Chùa Quán Sứ

Chùa tọa lạc tại số nhà 73, trên con phố cùng tên, thuộc quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Xưa kia, ngôi chùa thuộc thôn An Tập, phường Cổ Vũ, tổng Tiền Nghiêm, sau được đổi là tổng Vĩnh Xương, huyện Thọ Xương - những địa danh đã đi vào lịch sử, thơ ca, chuyện kể của bao thế hệ người dân Đông Đô - Hà Nội.

Theo sử cũ, chùa được xây dựng vào thế kỷ 15, dựa trên một am thờ được xây cất bằng tranh, tre, do dân làng tạo lập để tế thần cầu yên, nên nơi đây mới có tên là An Tập. Đến thời Lê Thế Tông, sử cũ chép lại rằng, vùng đất kinh kỳ này là nơi đón tiếp các sứ thần của vương quốc Chăm Pa, Ai Lao sang triều cống, nên vương triều Lê sơ đã cho xây cất ở đây một ngôi nhà để tiếp đón các đoàn ngoại giao nước ngoài đến Thăng Long tiếp kiến vua Lê. Đó chính là Quán Sứ. Và, để đáp ứng sở nguyện và sở thích của các sứ thần, đến từ các quốc gia sùng Phật, nên nhà nước cho xây thêm một ngôi chùa cạnh đó để các vị có điều kiện hành lễ, theo đó, một ngôi chùa cùng tên được xây cất. Thời gian, vật đổi sao dời, dấu tích của khu nhà Quán Sứ không còn nhưng ngôi chùa vẫn sừng sững giữa bao biến động của một quá trình đô thị hóa nhiều thế kỷ đã trôi qua.

Như vậy, ngôi chùa Quán Sứ, ở vào thế kỷ 15, có một vị trí  vô cùng quan trọng, mang tính quốc gia và quốc tế. Thế nhưng, đến thời Gia Long, khi Thăng Long trở thành Bắc Thành và triều đình nhà Nguyễn dời vào Phú Xuân lập kinh đô mới, thì ngôi chùa Quán Sứ cũng theo đó, mất dần vị trí, trở thành nơi hành lễ cho quân nhân đồn Hậu Quân đóng gần đấy. Sau đó, nó trở về với ngôi chùa Làng, nhưng với sự đóng góp của thiện nam, tín nữ, của những người giàu có nơi kinh kỳ quá vãng, nhưng còn đầy hào quang của một thời vàng son, nên ngôi chùa đã được tôn tạo, bổ sung thêm những đơn nguyên để có một vóc dáng như hôm nay.

Chùa Quán Sứ có tam quan ba tầng mái, với kiến trúc chẳng có gì cổ xưa và đặc biệt. Qua tam quan là sân rộng lát gạch, dẫn đến chính điện nằm trên mười một cấp, cao vừa đủ để tôn nghiêm và cũng vừa đủ để gần gũi với con nhang đệ tử, cùng khách thập phương đến thắp hương, chiêm bái. Phật điện được bài trí trang nghiêm với những pho tượng uy nghi và lộng lẫy vàng son tọa trên ba cấp. Cấp trên là Phật tam thế, Phật A Di đà ở giữa, hai bên là Quan Thế Âm và Đại thế chí. Cấp thứ hai là Phật Thích ca, hai bên là A-nan-đà và Ca-diếp. Cấp thứ ba, ở ngoài cùng có tòa Cửu Long, đứng giữa là tượng Quan Âm và Địa Tạng. Gian bên phải chính điện thờ Lý Quốc Sư – Minh Không - vị thiền sư nổi tiếng thời Lý, với hai bên là hai thị giá. Gian bên trái thờ Đức Ông và Châu Sương – Quan Bình.

Có thể nói, kể cả kiến trúc và Phật điện chùa Quán Sứ không xưa cũ và cổ kính như nhiều ngôi chùa khác của Thăng Long – Hà Nội. Và nó cũng không có niên đại xa xưa như Phật Tích, Dạm, Long Đọi hay Phổ Minh của Bắc Ninh, Hà Nam và Nam Định, nhưng sự nổi tiếng của nó đã đi vào tiềm thức và lịch sử, bởi từ năm 1934, nơi đây đã là trụ sở cùa Tổng hội Phật giáo Bắc Kỳ và cũng chính nơi đây đã chứng kiến nhiều hoạt động quan trọng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trong đó có sự thống nhất tổ chức Phật giáo trong nước và sự hội nhập của Phật giáo Việt Nam với Phật giáo thế giới. Ngày mồng Tám tháng Tư năm Tân Mão (13 – 5 – 1951), lần đầu tiên lá cờ Phật giáo thế giới đã tung bay trên bầu trời Việt Nam cũng ở ngôi chùa này, do thượng tọa Tổ Liên mang về từ Colombia. Quán Sứ là biểu tượng của Phật giáo Việt Nam là bởi những lý do ấy.

TS Phạm Quốc Quân

Top