Chùa Dư Hàng

Chùa Dư Hàng (tên chữ là Phúc Lâm tự), thuộc xã Dư Hàng Kênh (huyện An Dương), nay thuộc đại bàn phường Hồ Nam, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng.

Chùa có nguồn gốc từ thời Tiền Lê (980 - 1009). Cuối thời Vua Lê Đại Hành đã có vị sư tổ đến đây thuyết pháp, khai sáng giáo lý nhà Phật. Đến thời Trần (1225 - 1400), các vị sư tổ thiền phái Trúc Lâm do Trần Nhân Tông sáng lập ở Yên Tử Sơn, đã có mối quan hệ với bản chùa Dư Hàng. Vì vậy, từ xưa đến nay, chùa Dư Hàng vẫn truyền lệ kỷ niệm sinh nhật vị sư tổ đệ nhất “Đền ngự giác hoàng tinh tuệ thiền sư” tức Vua Trần Nhân Tông vào ngày 2-11 Âm lịch. Vị tổ thứ 3 của phái Trúc Lâm là Thiền sư Huyền Quang Lý Đạo Tái vào ngày 3-11 Âm lịch. Đến đời Vua Lê Gia Tông (1672), sư cụ là quan Đô úy Nguyễn Đình Sách (tự là Chân Huyền) đã xuất tiền để tậu ruộng đất, làm chùa to rộng, có đủ gác chuông, nhà thờ tổ, nhà tăng. Đến đời Vua Thành Thái, vào năm 1899, Hòa thượng Thông Hạnh đã trùng tu ngôi chùa, xây gác chuông... Năm 1917, chùa được trùng tu với quy mô như ngày nay. Từ đó trở đi, dù phải trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, ngôi chùa đã được các thế hệ hòa thượng, tăng ni, tín đồ phật tử sở tại chung sức, chung lòng sửa sang Chùa thành một danh thắng đồng thời là trung tâm Phật giáo của Hải Phòng và là ngôi danh lam cổ tự bậc nhất Hải Phòng xưa nay.

Chùa Dư Hàng xây theo kiểu chữ “đinh”, hai bên là nhà tổ, đằng trước có tam quan rất đẹp, phía trong là sân rộng. Chùa có một gác chuông 5 gian 3 tầng, mái đao cong vút treo một quả chuông đồng cỡ lớn, chữ đề: “Phúc Lâm tự chung”, nghĩa là chuông chùa Phúc Lâm. Tiền đường cách gác chuông một sân rộng; bên phải là 5 gian nhà tổ, nhà thọ trai và nhà ngang, bên trái là 5 gian nhà hậu. Tiền đường có 7 gian dựng theo kiểu vì kèo giá chiêng. Ở sân trước tiền đường có đặt một đỉnh lớn bằng đồng hun. Năm gian thượng điện cũng dựng bằng gỗ, có những vì kèo chạm trổ tinh tế. Tại tòa Phật điện, hiện còn lưu giữ được nhiều pho tượng phật cổ có giá trị, tạo hình chuẩn xác như  bộ Tam thế, tòa Cửu long - Thích ca sơ sinh, hộ thiện, trừ ác, bộ tượng “Thập điện minh vương”, tượng Hộ Pháp, tượng Trúc Lâm Tam Tổ... Nội thất tòa phật điện được trang trí nhiều bức hoành phi, câu đối, cửa võng sơn son, thiếp vàng rực rỡ, đường nét mềm mại, kỹ thuật tinh xảo, được thể hiện qua các mảng đề tài hoa lá, cỏ cây, muông thú, mang phong cách nghệ thuật triều Nguyễn cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Gian tiền đường của tòa phật điện được trang trí bằng nhiều mảng chạm khắc nổi trên cửa võng, nhiều mảng đề tài quen thuộc: mai điểu, ngũ phúc, rồng mây... thể hiện ước muốn của muôn dân cho “mưa thuận, gió hòa, cỏ cây tươi tốt”, hộp hình khắc gỗ mô tả cảnh thầy trò Đường tăng trên đường sang Tây Trúc thỉnh kinh. Hiện nay, chùa Dư Hàng còn bảo lưu nhiều di vật quí giá như chuông, khánh, đỉnh đồng, đồ trang trí mỹ thuật bằng gốm sứ, đá xanh và đặc biệt là bộ sách kinh Tràng A Hàm là tài liệu cổ về giáo lý đạo phật được lưu truyền từ nhiều đời sư trụ trì. Ngoài ra, chùa còn giữ được nhiều di vật quý như đỉnh đồng, chuông, khánh đồng, bát hương lớn, tủ chạm trổ rất đẹp, đặc biệt gác kinh chứa bộ kinh A Hàm cổ, một tài liệu giáo lý đạo Phật xưa kia.

Tại khu vườn tháp tĩnh mịch, rợp mát bóng cây cổ thụ xanh tươi, ngoài nhóm mộ tháp các vị sư tổ đã viên tịch tại bản chùa còn có mộ tháp chứa xá lỵ các vị tổ thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, tháp sư cụ Chân Huyền và nhiều vị hòa thượng đã từng trụ trì tại ngôi chùa Dư Hàng.

Vườn tượng của chùa là một tuyệt tác nghệ thuật với 12 pho tượng được chạm khắc tinh xảo, bố trí rất công phu. Vườn nằm phía bên phải tam quan, giữa vườn là một hồ nước rộng. Tượng Phật Tổ màu vàng ngồi trên tòa sen dưới cây bồ đề cao lớn tỏa bóng mát và Phật Di Lặc trong tư thế đang đứng được đặt đối diện nhau ở hai bên hồ. Cả hai pho tượng đều được đúc bằng đồng, xung quanh hồ còn có mười vị Tôn giả trong các tư thế và hình dáng khác nhau được tạc bằng đá trắng.

Ngoài giá trị kiến trúc, chùa Dư Hàng còn có giá trị lịch sử. Tại đây, năm 1926, nhiều học sinh, thầy giáo, thợ thuyền lao động đã tập trung làm lễ truy điệu nhà yêu nước Phan Chu Trinh. Từ đó trở đi, chùa Dư Hàng trở thành một địa điểm quen thuộc của các cuộc hội họp cách mạng. Cũng tại chùa này, Hội Tăng già cứu quốc Hải Phòng đã làm lễ ra mắt sau Cách mạng tháng Tám (1945). Đây cũng là điểm tổ chức “Tuần lễ vàng”, đồng thời các đoàn thể quần chúng cách mạng họp bàn việc đón tiếp Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Pháp trở về, ghé thăm đồng bào, chiến sĩ Hải Phòng. Lịch sử cũng ghi nhận suốt 9 năm kháng chiến 1945-1954, chùa Dư Hàng đã mở rộng cửa thiền nuôi giấu cán bộ, ủng hộ kháng chiến. Có nhiều vị tu hành ở chùa đã hăng hái tòng quân cứu nước, tiêu biểu có cố hòa thượng Đinh Quang Lạc đã được Chính phủ trao tặng Huân chương kháng chiến hạng Ba.

Với những giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc trường tồn cùng thời gian, chùa Dư Hàng đã được xếp hạng Di tích Lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1986, là một điểm du lịch văn hóa tâm linh ở thành phố Cảng.

Thanh Lương

Top