Chùa Đậu

Là một ngôi chùa nổi tiếng, chùa Đậu nằm trong xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín. Theo tích xưa, vì chùa thờ nữ thần Pháp Vũ (bà Đậu) nên được nhân dân gọi là chùa Đậu và còn có tên là Pháp Vũ tự.

Theo truyền thuyết, Chùa được dựng dưới thời Bắc thuộc lần thứ hai (602 - 939), nhưng theo văn bia tu tạo dựng năm Dương Hoà đời thứ 5 thì ngôi chùa này được tôn tạo vào thời Nhà Lý, thế kỷ thứ 11. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đến nay chùa Đậu vẫn giữ được những nét cổ xưa vốn có. Chùa đã được trùng tu nhiều lần. Theo văn bia Ngoài ra trong chùa còn nhiều viên gạch lớn thời nhà Mạc và một số bia có niên hiệu Sùng Khang (1566 - 1577).

Về kiến trúc, chùa Đậu được xây dựng theo kiểu “nội công ngoại quốc”. Tam quan chùa là một gác chuông đẹp, hai tầng tám mái với các đầu đao cong vút. Nhiều bộ phận gỗ được chạm khắc hình rồng, phượng và hoa lá. Tầng trên treo quả chuông đúc năm 1801 thời Tây Sơn.

Đi qua tam quan là một sân gạch rộng, hai bên có hai tòa giải vũ làm nơi nghỉ ngơi cho khách hành hương. Tiền đường phía trước, nối liền với hai dãy hành lang hai bên và nhà tổ ở phía sau làm thành một khung vuông bao bọc lấy tòa thiêu hương và điện thờ Bà Đậu.

Sau Tam quan là một sân rộng, hai bên sân dựng Tả Hữu vu đã khẳng định về yếu tố nhập vào chùa, để phần nào biến Pháp Vũ Phật trở về với tư cách của thần làm mưa. Chính giữa sân là một đường lát, khác hai bên, tạo nên một dũng đạo dẫn từ Tam quan vào Tiền đường. Lối chính giữa được bó bằng rồng đá với 500 năm tuổi. Thành bậc hai lối lên ở bên là rồng do mây hóa.

(Ảnh: TL)

Tiền đường là một tòa nhà mang nghệ thuật của giữa thế kỷ XVII. Kết cấu vì nóc và cốn đều theo kiểu chồng rường, trên bốn hàng chân với các đề tài được chạm trổ rất kỹ với nét chạm dứt khoát, mạnh. Đó là những con rồng với nhiều kiểu dáng, rồi phượng vũ, lân và những vân xoắn cùng đao mác. Đây là một kiểu kiến trúc khá hoàn chỉnh, giữ được khá nhiều nét chạm của thời khởi dựng.

Phần Thượng điện cũ đã bị phá trong chiến tranh chống Pháp. Hiện ở đó còn một bệ đá có nhiều nét chạm mang phong cách thế kỷ XVI, nhiều tượng phật cổ, trong am thờ là tượng Pháp Vũ với màu xám sẫm. Tượng này mới được làm lại vào giữa thế kỷ XX, song hầu như theo phong cách tạo tượng ở thế kỷ XVII nên rất đẹp. Trong chùa chính còn có nhiều hiện vật quý, đó là những viên gạch rồng của thời Mạc (thế kỷ XVI), đánh dấu sự tu bổ trong thời kỳ này. Tiếp đó là những gạch hòm sớ lớn hơn mà trên mặt từng viên có hình hổ hoặc voi, ngựa, chim, thú... đầy chất ngộ nghĩnh, nhiều yếu tố dân gian của thế kỷ XVII, rồi những tấm bia khá điển hình của thế kỷ XVI, XVII mang đầy ý nghĩa triết học (bằng nét chạm).

Đặc biệt là tại tòa Tiền đường đã có một khánh gỗ lớn, đồng thời cũng là tấm bảng văn ghi niên hiệu Chính Hòa. Hiện vật này còn thấy rất hiếm trong di sản văn hóa ở nước ta.

