Bảo tồn, phát huy giá trị Khu Di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa

Khu Di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa có trên 130 điểm di tích lịch sử - danh thắng trải dài trên 500km2, 24 xã, thị trấn huyện Định Hóa và 16 xã, thị trấn được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong kháng chiến chống thực dân Pháp.

Thái Nguyên cách Thủ đô Hà Nội trên 70km, địa chính trị chiến lược, cửa ngõ - trung tâm vùng Việt Bắc. Đồng bào các dân tộc có truyền thống đoàn kết, đấu tranh anh dũng chống ngoại xâm. Trước tháng 8-1945, Thái Nguyên nằm trong Khu giải phóng Việt Bắc. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954), các huyện Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương, Võ Nhai cùng huyện Chợ Đồn (tỉnh Bắc Kạn), huyện Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa (tỉnh Tuyên Quang) trở thành An Toàn Khu (ATK) Trung ương, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ… lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đi tới thắng lợi. Thái Nguyên bảo tồn trên 800 di tích lịch sử - văn hóa và danh thắng. Khu Di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa có trên 130 điểm di tích lịch sử - danh thắng trải dài trên 500km2, 24 xã, thị trấn huyện Định Hóa và 16 xã, thị trấn được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong kháng chiến chống thực dân Pháp.

Khu Di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa - Thái Nguyên.

So với Khu Di tích Pác Bó, tỉnh Cao Bằng thành lập từ năm 1970. Ban Quản lý Khu Du lịch Lịch sử - Văn hóa và Sinh thái Tân Trào thành lập Nhà Bảo tàng Tân Trào từ tháng 9-1971, trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Với điểm xuất phát thấp, khởi nguồn từ khi Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt cắt băng khánh thành Nhà Trưng bày Bảo tàng ATK Định Hóa 17-5-1997, Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên quản lý chuyển sang Ban Quản lý Di tích và Danh thắng Thái Nguyên (2005). Đến ngày 5-1-2010 chuyển đổi thành Ban Quản lý Khu Di tích Lịch sử -Sinh thái ATK Định Hóa, Thái Nguyên là đơn vị sự nghiệp công lập có thu, trực thuộc UBND tỉnh. 

Được các thế hệ lãnh đạo tỉnh và cả hệ thống chính trị Thái Nguyên, các ban, bộ, ngành Trung ương, các tỉnh thành, đồng nghiệp trên toàn quốc quan tâm ủng hộ. Đặc biệt là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Di sản Văn hóa, Bảo tàng Hồ Chí Minh… Ban đã nỗ lực tổ chức, tạo dựng sự phát triển mang tính bước ngoặt trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích, sinh thái, gắn du lịch với Khu Di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa.

1. Tổng quan bảo tồn Di tích, danh thắng sinh thái ATK Đinh Hóa

Ở thành phố Thái Nguyên, có Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam tiền thân là Bảo tàng Việt Bắc của Khu tự trị Việt Bắc, là nơi nghiên cứu, lưu giữ, trưng bày về lịch sử 6 tỉnh Việt Bắc trong thời kỳ vận động giải phóng dân tộc (từ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945) và trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954), thời kỳ xây dựng Chủ nghĩa Xã hội ở miền Bắc, chống Mỹ cứu nước giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Bảo tàng Việt Bắc không có chức năng, nhiệm vụ bảo tồn, phát huy di tích lịch sử - văn hóa và danh thắng mà do các ty văn hóa thông tin hoặc chính quyền các tỉnh hoặc huyện quản lý…

Sau hòa bình lập lại (1954), việc quản lý, bảo vệ Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Việt Bắc mới chỉ ở Pác Bó (1970) có bộ phận quản lý bảo tồn, phát huy di tích và Tân Trào (1971), thành lập Bảo tàng có bộ phận trông coi, bảo vệ, phát huy di tích, cảnh quan đắc địa, thu hút nhiều đoàn lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và khách quốc tế. Các tỉnh trong Khu tự trị Việt Bắc: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang do các phòng bảo tàng - lịch sử có chức năng quản lý Nhà nước, giúp Sở thực hiện nhiệm vụ bảo tồn, bảo tàng do Ủy ban Hành chính tỉnh giao. Việc tổng kiểm kê, phân loại, đánh giá giá trị di tích làm cơ sở để bảo tồn di tích, không gian văn hóa, giữ gìn sinh thái, môi trường các điểm di tích lịch sử - văn hóa của tỉnh Thái Nguyên và Khu Di tích lịch sử ATK Định Hóa còn hạn chế, bất cập nên không ít di tích, môi trường sinh thái trong không gian văn hóa Hồ Chí Minh bị xuống cấp mai một, thậm chí chỉ còn địa điểm.

