Buôn cổ M’Liêng
Không gian buôn M’Liêng thanh bình, cổ kính như một Tây Nguyên của hàng trăm năm trước. M’Liêng là một buôn đẹp có quy mô lớn của người M’nông Rlăm còn giữ được nét cư trú truyền thống của người M’nông giao thoa với người Ê-đê. Khu nhà ở là những nhà sàn dài được phân bố tập trung, trên một khu đất rộng, xung quanh được rào kỹ bằng các bụi le lớn, có rừng thiên nhiên, đầm lầy trồng cói, cánh đồng, ruộng nước, cây cổ thụ lâu năm, bến nước truyền thống. Người dân trong buôn vẫn làm các nghề thủ công truyền thống, phong tục tập quán, lối sống tiêu biểu của vùng đầm lầy trên cao nguyên Đăk Lắk. Trải qua nhiều biến động, bây giờ trong buôn không còn nhà nào có voi, nhưng không gian riêng của buôn với những con suối, sông, bến nước, bến voi vẫn còn nguyên vẹn cho đến ngày nay. Các lễ hội văn hoá dân gian hàng năm đã phản ánh đầy đủ văn hoá cồng chiêng, văn hoá mẫu hệ, văn hoá sử thi, văn hoá ẩm thực phong phú đa dạng, phù hợp với các tiêu chí bảo tồn, phát huy buôn văn hoá truyền thống. Rất nhiều gia đình còn giữ được ghế Kpan - là nơi trang trọng để các nghệ nhân ngồi diễn tấu Cồng chiêng trong các dịp lễ hội của người M’nông - với chiều dài hơn 20m, lòng ghế rộng hơn 1m; cùng nhiều chiêng cổ, ché cổ, trống làm bằng da 2 con trâu lớn, trống da voi còn được lưu giữ.
Tháng 4-2006, Bộ VHTTDL đã cho phép Sở VHTTDL Đắc Lắk triển khai Dự án Bảo tồn buôn văn hóa truyền thống M’Liêng với mục tiêu xây dựng, bảo tồn buôn M’Liêng thành buôn văn hóa mang đậm những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của người M’nông Rlăm.
M’Liêng là một buôn đẹp có quy mô lớn của người M’nông Rlăm (Ảnh:TL)
Buôn M’Liêng có 106 hộ, 560 khẩu trong đó, đồng bào M’nông R’lăm có 103 hộ. Buôn M’Liêng nằm trong tuyến du lịch hồ Lăk, một Di tích danh lam thắng cảnh được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia. Trong vùng danh thắng hồ Lăk còn có ngôi nhà nghỉ chân mỗi khi đi săn voi của Vua Bảo Đại toạ lạc dưới những cây Kơnia cổ thụ, hùng vĩ trên đỉnh núi. Dưới chân núi là buôn Jun, một buôn du lịch đã được ngành Du lịch tỉnh đầu tư cùng với các điểm du lịch khác trong tỉnh như: Buôn Đôn, Krông Bông, Krông Ân, Cư’gar... Bên kia suối M’Hiêng của buôn M’Liêng là buôn Nâu, nơi có Ban Quản lý môi trường văn hoá hồ Lăk, có khu bảo tồn động vật quý hiếm như: voi, cá sấu, nai, hươu, thỏ, heo rừng... Do vậy, việc chọn buôn M’Liêng, nơi định cư của dân tộc M’nông Rlăm để bảo tồn buôn văn hoá truyền thống gắn với quần thể khu du lịch hồ Lăk là điều kiện thuận lợi để người dân trong buôn phát triển kinh tế gắn với mô hình văn hoá du lịch là một việc làm đúng đắn của ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch.
Bắt tay vào việc bảo tồn buôn M’Liêng, Sở VHTTDL Đắc LắK đã phối hợp với Ban Tự quản buôn M’Liêng chọn ra 6 hộ khó khăn nhất được bảo tồn nhà truyền thống. Các nghệ nhân giỏi làm nhà truyền thống của buôn được tập hợp lại trong đội bảo tồn. Các nghệ nhân này đã không ngại gian khổ vào rừng chọn tre, nứa, mây, gỗ... để làm nhà mới cho 6 hộ dân trên. Chỉ trong vòng một năm, những ngôi nhà được làm xong theo đúng kiến trúc ngôi nhà truyền thống của đồng bào M’nông Rlăm.
