Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc Ê Đê ở Đắk Lắk

Đắk Lắk là một tỉnh miền núi, có diện tích 13.125,37km2, dân số hiện nay trên 1,8 triệu người, trong đó đồng bào dân tộc Ê Đê chiếm 30% dân số, với 184 xã, phường, thị trấn, 2.384 thôn, buôn, tổ dân phố (trong đó buôn đồng bào dân tộc tại chỗ có 598), là nơi hội tụ của 44 dân tộc anh em trong toàn quốc về đây sinh cơ lập nghiệp, đoàn kết một lòng xây dựng quê hương Đắk Lắk ngày càng giàu đẹp. Chính vì thế, Đắk Lắk có sự đa dạng, phong phú về phong tục tập quán, về văn hóa các vùng miền, đặc biệt là văn hóa dân tộc bản địa.

Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của đất nước, đời sống kinh tế - xã hội của Đắk Lắk từng bước được nâng lên đáng kể, nhu cầu hưởng thụ văn hóa của đồng bào các dân tộc Đắk Lắk ngày càng cao, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật đa dạng, phong phú, góp phần thúc đẩy công tác xã hội hóa văn hóa phát triển, đồng thời bảo tồn và phát huy văn hóa các dân tộc bản địa.

Là tỉnh có truyền thống đấu tranh cách mạng trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, có tiềm năng kinh tế khá dồi dào nhưng đến nay Đắk Lắk vẫn còn là tỉnh chậm phát triển, mặt bằng xuất phát còn thấp, tích lũy nội bộ của nền kinh tế địa phương còn khiêm tốn. Trong những năm qua, Đắk Lắk đã không ngừng khắc phục khó khăn, từng bước nỗ lực vươn lên trên nhiều mặt để nhanh chóng hội nhập cùng cả nước. 

Công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc được coi là mục tiêu cấp bách, quan trọng hàng đầu, nhằm bảo vệ nền văn hóa dân tộc trong xu thế hội nhập, tạo cho lớp trẻ có sức đề kháng trước sự xâm nhập của văn hóa nước ngoài. Đặc biệt việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc Ê Đê ở Đắk Lắk đã đạt được những kết quả khả quan.

I. THỰC TRẠNG

Đắk Lắk là một tỉnh có 44 dân tộc anh em, là tỉnh miền núi, có biên giới với Vương quốc Campuchia, đời sống của đồng bào còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí còn thấp lại đang bị áp lực từ các thế lực thù địch luôn có những âm mưu muốn chia để trị, phát triển đạo Tin lành, lôi kéo nhân dân, xúi giục nhân dân biểu tình, xóa bỏ phong tục tập quán lâu đời, bán chiêng, ché, không tham gia tổ chức lễ hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc bảo tồn gìn giữ và phát huy giá trị bản sắc văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Điều đáng lo ngại là ở Đắk Lắk, từ tốc độ phát triển kinh tế xã hội, tác động đến môi trường tự nhiên, không gian văn hóa cộng đồng truyền thống nên xu hướng đồng hóa tự nhiên về văn hóa đang làm mai một các di sản văn hóa dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk.

Ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, trình độ dân trí còn thấp, kinh tế chậm phát triển các hiện tượng mê tín dị đoan, các hủ tục lạc hậu trỗi dậy trói buộc người dân làm cho văn hóa truyền thống phát triển thiếu lành mạnh, suy giảm ý thức bảo tồn và phát huy văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số của địa phương.

Do đời sống của đồng bào còn khó khăn nên nhiều sản phẩm văn hóa truyền thống đã bị mai một. Nguồn kinh phí đầu tư cho công tác này còn thiếu và chưa kịp thời.

II. NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC

A. VỀ VĂN HÓA PHI VẬT THỂ:

Văn hóa cồng chiêng

Ngày 25-11-2005, sau khi tổ chức UNESCO công nhận “Không gian Văn hóa Cồng chiêng là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại”, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã đề ra chương trình bảo tồn Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên. Trên tinh thần đó Sở Văn hóa - Thông tin (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng Đề án “Bảo tồn, phát huy Di sản Văn hóa Cồng chiêng Đắk Lắk (giai đoạn 2007-2010)”. Đề án này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua và cho phép triển khai thực hiện từ trung tuần tháng 7-2007. Đến nay Đề án đã triển khai thực hiện được 2/3 kế hoạch; công tác điều tra cồng chiêng của các buôn làng đồng bào Ê Đê đã hoàn tất; công tác truyền dạy đánh cồng chiêng cho con em đồng bào dân tộc tại chỗ khá thuận lợi; việc phục hồi lễ hội truyền thống gắn với văn hóa cồng chiêng đã được tiến hành đồng bộ, có hiệu quả. Đặc biệt, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các địa phương trong tỉnh tổ chức thành công 8 cuộc Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng (mỗi cuộc liên hoan có từ 20-25 đoàn cồng chiêng, với 900-1200 nghệ nhân tham gia), góp phần quan trọng vào việc bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng Đắk Lắk.