Bảo tàng tỉnh Bắc Thái thành lập trên cơ sở chuyển đổi Phòng Bảo tàng Lịch sử thuộc Sở Văn hóa - Thông tin với “gia tài” trên 300 (ba trăm) tài liệu, hiện vật và ba quyết định xếp hạng Di tích cấp quốc gia: Di tích Khảo cổ học Thần Sa, Di tích - Danh thắng Núi Văn Núi Võ và Khu Di tích Lịch sử An Toàn Khu (ATK) Định Hóa mà chưa có hồ sơ khoa học, chưa khoanh vùng bảo vệ các điểm di tích.

Ngay sau khi thành lập, Bảo tàng tỉnh Bắc Thái phối hợp với Bảo tàng Hồ Chí Minh hướng dẫn và trực tiếp làm tổng kiểm kê di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở huyện Định Hóa (lập lý lịch di tích, chụp ảnh, lấy lời kể nhân chứng, vẽ sơ đồ, lập bản đồ, phân bố di tích, lập bản danh mục di tích các xã, thị trấn…) phối hợp với Khoa Bảo tồn, Bảo tàng, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội và các huyện, thành phố, thị xã tổng kiểm kê di tích lịch sử tỉnh. Đánh giá, phân loại, lập bản danh mục các di tích lịch sử- văn hóa đa số là di tích lịch sử Chiến khu Việt Bắc gồm cả Thái Nguyên và tỉnh Bắc Kạn hiện nay) hoàn thành đầu tiên trong các tỉnh Việt Bắc.

Định Hóa có 93 điểm di tích lịch sử ATK (1992), là huyện đầu tiên ở Bắc Thái và các tỉnh Việt Bắc hoàn thành tổng kiểm kê di tích. Từ 1992 đến 1996, Bảo tàng tỉnh Bắc Thái đã tổng kiểm kê 786 điểm di tích và danh thắng của tỉnh, là tỉnh đầu tiên hoàn thành tổng kiểm kê di tích lịch sử - văn hóa theo chỉ đạo của Bộ Văn hóa Thông tin và Thể thao.

2. Bảo tồn, phát huy giá trị di tích - sinh thái gắn với phát triển du lịch ATK Định Hóa

 Quần thể Di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa có 130 điểm di tích, danh thắng, trải dài trên 520km2 thuộc 24 xã, thị trấn được Chính phủ có quyết định công nhận xã ATK trong kháng chiến chống thực dân Pháp (có 16 xã, thị trấn và huyện Định Hóa được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang trong kháng chiến chống thực dân Pháp).

Di tích Nà Mòn ở Định Hóa - Thái Nguyên.

Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh Thái Nguyên luôn quan tâm, chỉ đạo tập trung nguồn lực lập hồ sơ xếp hạng di tích và phục hồi, bảo tồn, tôn tạo di tích gắn với sinh thái, phát triển du lịch.

Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 70/QĐTT ngày 25-1-1995 phê duyệt Dự án Bảo vệ, tôn tạo di tích lịch sử cách mạng và phát triển kinh tế - xã hội vùng ATK Định Hóa, tỉnh Bắc Thái (1995-2000) với tổng kinh phí 5 năm 131 tỷ đồng, trong đó có 10 tỷ đồng dành cho phục hồi, tôn tạo di tích. Nhà Trưng bày Bảo tàng ATK Định Hóa mới khánh thành, đang tôn tạo dở dang Di tích Tỉn Keo kinh phí chừng 2 tỷ đồng thì tạm dừng thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mà Bảo tàng Cách mạng Việt Nam chủ trì, lập Đề án quy hoạch tổng thể, phục hồi, tôn tạo Di tích Chiến khu Việt Bắc (6 tỉnh).

