Bảo tàng quốc gia Brazil – Di sản đã mất

Bảo tàng quốc gia Brazil là tổ chức khoa học lâu đời nhất của Brazil, là một trong những viện bảo tàng lịch sử tự nhiên và nhân chủng học lớn nhất của châu Mỹ. Bảo tàng được Nhà vua Joao VI của Bồ Đào Nha thành lập ngày 6-6-1818 khi ông đến Rio de Janeiro và xem đây như một phần của Hoàng gia. Năm 2018 là năm đánh dấu mốc 200 năm hình thành và phát triển Bảo tàng. Nơi đây được mệnh danh là “viên ngọc quý” của văn hóa Brazil.

Tòa nhà Bảo tàng quốc gia Brazil nằm ở phía Bắc thành phố Rio de Janeiro, tọa lạc tại Công viên Quinta da Boa Vista, trong Cung điện São Cristóvāo được xây dựng vào  đầu thế kỷ XIX. Ban đầu, cung điện được xây tặng cho gia đình hoàng gia Bồ Đào Nha. Sau đó, các đời hoàng đế Pedro I và Pedro II của Brazil đã sinh sống ở đây cho đến khi đất nước thay đổi thể chế chính trị, trở thành một nước cộng hòa. Cung điện sau đó được sử dụng làm tòa nhà của Bảo tàng quốc gia Brazil từ năm 1892 và đã được vinh danh là Di sản quốc gia Brazil vào năm 1938. 

Bảo tàng quốc gia Brazil là nơi trưng bày 20 triệu hiện vật giá trị thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như nhân chủng học, sinh học, khảo cổ học, dân tộc học, địa chất và động vật học có niên đại tới 11.000 năm. Một trong những hiện vật nổi tiếng nhất của Bảo tàng được biết đến chính là “Luzia” - mẫu vật sọ người phụ nữ ở độ tuổi trưởng thành đã được lưu trữ hơn 11.000 năm. Bảo tàng quốc gia Brazil cũng là nơi lưu trữ một bộ sưu tập vô cùng ấn tượng các hiện vật Ai Cập cổ đại bao gồm xác ướp, tượng và các bảo vật chạm khắc đá. Đây là một trong những bảo tàng đón lượng khách tham quan hàng năm lớn và ổn định nhất tại đất nước này, kể từ sau khi trở thành nơi nghị định độc lập của Brazil được ký kết vào năm 1822.

