Chùa Vĩnh Nghiêm

Vĩnh Nghiêm tự là một ngôi chùa nổi tiếng ở miền Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng. Đó không chỉ là một trung tâm Phật giáo của phái Thiền Trúc Lâm, mà còn là một danh thắng với một công trình Kiến trúc khá đồ sộ, pha trộn giữa truyền thống và hiện đại, qua bàn tay tài khéo của kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng, cùng cộng sự của ông là Lê Tấn Chuyên và Cồ Văn Hậu thiết kế vào những thập kỷ 60 của thế kỷ trước. Hiện nay, chùa tọa lạc tại số 339, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, thuộc phường 7, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh - một địa chỉ vô cùng quen thuộc, không chỉ với đệ tử sùng đạo Phật, mà của hầu hết người dân thành phố, cùng các du khách thập phương đến đây chiêm bái và vãn cảnh.

Chuyện kể lại rằng, Hòa thượng Thích Tâm Giác và Thích Thanh Kiếm từ Miền Bắc xa xôi, vào đây truyền bá đạo Phật, sau đó, xây dựng ngôi chùa này với nguyên mẫu lấy từ một ngôi chùa kiến trúc gỗ, cùng tên tại xã Đức La, tổng Trí Yên, phủ Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang hiện nay. Đây là ngôi chùa được kiến lập từ thời Vua Lý Thái Tổ, trở thành một trung tâm Phật của Thiền phái Trúc Lâm nổi tiếng ở thời Trần và cho đến nay, ngôi chùa này vẫn uy nghi và thanh tịnh với rất nhiều di vật cổ kính, vô cùng có giá trị, mà gần đây, một trong số ấy, đã được Unesco vinh danh là Di sản ký ức của nhân loại: Ván kinh chùa Vĩnh Nghiêm. Như vậy, Vĩnh Nghiêm tự ở thành phố Hồ Chí Minh và chùa Vĩnh Nghiêm ở Bắc Giang có mối quan hệ rất đặc biệt từ trong sâu thẳm của lịch sử và ký ức của những người trong cuộc.

Lịch sử chùa ghi lại rằng, năm 1964, Vĩnh Nghiêm tự được khởi dựng trên một khu đất trống của rạch Thị Nghè, theo đó, khoảng 40.000m3 đất phải chuyển từ xa lộ Hà Nội về đây để san lấp mặt bằng. Kinh phí xây dựng vô cùng lớn, khoảng 98 triệu đồng lúc bấy giờ, nhưng hoàn toàn do các phật tử đóng góp. Bẩy năm sau, năm 1971, chùa Vĩnh Nghiêm cơ bản được hoàn thành với các hạng mục: Tòa tháp trung tâm, Phật điện, Bảo tháp Quán thế âm, cùng các cơ sở giành cho những hoạt động xã hội. Về sau, chùa được lần lượt xây thêm các công trình nữa, đó là Bảo tháp Xá lợi cộng đồng, Tháp đá Vĩnh Nghiêm, Phương Trượng đườngKhách đường v.v.

Với kiến trúc nhiều đơn nguyên, lại được sử dụng vật liệu hiện đại, nhưng Vĩnh Nghiêm tự vẫn cho người viếng thăm một cảm giác thâm nghiêm, tĩnh lặng và cổ kính với đầy hoài niệm về một ngôi chùa truyền thống, chính là vì, kiến trúc sư đã tài hoa kết hợp được những nét xưa cũ, hòa quyện trong cảnh quan và những mái cong duyên dáng của chùa chiền không bị vật liệu bê tông thô cứng bài xích. Chính vì lẽ đó, cho đến nay, Vĩnh Nghiêm tự vẫn được coi là một trong số những công trình kiến trúc tiêu biểu của Phật giáo Việt Nam thế kỷ 20.

Dẫu có nhiều đơn nguyên, nhưng chùa Vĩnh Nghiêm vẫn nổi lên ba kiến trúc chính:

Tam quan chùa khá đồ sộ, nhưng năm 2005 đã bị lùi vào đáng kể phục vụ cho dự án mở rộng đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Tuy nhiên, kích thước và hồn cốt của kiến trúc tam quan vẫn được giữ nguyên, sau di dời, cho thấy một hình ảnh vừa truyền thống, vừa hiện đại, hòa nhập được với toàn bộ các đơn nguyên hiện có.

