Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá - Câu chuyện làm bảo tàng thôn đầu tiên

Nhân dân thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội, đã chung sức chung lòng lập nên Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá. Đây là loại bảo tàng đầu tiên của cộng đồng một thôn/ một làng nhằm bảo tồn và giới thiệu một di sản truyền thống của mình. Đây cũng là loại bảo tàng đầu tiên về một làng nghề ở Hà Nội.

Bảo tàng kể câu chuyện gì?

Bảo tàng này cố gắng tập trung kể câu chuyện về nghề nhiếp ảnh ở Lai Xá với mong muốn trả lời nhiều câu hỏi như làm thế nào ông tổ nghề ảnh của làng và những học trò của ông có thể làm cho làng trở thành một làng nghề, dân làng có kiếm sống được bằng nghề ảnh? Họ đã xây dựng thương hiệu ảnh của mình như thế nào? Những người Lai Xá đã đóng góp như thế nào vào sự phát triển văn hoá ảnh ở nước ta?


Một góc Bảo tàng Lai Xá - Hoài Đức - Hà Nội

Tòa nhà Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá được dân làng dự kiến xây 3 tầng nhưng ở giai đoạn đầu hiện nay, do hạn hẹp về kinh phí nên mới chỉ hoàn thành được 2 tầng, khoảng gần 300 m2. Trưng bày chính ở hai tầng này có kết cấu mở đầu và 6 chủ đề nội dung chính. Tầng 1 là nơi đón tiếp khách và là phần mở đầu của Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá, nơi giới triệu chung về bảo tàng. Bảo tàng tái hiện lại biểu tượng một phòng chụp ảnh theo phong cách xưa.

Khách thăm quan có thể thấy ở đây một chiếc máy ảnh cổ, hộp gỗ trên một chiếc giá 3 chân, tường phía trước ống kính máy ảnh là phông vẽ cảnh quan tuỳ sở thích của khách mà lựa chọn cảnh để chụp ảnh. Khách thăm quan có thể chiêm ngưỡng những bức ảnh đẹp của những người Lai Xá yêu thích ảnh hiện nay treo trên tường dọc theo cầu thang khi di chuyển lên tầng 2 xem nội dung trưng bày chính. Những thành viên của Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Lai Xá có thể thường xuyên thay đổi các bức ảnh nghệ thuật (khoảng 20-30 bức) của mình ở ngay không gian này, tạo cho khách thăm mỗi khi trở lại bảo tàng luôn tìm được cái mới.

Toàn bộ trưng bày chính của bảo tàng được thể hiện trên tầng 2. Ở đây chia thành nhiều không gian nhỏ, mỗi không gian là một chủ đề riêng. Không gian đầu tiên có tên gọi: Tổ nghề nhiếp ảnh Lai Xá. Ở đó giới thiệu về cuộc đời cụ Nguyễn Đình Khánh với dấu mốc đặc biệt mở hiệu ảnh có tên Khánh Ký đầu tiên vào năm 1892 ở phố Hàng Da, Hà Nội. Ở đây trưng bày một vài bức ảnh do cụ Khánh chụp; một ống kính máy ảnh đã từng được cụ Khánh sử dụng. Tương lai ở đây sẽ có bộ tai nghe để khách thăm quan có thể nghe những câu chuyện về ông tổ nghề. Một pano lớn bằng sơ đồ kể về việc ông tổ nghề cùng các học trò của mình đã gây dựng nên một mạng lưới những người Lai Xá làm nghề ảnh. Lần đầu tiên một sơ đồ về các học trò của cụ Khánh đã phát triển nghề ảnh cho các thế hệ sau được thể hiện, trong đó cho thấy các mối quan hệ thân tộc, thích tộc giữ một vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hình thành mạng lưới này.

Nhiều du khách quốc tế tới tham quan Bảo tàng.