(Ảnh: TL)

Ở chùa Đậu có khá nhiều bia đá từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 18. Trong chùa có chiếc khánh đồng đúc năm 1774 với bài minh do Phan Trọng Phiên biên soạn. Ở đây còn hai tấm biển gỗ sơn son thiếp vàng khắc bài thơ nôm của Chúa Trịnh Căn (1682 - 1709) và Chúa Trịnh Cương (1709 - 1729). Ngoài những giá trị kiến trúc, chùa Đậu còn bảo lưu được nhiều di vật quý như: 2 con chồn đá ở thềm Tam Quan có niên hiệu thời Trần, đôi rồng đá ở thềm bậc Tiền Đường, đến nay đã có hơn 500 năm tuổi; các phù điêu trạm hình tiên nữ đầu người, mình chim, những chàng trai cưỡi rồng đánh hổ, các loại gạch đất nung có hoa văn thời Mạc, thời Lê, hai bộ sách đồng...

Đặc biệt, ngôi chùa được công nhận là chùa có tượng đắp từ di hài người đầu tiên ở Việt Nam. Đây là nơi còn lưu khá nguyên vẹn nhục thân sư ông Vũ Khắc Minh với chiều cao ngồi 57cm, nặng 7kg.  Tục truyền xưa kia, nhân dân quanh vùng thường gọi thiền sư Vũ Khắc Minh là nhà sư rau, bởi quanh năm thức ăn của ông chỉ duy nhất là rau. Trước khi mất, ông ngồi vào trong am để tụng kinh, mang theo 1 chum nước và một chum dầu để thắp. Ông dặn các đệ tử “sau 3 tháng 10 ngày nếu không nghe thấy tiếng gõ mõ tụng kinh nữa mới được mở cửa am ra. Nếu thi thể của ta còn nguyên vẹn thì lấy sơn ta bả lên người, còn nếu đã bị hôi thối thì dùng đất lấp am”. Vị thiền sư đã chuẩn bị cho sự ra đi của mình. Năm 1983, Viện Khảo cổ học cử một đoàn cán bộ, trong đó có ông Nguyễn Lân Cường về chùa Đậu kiểm tra sự xuống cấp của gác chuông. Sau khi đi một vòng quan sát những di sản, hiện vật quý của chùa Đậu, nhà khảo cổ Nguyễn Lân Cường đứng rất lâu trước một chiếc am thờ bên cạnh chùa. Phía bên phải chùa cũng có một chiếc am nữa. Bên trong tháp cũng có một vị thiền sư và theo trụ trì chùa, đó là nhục thân của thiền sư Vũ Khắc Trường, mà theo truyền thuyết là cháu của thiền sư Vũ Khắc Minh. Nhà khảo cổ Nguyễn Lân Cường đã tiến lại vén mành. Ông phát hiện ra vết nứt trên trán pho tượng. Qua vết nứt rất nhỏ, chỉ chừng 0,2cm, ông nhìn rõ xương sọ. Như vậy, ông chắc chắn bên trong pho tượng này chứa hài cốt người, chỉ có điều đây là hình thức táng nào thì còn phải nghiên cứu kỹ mới có được câu trả lời. Thế là, nhục thân thiền sư Vũ Khắc Minh được đưa về phòng chụp X-quang của Bệnh viện Bạch Mai. Các phim chụp không phát hiện được vết đục nào trên hộp sọ. Từ việc không có vết đục ở sọ, nhà khoa học Nguyễn Lân Cường khẳng định rằng, não của thiền sư Vũ Khắc Minh đã không bị lấy ra khỏi cơ thể. Để tìm được câu trả lời về cách táng tượng này,  PGS Nguyễn Lân Cường đã cùng các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu nhiều năm ròng. Việc tìm hiểu chất liệu để làm tượng được các nhà khoa học đặc biệt chú ý. Các nhà khoa học đã tìm ra chất liệu làm tượng giữ thi hài thiền sư Vũ Khắc Minh và thiền sư Vũ Khắc Trường khá đơn giản, gồm sơn ta, đất tổ mối, mùn cưa, giấy bản...

(Ảnh: TL)

Chùa Đậu cũng nhận kỷ lục chứa cuốn sách ghi lịch sử chùa bằng đồng xưa nhất với chiều dài 24,8cm, rộng 13cm, gồm 10 tờ đồng. Chùa được ghi nhận là “Danh lam đệ nhất” thời Hậu Lê. Chùa Đậu, một kiến trúc đặc biệt mang nhiều bản sắc dân tộc, đã đánh dấu một bước phát triển của tín ngưỡng dân dã, đồng thời là một kiến trúc lớn còn giữ được nhiều dấu vết nghệ thuật của nhiều giai đoạn lịch sử. Chùa xứng đáng là một điểm sáng trong hệ thống di tích của Việt Nam.

Trần Hoàng

Top