Thăng trầm số phận những cụ Rùa Văn Miếu

Những tưởng 82 tấm bia và cùng với bia là 82 cụ rùa ở Văn Miếu Quốc Tử Giám là hằng số. Từ xưa đã vậy và nay vẫn thấy thế. Nhưng với cuộc thế xoay vần, các tấm bia, cụ rùa cũng chẳng được yên thân, cũng như ngay cả công trình kiến trúc Quốc Tử Giám cũng vậy. Bia và rùa cũng bị phá hủy và mất mát. Con số 82 hóa ra không hẳn là con số vốn có của bia và rùa ở nơi danh thắng nổi tiếng này.

Cuộc khai quật của Viện Khảo cổ học và Sở Văn hóa - Thông Tin Hà Nội tháng 4 năm 1976 tại Văn Miếu đã phát hiện một cụ rùa đá, vốn là đế của một tấm bia dưới lòng hồ phía Tây, nằm chìm dưới lớp bùn sâu. Nghiên cứu sơ bộ cho thấy kích thước dài 1,15m, hình dáng của cụ khá giống với các cụ được chế tác vào khoảng Thời Lê Trung Hưng, niên đại thế kỷ 17. Mặc dù vậy, tấm bia mà vốn cụ đã từng nhọc nhằn nâng đỡ trên lưng thì lại bị mất tích. Năm 1990, các nhà khảo cổ lại tìm được trong khuôn viên một cụ rùa nữa dài 1,76m. Giống như cụ trước, cụ này cũng có rãnh khoét trên lưng để đặt bia, nhưng bia đã không còn.

Với hai cụ rùa được tìm thấy trong lòng đất Văn Miếu, các nhà khoa học đã đoán chắc được đôi điều: đây là hai bệ đá tượng rùa của hai tấm bia Tiến sĩ Văn Miếu, nhưng là của tấm bia của triều nào thì cũng còn phải bàn cãi. Vậy là tại Văn Miếu ít nhất phải có 84 tấm bia được dựng trước đây.

Lần theo thư tịch cổ, các nhà Hán Nôm học đã thống kê được tổng số khoa thi từ đầu Thời Lê Sơ là 121, có 30 khoa không dựng bia. Số bia đang được dựng trong Văn Miếu là 82. Nếu đúng như vậy thì số bia Văn Miếu phải là 91 tấm. Còn số bia bị mất là 9 chiếc. Mặc dù hai trong số đó được khảo cổ học tìm ra đế bia tượng rùa nhưng vẫn chưa tìm được bia.

Có thể nói với 7 tấm bia mà Vua Lê Thánh Tôn sai khắc đề danh tiến sĩ cùng với 7 cụ rùa đội bia, đã là dấu ấn mở đầu cho Di tích Văn Miếu. Bia và rùa đều mang đậm phong cách trang trí mỹ thuật Thời Lê Sơ. Văn Miếu khi đó là một công trình uy nghi. Chẳng thế mà tấm bản đồ Lê Hồng Đức vẽ năm 1490 còn lưu dấu công trình hiếm hoi để lại cho hậu thế này. Đây có lẽ là thời thịnh trị không những đối với Triều Lê mà còn của cả Văn Miếu.

Trải qua khá nhiều biến động lịch sử, Văn Miếu cũng bị phá hủy do thiên tai. Nhiều lúc Thăng Long bị ngập lụt, nước ngập cả vào nơi này như sử cũ chép lại. Mặt khác, bia còn bị hủy hoại do các cuộc nội chiến Thời Lê Trung Hưng. Qua một bài sớ của người dân trại Văn Chương, có nói đến việc dâng sớ lên Vua Quang Trung, đề nghị sắp xếp, tu sửa các bia Văn Miếu, thì ngày nay chúng ta mới biết được vào giai điểm này, Văn Miếu đang còn hoang tàn đổ nát vì loạn ly.

Bia lại còn bị đục phá, nhưng là do sự thù ghét của triều đại sau đối với triều đại trước mà điển hình là theo lệnh Vua Minh Mạng năm 1840, tất cả những chữ ghi trên bia liên quan đến nhà Trịnh đều phải bị đục, xóa. Tên một số nhân vật lịch sử có tên trên bia như Ngô Thì Nhậm và Lê Quý Đôn cũng không ngoại trừ. Có lẽ đấy là nhà Nguyễn sẵn có mối thù với nhà Trịnh mà có hành động cực đoan chăng?