Không gian thứ hai là chủ đề về các hiệu ảnh xưa. Ở đây khách thăm có cơ hội được tiếp cận với một số hiệu ảnh nổi tiếng của người Lai Xá suốt 5 thập niên của thế kỷ 20 cho đến 1975. Hiệu ảnh xưa nhất được giới thiệu là Phúc Lai ảnh viện, được cụ Nguyễn Văn Đính mở từ 1924-1925 ở Hải Phòng. Các hiệu ảnh của người Lai Xá được phân bố khắp nơi trong cả nước. Hà Nội có Central Photo trong chuỗi Phúc Lai ảnh viện, Luminor photo của cụ Nguyễn Văn Chành, Nam Định có Minh Tân của cụ Nguyễn Văn Bối, Hải Phòng có Tân Lai của hai anh em Phạm văn Tám và Phạm Văn Mười. Trưng bày còn kể câu chuyện người Lai Xá theo cụ Khánh Ký vào lập nghiệp ở Sài Gòn từ những năm 1920 và dần dần trở thành một cộng đồng người Sài Gòn gốc Lai Xá với trên dưới nghìn người. Hai hiệu ảnh ở Sai Gòn được chọn giới thiệu là Thiên Nhiên ảnh viện của cụ Nguyễn Duy Niên và Viễn Kính ảnh viện của ông Đinh Tiến Mậu

Cũng trong không gian này du khách có thể tìm hiểu về nhiếp ảnh của người Lai Xá ở miền Bắc VN trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đó là những hợp tác xã nhiếp ảnh, nơi những người chủ và người thợ ảnh ở các cửa hiệu được tập hợp lại để làm ăn tập thể. Các HTX này được giải thể vào cuối những năm 1980 khi công nghệ kỹ thuật số tạo ra thế hệ máy ảnh mới thay thế các máy ảnh cổ truyền du nhập vào nước ta. Đó là các hiệu ảnh của nhà nước- hiệu ảnh quốc doanh, nơi lúc đầu hợp doanh một số hiệu ảnh lớn của tư nhân với vốn của nhà nước hoặc các hiệu ảnh chỉ do nhà nước đầu tư. Trưng bày cũng giới thiệu một phác thảo về nghề ảnh Lai Xá thời hội nhập.

Không gian thứ ba dành cho du khách khám phá bếp núc của nghề ảnh, đặc biệt nghề ảnh thời chiến tranh. Không gian này được tạo dựng chật hẹp, với vẻ tù túng như trong căn buồng tối in phóng ảnh xưa. Cũng chính vì thế khách thăm sẽ bất ngờ khi bước vào căn phòng rất hẹp lại dùng ánh sáng đỏ, như mầu đèn đỏ trong buồng tối tráng phim, rửa ảnh. Ở đây còn trưng bày một số máy ảnh, thuốc ảnh, máy phóng ảnh và kỹ thuật chấm sửa ảnh bằng tay. Du khách được trải nghiệm để hiểu người Lai Xá đã vượt qua những khó khăn khan hiếm thuốc ảnh, giấy ảnh thời chiến như thế nào để vẫn có thể phục vụ nhu cầu ảnh của nhân dân và đất nước, vẫn tạo ra được những bức ảnh gây xúc động lòng người.

Từ phòng tối bước ra không gian thứ tư thoáng đãng hơn, mở ra một khu trưng bày với một phong cách khác. Ở đây giới thiệu một số sản phẩm ảnh của các bậc tiền bối. Những sản phẩm này được phân loại và kể theo một số chuyên đề về ảnh, đó là ảnh chân dung, ảnh thờ, nghệ thuật ảnh sáng trong chụp ảnh, ảnh ghép và ảnh tô mầu bằng tay. Những bức ảnh này cho thấy phần nào nghệ thuật và thẩm mỹ chụp ảnh, làm ảnh của người Lai Xá. Bằng con mắt, trí thông minh và đôi bàn tay khéo léo người Lai Xá đã góp phần hình thành và phát triển văn hoá ảnh ở nước ta, từ việc gây dựng nhu cầu về ảnh, kỹ thuật chụp ảnh, buôn bán vật tư ảnh cho đến sáng tạo các tác phẩm về ảnh có giá trị cho quá khứ, hiện tại và tương lai.

