Bảo tàng Thượng Hải
Để có một thiết chế văn hóa ấy, Bảo tàng Thượng Hải đã phải chuyển địa chỉ tới 3 lần. Thoạt đầu nó ở đường Hewan, số nhà 16S, vốn là một nhà băng được cải tạo. Năm 1952, nó chuyển đến số 325W, đường Nanjng và tới năm 1996, sau 3 năm xây dựng đã mở cửa đón khách tham quan tại ngôi nhà này (xem ảnh). Với tổng vốn xây dựng 570 triệu Nhân dân tệ, trong đó 85% là của chính quyền địa phương, 15% là tài trợ cá nhân ở trong và ngoài nước, diện tích xây dựng là 39.200m2, với rất nhiều sưu tập nổi tiếng thế giới được giới thiệu: Đồ đồng cổ, tượng cổ, gốm sứ cổ, tranh và thư pháp cổ, tiền và ấn tín cổ, đồ gỗ cổ... Sự giàu có của Bảo tàng Thượng Hải được thể hiện qua số lượng hiện vật lên tới hơn một trăm ngàn tác phẩm nghệ thuật có giá trị cao và trong đó có rất nhiều cổ vật thuộc hạng 1 quốc gia.
Bảo tàng Thượng Hải
Điểm đặc biệt, hai chiếc Đại Dư Đỉnh và Đại Khắc Đỉnh có niên đại thời Tây Chu, cuối thế kỷ 10, trước Công nguyên, có minh văn trước thời Tần Thủy Hoàng thống nhất giang sơn, là sở hữu của một chủ nô lệ họ Khắc cách đây 3.000 năm, lại do một tư nhân hiến tặng bảo tàng. Truyền thống quyên góp, hiến tặng hiện vật cho bảo tàng có từ rất lâu tại bảo tàng này. Những sưu tập do dân hiến tặng dường như là nguồn sinh lực để Bảo tàng Thượng Hải luôn trẻ trung và dồi dào sức sống. Gần đây, một thương gia Hồng Kông tặng một chiếc bình sứ thời Ung Chính, thế kỷ 18, thời nhà Thanh, giá trị lên tới 40 triệu đô la Hồng Kông và sắp sửa bảo tàng nhận một sưu tập gương đồng do một Hoa Kiều Mỹ tặng, giá trị nhiều triệu đô la. Sự hiến tặng những cổ vật và tác phẩm mỹ thuật cho bảo tàng của các cá nhân, đều được hưởng những quyền lợi của chính quyền từ vật chất, tới tinh thần, trong đó có cả việc đảm bảo đời sống cho những người già cả, tạo điều kiện đất đai cho các doanh nhân kinh doanh hoặc ưu tiên những dự án của thành phố cho họ được tham gia… Đó là những hành lang thông thoáng khiến cho bảo tàng luôn được bổ sung hiện vật từ các nhà hảo tâm. Dẫu như thế, bảo tàng hàng năm vẫn bỏ ra nguồn kinh phí lớn để mua cổ vật từ những cuộc đấu giá, từ những sưu tập tư nhân để làm phong phú cho bảo tàng, bởi nguồn sưu tầm duy nhất trông cậy vào hai phương thức mua và được hiến tặng, rất ít từ những cuộc khai quật khảo cổ học cung cấp hiện vật về bảo tàng, bởi ở Thượng Hải rất nghèo di tích, do thành phố này vốn từ làng chài nghèo đi lên.
Bên trong Viện bảo tàng với 10 khu triển lãm tại 5 tầng lầu, diện tích 39,000 thước vuông.
Với một phong cách trưng bày hàn lâm và truyền thống, với những sưu tập đồ đồng cổ có hạng quốc gia và quốc tế, với những đồ gốm sứ đặc sắc, đồ gỗ cổ đời Minh đặc biệt, sưu tập tiền cổ hoàn hảo, tranh và thư pháp của những danh họa thời Tống, Nguyên, Minh… cùng với phương tiện thiết bị hiện đại, hàng năm, bảo tàng thu hút hàng triệu lượt khách tham quan. Đó như là một tấm gương cho các bảo tàng Việt Nam học tập, nhưng vô cùng khó khăn, khi đầu tư cơ sở vật chất của họ tới tầm, khi những sưu tập hiện vật của họ mang tầm vóc quốc gia và quốc tế, khi khách vào tham quan được miền phí, khi công chúng của thành phố có chất lượng cuộc sống cao và du khách quốc tế đến đây hàng năm có tới 10 triệu lượt.
Bảo tàng Thượng Hải, với kiến trúc hiện đại mang đường nét cổ kính và tư duy truyền thống Trung Hoa, như một điểm nhấn giữa lòng phía Tây thành phố, hòa nhập được với kiến trúc thời Tô giới, của thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, như một sự đối sánh phía bên kia sông Hoàng Phố, khu phố Đông, với nhiều kiến trúc tân kỳ, ngạo nghễ các cao ốc, nhưng dường như vẫn không mất đi vẻ đẹp của Thượng Hải - một thành phố được coi là năng động nhất hiện nay của Trung Quốc. Một trong những điểm năng động ấy là Bảo tàng Thượng Hải mà tôi mới chỉ giới thiệu được đôi nét thoáng qua.
TS Phạm Quốc Quân