Bảo tàng vừa kỷ niệm 200 năm thành lập vào tháng 6-2018. Ảnh: REUTERS

Ngay sau khi đóng cửa vào ngày 2 tháng 9 năm 2018, một đám cháy lớn xảy ra, vươn tới cả ba tầng của tòa nhà Bảo tàng quốc gia. Nhân viên cứu hỏa được gọi vào lúc 19:30 giờ địa phương, họ nhanh chóng đến hiện trường. Đội cứu hỏa đã đi vào bên trong tòa nhà đang cháy để cứu người và giải cứu hiện vật. Hai xe cứu hỏa có thang đảo chiều đã được sử dụng, cùng với hai xe tải nước thay phiên nhau cấp nước. Đội ngũ nhân viên Bảo tàng cũng lao vào đám cháy để có thể cứu được các hiện vật quý giá. Ngọn lửa lớn bùng cháy dữ dội, các nhân viên cứu hỏa nỗ lực chống chọi nhưng không thể khống chế được ngọn lửa. Một nhóm chuyên gia cứu hỏa đã vào tòa nhà lúc 21:15 để cố ngăn chặn lửa lan tới các khu vực khác, và đánh giá mức độ thiệt hại. Tuy nhiên, đến 21:30, toàn bộ tòa nhà đã chìm trong biển lửa, bao gồm cả phòng triển lãm, các phòng Hoàng đế ở hai khu vực ở phía trước tòa nhà chính. Bốn nhân viên bảo vệ đang làm nhiệm vụ tại Bảo tàng may mắn thoát khỏi đám cháy, không có báo cáo về thương vong. Lực lượng chức năng cho biết đám cháy bùng phát nhanh do nhiều vật liệu dễ cháy trong Bảo tàng, 2 vòi nước bên ngoài Bảo tàng không hề có nước trong lúc xảy ra hỏa hoạn và lực lượng này đã phải lấy nước ở một hồ lân cận để chữa cháy. Nhiều nhân viên Bảo tàng cho rằng, công tác cứu hỏa không hiệu quả là do Bảo tàng không hề có hệ thống chữa cháy, trong khi hệ thống điện tại đây cũng đã quá lỗi thời. Đến nay, nguyên nhân vụ hỏa hoạn này vẫn chưa được xác định. Trước khi có một cuộc điều tra về nguyên nhân của vụ hỏa hoạn, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Brazil Sergio Leitao cho rằng có thể do lỗi chập điện hoặc đèn trời, phổ biến ở Brasil, vô tình hạ xuống tòa nhà. Ông Luiz Duarte, Phó Giám đốc Bảo tàng cho biết, đám cháy xảy ra là điều tất yếu bởi Bảo tàng đã bị Chính phủ liên bang “lãng quên”. Với việc cắt giảm ngân sách liên tục kể từ năm 2014, Bảo tàng đã không được cấp kinh phí 520.000 real Brasil (tương đương 127.000 USD) mỗi năm cho các hoạt động của mình. Năm 2015, Bảo tàng phải đóng cửa tạm thời vì không có kinh phí để thanh toán được dịch vụ lau chùi và thuê nhân viên an ninh. Việc sửa chữa một phòng triển lãm cũng phải huy động đóng góp từ cộng đồng. Đến năm 2018, ngân sách để duy trì hoạt động của Bảo tàng đã bị cắt giảm 90%. Trước khi vụ hỏa hoạn xảy ra, tòa nhà Bảo tàng đã có những dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng, các bức tường bong tróc, đổ nát, hệ thống điện cũ kỹ, lạc hậu…Trong nhiều năm, Ban Giám đốc Bảo tàng phải liên tục đấu tranh với Chính phủ để có đủ nguồn lực duy trì hoạt động của Bảo tàng. Tháng 6 năm 2018, Bảo tàng tổ chức lễ kỷ niệm lần thứ 200 mà không có đại diện nào của Chính phủ đến tham dự.

Sau khi xảy ra vụ hỏa hoạn, Tổng thống Brasil Michel Temer đã nhanh chóng bày tỏ sự tiếc nuối trước sự mất mát văn hóa này, ông gọi đây là sự mất di sản lịch sử và văn hóa: “Đây là một ngày đau thương của Brazil. Không thể đong đếm được mất mát về toàn bộ các hiện vật trưng bày trong Bảo tàng”; “Hai trăm năm làm việc, nghiên cứu và kiến thức đã bị mất. Đây là một ngày buồn cho tất cả người dân Brazil”.

Đứng trước nỗi mất mát lớn từ Bảo tàng quốc gia, nhiều người yêu lịch sử, văn hóa và khoa học tại Brazil tỏ ra vô cùng đau buồn. Bên ngoài đống đổ nát, nhiều người dân Brazil đã tụ tập thành những đám đông lớn chứng kiến những cổ vật được giải cứu khỏi lớp tro bụi. Một số khác tổ chức biểu tình, kêu gọi nhà nước Brazil cũng như chính quyền liên bang Rio giảm bớt chính sách “thắt lưng buộc bụng” và quan tâm nhiều hơn cho việc bảo trì và phát triển những địa điểm di sản văn hóa. Bảo tàng quốc gia Brazil cũng không phải viện bảo tàng đầu tiên tại nước này phải hứng chịu đợt hỏa hoạn nghiêm trọng. Vào năm 2015, một ngọn lửa lớn đã thiêu rụi và phá hủy hoàn toàn Bảo tàng Ngôn ngữ Bồ Đào Nha uy tín tại Sao Paolo.

Thu Hà

Top