Không gian thứ năm, không gian cuối cùng của Bảo tàng NALX nói về nghề ảnh với người Lai Xá hiện nay. Mặc dù rất khó khăn trong việc thích ứng với thời đại kỹ thuật số, người Lai Xá vẫn kiên trì nghề ảnh của cha ông. Câu lạc bộ nhiếp ảnh Lai Xá được thành lập để giúp vực dậy khi nghề ảnh của làng có lúc có nguy cơ xuống dốc. CLB đã tập hợp và đào tạo một thế hệ trẻ những người yêu nghệ thuật ảnh. Trưng bày giới thiệu một số hoạt động và những bức ảnh đẹp của các thành viên Câu lạc bộ. Khách thăm có thể hiểu nghề ảnh Lai Xá hiện nay qua bốn hiệu ảnh của người Lai Xá ở ngay trong không gian của thôn- phố Lai Xá (hiệu Văn Lai, Sơn Hà, Thủ Đô, Đức Lai), một hiệu ảnh ở nội thành Hà Nội (hiệu ảnh 441 Bạch Mai) đang hành nghề hàng ngày. Hiệu ảnh Mỹ Lai ở Sài Gòn kiên trì giữ vững tên thương hiệu của mình suốt hơn 80 năm qua, là một biểu tượng đẹp của truyền thống ảnh Lai Xá cũng được giới thiệu trong không gian cuối cùng này. Kết thúc phòng trưng bày khách thăm quan có dịp hiểu thêm một truyền thống mới của nghề ảnh Lai Xá, đó là việc hình thành và phát triển những thế hệ phóng viên nhiếp ảnh và làm nghệ thuật từ thời chiến tranh cho đến hiện tại.

Bên trong Bào tàng Nhiếp ảnh Lai Xá.

Khi xuống cầu thang ra về, du khách lại một lần nữa chiêm ngưỡng những tác phẩm ảnh nghệ thuật của người Lai Xa được treo dọc cầu thang với một cảm giác và nhận thức khác với lúc đến ban đầu chưa thăm Bảo tàng NALX.

Toàn bộ trưng bày của Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá đã sử dung khoảng 140-150 tấm ảnh, 25 pano bài viết dẫn dắt trưng bày và 14-15 tủ kính, bàn trưng bày với khoảng 100-150 hiện vật.

Ý tưởng về xây dựng Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá có từ khi nào?

Vào khoảng năm 2012-2013 khi Bảo tàng NVH đang xây dựng ông Đặng Tích, 85 tuổi, thường hay đến gặp chúng tôi chia sẻ những thông tin về lịch sử, văn hoá của làng và tôi cũng chia sẻ với ông về cách làm bảo tàng, về việc sưu tầm, xử lý các tư liệu hiện vật liên quan tới BT. Qua câu chuyện tôi được biết ông Đặng Tích là một pho sử sống về làng Lai. Từ khi về hưu ông say mê tìm hiểu và sưu tầm nhiều thông tin về làng, về nghề ảnh, về cụ Khánh Ký, ông tổ nghề ảnh của làng, về những hiệu ảnh xưa. Sự nhiệt tình của ông truyền sang tôi. Tôi tự hỏi và trao đổi với ông Tích tại sao không thành lập BT nhiếp ảnh Lai Xá khi làng có kho tài liệu, thông tin về nghề ảnh vô cùng phong phú? Tại sao làng có nhiều tiềm năng phát triển du lịch lại không nắm lấy cơ hội này?

Ông Đặng Tích là người đầu tiên trong làng nhận ra câu chuyện về sự cần thiết phải làm một bảo tàng về nghề ảnh nên đã trao đổi với lãnh đạo thôn. Khi đó các ông Nguyễn Văn Dần, bí thư chi bộ thôn, ông Lê Văn Nhật, trưởng thôn, Phí Văn Kim, phụ trách Mặt trận thôn, Nguyễn Văn Thắng, chủ nhiệm câu lạc bộ làng nghề đều nhận thấy rằng ý tưởng này hoàn toàn phù hợp với nguyện vọng của dân làng đang muốn phát huy các giá trị di sản văn hoá của mình. Các ông đã nhanh chóng biến ý tưởng thành lập BT NALX thành quyết tâm của chi ủy, chi bộ và của nhân dân thôn Lai Xá.