Nhờ thực hiện các dự án bảo tồn di tích ATK Định Hóa gắn với phát triển kinh tế xã hội: Di tích Tỉn Keo, nơi ghi dấu Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Hội nghị Bộ Chính trị quyết định chiến cuộc Đông - Xuân (1953-1954) và quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ (6-12-1953) được tôn tạo cùng với việc xây dựng Nhà Trưng bày ATK Định Hóa được Thủ tướng Võ Văn Kiệt cắt băng khai trương ngày 15-7-1997 chính thức đặt nền móng cho việc phục hồi, tôn tạo Khu Di tích ATK Định Hóa… Bộ mặt kinh tế - xã hội huyện Định Hóa gồm hệ thống điện, đường, trường, trạm, y tế được nâng cấp, xây dựng hầu hết 24 xã, thị trấn, cơ sở hạ tầng du lịch được nâng cấp, thu hút khách, phát triển du lịch.

Ngày 19-5-2005 khánh thành Nhà Tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh do Đảng bộ, Chính quyền, nhân dân Thủ đô Hà Nội xây dựng tặng Đảng bộ, chính quyền, nhân dân trung tâm “Thủ đô kháng chiến Thái Nguyên”… Việc phục hồi, bảo tồn, tôn tạo Khu Di tích Lịch sử ATK Định Hóa phát triển sang giai đoạn mới sau khi mở đường ô tô (7km) liên thông với Khu Du lịch Lịch sử, Văn hóa và sinh thái Tân Trào mang tính bước ngoặt.

Sau khi Chính phủ có Quyết định số 984/QĐ-TTg ngày 2-10-1999 phê duyệt Đề án Quy hoạch tổng thể, phục hồi, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích Chiến khu Việt Bắc, thuộc 6 tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang, việc phục hồi, tôn tạo Di tích Chiến khu Việt Bắc tỉnh Thái Nguyên phát triển ra các huyện ATK Đại Từ, Phú Lương, Võ Nhai, thành phố Thái Nguyên. Trên cơ sở phân loại, các cụm di tích lấy di tích hạt nhân làm điểm nhấn để lựa chọn giải pháp phục hồi, tôn tạo thích hợp các hạng mục di tích, Nhà Trưng bày bổ sung, xây nhà bia di tích hoặc đặt mốc ghi dấu sự kiện…

Năm 2006, khánh thành Trung tâm Thương mại - Du lịch Đèo De, xã Phú Đình do Tổng cục Du lịch đầu tư cho Khu Di tích, tổ chức thành công năm Du lịch quốc gia về Thái Nguyên - Thủ đô gió ngàn, Chiến khu Việt Bắc (2007), đã có 2.517 đoàn và nhiều khách du lịch tự do với trên 1.200.000 lượt hành hương về Khu Di tích Lịch sử ATK Định Hóa.

Được Chính phủ đầu tư phục hồi, bảo tồn, tôn tạo phát huy giá trị Quần thể Di tích ATK Định Hóa từ nguồn ngân sách (khoảng 24 tỷ đồng từ ngân sách và vốn chương trình mục tiêu văn hóa (1995-2015) phục hồi, bảo tồn, tôn tạo những di tích và địa điểm lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh thu hút khách du lịch lịch sử, du lịch khám phá văn hóa dân tộc và nông thôn, thiên nhiên miền núi không chỉ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Thái mà còn liên thông, kích cầu các tỉnh (Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn).

Việc huy động tốt kinh phí xã hội hóa của các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương từng ở ATK Định Hóa trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Nhiều di tích được phục hồi, tôn tạo:

- Cụm Di tích Tổng bộ Việt Minh, Ban Nông vận Trung ương, Hội Nông dân, Nơi thành lập Hội Nhà báo Việt Nam và Ủy ban Bảo vệ hòa bình thế giới ở Việt Nam (1950) ở Ròong Khoa, xã Điềm Mặc… trở thành điểm đến thu hút khách về nguồn.

- Di tích Nơi thành lập Ban Kiểm tra Trung ương (tiền thân Ủy ban Kiểm tra Trung ương) (1948) tại Phụng Hiển, xã Điềm Mặc.

- Di tích đồi Pụ Đồn, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì phong hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp (1948) tại xã Phú Đình.

- Di tích Nơi thành lập Tổng cục Cung cấp ở xã Thanh Định (1950).

- Di tích Bộ Tổng Tham mưu và nơi làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Bảo Linh (1948-1954)….

- Nhà đón tiếp khách - Khu Tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Đèo De….

