Chợ Lịm

Phú Xuyên là một vùng lúa chuyên canh nằm ngay cửa ngõ ra vào Thủ đô, Quốc lộ 1A chạy dọc theo hướng Bắc - Nam cùng với những con sông chằng chịt, tạo nên mạng lưới giao thông thủy bộ rất thuận tiện. Đây là những yếu tố cần thiết cho thương mại phát triển. Chẳng có thế mà một loạt các chợ được hình thành xung quanh huyện lị, nào là chợ Lịm, chợ Bìm, chợ Bái, chợ Guột, chợ Đồng Vàng... Và xa hơn nữa là chợ Bằng - Vồi cùng nằm trong một chuỗi chợ của phủ Thường Tín xưa mà ca dao cổ có câu: “Sơn Nam nhất chợ bằng Vồi”.

Trong cả hệ thống chợ với chức năng tiêu thụ hàng hoá nông sản và cung cấp hàng tiêu dùng công nghệ cho nhân dân, thì ngay từ xa xưa chợ Lịm đã là chợ trung tâm có quy mô rộng lớn nhất cả về diện tích đến mật độ hàng hoá và lượng người mua bán. Chợ họp theo phiên là chủ yếu vào các ngày 1, ngày 3, ngày 6, ngày 8 trong tháng. Ngày nay, để phục vụ việc cung ứng hàng tiêu dùng cho cộng đồng khu vực trung tâm văn hóa, chính trị của một đơn vị hành chính cấp huyện hạng thị trấn thì chợ Lịm hoạt động mua, bán liên tục tất cả các ngày trong tháng. Chỉ có điều, các ngày chính phiên thì chợ đông đúc hơn, khách thập phương từ các tỉnh bạn Hà Nam, Hưng Yên cũng đến mua và bán đủ loại hàng hoá, làm cho chợ Lịm nhộn nhịp và đậm đà màu sắc văn hoá dân gian, vượt xa ý nghĩa dịch vụ thương mại thuần tuý. Nên khi ấy chợ có thêm cả phần hội. Người ta đến chợ mua bán hàng hóa chỉ còn là cái cớ. Mà đến để tìm gặp nhau, giao lưu hay thưởng thức một món quà quê gì đó mới là cái chính. Thi vị kẻ chợ cũng được hình thành từ những cơ duyên ấy của những ngày phiên chợ, kiểu như phiên chợ Lịm.

Chợ Lịm cũng giống như các chợ khác ở Việt Nam, có lẽ ban đầu chỉ là sự xuất hiện tự nhiên dưới dạng chợ cóc, chợ xanh. Thoạt tiên là mấy hàng rau, hàng cá, hàng gạo, hàng quả... nhen nhúm dần lên, kẻ bán người mua... Cứ thế mà thành chợ tự bao giờ chẳng biết. Tra cứu các nguồn văn tịch cổ  cũng như lệnh chỉ của các cấp quản lý chính quyền cũ, không hề thấy có tài liệu nào ghi chép về việc thành lập chợ Lịm. Chỉ biết rằng, từ ngày xửa ngày xưa, từ rất nhiều đời nối truyền, lớn lên mọi người đã thấy có chợ Lịm họp rồi. Biết bao thế hệ lớn lên, trưởng thành được bởi nhờ có những mớ rau, con cá, tấm áo, quyển vở và cây bút viết được mang về từ chợ Lịm ngày ngày.

Cũng là một hoạt động xã hội và kinh tế có yếu tố dịch vụ nên chợ hoàn toàn phụ thuộc vào tốc độ phát triển của nền kinh tế quốc dân, kể cả quy mô lẫn nhịp độ. Để đáp ứng nhu cầu phát triển của huyện Phú Xuyên nói chung, nơi có sở hành chính, chính trị của huyện nói riêng, năm 1992  chợ Lịm được  đầu tư xây dựng nâng cấp lần đầu. Với kết quả đầu tư ấy, chợ Lịm phần nào đã đáp ứng được nhu cầu dịch vụ của thực tế nền kinh tế - xã hội từ đó đến nay. Song Phú Xuyên trong tương lai sẽ trở thành thành phố vệ tinh và trước mắt đã là một đơn vị hành chính ngoại thành của Thủ đô, thì chợ Lịm với quy mô hiện trạng không còn phù hợp nữa.

Để đón đầu sự phát triển và khẩn trương hoàn thành chức năng dịch vụ giao thương, chợ Lịm phải được mở rộng và thay đổi mô hình quản lý. Ngày 20-02-2012, UBND huyện Phú Xuyên đã quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng cải tạo và nâng cấp chợ, đồng thời giao cho Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Nam Hà Nội làm chủ đầu tư.