Năm 2015 nhân ngày giỗ cụ Khánh Ký, thôn đã tổ chức một cuộc tọa đàm/ hội thảo khơi gợi vấn đề về bảo tàng nhiếp ảnh Lai Xá và được đông đảo các cơ quan, đoàn thể, khách tham dự ủng hộ. Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, ông Vũ Quốc Khánh, Chủ tịch Hội NSNA Hà Nội, ông Đặng Đình An, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Lưu Duy Dần, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Di sản VN Đỗ Văn Trụ, nhà nhiếp ảnh lão thành Hoàng Kim Đáng ... đều phát biểu ủng hộ và khuyến khích sáng kiến này. Thôn càng thêm quyết tâm và nhất quyết đầu tư XD BT NA LX. Chỉ 2 tháng sau hội thảo lễ khởi công xây dựng bảo tàng được thực hiện.

Quỹ đất xây dựng Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá lấy ở đâu?

Đất là một vấn đề nan giải nhất. Lấy đất ở đâu để xây dựng Bảo tàng NALX? Lãnh đạo thôn và nhân dân đã bàn bạc, đưa ra nhiều phương án rồi cuối cùng quyết định lấy khu đất nhà Hậu ở gần đình Đụn làm nơi xây dựng Bảo tàng NALX. Nhà Hậu là nơi thờ các cụ hậu, tức những người trong làng không có người thừa tự thờ cúng sau khi chết nên họ đã đóng góp ruộng, tiền mua đất, xây nhà, tiền để dân làng thờ phụng.

Đây là một truyền thống từ lâu của làng. Nhà Hậu là căn nhà gỗ, 3 gian, mái ngói, xung quanh có vườn nhỏ, đã bị bỏ hoang hoá lâu nay. Không nhớ từ bao giờ căn nhà này đã không có người đến thắp hương. Khuôn viên của căn nhà này rộng khoảng hơn 100m2. Khi quyết định lấy mảnh đất này làm BT, lãnh đạo thôn cũng quyết định dành một không gian trong toà nhà bảo tàng sẽ xây là phòng thờ các cụ Hậu, đặt bia Hậu. Việc làm này giải tỏa được tâm lý băn khoăn khi lấy nhà Hậu làm một việc khác nên được sự đồng thuận của dân làng.

Thiết kế Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá có gì đặc biệt?

Công ty Cổ phần đầu tư và tư vấn xây dựng Phúc Linh được chọn làm thiết kế nhà bảo tàng. Toà nhà được thiết kế 3 tầng. Lúc đầu dự định xây ngay Cả 3 tầng nhưng sau do hạn hẹp về kinh phí nên chỉ mới xây dựng 2 tầng.

Tầng 1 (140m2), ngoài một phòng dành riêng để thờ các cụ Hậu, là không gian đầu tiên tiếp cận với BT NALX. Ở đây có quầy lưu niệm, bàn thông tin và tái tạo một không gian mang tính sắp đặt về một phòng chụp ảnh xưa. Ở đó có một máy ảnh gỗ 3 chân với một phông phong cảnh vẽ tay làm nền để chụp ảnh.

Tầng 2 (125m2) dành toàn bộ cho nội dung trưng bày chính. Không gian này nhà thiết kế bỏ ngỏ không thiết kế ngay từng phòng riêng mà dành việc này cho nhà thiết kế nội thất trưng bày triển khai sau này. Đây là một việc làm rất tốt rút ra từ nhiều bài học mà các bảo tàng trước đây bị mắc phải, cứ chia phòng khi chưa biết sẽ trưng bày như thế nào. Trưng bày ở tầng 2 dự kiến sử dụng ánh sáng đèn là chính kết hợp với một chút ánh sáng trời. Ở đây nhà thiết kế nội thất kịp thời trao đổi với nhà thiết kế tòa nhà điều chỉnh cho không gian này chỉ có 2 cửa sổ hẹp chạy dọc từ trần xuống sát nền vừa lấy ánh sáng vừa gợi sự tò mò cho khách khi nhìn ra cửa sổ. Trên không gian này còn có một cửa sổ thiết kế kiểu tròn trong giống như một ống kính máy ảnh mà khách có thể ngắm nhìn mái đình xa xa qua cửa sổ-ống kính độc đáo này.

Thiết kế nội thất trưng bày BT NALX do nhóm chuyên gia Pháp, bà Veronique Dolfus và ông Patrick Hoarau chủ trì. Họa sĩ nội thất Đam Ca triển khai thiết kế chi tiết. Họ là những nhà thiết kế chuyên nghiệp có trình độ cao nên đã tạo ra một trưng bày có lộ trình hợp lý, mầu sắc hài hòa, bố cục các pano dễ xem.