ATK Định Hóa trong căn cứ địa Việt Bắc có đặc thù địa lợi, là thành tố không thể thiếu làm nên địa thế “Tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ” - “Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”, với lòng dân son sắt, đoàn kết, kiên cường bất khuất chống ngoại xâm.

Thời kháng chiến ATK Định Hóa có 90% diện tích rừng phủ kín núi, đồi, chỉ có 10% diện tích đồng ruộng, bảo tồn, tôn tạo Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa phải đi đôi với bảo vệ, gìn giữ không gian văn hóa, môi trường sinh thái các xã, toàn huyện Định Hóa với diện tích đất lâm nghiệp 30.267ha3 rừng đặc dụng 7.539ha, rừng phòng hộ 8.947ha, rừng sản xuất 13.779ha được UBND tỉnh Thái Nguyên, huyện Định Hóa, Ban Quản lý Khu rừng đặc dụng ATK và Ban Quản lý Khu Di tích Lịch sử - Sinh thái ATK Định Hóa, Thái Nguyên quan tâm, bảo vệ, phát huy ngày càng lên xanh…

Ủy ban nhân dân tỉnh, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện cùng chính quyền các xã, phối hợp với Ban Quản lý Khu Di tích Lịch sử - Sinh thái ATK Định Hóa, Thái Nguyên, Ban Quản lý Rừng ATK Định Hóa vận động nhân dân bảo vệ di tích, địa điểm lưu niệm bằng cách không làm nhà, không san ủi, để đường đi lối lại, bảo vệ rừng, đồi, vầu cọ trên cơ sở Danh mục tổng kiểm kê di tích và những điểm bổ sung lập hồ sơ. Đồng thời với giải quyết chính sách người có công; đền ơn đáp nghĩa, khai thác, ghi nhận lời kể nhân chứng gắn với lập hồ sơ xếp hạng di tích và sưu tầm tài liệu, hiện vật trên các xã, thị trấn, được chính quyền, đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Hoa, Sán Chay, Kinh ủng hộ đã giữ được nhiều di tích: Nà Mòn, Khuôn Tát, Tỉn Keo… xã Phú Đình, Cụm Di tích Tổng bộ Việt Minh, Hội Nông dân Việt Nam, Nơi thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (1950), nơi thành lập Ủy ban Bảo vệ hòa bình thế giới ở Việt Nam (1950) ở xóm Ròong Khoa, xã Điềm Mặc, Di tích nơi thành lập Ủy ban Kiểm tra Trung ương ở Phụng Hiển xã Điềm Mặc… được bảo vệ đến khi phục hồi, tôn tạo chỉ phải đền bù giải phóng mặt bằng với kinh phí hợp lý tiết kiệm, dễ được dân đồng ý…

 Ban ký hợp đồng trông coi, bảo vệ đồi rừng di tích với các xã Phú Đình, Điềm Mặc, Định Biên, Bảo Linh, hàng quý, kiểm tra họp rút kinh nghiệm, do vậy, về cơ bản việc phục hồi, tôn tạo di tích và gìn giữ không gian văn hóa môi trường, sinh thái Quần thể Di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa được bảo tồn, phát huy khá tốt. Ban phối hợp với Đoàn Thanh niên huyện Định Hóa, các Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Nguyên, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Bắc Giang… Ban Quản lý Rừng trồng các loại cây lát, trám, tùng, sấu dọc đường Khu Trung tâm tại Đèo De và một số di tích quan trọng.

Thực hiện Dự án PAM 3352; Dự án rừng 327; Chính sách hỗ trợ trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi trọc; Dự án 661 trồng mới 5 triệu ha rừng (từ năm 1998) một số loại cây keo, mỡ, hỗn giao, lát, lim, trám góp phần phủ xanh quần thể Khu Di tích… Ban Quản lý Khu Di tích Lịch sử - Sinh thái ATK Định Hóa, Thái Nguyên phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện, các xã, thị trấn vận động nhân dân trồng keo, cây lát hoa đường kính 20 - 30cm tại Di tích Nhà tù Chợ Chu. Xây, kè và bồn cây, bón đất màu, bảo vệ cây gội cổ thụ, chứng tích ghi dấu Nơi thành lập Ban Kiểm tra Trung ương tại đồi Pụ Miếu, xã Điềm Mặc (1948), phủ xanh đồi lát xen cây chè, cọ, gợi một thời khói lửa “Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù” đã đem lại màu xanh cho Quần thể Di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa.