Văn hóa lễ hội

Đã phối hợp với các cơ quan Trung ương, các cán bộ, nghệ nhân địa phương trong tỉnh tổ chức nhiều đợt điều tra, khảo sát và thống kê được một bản danh mục với gần 100 nghi lễ - lễ hội truyền thống của dân tộc Ê Đê, thuộc hệ thống nghi lễ - lễ hội: Vòng đời người và Vòng cây lúa; phục dựng thành công một số lễ hội truyền thống tiểu biểu: Lễ cúng vào nhà mới, Lễ cúng trưởng thành, Lễ cúng sức khỏe, Lễ kết nghĩa anh em, Lễ cầu mưa, Lễ rước K’pan, Lễ cúng bến nước… các nghi lễ - lễ hội này được phục hồi đã thực sự trở thành ngày hội của cộng đồng, đây cũng là dịp giao lưu văn hóa, thắt chặt thêm tình đoàn kết dân tộc để mọi người có ý thức gìn giữ, phát huy các giá trị tốt đẹp của văn hóa lễ hội.

Văn hóa sử thi

Đã phối hợp với Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (trực tiếp là  Viện Nghiên cứu Văn hóa) thực hiện thành công Đề án “Điều tra, sưu tầm, biên dịch, xuất bản và bảo quản sử thi Tây Nguyên”. Riêng tỉnh Đắk Lắk đã sưu tầm và thống kê được một bản danh mục sử thi với tổng số 70 sử thi Ê Đê, góp phần quan trọng vào việc xuất bản và công bố 70 bộ sử thi Tây Nguyên của Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (trong 2 năm 2007-2008). Được các nhà nghiên cứu văn hóa trong và ngoài nước đánh giá cao.

Về truyện cổ, lời nói vần

Trong những năm qua đã phối hợp với cán bộ văn hóa dân tộc và các nghệ nhân Ê Đê, đã sưu tầm được 7.500 trang truyện cổ Ê Đê, gần 10.000 trang lời nói vần của dân tộc Ê Đê, đồng thời lần lượt biên dịch và xuất bản 12 tập truyện cổ Ê Đê, 06 tập lời nói vần Ê Đê, các tập sách này đã phát hành rộng rãi đến các buôn làng Ê Đê, được đồng bào hoan nghênh và đánh giá cao.

Về nhạc cụ dân tộc

Trong những năm qua đã phối hợp với các nghệ nhân tổ chức sưu tầm, nghiên cứu gần 50 loại nhạc cụ dân gian Ê Đê, đồng thời phục hồi, chế tác, nâng cao đưa vào sử dụng trên 20 loại nhạc cụ tiêu biểu. Đó là nhạc cụ: Ching Kram, Đing Păh, Đing Pâng, Đing Tuuk, Đing Buot, Ky Păh, Đing Năm, Taktar… của dân tộc Ê Đê; các nhạc cụ này hiện nay đang được các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, các đơn vị văn nghệ quần chúng, các nghệ nhân Ê Đê sử dụng có hiệu quả trong sinh hoạt văn hóa truyền thống.

B. VỀ VĂN HÓA VẬT THỂ

Bên cạnh bảo tồn phát huy có hiệu quả văn hóa phi vật thể, trong những năm qua công tác bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa vật thể cũng được ngành Văn hóa, Thể thao, Du lịch triển khai thực hiện có hiệu quả, đó là:

- Phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam tổ chức điều tra và khai quật hàng chục di chỉ khảo cổ của người tiền sử, tiêu biểu là di chỉ Buôn Triết (huyện Lăk); xã Ea Bar (huyện Ea Kar); xã Phú Xuân (huyện Krông Năng); xã Ea H’leo (huyện Ea H’leo); xã Hòa Tiền (huyện Krông Pách)… qua khai quật các di chỉ trên đã tìm được hàng nghìn hiện vật về công cụ lao động, đồ trang sức, đồ dùng sinh hoạt bằng đá, gốm, sắt, đồng… của người tiền sử có niên đại từ 2.500 đến 3000 năm, góp phần đưa số hiện vật của Bảo tàng Đắk Lắk lên 10.850 đơn vị hiện vật.