Làm thế nào sưu tầm tư liệu hiện vật?

Thông tin về người và nghề ảnh Lai Xá rất phong phú. Khoảng 15-20 năm trước ông Đặng Tích đã dày công tìm hiểu, sưu tầm, viết thành tài liệu hay cung cấp tin cho các nhà báo hay những ai muốn viết về nghề ảnh Lai Xá. Những thông tin của ông cũng phần nào giúp nhà báo nhiếp ảnh lão thành Hoàng Kim Đáng có cơ sở để viết cuốn Lai Xá- làng nhiếp ảnh (NXB Chính trị QG, 2004). Những tài liệu ấy và cuốn sách này như là một sự chuẩn bị/sắp đặt sẵn, ngẫu nhiên trở thành nền tảng cho việc xây dựng nội dung của BT NALX tương lai. Tuy nhiên ấy mới chỉ là những thông tin. Bảo tàng cần hiện vật và những thông tin gắn với hiện vật. Vì thế cùng với quyết định xây dựng toà nhà bảo tàng, lãnh đạo thôn và CLB nhiếp ánh Khánh Ký đã tổ chức cuộc vận động cộng đồng nhiếp ảnh Lai Xá hiến tặng các hiện vật, tư liệu về nghề ảnh hoặc có liên quan. Ông Nguyễn Văn Thắng đến từng nhà vận động; ông Nguyễn Văn Nhật vào cả TP Hồ Chí Minh tìm gặp các chủ hiệu ảnh người Lai Xá. Cuộc vận động ngay lập tức đã được sự hưởng ứng, ủng hộ nhiệt tình của những thợ ảnh, nhà nhiếp ảnh, các chủ hiệu ảnh xưa và nay. Đặc biệt các thợ ảnh và nhà nhiếp ảnh lão thành rất nhiệt tình sưu tầm và tặng cho bảo tàng nhiều máy ảnh và các thiết bị khác của nghề ảnh. Hai anh em ông Phạm Văn Nên, Phạm Thành góp nhặt và sửa chữa các máy ảnh cổ, máy ảnh hộp gỗ chụp phim kính. Ông Phạm Văn Hưng, người có bàn tay vàng chấm sửa ảnh, đã tặng cho bảo tàng bộ chấm sửa ảnh của mình. Ông Phạm Thành, vua buồng tối, cũng tặng cho bảo tàng chiếc bàn chấm sửa ảnh được dùng trong nhiều năm. Ảnh là một loại hiện vật vô cùng quan trọng nếu không nói là quan trọng nhất của Bảo tàng NALX. Đó là sản phẩm cuối cùng của nghề phản ánh quan niệm cũng như kỹ thuật của người thợ ảnh, của cửa hiệu. Chính nhận thức được như thế, nhiều gia đình có truyền thống ảnh như con cháu của ông Phạm Văn Tám, Phạm Văn Mười (hiệu ảnh Tân Lai, Hải Phòng), ông Nguyễn Văn Bối (hiệu ảnh Minh Tân, Nam Định) mang đến cho bảo tàng nhiều bức ảnh quý được chụp vào những năm 1940... Bà Nguyễn Thị Tuyết tặng cho bảo tàng bức ảnh mình được chính bàn tay tài hoa của bố, ông Nguyễn Hữu Quý , người đã sáng tạo ra cách tô mầu dầu độc đáo vào những năm 1970 ở Sài Gòn. Có gia đình còn giữ được cả những bao đựng ảnh có in tên hiệu ảnh từ những năm 1940-1950 như Luminor photo, Minh Tân. Ông Đinh Tiến Mậu ở TP Hồ Chí Minh ủng hộ bảo tàng một kỷ vật quý của mình duy nhất còn lại là chiếc dập dấu nổi mang tên "Viễn Kính". Chính vì sự nhiệt tình của cộng đồng nhiếp ảnh chỉ trong một thời gian ngắn bảo tàng đã tiếp nhận được khá phong phú các loại hiện vật khác nhau cần thiết cho trưng bày tương lai.

Làm thế nào có được thông tin về hiện vật, câu chuyện nghề ảnh?

