Bảo tàng Lịch sử quốc gia trưng bày chuyên đề: Châu Á - Những sắc màu văn hóa
Sự đa dạng sắc thái của văn hóa châu Á thể hiện trên nhiều khía cạnh khác nhau như phong tục, tập quán, lễ hội, tôn giáo, tín ngưỡng, kiến trúc, nghệ thuật, văn học, chữ viết, ẩm thực… Những sắc thái văn hóa này được định hình, phát triển bởi đặc điểm dân tộc, tôn giáo, không gian địa lý… đồng thời luôn được bồi đắp làm phong phú, rực rỡ sắc màu hơn trong quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa.
Nhằm giới thiệu tới khách tham quan trong và ngoài nước những gam màu kỳ thú trong bức tranh rực rỡ sắc màu của văn hóa Châu Á, Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức trưng bày chuyên đề châu Á - Những sắc màu văn hóa. Trưng bày giới thiệu gần 100 hiện vật tiêu biểu của 10 quốc gia châu Á hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia là Ấn Độ, Campuchia, Hàn Quốc, Indonesia, Lào, Myanmar, Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam.
Nước Cộng hòa Ấn Độ nằm ở khu vực Nam Á. Có 4 tôn giáo lớn được khai sinh tại Ấn Độ và truyền bá ra khắp thế giới, đó là Ấn Độ giáo, Phật giáo, Đạo Jaina và Đạo Sikh. Ấn Độ có một nền nghệ thuật tạo hình phát triển rực rỡ, ảnh hưởng tới nhiều nước Nam Á và Đông Nam Á. Hiện vật giới thiệu trưng bày là một số tác phẩm điêu khắc Phật giáo và Ấn Độ giáo bằng chất liệu đá và đồng.
Vương quốc Campuchia nằm bên bờ Vịnh Thái Lan, trong khu vực Đông Nam Á. Nền văn hóa, nghệ thuật Campuchia có lịch sử lâu đời và phong phú, thể hiện sự giao lưu rộng rãi với văn hóa Ấn Độ. Đền Angkor là một thành tựu rực rỡ của nghệ thuật kiến trúc Campuchia, đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới. Trưng bày tập trung giới thiệu những nét tinh hoa nghệ thuật trong các pho tượng, trang trí kiến trúc đền tháp thời kỳ Angkor.
Hàn Quốc là một quốc gia thuộc khu vực Đông Bắc Á, nằm ở nửa phía Nam của bán đảo Triều Tiên. Ngôn ngữ chính thức là tiếng Hàn. Khoảng một nửa dân số Hàn Quốc không theo tôn giáo, còn lại theo Phật giáo, Công giáo và Tin lành... Văn hóa truyền thống ở Hàn Quốc chịu ảnh hưởng bởi Phật giáo, Nho giáo và thể hiện sự giao lưu rộng rãi với văn hóa Trung Hoa. Hiện vật trưng bày là sưu tập hiện vật kiến trúc, đồ dùng sinh hoạt và đồ thờ cúng bằng gốm và đồng.
Cộng hòa Indonesia là một quốc đảo nằm ở khu vực Đông Nam Á. Văn hóa Indonesia thể hiện sự đa dạng và thống nhất trên cơ sở tương tác giữa văn hóa bản địa với các nền văn hóa ngoại sinh như Ấn Độ, Trung Hoa, Mã Lai… Ở nước này, múa rối bóng là một hình thức biểu diễn độc đáo và sống động. Rối bóng thường được biểu diễn dưới dạng truyện ngụ ngôn và thần thoại, trong các dịp lễ trọng đại.. Tới xem phòng trưng bày, khách tham quan sẽ có dịp thưởng lãm những con rối bằng da được làm cầu kỳ và mang dấu ấn văn hóa Indonesia đậm nét.
Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào là một quốc gia nằm sâu trong lục địa thuộc khu vực Đông Nam Á. Nền văn hóa Lào chịu ảnh hưởng mạnh của Phật giáo Thượng tọa bộ. Sự ảnh hưởng này được phản ánh trong ngôn ngữ, văn học và nghệ thuật… Sự phát triển của nghệ thuật Phật giáo ở Lào có mối tương quan mật thiết với quốc gia láng giềng Thái Lan, tuy nhiên phong cách bản địa đã dần được định hình với các pho tượng Phật ngày càng thon dần và tay chân rất dài. Hiện vật giới thiệu trong trưng bày là một số bức phù điêu và các pho tượng Phật bằng gỗ và đồng.