- Song song với công tác sưu tầm hiện vật văn hóa lịch sử, ngành Văn hóa, Thể thao, Du lịch đã tham mưu cho UBND tỉnh lập hồ sơ di tích trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xét công nhận 11 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia; xây dựng hồ sơ 1 di tích danh lam thắng cảnh cấp tỉnh. 45 di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc, tôn giáo, danh lam thắng cảnh tiềm năng trên địa bàn toàn tỉnh. Các di tích trên đã được bảo quản, trùng tu, khai thác phục vụ có hiệu quả khách tham quan du lịch trong và ngoài tỉnh.

III. NHỮNG TỒN TẠI

Đắk Lắk là một tỉnh có 44 dân tộc anh em, vừa là miền núi, vừa có biên giới với Vương quốc Campuchia, đời sống của đồng bào còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí còn thấp lại đang bị áp lực từ các thế lực thù địch âm mưu muốn chia để trị, xúi giục nhân dân biểu tình, bán chiêng, ché, không tham gia tổ chức lễ hội, ảnh hưởng bất lợi đến việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc ở địa phương.

Điều đáng lo ngại là ở Đắk Lắk, do tác động phát triển kinh tế xã hội, do sự phá vỡ môi trường tự nhiên không gian văn hóa cộng đồng truyền thống nên xu hướng đồng hóa tự nhiên về văn hóa đang làm mai một các di sản văn hóa dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk.

Ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng 3, trình độ dân trí còn thấp, kinh tế chậm phát triển các hiện tượng mê tín dị đoan, các tập quán hủ tục trỗi dậy trói buộc người dân làm cho văn hóa truyền thống phát triển thiếu lành mạnh, suy giảm ý thức bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc của địa phương.

Nguồn kinh phí đầu tư cho công tác này còn thiếu và chưa kịp thời.

Do đời sống của đồng bào còn khó khăn nên nhiều sản phẩm văn hóa truyền thống đã bị mang đi bán hoặc bị đánh cắp (chiêng, ché, tượng nhà mồ, các khu mộ cổ bị đào bới để lấy cắp cổ vật).

Tác động của hội nhập và toàn cầu hóa văn hóa:

Quá trình hội nhập cũng là quá trình toàn cầu hóa về văn hóa, không thể phát triển bền vững nếu không đặt văn hóa trong các chiến lược phát triển kinh tế. Vì vậy, đầu tư cho bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc được xem là đầu tư cho phát triển bền vững.

Các quốc gia trên thế giới ngày càng đề cao, tôn trọng bản sắc văn hóa dân tộc, cũng chính là bảo vệ sức mạnh nội tại, phát huy sức đề kháng của di sản văn hóa dân tộc. Xử lý tốt mối quan hệ giữa giao lưu, mở cửa, hội nhập với bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc sẽ là điều kiện thuận lợi cho bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc ở Đắk Lắk.

Công nghiệp văn hóa đang có chiều hướng phát triển mạnh, tạo ra nhiều sản phẩm mới nhưng nếu không quản lý chặt chẽ sẽ dẫn đến các hiện tượng không lành mạnh, ảnh hưởng đến bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk (sự truyền bá các sản phẩm văn hóa độc hại, phim ảnh, băng đĩa, sách báo…).

Sự bùng nổ thông tin sẽ lôi cuốn đồng bào các dân tộc theo một xu hướng chung, tạo ra các thách thức như áp lực từ bên ngoài sẽ ảnh hưởng đến đời sống ngôn luận, triệt tiêu các thông tin, xóa mòn hệ giá trị về chân, thiện, mỹ; tác động bất lợi đến lớp thanh thiếu niên là người các dân tộc thiểu số, hình thành lối sống bạo lực, phi luân, thực dụng, tách cá nhân ra khỏi cộng đồng.

Quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa tác động đến bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk:

 Quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa sẽ làm cho xã hội có nhiều thay đổi sâu sắc và toàn diện, các khu đô thị mới hình thành, dân số tăng nhanh ở các khu thành thị. Từ đó, có những thay đổi về nếp sống, lối sống, tập tục, lễ hội, các trò chơi… cư xử thiếu đúng đắn với di sản văn hóa dân tộc. Lớp trẻ thích các sản phẩm mới, ca nhạc, sân khấu hiện đại, bỏ rơi các sản phẩm văn hóa truyền thống. Ở nông thôn, thiết chế cổ truyền bị lung lay, văn hóa buôn có nguy cơ bị đe dọa.

IV. NHỮNG GIẢI PHÁP

- Tiếp tục tuyên truyền sâu rộng các Nghị quyết của Trung ương về công tác bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc để nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp và toàn thể xã hội về công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa dân tộc; đưa công tác này vào các chương trình công tác của tỉnh, của các ngành, các địa phương; tiếp tục tuyên truyền Nghị quyết Trung ương 5 đến đồng bào các dân tộc nói chung, trong đó có đồng bào Ê Đê nói riêng.

- Tổ chức các cuộc thi, sưu tầm, nghiên cứu về văn hóa dân tộc; tổ chức đào tạo cán bộ nghiên cứu là người dân tộc tại chỗ; tổ chức giao lưu với các tỉnh, khu vực và quốc tế… Đẩy mạnh công tác nghiên cứu di sản văn hóa phi vật thể, sưu tầm có hệ thống, tránh trùng lặp, lãng phí.

- Tổ chức kiểm kê, bảo quản và trưng bày các hiện vật về lịch sử, về văn hóa mẫu hệ, cồng chiêng, trang phục, ẩm thực, voi, lễ hội… có kế hoạch lưu giữ hiện vật trong dân. Mỗi hiện vật phải có lý lịch gốc.

- Duy trì và phát triển các ngành nghề truyền thống (dệt thổ cẩm, gốm, tượng gỗ, chế tác nhạc cụ, rượu cần…). Định kỳ thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa truyền thống ở cơ sở như: (Ngày hội Văn hóa Cồng chiêng; Liên hoan Dân ca dân vũ; Thi dệt thổ cẩm; Thi chế tác nhạc cụ dân tộc; Thi ẩm thực dân tộc; Giao lưu buôn vui chơi, buôn ca hát…); gắn với sự kiện lịch sử của tỉnh; đăng cai tổ chức các sự kiện văn hóa lịch sử mang tầm khu vực và quốc tế. Thông qua đó mà tôn vinh văn hóa dân tộc, nâng cao tinh thần đoàn kết, lòng tự hào dân tộc, giúp đồng bào có ý thức bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

- Phát triển chữ viết của dân tộc Ê Đê gồm từ điển, sách học song ngữ, khuyến khích học tiếng dân tộc, các sáng tác bằng tiếng dân tộc.

- Xây dựng gia đình, buôn, thôn văn hóa để có điều kiện bảo tồn và phát huy những thuần phong mỹ tục trong lối sống, nếp sống của đồng bào dân tộc thiểu số, bài trừ các hủ tục, mê tín dị đoan (ma lai, tục nói dây) có hại đến di sản văn hóa dân tộc.

- Phối hợp với các địa phương, các nghệ nhân trong toàn tỉnh tổ chức phục dựng một số lễ hội truyền thống tiêu biểu; đồng thời mở lớp truyền dạy đánh chiêng, sử dụng nhạc cụ dân tộc cho con em đồng bào dân tộc, phấn đấu đến năm 2015, 100% buôn đồng bào Ê Đê đều có đội chiêng trẻ.

- Thống kê một cách chính xác các nghệ nhân là đồng bào dân tộc Ê Đê, coi họ là bảo tàng nhân văn sống và có chính sách đối với các nghệ nhân này, những người đang nắm giữ trong trí nhớ nhiều di sản phi vật thể quý hiếm.

- Chọn lọc xuất bản bằng song ngữ Ê Đê - Việt các tác phẩm Khan (sử thi), Lời nói vần, Luật tục, Truyện cổ… xuất bản bộ sưu tập về văn hóa truyền thống dân tộc Êđê gồm: văn hóa cồng chiêng, sử thi, truyện cổ, luật tục, trang phục, nhạc cụ, kiến trúc, lễ hội.

Trên đây là nội dung về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc Ê Đê ở Đắk Lắk, xin trao đổi và mong  nhận được sự góp ý chân thành của các nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc trong toàn quốc.

Y Wái Byă

Top