Bảo tàng không phải là nơi chỉ trưng bày các cổ vật. Trưng bày ở một bảo tàng hiện đại, dù lớn hay nhỏ, cũng đều đòi hỏi thông tin về hiện vật, nhất là làm rõ thông điệp và những câu chuyện muốn chuyển tải. Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá đã giải quyết việc này như thế nào? Tuy các hiện vật do cộng đồng hiến tặng đều hầu như không có thông tin nhưng chúng tôi hiểu rằng cộng đồng nhiếp ảnh Lai Xá là một mỏ có trữ lượng thông tin giầu có và phong phú. Mặc dù thế hệ thứ nhất những người Lai Xá đầu tiên làm ảnh đã qua đời từ lâu, nhưng may mắn vẫn còn vài người ở thế hệ thứ 2 dù cao tuổi vẫn minh mẫn, là nhân chứng sống không những hiểu về thế hệ thứ nhất mà còn chất chứa đầy kinh nghiệm suốt cuộc đời gắn với nghiệp ảnh. Những thế hệ 3, thế hệ 4 người thì đã về hưu, người đang hành nghề sống ở Lai Xá, ở các quận huyện Hà Nội, ở các thành phố Hải Phòng, TP HCM. Nhiều người có gia đình sống ở Pháp, Mỹ, Canada... Mỗi người là một pho chuyện về nghề. Mỗi nhà, mỗi gia đình là một bảo tàng sống. Họ có thể khó viết ra thành bài nhưng sẵn sàng kể chuyện, chia sẻ những hiểu biết, kinh nghiệm của mình. Làm thế nào để có thể thu thập được thông tin những thông tin quý ấy là băn khoăn, trăn trở của những người được giao nhiệm vụ chuẩn bị cho ra đời bảo tàng tương lai khi chính họ cũng rất bận rộn và lại thiếu kỹ năng thu thập thông tin cho trưng bày. Rất may mắn là Bảo tàng NA LX đã tìm được những tình nguyện viên (TNV) nhiệt tình. Các thầy cô giáo ở Khoa Di sản Văn hoá trường Đại học Văn hoá đã cho sinh viên tới thực tập và khuyến khích các em làm tình nguyện viên cho bảo tàng. Chính các TNV này cứ thứ 7, chủ nhật trong suốt nhiều tháng trời lại dành thời gian đi tới từng nhà các cụ, từng hiệu ảnh để gặp gỡ phỏng vấn về lịch sử cuộc đời những người thợ ảnh Lai Xá và những câu chuyện về đời về nghề của họ. Có những sinh viên, học viên cao học được hướng tới làm khóa luận tốt nghiệp về làng Lai Xá và nghề ảnh ở đây. Chúng tôi cũng dành những dịp hiếm hoi có mặt ở TP HCM để đi gặp gỡ những người đồng hương Lai Xá hoặc gọi điện thoại trực tiếp nghe kể về cuộc sống và những trải nghiệm về nghề ảnh của họ. Với những người Lai Xá ở Pháp và Mỹ như con cháu của các nhà ảnh nổi tiếng như Phúc Lai, Thiên Nhiên thì chúng tôi liên hệ với họ để lấy thông tin qua Internet. Từ những cuộc trao đi đổi lại nhiều lần bảo tàng chúng tôi không những có được những câu chuyện hay mà thu về được cả những files cho những bức ảnh đẹp. Cứ như vậy hình thành dần câu chuyện và những thông điệp chính của bảo tàng. Một thông điệp mà chúng tôi tâm đắc khi làm trưng bày này là nhằm trả lời cho câu hỏi tại sao và làm thế nào mà Lai Xá lại trở thành một làng nhiếp ảnh. Người Lai Xá biết đùm bọc, cưu mang nhau. Cội nguồn từ ông tổ nghề ảnh Khánh Ký. Cụ Khánh Ký đã đưa những người bà con họ hàng bên nội, bên ngoại cũng như bên vợ ở Lai Xá đến làm ở hiệu ảnh của mình. Từ đó ông đào tạo họ trở thành những thợ ảnh giỏi. Họ khi đã đủ sức thì ra mở hiệu ảnh riêng và cũng như người thày của mình họ lại tuyển dụng và cưu mang người Lai Xá, nhất là những trẻ em trong họ có hoàn cảnh khó khăn, sớm mồ côi cha mẹ mong muốn được đi làm để kiếm sống. Cứ như vậy thế hệ nối tiếp thế hệ kia mà Lai Xá trở thành một làng nhiếp ảnh.

