Chuyện kể về Nghệ nhân Ưu tú Thạch Ca Ri No
Là một trong những nghệ nhân đất Trà Vinh vừa được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “Nghệ nhân ưu tú” (NNƯT) ở lĩnh vực tri thức dân gian và trình diễn dân gian, hơn 50 năm qua, ông No đã luôn tìm tòi, sáng tạo ra nhiều loại nhạc cụ cổ truyền của dân tộc Khmer vô cùng độc đáo. Bên cạnh đó, ông cũng đã cho ra đời trên 60 dàn nhạc ngũ âm rất nổi tiếng về chất lượng, được nhiều địa phương đánh giá rất cao về độ chuẩn âm thanh, độ bền sử dụng, mẫu mã tinh xảo, đẹp mắt, giá thành hợp lý, được người mua chấp nhận.
Nói về nguyên nhân đến với nghề làm nhạc cụ của mình, ông kể, hồi mới 6 tuổi, tui theo cha đi theo coi hát. Về nhà thấy ông mày mò làm nhạc cụ, làm các loại mặt nạ hát tuồng, tui khoái quá nên “học nghề”. Chắc coi bộ có duyên với nghề nầy nên chỉ sau 6 tháng là tui bắt đầu tự làm một mình. Đến năm 18 tuổi tui ra nghề “ngọt xớt”…
Ban đầu, ông nhận làm các nhạc cụ như: đàn cò, ta kê, gáo, trống chầu, trống sa dăm, dàn nhạc ngũ âm… theo khuôn mẫu truyền thống. Về sau, ông thực hiện theo đơn đặt hàng của nhiều cá nhân, đơn vị, các chùa, các đoàn ca múa. Loại nhạc cụ nào ông làm cũng rất khéo léo, đẹp, bền, chất lượng rất cao.
Nghệ nhân Ưu tú Thạch Ca Ri No bên chiếc mặt nạ do mình chế tác (Ảnh: internet)
NNƯT Thạch Ca Ri No tiết lộ“…làm nhạc ngũ âm khó nhất là việc làm trống và mua 16 bộ cồn bằng đồng nguyên chất bởi đạt yêu cầu về âm thanh…”.
Ông nói thêm: các loại cồn phải mua tận Cam Pu Chia mới có được cồn bằng đồng nguyên chất, được rèn bằng phương pháp rất công phu của kỹ thuật nước bạn. Còn trống Sa Dăm, Rơ Nét Đét… phải làm bằng thân cây Bình Linh còn nguyên gốc. Nếu không có gỗ Bình Linh sẽ thay thế bằng gỗ Sao, Cẩm Lai… Người làm phải đục đẽo khoét ruột gốc cây rất công phu, mất nhiều thời gian, có khi hàng tháng trời, sau đó bịt hai đầu bằng da trâu cổ mới có âm thanh đúng chuẩn. Bình quân thời gian làm một dàn nhạc ngũ âm khoảng 2 tháng với 3 nhân công thạo tay nghề, ông là người phụ trách khâu chế tác. Giá bán một dàn nhạc ngũ âm hiện nay từ 55 đến 60 triệu/ dàn tùy thuộc lượng gỗ.
Bà Thạch Thị Thành, 80 tuổi, ngụ ấp Chà Dư kể thêm “…ông No nhiều tài lắm, làm gì cũng khéo tay, lại yêu nghề, sống hòa đồng cùng bà con trong ấp, nhà nào có đám tang ma, hiếu hỉ là “ổng” đưa dàn nhạc gia đình tới phục vụ miễn phí…”.
Nghệ nhân Thạch Cà Ri Không bên those chiếc trống mới hoàn thành (Anhr: internet)
Thấy tôi thắc mắc về dàn nhạc gia đình này, bà Thành kể tiếp: dàn nhạc này gồm nhiều thành viên do ông No chỉ huy, 5 người con trai của ông đều là nhạc công rất thuần thục, điêu luyện. Cạnh đó đoàn còn có 3 diễn viên ca múa của đoàn là cháu nội của NNƯT Thạch Ca Ri No. Nhiều năm qua, Đoàn Ca Múa Nhạc “Ca Ri No” đã biểu diễn nhiều nơi và được bà con người Khmer ngưỡng mộ bởi phong cách biểu diễn độc đáo, nhạc cụ trình diễn chất lượng cao.
Không chỉ nổi danh với tay nghề chế tác nhạc cụ, ông Ca Ri No còn rất thành công trong việc chế tác mặt nạ cho các nhân vật trong các đoàn hát, các đoàn ca múa, nhiều nhất là mặt nạ thể hiện tính cách, tâm lý nhân vật, các loài quỷ dữ, cầm thú gắn bó với loài người.
Điều đáng quý ở NNƯT này là ông đã mở nhiều lớp dạy nghề đóng nhạc cụ miễn phí cho hơn 20 “truyền nhân” với mong muốn cái “nghiệp” này không bị thất truyền và mai một theo thời gian.
Ông Ca Ri No đang chế tác trống chầu.(Ảnh: internet)
Ngày ngày, trong xóm nhỏ Chà Dư thân quen, người ta lại bắt gặp một ông già Khmer cùng những người thợ trẻ đục đẽo, mày mò bên những dụng cụ gia truyền để chế tác những dàn nhạc ngũ âm vang danh cả nước; những chiếc mặt nạ “độc chiêu” đầy ấn tượng; những loại nhạc cụ “độc đáo” tinh xảo, kỳ công.
Đêm về, hàng xóm lại nghe vang lên tiếng nhạc ngũ âm du dương, gợi nhớ, gợi thương, nghe những bài hát ca ngợi quê hương, đất nước, về lòng nhân ái, thủy chung, đạo nghĩa làm người, kêu gọi mọi người chung tay gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Khmer từ đoàn nhạc “không chuyên” nhưng lại rất hấp dẫn từ ngôi nhà của NNƯT Thạch Ca Ri No.
Song Anh