(Ảnh: theo zing.vn)

Đến thời Tự Đức, năm 1863, các bia mới được dựng theo hàng lối ngay ngắn. Lại đến khi Pháp xâm lược, nền Nho học đi xuống, Văn Miếu lại tiếp tục bị bỏ hoang, cỏ cao lụt đầu người. Chỉ đến sau năm 1954, Văn Miếu mới được phục hồi như ngày nay.

Nằm trong bối cảnh thăng trầm của lịch sử, các cụ rùa đội bia ở Văn Miếu cũng bị vạ lây. Hai cụ rùa mà khảo cổ học có công khai quật từ lòng hồ Văn Miếu chắc chắn là bị vứt bỏ từ 2 tấm bia Văn Miếu. Nhưng đáng nói hơn cả là các cụ đều bị chặt đầu. Vết chặt còn khá rõ ràng. Tại sao các cụ bị chặt đầu, rồi lại từng bị quẳng xuống hồ? Cũng là một bí ẩn lịch sử đòi hỏi được giải mã. Hiện nay, hậu thế còn có thể đến thăm cụ, đang nằm ở cửa ra vào hai dãy nhà bia. Mỗi cụ nằm ở một cửa, phơi sương phơi nắng. Thiết nghĩ các nhà quản lý văn hóa nên đặt hai cụ vào dãy nhà bia cho đúng với vị trí mà các cụ đáng được tôn vinh, cạnh 82 cụ “đồng nghiệp” may mắn hơn. Hoặc giả, ít ra cũng nên sắm cho các cụ một mái nhà nho nhỏ, trong lúc còn chờ các nhà sử học xác minh thân thế một cách chính xác hơn. Đây cũng là một cách tri ân với quá khứ và tôn vinh sự học của nước nhà, cũng như uống nước nhớ nguồn.

Theo chúng tôi, có thể hai cụ rùa bị chặt đầu này nằm trong một cuộc trả thù ân oán nào đó. Khi mà một triều đại nào đó lên đã trả thù triều đại trước (mà đục chữ trên bia chỉ là một ví dụ), đã chặt đầu rùa-một biểu tượng vĩnh tồn mang tính quyền lực của Vương Triều, dòng họ.

Sự việc rùa bị chặt đầu tưởng chỉ xảy ra ở Văn Miếu. Hóa ra cũng lại có một cụ rùa nữa bị chặt đầu. Vết chặt lần này khá rõ. Mà không chỉ chặt đầu mà còn bị chặt cả chân nữa. Đó là cụ rùa được phát hiện trong lòng đất gần Vườn Bách Thảo. Trong lúc làm doanh trại, các chiến sĩ lực lượng vũ trang đã phát hiện ở độ sâu 1,3 m. Rùa đá kích thước khá lớn: chiều dài mai rùa đã là 2,01 m. Chiều rộng mai là 1,58m, chiều cao thân rùa là 43 cm. Tượng rùa là phần bệ để đỡ một tấm bia đá bị mất từ trước.  Một chân đế phẳng có độ dày khoảng 27cm làm nền cho tượng. Phần thân rùa còn nguyên vẹn, mai có hình gần bầu dục, hơi cong vồng.

(Ảnh: TL)

Đáng ngạc nhiên là tượng rùa bị chặt đầu và chặt một bên chân sau. Vẫn còn thấy ba chân còn lại, có 5 móng nhọn sắc, quặp xuống và phần đuôi tròn uốn lượn, nằm vắt lên mai rùa. Rùa bị chặt đầu và chân một cách có chủ ý, vết chặt còn gọn và sắc. Người chặt đầu rùa chắc là phải có ân oán gì đó sâu nặng lắm mới “ra tay” một cách ghê gớm nhường vậy.