Chợ Lịm mới sẽ được xây dựng trên tổng diện tích 4.818m2 với đầy đủ các khu chức năng:

- Khu bán hàng lộ thiên nhưng có mái che bằng tôn 1.391m2;

- Khu bán hàng và kết hợp đa năng (hai tầng kiên cố) 445,7m2;

- Bãi để xe và thu gom rác thải 223m2;

- Nhà vệ sinh 25m2;

- Diện tích còn lại là hệ thống thoát nước đường giao thông và cây xanh.

Tổng mức đầu tư khoảng 10 tỷ đồng. Ngoài ra UBND huyện Phú Xuyên cũng phê duyệt dự án đầu tư 4 tỷ đồng để xây dưng con đường nối Quốc lộ 1A vào chợ.

Chợ Lịm hoàn thành sẽ là một trung tâm thương mại có tầm khu vực rất khang trang, hiện đại, tương xứng với quy hoạch của đô thị vệ tinh liền kề Thủ đô, đặc biệt là khu bán hàng nhà kết cầu hai tầng được đặt ở vị trí phía Bắc của chợ. Tầng 1 là các kiốt  có diện tích 15m2. Tầng 2 có diện tích 37m2 dùng làm kho hàng và các tiện ích khác. Kiến trúc của mỗi gian nhà hàng này  bao gồm các chức năng bán hàng, nhà kho, phòng khách, phòng nghỉ, nhà vệ sinh... một dạng thức khép kín. Người sử dụng cùng một lúc được thoả mãn hai nhu cầu là kinh doanh và tổ chức thực hiện các mục đích giao thương khác. Nhà có kết cấu vĩnh cửu, kiến trúc đẹp và rất tiện ích. Mô hình kiến trúc này rất phù hợp với mô hình kiến trúc đô thị, nhất là tới đây khi Phú Xuyên trở thành một thành phố. Nhà đầu tư và các cấp quản lý, quy hoạch đã bước đi đón đầu và đúng hướng, đây được coi là một điển hình về hình thức cải tạo kiến trúc, thay đổi mô hình quản lý chợ, đặc biệt là thay đổi diện mạo cảnh quan không gian văn hoá chợ. Hiện đại nhưng hồn cốt dân gian vẫn được bảo tồn và phát huy. Ngay sau khi chợ Lịm được phê duyệt chủ trương và quy hoạch, ngày 15-10-2011, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Nam Hà Nội đã chính thức khởi công xây dựng. Sau 6 tháng thi công, đến nay khu chợ lộ thiên đã hoàn thành, hệ thống giao thông và thoát nước đang hoàn thiện, khu kiốt hai tầng đã xong phần xây dựng thô. Theo kế hoạch thi công, chủ đầu tư dự kiến đến quý 2-2012 toàn bộ các hạng mục còn lại của giai đoạn 1 theo quy hoạch được duyệt sẽ hoàn thành. Tuy nhiên trong quá trình xây dựng như vừa qua, chợ Lịm vẫn không bị ngừng hoạt động. Vừa xây, vừa họp, ngày 1, ngày 3, ngày 6, ngày 8 đúng phiên vẫn tấp nập kẻ bán người mua.

Chợ Lịm bước đầu đã khẳng định được sự đầu tư đúng đắn và có mục đích của các cấp uỷ Đảng, chính quyền huyện Phú Xuyên. Từng hạng mục cứ mọc lên và hoàn thành, xong đến đâu có người đăng ký, lấp đầy đến đó. Sự lãng phí bằng thời gian chờ đợi khoảng diện tích lưu không chậm đưa vào khai thác là một bài học của rất nhiều dự án đầu tư. Nhưng đối với chợ Lịm thì điều đó đã không xảy ra. Mới chỉ thế thôi mà số hộ kinh doanh đã tăng hơn so với ngày đầu chưa xây dựng lại, từ chỗ 140 hộ nay đã là 300 hộ.

Giai đoạn 1 hoàn thành, ngay sau đó chủ đầu tư sẽ tiếp tục thi công giai đoạn 2, phá bỏ khu nhà cầu mái tôn hiện nay, thay vào đó là một khu nhà hàng 4 tầng, ở đó kinh doanh các mặt hàng điện tử, thời trang, hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống, nhà hàng ăn uống, các dịch vụ văn hóa như hội nghị, phòng cưới... Khi ấy chợ Lịm đủ điều kiện trở thành trung tâm thương mại đầu mối có quy mô liên vùng chứ không chỉ của riêng Hà Nội

Bằng sự quyết tâm của chính quyền và lòng nhiệt tình ủng hộ của nhân dân địa phương, cộng với trách nhiệm của chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Nam Hà Nội, chợ Lịm sẽ được hoàn thành đúng kế hoạch và thoả lòng ước ao, mong đợi của những người đi mua, đi bán từ biết bao đời nay rằng chợ Lịm xứng danh chốn kẻ chợ nhân văn thương mại thời hội nhập kinh tế toàn cầu.

Nguyễn Văn Bảo

Top