn vào thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVIII). Chùa có tên là chùa Quán Âm núi Bổ Đà hay Bổ Đà Sơn Quán Âm tự, gọi tắt là chùa Bổ Đà.
Tương truyền, xưa có cặp vợ chồng tiều phu nghèo hiếm muộn con cái nên được Quan Thế Âm thương tình cứu giúp. Một ngày, người chồng đốn gốc thông già trên đỉnh núi thì bật ra 32 đồng tiền vàng, hỏi cao tăng thì mới biết đó là phép ứng hiện của Quan Âm bồ tát. Người tiều phu cầu khẩn rằng nếu sinh được con trai thì sẽ dựng chùa thờ. Điều ước được linh ứng, tiều phu bèn dựng chùa thờ Phật. Người dân trong vùng tìm về cầu linh hiển ứng nên gọi là chùa Quan Âm hay chùa ông Bổ.
Chùa Bổ Đà. Ảnh: Internet.
Tuy nhiên, theo một số nhà nghiên cứu, Hương Tích-Hương Sơn là một đạo tràng Quán Thế Âm lớn nhất ở nước ta. Tại chùa Bổ Đà có câu thành ngữ: “Bắc Bổ Đà, Nam Hương Tích”, có nghĩa là ở phía Bắc có chùa Bổ Đà, phía Nam có chùa Hương Tích (Hà Tĩnh và Hà Nội). Đây là hai đạo tràng Quán Thế Âm vào hạng nhất, đăng đối theo trục Bắc-Nam, lấy Thăng Long là trung tâm. Bổ Đà là tên viết tắt của Bổ Đà Lạc Già đọc trại từ tiếng Phạn “Potalaka”, có nghĩa là ngọn núi nơi Bồ Tát Quán Thế Âm hóa hiện để cứu độ chúng sinh.
Chùa Bổ Đà vừa là nơi thờ Phật, vừa là nơi đào luyện tăng, ni của Thiền phái Lâm Tế qua nhiều thế kỷ. Chùa Bổ Đà gồm các đơn nguyên kiến trúc: Chùa Cao, am Tam Đức, chùa Tứ Ân, vườn Tháp và Ao Miếu.
Chùa Bổ là một trong những nơi còn giữ nguyên bản nét kiến trúc truyền thống Việt cổ. Chùa có kiến trúc độc đáo và khác biệt so với các ngôi chùa truyền thống ở miền Bắc Việt Nam, đó là lối kiến trúc “nội thông ngoại bế”, xung quanh là đồi núi xóm làng bao bọc.
Chùa Tứ Ân trong Khu Di tích chùa Bổ Đà được thiết kế theo lối kiến trúc đặc biệt kiểu “nội thông ngoại bế” với 16 khối kiến trúc liên hoàn lối thông nhau tạo thành hệ thống các tòa ngang dãy dọc, tạo vẻ u tịch, thanh vắng và huyền thoại. Xung quanh chùa được trình tường đất cao từ 2 đến 3m. Đây là nét kiến trúc độc đáo, đặc sắc không chỉ riêng trong tỉnh Bắc Giang mà các ngôi chùa truyền thống ở miền Bắc Việt Nam cũng rất hiếm thấy.
Sự độc đáo, khác biệt trong lịch sử, kiến trúc nghệ thuật chùa Bổ Đà còn thể hiện qua sự bài trí tượng thờ: Nếu chùa Cao chỉ thờ tượng Quan Âm Tống Tử thì trong chùa Tứ Ân lại bài trí cả một hệ thống tượng thờ gồm tượng Phật, tượng Khổng Tử, Lão Tử và Thạch linh thần tướng cho thấy sự dung hợp tam giáo (tam giáo đồng nguyên) với tín ngưỡng dân gian bản địa.
Nói đến chùa Bổ Đà không thể không nhắc tới khu Vườn Tháp-một trong vườn tháp lớn nhất ở Việt Nam. Với gần 100 tháp lớn nhỏ được xây dựng dưới thời Lê (thế kỷ XVII) và thời Nguyễn (thế kỷ XIX) chứa xá lị, tro cốt của 1214 tăng, ni tu hành đắc đạo thuộc dòng thiền Lâm Tế.
Chùa Bổ Đà không chỉ là nơi tu hành của các tăng ni mà còn là nơi mở trường đào tạo các tăng đồ theo Thiền phái Lâm Tế trải suốt hơn 300 năm. Để phục vụ cho việc đào tạo tăng đồ, nhà chùa cho san khắc nhiều mộc bản. Hiện nay, chùa Bổ Đà đang bảo lưu 1.935 mộc bản. Mộc bản có niên đại sớm nhất được san khắc vào năm 1744 và muộn nhất vào năm 1930. Các mộc bản được khắc bằng gỗ thị, khắc nổi chữ Hán, và chữ Nôm, nét chữ tinh xảo. Trải qua nhiều thế kỷ, mộc bản hiện nay vẫn còn khá nguyên vẹn, thể hiện tư tưởng của dòng thiền Lâm tế. Đây là kho di sản tư liệu quý không chỉ về lịch sử Phật giáo mà còn có giá trị nghiên cứu trên nhiều phương diện: lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ, văn học, mỹ thuật, y học…
Với các giá trị tiêu biểu về lịch sử và kiến trúc nghệ thuật, năm 1992, chùa Bổ Đà được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích cấp quốc gia; năm 2016, chùa Bổ Đà được công nhận Di tích quốc gia đặc biệt. Đây là sự tôn vinh, ghi nhận giá trị tiêu biểu độc đáo của di tích, cũng như những nỗ lực trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Giang.
Ths Nguyễn Hữu Phương