Về ý nghĩa của Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá?

Có thời nghề làm ảnh lôi cuốn ước đến 80% số gia đình làng Lai Xá theo nghề. Nghề là một nguồn sống quan trọng của những người đàn ông Lai Xá. Mấy thế hệ người Lai Xá trong thế kỷ 20 đã được đào luyện nghề và tích lũy những kinh nghiệm nghề. Lớp thợ ảnh già muốn truyền lại kinh nghiệm cho thế hệ trẻ. Lớp trẻ không muốn nghề truyền thống của làng mất đi trước thách thức của kỹ thuật số thay thế nghề ảnh thủ công xưa. Làm bảo tàng dân làng muốn gửi gắm sự tôn trọng các bậc tiền bối và quyết tâm giữ nghề. Tuy nhiên không chỉ có vậy. Giống như nhiều làng quê khác ở xung quanh nội thành, Lai Xá hơn chục năm nay đang trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ. Người Lai Xá nay không còn ruộng vốn là nguồn sống chính nữa. Đất ruộng đã là nơi xây dựng các khu đô thị mới. Họ đang tìm kiếm cách chuyển đổi sinh kế. Dân làng Lai Xá mong muốn Bảo tàng mình cùng Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên, Gallery ảnh Nguyễn Anh Tuấn và những thế mạnh về di sản văn hoá truyền thống của làng, về sức sống của một làng quê đang thể hiện hàng ngày khi chuyển đổi từ sinh kế nông nghiệp làm lúa sang các hoạt động dịch vụ mới sẽ trở thành một điểm du lịch mới hấp dẫn của thành phố. Đó là một mô hình mà nhân dân thôn Lai Xá đang hướng đến.

Cách người dân Lai Xá tổ chức xây dựng bảo tàng và kể câu chuyện về nghề truyền thống của làng?

Dân làng Lai Xá tự đầu tư và vận động cộng đồng đóng góp xây dựng bảo tàng. Họ định xây dựng một bảo tàng 3 tầng nhưng mới đủ kinh phí xây dựng 2 tầng. Với 2 tầng có thể thỏa mãn được nhiều nội dung trưng bày bảo tàng. Bảo tàng kể nhiều câu chuyện như làm thế nào mà Lai Xá lại trở thành một làng nhiếp ảnh? Làm thế nào người Lai Xá lại tạo dựng được uy tín trong nghề nhiếp ảnh? Người ta giữ thương hiệu của mình như thế nào? Những lời chia sẻ của cộng đồng về lịch sử làng nghề, về kinh nghiệm làm ảnh của các thợ ảnh ở các thế hệ khác nhau là cách kể chuyện chính. Các câu chuyện được thể hiện bằng một phong cách trưng bày hiện đại và chuyên nghiệp.

Đánh giá về việc cộng đồng tự xây dựng bảo tàng và vai trò của các bảo tàng cộng đồng nói chung?

Việc cộng đồng tự xây dựng bảo tàng của thôn để tôn vinh một truyền thống thể hiện quyết tâm của cộng đồng bà con ở Lai Xá, nhất là ý chí quyết tâm của lãnh đạo thôn và của các thợ ảnh, nghệ sĩ nhiếp ảnh của làng. Đây là một hiện tượng mới, khi người ta đã nhận thức được rõ vai trò của bảo tàng có thể giúp họ thực hiện một trong những phương cách làm thay đổi cuộc sống, chuyển đổi phương thức kiếm sống của làng. Điều này thực hiện được là rất khó nhưng nếu vượt quâ được thì sẽ là một thành công lớn, một kinh nghiệm biến tiềm năng văn hóa thực sự thành động lực cho sự phát triển. Hà Nội đã có Đường Lâm, sao không thể có Lai Xá như những điểm du lịch mới của Thủ đô. Khó khăn với người Lai Xá, với Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá còn nhiều ở phía trước. Hy vọng các cấp các ngành văn hóa, du lịch của thành phố chung tay giúp đỡ thì nguyện vọng chính đáng của cộng đồng sẽ trở thành hiện thực.

PGS.TS Nguyễn Văn Huy

Nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam

Top