Bún cá Châu Đốc

Mảnh đất Châu Đốc bé nhỏ được bao bọc bởi những dòng sông ngọt ngào uốn quanh và phù sa màu mỡ bồi đắp quanh năm, thuận lợi phát triển nhiều mặt. Châu Đốc là trung tâm kinh tế, văn hoá, thương mại, du lịch… của tỉnh An Giang. Đến Châu Đốc du khách sẽ được hóng gió, ngắm cảnh mây nước thanh bình nơi ngã ba song, hoà mình vào không gian linh thiêng và nhộn nhịp của một lễ hội cấp quốc gia - lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam, và đặc biệt bạn sẽ được thưởng thức những món ăn truyền thống, đặc sản của miền quê sông nước như bún cá Châu Đốc (hay còn gọi bún nước lèo).

Chẳng ai biết xuất xứ của món ăn này, chỉ biết rằng bún cá là một món ăn rất được người dân miền Tây yêu thích. Có lẽ một phần cũng vì hình ảnh miền Tây thường gắn liền với sông nước, nhiều tôm cá nên các món ăn được chế biến từ cá luôn chiếm giữ một vai trò quan trọng trong văn hóa ẩm thực. Trong tiềm thức của đa số người dân Châu Đốc, món bún cá thân thuộc đến mức đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi người dân nơi đây.

Bún cá ngày càng phong phú và ở mỗi địa phương. Tuy cùng là những loại bún giống dạng bún nước lèo, nhưng gia vị mỗi loại đều mang một nét rất đặc trưng của từng địa phương. Khác với các loại bún ở những địa phương khác, món bún cá Châu Đốc còn có thêm ngải bún và cách chế biến cũng mang nét rất riêng. Để có được một nồi bún cá ngon, cần chuẩn bị nguyên liệu cho thật tươi ngon như: cá lóc tươi, nghệ tươi, ngải bún, sả cây, mắm ruốc và cả những loại rau ăn kèm rất phong phú và hấp dẫn.

Bún cá Châu Đốc nổi tiếng xa gần (Ảnh: TL)

Sơ chế cá và nấu nước dùng là công đoạn quan trọng nhất. Món bún cá ngon đòi hỏi phần nước lèo phải trong, có vị ngọt từ xương cá, đậm đà vị ruốc và quan trọng hơn nữa đó là không tanh mùi cá. Vì thế, cá lóc phải là cá song, thịt trắng, còn tươi, sống, thì khi nấu, thịt cá mới ngon và ngọt. Cá làm sạch, cho vào nồi nước lạnh luộc. Cá sau khi được luộc chín sẽ vớt ra, gỡ lấy phần thịt nạc và bỏ đi phần xương cá. Phần nạc cá ướp thêm một chút muối, đường, bột ngọt, bột nghệ rồi cho vào chảo xào sơ cho thấm gia vị. Còn nước lèo, sẽ được nấu bằng nước luộc cá, sau đó cho thêm xương lợn và đầu cá vào để nước thêm ngọt. Sau đó, người bán hàng cho sả đập, nghệ tươi giã nhuyễn để làm át mùi tanh của cá. Khi nêm nước dùng, gia vị không thể thiếu là mắm ruốc. Mắm ruốc phải dùng lá chuối hoặc lá sen gói lại và nướng lên cho bớt mùi tanh, tăng hương vị. Hòa mắm ruốc vào với nước lạnh, sau đó lấy phần nước trong để cho vào nồi nước lèo đang nấu, góp phần tạo nên hương vị đặc biệt cho món bún cá.

Khi ăn, sẽ trụng bún qua nước sôi, rồi sau đó cho từng lát cá và thịt lợn quay (có nơi thì ăn cùng chả cá, tùy vào khẩu vị của từng vùng mà sẽ có những thay đổi khác nhau), cuối cùng là chan nước lèo vào vừa đủ ngập mặt bún. Nguyên liệu cá lóc đã làm tăng thêm hương vị ẩm thực cho món ăn bình dân miền sông nước. Món này dùng cùng rau ghém như: rau muống bào, hoa chuối, giá, hẹ, rau đắng, rau thơm... Đặt biệt, bát bún cá sẽ tăng thêm độ hấp dẫn hơn khi chấm kèm theo nước mắm nguyên chất, kết hợp cùng ớt tươi và nặn một tí chanh.

(Ảnh: TL)

Rau ăn kèm cùng bún cá cũng rất phong phú và đa dạng như: rau muống bào, bắp chuối non, giá, rau nhút và bông điên điển. Bông điên điển là một loại bông đặc trưng chỉ có ở miền Tây và thường chỉ có vào mùa nước nổi. Món bún cá khi ăn cùng bông điên điển thì mới có thể cảm nhận hết được cái sự ngon lành và hấp dẫn của nó.

Thực khách sẽ nhận ra sự khác biệt giữa bún cá Châu Đốc với bún cá của các vùng lân cận. Nếu như tô bún cá Kiên Giang ngoài thịt cá lóc còn có tôm rim, gạch tôm, thì tô bún cá Châu Đốc lại được ăn kèm thêm vài miếng chả cá thác lác chiên vừa dai vừa béo. Ngoài ra, khi ăn bún cá thì không thể thiếu một chén muối ớt và chanh. Đây cũng là một điểm khá là thú vị cho món bún cá.

Mùi thơm lừng của sả và ngải bún tỏa ra từ nồi nước lèo nóng hổi cùng vị ngọt tươi của thịt cá lóc, và độ dai, béo của chả cá thác lác... tạo nên hương vị đặc trưng riêng cho món ăn này.

Thúy Anh

Có thể bạn quan tâm

Top