Tòa nhà trung tâm là một công trình kiên cố, với hai tầng. Tầng dưới có hai phần: Phần ngoài nằm bên dưới sân thượng, cao 3,2m, phần trong nằm dưới Phật điện, cao 4,2m. Ở tầng này, được chia làm nhà thờ Tổ (bên trong có bàn thờ Bồ Đề Đạt Ma), giảng đường, văn phòng, thư viện, phòng tăng, lớp học.

Từ dưới sân, có ba cầu thang, cao 23 bậc, khá rộng rãi, dẫn lên tầng trên, bao gồm sân thượng với Phật điện và tháp Quán thế âm. Sân thượng rộng, phía phải có tháp chuông, treo Đại hồng chung, đường kính 1,8m, được đúc năm 1971, do Phật tử dòng Tào Động ở Nhật Bản tặng, cầu nguyện cho một nước Việt Nam sớm hòa bình và thống nhất.

Phật điện vẫn giữ được mặt bằng kiến trúc chữ “I”. Các góc mái được uốn cong theo kiểu chùa Miền Bắc. Chính giữa bờ nóc là bánh xe Luân hồi. Các góc mái là đầu phượng. Phật điện có ba phần: Bái điện, Bàn điện và Địa tạng đường.

Bái điện dài 35m, rộng 22m, cao 15m. Chính giữa là ban thờ Phật Thích Ca, hai bên là Bồ Tát Văn Thù và Bồ Tát Phổ Hiền. Dọc theo tường là các tranh La Hán, các tác phẩm điêu khắc gỗ là Tứ linh, Cửu Long và các hình ảnh chùa chiền nổi tiếng ở Việt Nam và một số nước trong khu vực. Hai bên lối vào là hai pho tượng Kim cương hoành tráng.

Bàn điện có kiến trúc tương tự Bái điện, thờ Phật A Di đà và Địa tạng Bồ tát.

Có thể nói, tòa nhà trung tâm, với sự tài khéo của kiến trúc sư, đã tôn vinh được Phật điện, thành điểm nhấn, để gửi gắm những nét kiến trúc truyền thống trong đó, rồi, biến tầng dưới với nhiều không gian chức năng như giảng đường, văn phòng, thư viện, phòng tăng, lớp học… thành một Thiền viện, theo đó, Vĩnh Nghiêm tự vừa đảm trách chức năng của ngôi chùa, vừa là một Thiền viện, với các không gian chức năng vô cùng hợp lý và quy củ.

Các bảo tháp gồm, Quán Thế âm, Xá lợi cộng đồng, Tháp đá Vĩnh Nghiêm, có phong cách kiến trúc khác nhau, nhưng ăn nhập trong một không gian chung. Quán thế âm là ngôi tháp lớn nhất, cao 40m, 7 tầng. Đỉnh tháp có Luân xa, Long xa và Quy châu. Đây là một trong những ngôi tháp đồ sộ vào bậc nhất trong các ngôi bảo tháp của Phật giáo Việt Nam. Xá lợi cộng đồng chỉ có 4 tầng, cao 25m, là nơi lưu giữ các di hài người quá cố đã hỏa thiêu, do cộng đồng gửi vào, thể hiện tinh thần nhập thế của Trúc Lâm buổi khởi đầu. Vĩnh Nghiêm bảo tháp, được xây cất hoàn toàn bằng đá, cao 14m. Đây là tháp thờ của Đại Lão Hòa thượng Thích Thanh Kiếm - một trong hai vị cao tăng có công sáng lập Vĩnh Nghiêm tự.

Ngoài những kiến trúc nêu trên, chùa Vĩnh Nghiêm còn có khu Phương trượng - dùng cho khách thập phương nghỉ ngơi, khu Tăng xá và Trai đường, được phân bố ở không gian tĩnh lặng với cảnh quan đẹp của hồ sen tỏa hương thơm ngát.

Vĩnh Nghiêm tự là một ngôi chùa, một thiền viện mới được xây dựng. Tuy nhiên, với kiến trúc độc đáo, có sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, lại ở vị trí đắc địa của trung tâm Thành phố, nên nơi đây, trở thành một điểm đến vô cùng hấp dẫn của khách du lịch và hành hương.

TS Phạm Quốc Quân

Top