Nước Cộng hòa Liên Bang Myanma nằm ở khu vực Đông Nam Á lục địa. Dù có nhiều nền văn hóa bản địa tồn tại ở Myanma, nhưng văn hóa chiếm vị trí trọng yếu là Phật giáo và Bamar. Đạo Phật có ảnh hưởng rất lớn đối với đời sống, xã hội ở quốc gia này. Cuộc sống của người dân không tách rời các nghi lễ Phật giáo. Văn hóa Bamar từng bị ảnh hưởng từ các nền văn hóa các nước xung quanh. Nó được biểu hiện qua ngôn ngữ, ẩm thực, âm nhạc, nhảy múa và sân khấu. Hiện vật được lựa chọn trưng bày bao gồm một số tác phẩm điêu khắc Phật giáo, Hindu giáo và Đạo Not.
Nhật Bản là một quốc đảo hình cánh cung nằm ở Tây Thái Bình Dương với 4 đảo lớn là Hokkaido, Honshu, Shikoku, Kyushu. Văn hóa Nhật Bản từ truyền thống đến hiện đại là một nguồn mạch dồi dào giàu bản sắc, nhất quán trong đặc điểm dân tộc nhưng cũng nhạy bén trong giao lưu, ảnh hưởng với các nền văn hóa ngoại sinh khác ở cả châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ. Một số tác phẩm điêu khắc Phật giáo, đồ gốm sứ thời kỳ Edo và đồ sơn mài truyền thống Nhật Bản sẽ được đưa ra trưng bày để giới thiệu tới khách tham quan.
Vương quốc Thái Lan nằm ở khu vực Đông Nam Á. Là một trong những quốc gia Phật giáo lớn nhất tính theo tỉ lệ dân số nên văn hóa và nghệ thuật Thái Lan chịu ảnh hưởng sâu sắc từ Phật giáo. Điêu khắc truyền thống Thái Lan hầu như chỉ mô tả hình ảnh của Đức Phật. Trong văn hóa ứng xử, người Thái tỏ rõ sự sùng đạo, tôn kính hoàng gia và trọng thứ bậc cũng như tuổi tác. Nghệ thuật Phật giáo, sự phát triển và phong cách gốm sứ Thái Lan… sẽ được giới thiệu khái quát qua hiện vật trưng bày.
Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) nằm ở phía Đông châu Á, bờ Tây Thái Bình Dương. Văn hóa Trung Hoa là một trong những nền văn hóa lâu đời, liên tục, phong phú và đa dạng nhất trên thế giới. Sông Hoàng Hà là cái nôi hình thành nên một trong những nền văn minh sớm nhất của nhân loại với nhiều thành tựu nổi bật trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Đồ gốm sứ, đồ ngọc, đồ đồng ở Trung Quốc cho thấy một sự phát triển liên tục và là những hình thức quan trọng nhất của nghệ thuật Trung Quốc. Trưng bày sẽ giới thiệu khái quát về nghệ thuật gốm sứ, đồ ngọc và đồ đồng Trung Quốc.
Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam nằm ở phía Đông bán đảo Đông Dương, thuộc khu vực Đông Nam Á. Là quốc gia đa tôn giáo, tín ngưỡng với các tôn giáo chính là Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Cao Đài, Hòa Hảo… Bên cạnh đó, một phong tục, tập quán lâu đời phổ biến nhất của người Việt Nam là thờ cúng tổ tiên. Việt Nam có một nền văn hóa lâu đời, thống nhất và đa dạng, phát triển trên nền tảng văn hóa bản địa vững chắc và giao lưu, tiếp biến với văn hóa Trung Hoa, Ấn Độ, phương Tây.
Trưng bày mở cửa đón khách tham quan từ ngày 8 tháng 10 năm 2013 và kéo dài đến cuối tháng 12 năm 2013. Cuộc trưng bày này cũng là sự kiện chào mừng Hội nghị lần thứ 4 Hiệp hội các Bảo tàng quốc gia Châu Á, tổ chức tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia từ ngày 7 đến ngày 9 tháng 10 năm 2013.
ThS Nguyễn Quốc Hữu