Bảo tồn và phát huy giá trị phế tích kiến trúc Champa

Trong các di sản văn hóa Champa để lại cho đến ngày nay, các kiến trúc cổ Champa có giá trị đặc biệt.

Được xây dựng theo suốt chiều dài lịch sử tộc người Chăm, trải qua những thăng trầm của xã hội, sự can thiệp của tự nhiên, cho đến nay hàng trăm công trình kiến trúc Champa vẫn tồn tại, sừng sững tỏa bóng theo dọc dải đất miền Trung lịch sử, hay ẩn mình trên vùng núi Tây Nguyên đại ngàn. Với giá trị đặc sắc về nghệ thuật kiến trúc, họa tiết trang trí các tháp Champa được công nhận là những di tích lịch sử nghệ thuật kiến trúc cấp quốc gia. Riêng Khu Di tích Mỹ Sơn (Quảng Nam) được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa của nhân loại (1999). Nhưng số lượng còn lại của kiến trúc tháp Champa chỉ là một phần nhỏ trong tổng thể các kiến trúc Champa đã từng được xây dựng trong lịch sử. Ngày nay, trên dải đất miền Trung từ Quảng Bình cho đến Bình Thuận còn hàng loạt các công trình kiến trúc Champa bị sụp đổ chỉ còn di tích. Kết quả các cuộc điều tra khai quật khảo cổ học gần đây cho thấy những phế tích kiến trúc Champa là nguồn tư liệu quý cần được bảo vệ và phát huy giá trị khi tìm về những giá trị văn hóa vô giá của Champa trong lịch sử.

I. Một số tư liệu về các phế tích kiến trúc Champa

1. Trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, địa đầu của văn hóa Champa về phía Bắc, nếu lấy năm 192 khi quốc gia cổ Lâm Ấp được thành lập và năm 1069 khi vùng đất này sáp nhập vào lãnh thổ Đại Việt nơi đây có chiều dài lịch sử gần 1000 năm văn hóa Champa tồn tại và phát triển. Mặc dù vậy cho đến nay hầu như không có kiến trúc Champa nào tồn tại trên mặt đất, tất cả đều trở thành phế tích. Năm 1927 -1928 các nhà nghiên cứu đã tiến hành khai quật tại đây 2 phế tích kiến trúc lớn đó là Đại Hữu và Trung Quán. Cuộc khai quật tìm được dấu vết kiến trúc Tháp có quy mô lớn, cùng nhiều hiện vật liên quan, đặc biệt là các hiện vật chôn sâu trong lòng Tháp.

2. Địa bàn tỉnh Quảng Trị vùng đất phía Bắc Champa xưa có 22 địa điểm kiến trúc tháp mà cho đến nay không còn một kiến trúc nào nguyên vẹn đều trở thành phế tích. Nhiều kiến trúc vào thế kỷ XVIII vẫn sừng sững tỏa bóng nhưng cho đến nay sụp đổ chỉ còn lại gò gạch như tháp Trung Đơn. Có những phế tích để lại dấu vết 3 kiến trúc, có dấu vết để lại chỉ có một kiến trúc duy nhất. Các phế tích phân bố nhiều địa điểm thường tập trung dọc theo các triền sông lớn.

3. Tại địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế, qua điều tra khảo sát trước đây có trên 30 địa điểm có dấu tích văn hóa Champa. Nhiều kiến trúc cũng tồn tại đến đầu thế kỷ XX như tháp Linh Thỏi, cho đến nay đó bị sụp đổ. Kết quả khảo sát những năm gần đây cho biết tại đây còn 13 địa điểm có kiến trúc và phế tích trong đó có đền thờ Mỹ Khánh được phát hiện năm 2002.

Tháp Hòa Lai ở Ninh Thuận là đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc Champa (Ảnh:TL)

4. Trên địa bàn thành phố Đà Nẵng cho đến nay không còn một kiến trúc Champa nào tồn tại, nhưng trong lòng đất còn ẩn chứa khá nhiều công trình kiến trúc đã từng được dựng xây trong lịch sử.

5. Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, vùng đất kinh đô cũ Champa, ngoài những kiến trúc tháp hiện còn, nơi đây còn hệ thống phế tích kiến trúc khá phong phú. Những cuộc khai quật tại Trà Kiều năm 1928 tại lòng đất đô cũ đã xuất lộ nhiều dấu vết kiến trúc cùng hiện vật vô cùng phong phú. Tại thành Trà Kiệu cho đến nay khi khảo sát còn ít nhất 06 phế tích kiến trúc.

6. Trên địa bàn Quảng Ngãi, cho đến nay hầu như không còn tồn tại một kiến trúc Champa nào. Những cuộc điều tra khảo sát trước đây cho biết trên vùng đất có nhiều dấu vết kiến trúc bị đổ nát. Các cuộc khai quật tại phế tích tháp Chánh Lộ (1904) hay Vân Khánh (1998) đã cung cấp nhiều tư liệu quý về những kiến trúc.

7. Tại địa bàn tỉnh Bình Định ngoài hệ thống tháp hiện nay còn trên 7 địa điểm với 13 tháp, thì các cuộc điều tra khảo sát cho thấy trên địa bàn còn hàng loạt phế tích kiến trúc bị sụp đổ.

8. Trên vùng đất Phú Yên với tháp Nhạn duy nhất hiện còn thì địa bàn còn lưu giữ trong lũng đất nhiều phế tích kiến trúc khác .