Đi tìm niên đại của rùa Bách Thảo là một công việc khó khăn, vì rùa đã bị mất đầu, vốn là bộ phận lưu dấu nhiều họa tiết tạo hình đọng lại dấu ấn thời gian. Nhưng qua so sánh với 82 tấm bia ở Văn Miếu khắc tên của 130 vị Tiến sĩ, có thể thấy rùa đá này giống với rùa của bia năm 1466 và 1478 ở đặc điểm chân có 5 móng thò ra ngoài, mai rùa hình bầu dục, cong vồng, phần đuôi cong uốn lượn không vắt lên mai mà cụp xuống. Rùa Bách Thảo cũng có nét giống với rùa trên bia đá Lam Kinh, Thanh Hóa. Vì thế, có thể đoán định “ngày sinh” của rùa vào khoảng thời Lê Sơ là hợp lý.

Vị trí rùa được tìm thấy chỉ cách điện Kính Thiên Thời Lê khoảng 700m, liệu có liên quan gì đến Hoàng Thành Thăng Long? Đây cũng là địa giới của thôn Khán Sơn xưa, bị phá từ cuối thế kỷ 19 để làm vườn Bách Thảo. Trước đây thôn có một ngôi chùa tên là Khán Sơn Tự, có mặt trên bản đồ Hồng Đức từ năm 1490. Liệu đây có phải là rùa đội bia đá chùa Khán Sơn?

Rùa đá có tội gì đâu mà bị chặt đầu? Có lẽ câu trả lời nằm ở chỗ phải có những người ghét cay ghét đắng Nhà Lê mới tìm đến để trả thù biểu tượng trường tồn của triều đại này. Họ hoặc con cháu họ bị oan khiên lớn lắm trong Thời Lê thì mới tìm về để chặt đầu một vật vô tri giác là tượng đá.

Vậy là, hiện nay đã tìm ra tới 3 cụ rùa bị chặt đầu. Không thể nào là sự ngẫu nhiên. Các cụ đều mang theo một nỗi oan ức ghê gớm mà nếu như không có việc đào bới khai quật thì nỗi hận đó còn để lại nghìn thu trong lòng đất. Cụ rùa ở Vườn Bách Thảo có gì liên quan đến Văn Miếu chăng? Khi mà theo các nhà Hán Nôm, Thời Lê Sơ, vẫn còn tới 8 tấm bia Tiến sĩ bị thất lạc, mà cụ rùa đội bia ở Bách Thảo cũng có niên đại Lê Sơ.

Tôi tin rằng trong tương lai, có thể khảo cổ học sẽ tìm được thêm một số cụ rùa khác trong lòng đất và xác minh được lai lịch các cụ. Thậm chí, có thể tìm được các tấm bia còn được quăng quật đâu đó trong lòng đất. Khi đó có thể giải mã được nhiều gút mắc của lịch sử. Dẫu sao, cho đến nay, có thể chỉnh lý lại số lượng rùa đội bia ở Văn Miếu không chỉ là 82 cụ nữa mà đã là 84. Có khả năng lại là 85 nếu như cụ rùa ở Bách Thảo được xác minh rõ thêm là cũng từng đội bia Tiến sĩ.

(Ảnh: TL)

Cũng có đôi chút ngậm ngùi cho số phận 3 cụ rùa bị chặt đầu do người đời oán ghét nhau. Có lẽ các cụ cần được quy tập vào hai dãy nhà bia có mái che mưa nắng. Cũng đã đến lúc mà chúng ta cần bắt tay vào một công việc khoa học hơn nữa về các tấm bia Văn Miếu: sắp xếp lại các bia cho phù hợp với các cụ rùa. Chứ hiện nay thì còn khá lung tung. Đôi khi bia triều đại này lại ghép vào đế bia có cụ rùa của triều kia. Có sắp xếp lại thì mới nâng cao được tính khoa học, như sự thật vốn thế, cũng đồng thời để lớp lớp hậu thế có dịp hiểu hơn về một kho tàng mỹ thuật cổ của cha ông dựa theo diễn biến đích thực của các bia và hình tượng rùa biến đổi theo từng niên đại. Mà việc sắp xếp này có đầy đủ cơ sở khoa học. Vậy thì tại sao chúng ta lại không bắt tay vào thực hiện nhỉ?

PGS.TS Trịnh Sinh

Top