(Ảnh: TL)
Bên cạnh đó, Sở VHTTDL Đắc Lắk còn tổ chức các lớp nghiệp vụ về truyền dạy bảo tồn nghề thủ công truyền thống như dệt chiếu cói, đan lát, dệt thổ cẩm, đánh bắt cá... Sở cũng tổ chức bảo tồn các loại hình văn hóa phi vật thể: Bảo tồn lễ hội truyền thống (lễ cúng bến nước, lễ cúng sức khỏe cho voi, lễ cúng vào nhà mới), gìn giữ cồng chiêng, bảo tồn dân ca, sưu tầm truyện cổ đồng bào M’nông Rlăm... và xây dựng đội văn nghệ dân gian cho buôn. Nhờ vậy, đến nay buôn M’Liêng đã có 3 đội cồng chiêng (1 đội truyền thống, 2 đội trẻ) và một đội văn nghệ thiếu nhi. Các hoạt động dạy đánh cồng chiêng, chỉnh chiêng... thường xuyên được lớp nghệ nhân truyền dạy cho lớp trẻ. Đội cồng chiêng và đội văn nghệ không những phục vụ cho các hoạt động văn hóa truyền thống của buôn mà còn phục vụ du khách tham quan. Ngoài ra, Sở VHTTDL Đắc Lắk còn tặng đồng bào trong buôn 13 bộ chiêng để có phương tiện sinh hoạt văn hóa cồng chiêng.
Sau hai năm thực hiện dự án bảo tồn buôn văn hoá truyền thống M’Liêng, đến cuối năm 2009, việc bảo tồn đã hoàn tất. Cụ thể đã phục dựng được 6 nhà truyền thống; phục hồi nghề thủ công truyền thống; xây dựng một nhà văn hoá cộng đồng; thông qua việc bảo tồn buôn truyền thống đã tuyên truyền, giáo dục cho mọi người dân trong buôn có ý thức gìn giữ các giá trị văn hoá của cộng đồng. Đặc biệt đã phát huy các ngành nghề truyền thống (như dệt thổ cẩm, đan lát, ẩm thực) để phục vụ khách du lịch, nâng cao đời sống gia đình và cộng đồng.
(Ảnh: TL)
Dù rằng vẫn giữ được những nhiều giá trị văn hóa truyền thống quý giá, nhưng buôn M’Liêng cũng như nhiều buôn làng khác của Tây Nguyên, đang đứng trước nhiều thử thách giữa bảo tồn và phát triển. Cơn lốc văn hóa nhập cư đang len lỏi đến mọi ngóc ngách của buôn. Nhiều nhà dài đã xuống cấp, trong khi rừng đã không còn những cây đại thụ để lấy gỗ sửa chữa. Dù trong làng cũng còn nhiều nhà giữ được chiêng cổ, ché cổ, ghế K’pan, nhưng những người biết diễn tấu chiêng hay thuộc chuyện cổ, hát Ay Ray, chơi các nhạc cụ dân tộc thì không còn mấy ai. Thanh niên, trẻ nhỏ giờ thích chơi ghi ta nghe nhạc nhẹ, ráp, nhảy hip hop hơn là đánh cồng chiêng, múa xoang nghe hát dân ca. Các lễ hội thì ở M’Liêng hiện nay chỉ còn duy nhất lễ cúng lúa mới, các lễ hội khác chỉ con trong ký ức của người già thôi.
Dự án bảo tồn buôn văn hóa truyền thống buôn M’Liêng đã làm thay bộ mặt và tìm lại được một chút dáng hình cổ xưa của buôn. Nhưng xem ra, những cố gắng ấy vẫn chưa đủ để bảo tồn, phục dựng một buôn M’Liêng cổ xưa của người M’nông bản địa. Hy vọng vào một ngày không xa, nơi đây sẽ được cơ quan chức năng địa phương xây dựng thành điểm du lịch cho du khách thập phương đến tham quan và thưởng lãm văn hóa Tây Nguyên.
Nguyễn Chính