Vào dịp Lễ hội Lồng Tồng (Xuống đồng) ATK Định Hóa ngày mùng 9, 10, 11 Tết Nguyên đán, tại sân lễ hội, Nhà Tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, thu hút hàng chục vạn du khách. Từ khi thành lập Ban quản lý Khu di tích (2010-2016) thu hút ngày càng đông khách:

Năm 2010 đón trên 2.400 đoàn và khách tự do với 580.000 lượt khách.

Năm 2011 đón trên 2.878 đoàn và khách tự do với trên 581.000 lượt khách.

Năm 2012 đón trên 2.980 đoàn và khách tự do với trên 624.000 lượt khách.

Năm 2013 đón trên 2.757 đoàn và khách tự do với trên 564.989 lượt khách.

Năm 2014 đón trên 3.000 đoàn và khách tự do với trên 672.000 lượt khách.

Năm 2015 đón trên 2.840 đoàn và khách tự do với trên 691.840 lượt khách.

Năm 2016 đón trên 2.980 đoàn và khách tự do trên 667.000 lượt khách.

Một góc Khu Di tích ATK Định Hóa.

ATK Định Hóa là một trong số Di tích quốc gia đặc biệt có diện tích lớn nhất Việt Nam, trải dài 520km2, trên 24 xã, thị trấn ATK, trong đó có 16 xã, thị trấn và huyện Định Hóa được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong kháng chiến chống thực dân Pháp, vùng lõi các xã Phú Đình, Điềm Mặc, Định Biên… Lực lượng, cán bộ, viên chức, lao động mỏng, làm cả thứ 7, chủ nhật, 365 ngày/năm, đó là khó khăn, thách thức lớn khi Ban Quản lý thu từ công đức, dịch vụ, du lịch còn thấp, chưa được bán vé, giải pháp là tăng cường hợp đồng với các hộ dân trông coi cụm di tích, di tích ở xa đã tu bổ, tôn tạo. Sớm đề nghị UBND tỉnh, HĐND tỉnh cho bán vé. Đề nghị HĐND, UBND tỉnh có cơ chế đặc thù để Khu Di tích bền vững trên cơ sở các yếu tố cấu thành di tích gốc, gìn giữ không gian văn hóa dân tộc Việt Bắc, môi trường sinh thái trở thành sản phẩm du lịch phong phú đa dạng thu hút khách… hoàn thành việc lập quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích, sinh thái gắn với du lịch Khu Di tích quốc gia đặc biệt 2016 - 2021, tầm nhìn 2030, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trước tốc độ phát triển đô thị hóa ngày càng mạnh, việc bảo vệ các điểm di tích có nguy cơ bị xâm lấn, đặc biệt là rừng ATK, sinh thái, môi trường, vận động nhân dân có ý thức bảo vệ di tích, sinh thái, môi trường, khai thác bản sắc văn hóa dân tộc, làm du lịch cộng đồng như tham gia xây dựng đường đi, cơ sở, ăn, ngủ, nghỉ, nơi hoạt động trải nghiệm cho khách du lịch như hái chè, đào măng, đồ xôi….tăng thu nhập, nâng cao mức sống của người dân sống đan xen với di tích lịch sử ATK. Đẩy mạnh việc tuyên truyền, quảng bá về giá trị Khu Di tích về Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất, Nhà Tưởng niệm Bác, Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu Di tích, tạo tác các sản phẩm lưu niệm gắn với học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh…

Tranh thủ sự quan tâm ủng hộ của Đảng, Chính phủ, các Bộ, Ban, ngành, đoàn thể Trung ương, các tỉnh, thành trong cả nước để huy động mọi nguồn lực phục hồi, bảo tồn, tôn tạo Khu Di tích.

Khai thác văn hóa phi vật thể đồng bào các dân tộc ATK: Lễ hội Lồng Tồng ATK, Lễ hội Chùa Hang, tri thức chữa bệnh của dân tộc Tày, Dao, múa rối Tày, hát Then, ẩm thực phát triển du lịch, dịch vụ… kết nối phát triển du lịch với các Khu Di tích ATK, các tỉnh Việt Bắc, Thủ đô Hà Nội và các tỉnh thành trên toàn quốc và các điểm di tích, Khu Lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Nga, Pháp, Thái Lan, Trung Quốc…

ThS Đồng Khắc Thọ

Top