II. Một số nhận xét ban đầu về các phế tích kiến trúc Champa

Thánh địa Mỹ Sơn từng là nơi tổ chức cúng tế của vương triều Chăm pa, đồng thời là lăng mộ của các vị vua Chăm pa và hoàng thân, quốc thích. (Ảnh:TL)

Qua khảo sát, nghiên cứu bước đầu những phế tích kiến trúc Champa cho thấy số lượng phế tích khá phong phú trên mọi miền đất người Chăm quản lý trong lịch sử. Nếu so sánh số lượng địa điểm, kiến trúc tháp hiện còn có thể thấy số lượng địa điểm kiến trúc tháp sụp đổ lớn hơn rất nhiều. Do nhiều điều kiện xã hội, tự nhiên và thời gian các kiến trúc này chỉ còn những gò gạch đổ nát, trong đó ẩn chứa nhiều hiện vật liên quan đến kiến trúc. Có thể nói có một hệ thống dấu tích tháp trong lòng đất, song hành cùng hệ thống tháp hiện còn. Điều tra khảo sát cho thấy các phế tích kiến trúc thường được xây dựng dọc theo bờ các dòng sông chính chảy trên các miền đất. Mỗi địa điểm có thể có một hoặc nhiều kiến trúc, cá biệt là một quần thể kiến trúc như Thập Tháp (Bình Định). Liên quan đến mỗi phế tích là vật liệu xây dựng, gạch, đá, bệ thờ, tượng thờ, đá, gốm trang trí kiến trúc. Những hiện vật liên quan đến kiến trúc vẫn còn ẩn dấu trong các phế tích kiến trúc này. Các cuộc khai quật các phế tích kiến trúc như Đại Hữu, Trung Quán (Quảng Bình); Trà Kiệu (Quảng Nam); Chánh Lộ (Quảng Ngãi); Tháp Mẫm (Bình Định) trước đây hay các cuộc khai quật trong những năm gần đây như: Vân Thạch Hòa (Thừa Thiến - Huế); Phong Lệ (Đà Nẵng); An Mỹ, Tháp Lạn (Quảng Nam); Khánh Vân (Quảng Ngãi) đã cung cấp nhiều tư liệu về kiến trúc Champa trong lịch sử. Các cuộc khai quật đã cung cấp về mặt bằng các công trình kiến trúc, vật liệu xây dựng, kỹ thuật xây dựng, hệ thống tượng thờ, bệ thờ, đồ gốm thờ... đã góp phần tìm về cội nguồn văn hóa Champa. Có thể nói,  mỗi phế tích kiến trúc là một nguồn tư liệu quý, góp phần hiểu sâu hơn, toàn diện hơn về diện mạo văn hóa Chămpa đã từng hiện diện, tỏa sáng trong đời sống văn hóa người dân Chăm trong lịch sử.

(Ảnh: TL)

III. Những kiến nghị bảo tồn các phế tích kiến trúc

Trong thời đại ngày nay, cùng với sự phát triển của kinh tế đất nước, nhiều khu kinh tế, công nghiệp được xây dựng; bên cạnh đó, việc xây dựng các công trình dân sinh diễn ra rầm rộ trên mọi miền đất nước trong đó có dải đất miền Trung. Các phế tích Chămpa cho đến nay được biết đều được xây dựng trên các địa bàn có vị trí thuận lợi dễ bị thương tổn trong quá trình phát triển kinh tế. Chính vì thế các phế tích kiến trúc Champa cần được đặc biệt chú ý bảo tồn và cần có kế hoạch nghiên cứu tường tận trước mắt và lâu dài phục vụ cho việc phát triển của đất nước.

Như trên đã trình bày, phế tích kiến trúc Champa có số liệu nhiều, quy mô lớn, ẩn chứa hiện vật phong phú, cung cấp nhiều thông tin về quá khứ của nền văn hóa Champa. Để bảo tồn và phát huy giá trị của mỗi phế tích trước hết mỗi địa phương có loại hình phế tích, cần có các cuộc điều tra khảo sát tường tận, đánh giá giá trị lịch sử văn hóa của mỗi phế tích một cách khoa học. Lập hồ sơ khoa học cho mỗi phế tích để có kế hoạch cụ thể. Những phế tích có giá trị cần được bảo vệ, cần được công nhận là di tích lịch sử văn hóa để giữ gìn và phục vụ mục đích nghiên cứu khai quật sau này. Những phế tích khác cần có hồ sơ khoa học để lưu giữ tài liệu khi vùng đất đó phục vụ cho việc phát triển kinh tế hiện tại.

Nhiều tháp có kiến trúc rất đẹp với hình những vị thần được trang trí với nhiều loại hoa văn. (Ảnh:TL)

Mỗi phế tích đều lưu giữ trong lòng đất số lượng hiện vật khá phong phú, gồm nhiều loại hình, chất liệu khác nhau. Nhiều hiện vật hiện nay còn xuất lộ trên mặt đất chưa được chú ý bảo quản, cần có kế hoạch thu hồi các hiện vật liên quan về bảo quản tại các bảo tàng nhằm mục đích trưng bày, giới thiệu rộng rãi.

Cần có kế hoạch khai quật khảo cổ học các phế tích nhằm thu hồi hiện vật bảo quản trong các bảo tàng. Những phế tích nào có giá trị khoa học cần được bảo quản tại chỗ, trùng tu tôn tạo làm nên một địa chỉ văn hóa mới tại địa phương góp phần quảng bá văn hóa Chămpa với nhân dân dân trong nước và khách quốc tế, phục vụ du lịch văn hóa tại địa phương.

Những phế tích kiến trúc Champa là một phần của lịch sử văn hóa Champa, cần ứng xử loại hình di tích này cũng như các loại hình di tích lịch sử văn hóa khác, đó chính là động lực để phát huy giá trị văn hóa của quá khứ trong đời sống văn hóa đương đại hiện nay.

PGS.TS Lê Đình Phụng

Top